Thầy Mộng
Tuần trước thầy Mộng vào SG, nhóm “sinh viên trường thuốc” lại có dịp tụ tập.
Tuy mang cái tên thế nhưng nhóm “sinh viên” này chẳng liên quan gì đến “trường thuốc”. Đó là đoàn giáo viên của trường Vin-hem Pich ra tu luyện dài hạn tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Vĩnh Yên, mùa thu năm 1990. Trong bối cảnh có nhiều tâm trạng, một số người cảm thấy việc trở thành sinh viên là khá bất ngờ, do thời thế đưa đẩy, giống như tay sinh viên trường thuốc trong phim “Số đỏ” dạo đó đang hot.
Kỉ niệm về thầy Mộng cũng nhiều và lẫn lộn.
Hồi mới gặp, bọn mình ấn tượng nhất là tửu lượng của thầy, thực sự là mình chưa khi nào thấy thầy có biểu hiện say, đổi sắc mặt cũng không, chỉ có cặp mắt là đổi, theo chiều hướng càng uống càng sáng, càng “tinh vi” hơn.
Euro 92, đơn vị cấm TV ban đêm, mấy đứa trốn ra nhà thầy ở Bảo Sơn, cách 7 km đường đồi. Phải ra từ chiều, làm thêm mấy món góp vào mâm cơm gia đình, lai rai chờ bóng đá. Đến nửa đêm, học trò đổ hết, nằm tại chỗ, cố mở mắt ngó lên màn hình cái TV nội địa, chẳng phân biệt rõ đội nào, chỉ còn mỗi thầy vững vàng trên góc xa-lông, có quả vào lại gọi bọn mình dậy xem “quay chậm”. Cứ thế thông luôn hai, ba trận, thỉnh thoảng một, hai đứa bò dậy, tiếp thầy đôi ly rồi ngủ tiếp.
Thầy có bình rượu thuốc cỡ hai chục lít, cứ đổ vào rồi đổ ra, chẳng khi nào “ngâm” được quá một tuần. Học trò cũng ra vào liên tục, nhóm ra hỏi bài, nhóm ra chơi. Mấy “sinh viên trường thuốc” xa nhà thì thường trực. Vào những ngày nghỉ thì mâm rượu ở nhà thầy cũng thường trực, kẻ đến người về, gối đầu như đi chúc tết. Nhớ lối vào nhà thầy ở đầu hồi dãy tập thể, chái bếp con con, mảnh sân con con, gốc ổi phong sương trong những sáng mùa đông buốt giá, mấy thằng cọc cạch đạp xe, đội mưa phùn từ xóm núi Quang Hà ra tới nơi, bước vào cửa, đã thấy sư phụ khoác áo bông, an vị ngôi chủ xị, cười cười phẩy tay cho đội mới tự động nhập vào chiếu rượu triển khai từ lúc nào, đang hồi nồng ấm.
Khách nhà thầy đa dạng, từ chú sinh viên năm đầu thập thò ngoài cửa đến các tiến sĩ khoa học ngồi xếp bằng chém gió sang sảng, từ vị “khách ở quê ra” mộc mạc tới các anh học viên chuyên tu lắm tài lẻ. Rất nhiều lần các thành phần đó được hân hạnh sát cánh cùng nhau vì mặt bằng ngồi nhậu, sau khi đã dồn dịch tối đa, cũng chỉ vừa hai chiếc chiếu đôi. Tuy vậy, nhờ đức tính càng uống càng tỉnh cộng với tài điều hành của chủ nhà nên các cuộc hội ngộ đa văn hóa này luôn luôn ổn định và phát triển. Có lần, trong một cuộc như thế, mấy đốc-tờ đang ngồi chung mâm bỗng cao hứng chuyển sang tranh luận bằng tiếng Nga. Tiếng Nga zin bọn tôi còn võ vẽ chứ tiếng Nga pha rượu của các thầy lúc đó thì chịu, đang khó xử thì thấy thầy Mộng khề khà quay sang dịch cho chúng tôi nghe, với trình độ có thể làm thơ tiếng Nga, thầy ung dung ngồi dịch live cả một cuộc cãi vã trên trời dưới đất và lèo lái đến khi nó tự kết luận và cùng vui vẻ.
