Chủ Nhật, tháng 5 21, 2017

     Con đường xưa “Em” đi. 
     “Em” ở đây là đồng chí Năm Em, bạn của BT. 
   “Con đường xưa” ở vùng quê Cần Đước, Long An, không xa Thành phố. 
     BT biết con đường đó cách nay ba chục năm, qua những lần về thăm nhà đ/c Em.
     Hồi đó phương tiện di chuyển là xe đạp. Hành trình năm chục cây là vừa vặn cho một chuyến đi trong ngày kết hợp thăm hỏi + điền dã + giao lưu (nhậu). Từ quốc lộ, quẹo sang đường đất, cuối cùng phải qua một khúc bờ ruộng dài chừng trăm mét mới tới nhà. Khúc đường rộng ba gang, lượn quanh ruộng lúa, mùa khô thì nứt nẻ, mùa mưa thì trơn trượt, lúc vào thấy cũng nên thơ, nhưng lúc ra thực sự là ám ảnh, bởi vì tài xế khi đó đã ở trạng thái nhìn một thấy ba.
    Nhậu ở Long An không có khái niệm mở đầu và kết thúc. Thường chỉ nhớ được vài ba tua khi mới nhập cuộc, sau đó là trạng thái nhạt nhòa giữa những ly đế Gò Đen trong như nước cất. Mọi sự đều lơ mơ đến tận hôm sau, không hiểu sao mình về đến nhà, nhất là không hiểu sao mình qua được khúc bờ ruộng, chắc là có thần linh phù hộ. (Thực tế về sau mới biết, chính là các anh hai, anh ba nhà mình chia nhau kè từng khách, không cho lọt xuống ruộng. Ra đến lộ còn đưa tiễn đôi xị nữa để khách đạp xe về mạnh phẻ).  
      Những năm sau phương tiện đã khá hơn. Các cuộc nhậu ngoài rượu đế còn kèm thêm Tiger Beer “chữa lửa”, mức độ lơ mơ không hề giảm. Đoàn Hon-đa từ thành phố về khí thế ào ào, nhưng vẫn phải nhín nhín khi qua khúc bờ ruộng. Cũng nhờ vậy mà chỗ đó tự nhiên trở thành bài Test dành cho khách, ai qua được thì hoặc là còn tỉnh, hoặc là đã đủ độ phiêu, có thể chạy xe về, sau khi nhận thêm một ly thưởng của chủ xị.
     Không nhớ là có bao nhiêu chuyến đi như thế. Theo thời gian, các tuyến đường dần dần được trải đá, đổ nhựa phẳng phiu. Con người cũng thay đổi, nhưng theo chiều ngược lại. Đội hình trai trẻ đạp xe đi nhậu cả trăm cây số và đội hình chủ nhà hào sảng ngày nào, giờ trên đầu đã hai thứ tóc. Điểm lại cũng đã khuyết mất mấy người. Chỉ còn khúc đường bờ ruộng, có được đắp thêm, nhưng cơ bản là vẫn vậy. Nó vẫn là dấu mốc khi tìm về nhà đ/c Em. Bạn bè lâu lâu gặp gỡ, không quên hỏi thăm về nó.
    Bẵng đi mấy năm, hôm rồi được đ/c Năm Em mời về mừng khánh thành đường mới. “Con đường xưa Em đi” giờ được bà con góp tiền đổ bê tông, xe du lịch vào tới sân nhà. Vậy là khúc cuối của những chuyến đi kỷ niệm ngày xưa cũng đã được lên đời.
    Bâng khuâng một chút, rồi cùng nâng ly chúc mừng đ/c Em. Có điều: 
    Đường xưa giờ đã láng bê tông
    Bốn bánh chạy vào rất êm mông
    Nhưng lúc nâng ly đành từ chối
    Vì còn cầm lái, có khổ không.




Đọc thêm!