Thứ Sáu, tháng 9 26, 2014


   Cách nay ba chục năm, con đường Nguyễn Oanh còn vắng. Hai bên toàn là tường rào nhà binh. Qua cư xá Lam sơn mới có nhà cửa, quán xá, nhưng thưa thớt, lụp xụp, xen với những bờ, những ruộng, hố to hố nhỏ…đúng như nhà thơ Cung Văn từng viết: “đến xứ Gò không khéo đi dễ Vấp”.
    Nhưng so với mặt bằng chung của vùng ngoại ô thời đó thì vẫn thuộc loại được. Ngoài tuyến xe buýt chạy về ngã tư Ga và nối dài tới tận quân trường Quang trung, ngã tư An sương (xe buýt chỉ nối dài khi có sự kiện như lễ tết, hội chợ), các loại xe khác cũng đông, kể cả đôi chiếc xe ngựa từ miệt Lái thiêu nhong nhong chạy lên. Loại này được gọi là “ô tô hí” hay “taxi có đuôi”, bây giờ nâng cấp thành đặc sản chở khách du lịch, chở cô dâu đám cưới.
   Học viên quân sự bị nhốt kỹ trong trường, cả ngày chỉ rảnh một lúc sau giờ cơm chiều. Tôi và đám bạn thường tìm ra chỗ kho đạn (khu Hội trường của ĐH Trần Đại Nghĩa hiện nay), leo lên nóc hầm đắp cao hơn bờ tường, ngồi nhìn ra ngoài. Chỉ ngồi nhìn vậy thôi. Chiều xuống, dưới bóng hàng cây đang sẫm dần, dòng người hối hả ngược xuôi, những chiếc xe đạp kẽo kẹt gánh cả gia đình về nhà.
    Vậy mà đầu óc nhẹ hẳn, lại thấy vui vui. Mỗi ngày mười lăm phút nhìn ra đường, sau này thành kỷ niệm, nhất là với những đứa ra trường về nơi xa. Có khi chúng nó đi bộ cả ngày đường mới thấy bóng người dân.
    Có điều, những cuộc ngồi như thế không biết gọi là gì? Lúc đầu muốn rủ thằng bạn đi cùng mà cứ ú ớ. Chẳng phải đi chơi, chẳng phải đi quán, cũng chẳng có công việc gì. Chỉ là nhìn, nhìn đời, nhìn xã hội bên ngoài.
    Đối diện, bên kia đường, có một quán cà phê mở nơi đầu hồi dãy nhà A cư xá Lam sơn. Chủ quán là ba chị em, nghe nói đều là tiểu thư con của một viên tướng chế độ cũ, đang đi cải tạo. Cũng như các quán cà phê vỉa hè khác, bàn ghế ở đây đều kê nhất loạt theo một hướng quay ra đường. Chiều tà quán vắng, mấy người khách và cả các cô chủ cũng ngả người trên ghế nhìn ra. Chẳng biết họ nghĩ gì, nhưng xem ra cũng chỉ nhìn đời, nhìn xã hội. Giống bọn tôi.
    Thời đó, rất nhiều người ngồi quán cà phê vì không biết ngồi đâu. Nhìn ra đường vì không biết nhìn đâu.
    Bây giờ thì những quán cà phê kiểu đó đã ít dần. Quán hiện đại có đủ thứ ăn uống, giải trí, rồi bật wifi, vào mạng.
   Giới trẻ không còn phải ngồi ngó suông ra đường, họ nhìn đời, nhìn xã hội bằng nhiều cách khác. Họ cuốn theo cả lũ sắp già như bọn tôi. 

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 9 04, 2014

     Dù đã qua lập thu, sắp tới trung thu, nhưng với lứa bọn mình thì mùa thu bắt đầu vào tháng chín. 
     Lứa bọn mình hồi xưa, tháng chín mới phải đi học, còn trước đó là ba tháng hè, tháng tám vẫn hè. Không biết trời đất thế nào nhưng nhà nước quy định thế, học sinh cũng nghĩ thế.
      Chơi bời cho hết 2/9 mới vội vàng chuẩn bị sách vở, mùng 5/9 khai giảng, bụp phát học luôn. Chuyển trạng thái đột ngột thế nên mới thấy sự khác biệt. Đi học rồi, tự nhiên bị nhốt trong trường, lớp thì mới, bạn thì lạ…đâm ra tâm trạng, mới hay ngó ra cửa sổ, mới thấy…mùa thu.
       Còn bây giờ thì công việc cứ đều đều, bọn trẻ cũng đi học quanh năm, lại thêm cái vụ học cả tháng rồi mới khai giảng nên mùa nọ mùa kia ít còn ý nghĩa. Xã hội và thiên nhiên cứ như sống ly thân. Chỉ thiệt cho các bé. Thử hỏi thiếu nhi bây giờ, dám chắc là chín trên mười bé sẽ trả lời mùa thu là mùa…ăn bánh nướng.
       Nhưng công bằng mà nói thì không phải chỉ do người mà thiên nhiên bây giờ cũng hay “biến đổi khí hậu” thất thường quá. Một là quốc khánh, hai là trung thu, thế nào cũng dính mưa gió.
       Nhưng thôi, mùa thu còn dài, nói như bên dự báo thời tiết thì “ngoài những lúc mưa là những lúc nắng”. Xã hội, thiên nhiên, con người đều vận động, chẳng thể dừng được. Đành phải tự tìm niềm vui cho mình và bạn bè. 
      Tháng chín tới rồi, mùa thu đã về, trừ những lúc bận rộn và mưa gió, thì mùa thu rất đẹp.



Đọc thêm!