Thứ Năm, tháng 7 05, 2012

PHÁO ĐÀI RẠCH CÁT

      Vào năm 1903, tại làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ ,tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long an), hương sư Trần Văn Hoa cho khánh thành ngôi nhà gỗ “trăm cột”. Đây là một kiến trúc độc đáo theo kiểu nhà rường miền Trung nhưng rất lớn và được trang trí tinh xảo. Sự hiện diện của “nhà trăm cột” giữa một vùng làng quê hẻo lánh cho thấy tầm cỡ về tiền bạc cũng như tầm cỡ về văn hóa của giới điền chủ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ trước. 

    Cùng thời gian đó, cách “nhà trăm cột” chừng 4 km, trên một mũi đất vùng cửa sông Cần Giuộc, người Pháp khởi công xây dựng một công trình quân sự đồ sộ, có khả năng khống chế bằng hỏa lực pháo binh cả một vùng rộng lớn ven biển Cần Giờ, Long An, Tiền Giang. Đó là pháo đài Rạch Cát, còn gọi là đồn Rạch Cát hay đồn Rạch Cốc. 
     
    Tình cờ khi hai công trình đặc biệt cùng xuất hiện một nơi, nhưng mang nội dung, ý nghĩa trái ngược nhau. Ngày nay cả hai đều là di tích lịch sử đã được xếp hạng. Tuy nhiên, khác với “nhà trăm cột”, đồn Rạch Cát chưa được giới thiệu nhiều, di tích còn lại cũng đã bị hủy hoại, chưa được gìn giữ và tôn tạo xứng đáng. 

     Qua tham quan thực tế và tìm hiểu trên internet, chúng tôi xin giới thiệu một vài nét khái quát về công trình độc đáo này. 

Vị trí: 

     Pháo đài đặt trên mũi đất nơi sông Cần Giuộc đổ ra cửa Soài Rạp (dấu +). Đây là vị trí hiểm yếu trực tiếp khoá chặt cửa sông Soài Rạp, không cho tàu thuyền xâm nhập vào Nhà Bè, Sài Gòn. Mặt khác, hỏa lực từ pháo đài, với tầm bắn trên 20 km (vòng tròn trên bản đồ), sẽ kết hợp với các pháo đài ở Vũng Tàu kiểm soát cả vùng cửa biển, tới tận vịnh Gành Rái. 

  Về phía đất liền, pháo đài có thể khống chế khu vực Cần Guộc, Gò Công, về phía tây tới sát Quốc lộ 1, về phía bắc tới sát Sài Gòn. Qua nhiều lần tiến đánh thành Gia Định, xâm lược Nam Bộ, người Pháp đã tỏ ra có thừa kinh nghiệm khi chọn đặt pháo đài tại vị trí này. 





Cấu trúc: 

   Pháo đài có hình cung, đối xứng, chiều dài khoảng 300 m, bề ngang khoảng 100 m. Hai bên cánh là nơi đặt các khẩu pháo, khu vực giữa là đài chỉ huy, kho tàng, nhà ở. 




   Pháo đài gồm 5 tầng, 2 tầng nổi và 3 tầng ngầm, được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố, tường dày từ 60-80 cm. Cửa pháo đài và cửa các phòng đều bằng sắt dày. Khác với các pháo đài ở Vũng tàu, do địa hình thấp nên các kho tàng đạn được ở Rạch Cát đều xây nổi, vì vậy chúng được làm rất chắc chắn để chống bom đạn. 
  





    Xung quanh pháo đài có hào nước rộng. Hào nước có kênh thông ra bến sông. Kênh và hào nước cũng là đường chính vận chuyển vật liệu, vũ khí, đạn dược, quân lương vào pháo đài. Hệ thống hào nước đã bị bồi lấp gần hết. Để tới pháo đài hiện nay dùng đường bộ. Đường đi cũng khá thuận tiện, nhất là khi cầu Kinh Nước mặn đã được xây dựng. 



    Xung quanh còn có hệ thống các lô cốt bảo vệ từ xa, cách pháo đài chính vài trăm mét. Hệ lô cốt này nay chỉ còn sót lại rất ít. 