Ấn tượng nữa là kho kiến thức phong phú của thầy, dù là tiến sĩ toán-tin nhưng trình độ văn chương của thầy đã được cô Vân, vợ thầy, nguyên là giáo viên văn thừa nhận. Thầy thuộc Truyện Kiều, thuộc thơ Đường, biết nhiều giai thoại. Đ/c Năm Em, quê Long An, giấu cuốn Truyện Kiều mi-ni trong bàn tay rồi giả vờ hỏi han để thử, kết quả là “cháy phỏm” vì lật không kịp, bị thầy truy lại. Những chuyện thời sự, văn hóa, xã hội khác thầy đều có cách giải thích chính xác và sinh động. Hồi đó thầy là số một, bây giờ có ông Google nhưng hỏi gì nói nấy, lại không biết nhậu, nên Google vẫn chỉ thứ hai. Tiếc rằng đường học vấn của thầy bị trắc trở vì sự cố để mất trang bị khi trực ban, lúc đó thầy đang chờ lên đường sang làm tiến sĩ khoa học ở Ý.
Ấn tượng thứ ba là tình cảm tự nhiên của thầy với học trò. Hồi đó trường ở xa Hà Nội nên nhiều đợt thầy dạy thay, kiêm luôn cả mấy môn toán, tin. Sáng lên lớp, chiều bài tập, trưa đi ăn cơm, tối nán lại chơi, cả ngày lọ mọ với học trò, thoải mái, vui vẻ. Không có sự khác biệt giữa tiến sĩ Nguyễn Hữu Mộng trên giảng đường với sư phụ Mộng khi uống rượu hay với papa Mộng khi kể chuyện tiếu lâm. Thầy để cả buổi kèm nâng cao cho mấy đứa thích học lập trình nhưng cũng sẵn sàng cứu giúp học trò một tay khi chiếu bài bị khuyết. Dù ít chơi nhưng trình “tiến lên” của thầy khá siêu vì nhớ bài. Đến bây giờ sau ngót ba chục năm mà thầy vẫn phong độ, vẫn nhớ học trò, tới SG là nhắn. Còn hội “sinh viên trường thuốc” mở rộng, bao gồm thêm mấy bạn ra học sau, thì khỏi nói, đón thầy Mộng luôn là chương trình ưu tiên và có đủ mặt nhất. Điều kiện bây giờ tốt hơn nhưng những câu chuyện thầy trò cứ tự động quay về chốn cũ. Như lần mấy đứa hết tiền, lang thang ngoài chợ chiều mãi mới “cắm” được cặp vịt hai con chưa đầy kí rưỡi, đầy lông măng. Vậy rồi cũng thu xếp được một mâm, thêm đĩa ổi ương hái trên cây xuống, chờ tối mịt sư phụ mới đi xe khách từ Hà Nội lên. “Lúc chuyển đi tiếc cây ổi, ổi nhà thầy ngon nhất” thầy nhắc. Bữa đó phải trèo ổi, hái bổ sung mấy lần.
Chuyến này thầy vội, từ Bình Dương về ghé qua SG. Buổi chiều đang bàn nhau lên đón thì đã thấy thầy gọi, đang chờ ngoài đường. Định đặt khách sạn thì thầy gạt đi: để thầy thức với chúng mày một đêm, nhưng cuối cùng thì cũng chỉ được đến nửa đêm, vì học trò lại đổ trước. Thầy để râu dài, tựa như Văn Cao, Hữu Loan, học trò cũng đều đã hai thứ tóc. Thầy bảo: hai lăm năm trước thầy như chúng mày bây giờ, hai lăm năm sau chúng mày như thầy bây giờ. Nghe quá sướng, như thầy bây giờ thì quá bằng tiên.