Thứ Sáu, tháng 8 25, 2017

Gò Vấp có công viên treo. 

Nghe nói ngày xưa một trong bảy kỳ quan thế giới là vườn treo Babylon. Tiếc rằng bây giờ không còn dấu tích để so sánh, nhưng theo nhiều người thì “kỳ quan” của Gò Vấp phải đẳng cấp hơn, đằng kia là “vườn” còn đây là “công viên”, đằng kia treo giỏi lắm vài chục mét còn đằng này treo 20 năm! 

Khoảng giữa năm 2001, trước khu ruộng vắng ven sông Vàm Thuật thấy dựng lên một tấm bảng đồ sộ vẽ hình những sông hồ, quảng trường, lâu đài… hoành tráng như phim, đề là dự án Công viên văn hóa Gò Vấp, kèm theo là những số, những chữ xanh đỏ chi chít. Bà con ngửa cổ coi ngược coi xuôi, cãi nhau ì xèo mà chưa hình dung là nó đẹp cỡ nào. Tới hồi có cán bộ giải thích đây là cái “Đầm Sen 2” thì ai nấy mới gật gù, phấn khởi. Thời đó công viên Đầm Sen vừa xuất hiện, là đệ nhất sang chảnh lộng lẫy của Sài thành.

Trước đó vài năm, dù chưa có bảng, nhưng đã nghe phong phanh là chỗ này địa thế đẹp, chuẩn bị liên kết với Đài Loan mở khu du lịch thể thao dưới nước tầm cỡ thế giới. Mấy đám ruộng phèn xung quanh bắt đầu có giá. Nói có giá là chính xác vì trước đó nó “vô giá”, có thể chuyển nhượng cho nhau bằng một bữa nhậu, nhiều quan chức hạ cố về đây “khai hoang”, được cấp không cả lô lớn, sau này dư xài, làm được vài cái sân tenis.

Rồi dự án cũng triển khai, dân cư di dời, rạch ruộng được thu hồi, đền bù với giá đất công ích khá bèo nhèo. Cả một vùng ven sông bắt đầu bước vào quá trình treo. Chỉ treo không đã khổ, đằng này Công viên Gò Vấp lâu lâu lại bị nâng lên đặt xuống hay giật giật vài cái, ngoài các cơn bão đất hồi 99-2000, 07-08, còn vô số các lần dự kiến chuyển đổi, điều chỉnh, thay chủ đầu tư. Xen giữa đó là các hoạt động đấu tranh, khiếu nại, kiện cáo sôi nổi của dân chúng. Cao điểm là giai đoạn ai đó định xẻ thịt một phần dự án làm chung cư và bán nền. Rất may là điều đó không (chưa) xảy ra. Nếu sau này công viên thành hiện thực, bà con xứ Gò và Sài thành phải nhớ đến những người có công giữ đất.

Mỗi lần được giật dây, dự án lại nhúc nhích một chút, lần thì mở rộng đường, lần thì làm cái cổng, lần thì xây nhà điều hành… nhưng phải gần đây, vào dịp Đinh bí thư, khi đó còn đương chức, vi hành đến thăm, thì mới có sự thay đổi đáng kể: đường chính được làm lại sạch đẹp, các khu vực được khoanh vùng, cây cối được trồng thêm, các hồ nước được làm sạch để trồng sen, thả cá. Tuy mới xong một phần, nhưng công viên đã có hình hài, hàng ngày đông đảo bà con xung quanh kéo đến dạo chơi, tập thể dục.

Đùng cái Đinh bí thư ra đi, dự án vẫn thấy làm lai rai nhưng chưa rõ sẽ phát triển theo hướng nào, theo hướng BOT xây “Đầm sen 2” tráng lệ rồi bán vé hay làm công viên mở để bà con tự do hít thở khí trời?

Trong lúc chờ đợi thì trên lại áp dụng phương thức quản lý truyền thống là…treo. Lần này không biết sẽ treo bao lâu, nhưng ơn giời, ơn Đinh cựu bí thư, hiện tại cũng đã kịp có một Công viên văn hóa Gò Vấp miễn phí, hơn nữa lại là một công viên “bán hoang dã” với khung cảnh đồng ruộng sông nước nguyên bản, thoáng đãng. Nhiều đoàn làm phim đã đến lấy bối cảnh, nhiều bạn trẻ đến selfie tự sướng, kể cả chụp ảnh cưới. Đặc biệt là nhiều cháu bé được bố mẹ tranh thủ đưa đến để “khám phá” cây dừa nước, trái bình bát, cọng lục bình, bãi cỏ lau, xem tàu ghe qua lại trên sông, chiều tối nghe con chim kêu quốc, quốc…

Trong trường hợp này, theo ý kiến của nhiều bà con, chỉ nên sửa sang lại đường đi lối lại cho sạch sẽ rồi…treo tiếp, treo mãi. Treo không phải khi nào cũng đáng ghét. Có những cái vẫn cần treo cho khỏi lấm, cần neo để khỏi trôi đi.











Đọc thêm!