    Theo lời kể của các bậc cao niên ở địa phương, bên dưới pháo đài còn có đường hầm thông ra sông, cửa hầm lắp kính để có thể quan sát dưới nước, phát hiện tàu ngầm. Sau này cửa kính vỡ, bùn đất tràn vào lấp mất đường hầm và tầng dưới của pháo đài. 

   Việc xây dựng pháo đài rất công phu và tốn kém, từ vận chuyển vật liệu đến việc xử lý nền đất yếu. Công việc kéo dài trong khoảng từ năm 1903 - 1914 mới hoàn thành. Chi phí xây dựng hết 7 triệu francs (trong khi chi phí xây dựng nhà hát lớn Hà Nội cùng thời kỳ đó là 2 triệu francs) 

Hỏa lực 

   Hệ thống hỏa lực của pháo đài rất mạnh. Hỏa lực chính là hai tháp pháo hai bên cánh. Mỗi tháp pháo đặt hai khẩu canon 240 mm 93-96. Đây là loại pháo hạm do Pháp sản xuất, đặt trên tàu chiến. Sau đó được sửa đổi đặt trên toa tàu hỏa và cũng được đặt cố định tại một số pháo đài bờ biển. Mỗi khẩu pháo nặng 140 tấn (loại đặt trên toa xe), đạn nặng 162 kg, tầm bắn lớn nhất là 22,7 km.

   Tháp pháo kiểu Schneider bằng thép dày, mỗi tháp đặt hai khẩu pháo song song, tháp có thể quay vòng tròn. Đến nay, đã hơn 100 năm mà tháp pháo tại Rạch Cát vẫn vững chắc, không bị han rỉ. Tiếc rằng các khẩu pháo trong tháp đều không còn. Chúng ta có thể hình dung sự đồ sộ của chúng qua hình ảnh của loại tháp pháo tương tự, hiện còn ở Dakar, Senegan. 








   Các hỏa lực bổ trợ gồm: ba khẩu đội phòng không 75 mm 1897, mỗi khẩu đội hai pháo và hai khẩu đội pháo 95 mm 1888, mỗi khẩu đội hai pháo. 


  Trung tâm pháo đài có đặt thiết bị điều khiển hoả lực và máy đo xa 5 mét (máy đo xa cỡ lớn, có chiều dài ống kính là 5m). Tại đây cũng có khẩu đội pháo phòng không 75 mm 1897/1916. 

  Các vũ khí này hiện nay đều không còn, chỉ còn dấu vết của bệ pháo. 
  
    Pháo đài có một đèn chiếu 90(?) để bắn đêm. Hoả lực phòng thủ gồm mười súng máy 8 mm. Tất cả những vũ khí này đều được gửi từ Pháp và bố trí trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Riêng các tháp pháo 240 mm thì còn được tiếp tục hoàn thiện về sau. 

    Pháo đài dự kiến sẽ trang bị lại sau khi xây dựng 20 năm, nhưng đến năm 1940 mới được thực hiện, khi chuẩn bị Thế chiến II. Để tăng cường hoả lực cho pháo đài, người ta xây ở hai đầu hồi của pháo đài hai ụ pháo lộ thiên. Trong mỗi ụ đặt một khẩu pháo cỡ 138 mm. Đây là một loại pháo hạm hiện đại, bán tự động, có tốc độ bắn cao, tầm bắn 18,2 km, đạn nặng 40 kg. Hai khẩu pháo này hiện nay vẫn còn nhưng đã hư hỏng hoàn toàn. 





    Các vũ khí, trang bị tại pháo đài vẫn còn sử dụng đến năm 1945. Sau đó thì bị quân Nhật, rồi Việt Minh chiếm giữ và bị phá hoại gần hết. 

    Hiện nay pháo đài vẫn đang là địa điểm quân sự, do một đơn vị pháo binh của tỉnh đội Long An đóng quân. Muốn tham quan pháo đài phải xin phép cơ quan chức năng. Cũng không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Mặt khác, di tích còn lại không nhiều, cây cối um tùm che khuất tầm nhìn nên khách tham quan khó hình dung hết giá trị lịch sử và quy mô của pháo đài.
Đọc thêm!