Thứ Tư, tháng 11 19, 2014

   Ra trường ba tháng, mình đã được đi dạy.
   Chẳng phải tài giỏi gì mà do thiếu giáo viên. Bộ môn có ba người thì một đi học, một đi phép dài hạn để chuẩn bị chuyển vùng. Còn mỗi mình rỗi nên Trưởng Khoa gọi sang hỏi: có dạy được không? Mình trả lời là được. 
   Sở dĩ mình dám nhận vì đã biết cái lớp đó. Hồi mình còn học viên, lớp đó ở dãy nhà đối diện, chung sân với lớp mình. Ra vào giáp mặt, cả năm trời. Tuy nhiên chỉ biết thôi chứ không quan hệ gì, vì đây là những người Cam-pu-chia, theo cách gọi chính thức là học viên Quốc tế. Họ có chế độ học tập, sinh hoạt riêng.
    Những buổi lên lớp đầu tiên cũng thuận lợi, học trò tuy biết mình mới toe nhưng cũng không ý kiến gì, có khi họ lại khoái, không sợ thầy phạt. Lớp có chín người, thì chỉ có tay lớp trưởng là rành tiếng Việt, hát cải lương được, còn lại thì bập bõm. Lúc đầu mình cũng y xì sách, nói một hồi, lúc quay xuống vẫn thấy cả lớp vẫn đồng loạt để giấy trắng, chưa viết được chữ nào. Sau thì đổi kiểu, học đến cái gì thì vác luôn nó ra, cho các trò thấy tận mắt, còn lý thuyết thì vừa nói vừa viết vẽ lên bảng. Hồi đó chưa có máy chiếu nên toàn chép tay, buổi nào cũng hết vài viên phấn.
   Dạy trực quan vậy có hiệu quả, nhưng khi hỏi bài thì các trò toàn giả nhời bằng bản ngữ (tiếng Khơ me), ông nào cũng hề hề: Hươu (hiểu) thì hươu nhưng không biết nói. Các ông ra đường tán gái như vẹt nhưng từ ngữ chuyên môn thì nhất định điếc. Mỗi lần kiểm tra là thầy trò toát mồ hôi để tìm tiếng nói chung, kết quả bất ngờ là trình tiếng Khơ me của thầy lại tiến bộ nhanh hơn trình tiếng Việt của trò. Sau này, qua vài khóa, mình đã có vốn từ chuyên môn “Cam ngữ” kha khá, nay không dùng nên quên hết.
   Đánh vật với nhau mấy tháng rồi mấy môn mình dạy cho lớp đó cũng ổn, thầy trò thân nhau hơn. Nhưng từ đó đến nay cũng chưa gặp lại “em” nào. Chữ em để trong ngoặc vì cả lớp đều hơn tuổi mình, từng là sĩ quan, lính chiến cả, tay nhiều tuổi nhất tên là Nhức-Hum đã có vợ, bốn con. Các “em” ra trường vào thời điểm đó, nếu còn trong quân đội chắc đã lên tá, lên tướng cả (ở bên đó cấp tướng xông xênh hơn mình nhiều, riêng đại tướng đã có đôi, ba trăm).
   Rồi nữa, không biết công việc thế nào, nếu có sang VN mời Hai Lúa về làm tàu bay, tàu bò thì ghé thăm thầy. Nói thật, riêng đoạn đối xử với Hai Lúa được như thế, thầy phục lắm. 
                         (Giáo viên Quốc tế BT, viết nhân ngày 20/11).


Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 11 14, 2014

Em ơi phố biển mùa này
Khách ta thì ít, khách tây thì nhiều
Hàng quán đã bớt dập dìu
Hàng dừa đôi lúc lại hiu hiu buồn
Một mình anh đứng bồn chồn
Trông ra chỉ thấy những hòn nhấp nhô… 
                                Nha trang 10.14

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 11 13, 2014

    Thời bao cấp nhà mình có hai xe đạp. Xét về số lượng là nhiều. Còn chất lượng thì nói sau.
    Tuy nhiên hai con xe đó là của các cụ đi làm, chỉ thi thoảng mình mới có dịp cưỡi.
   Đến lúc vào lớp tám thì cụ ông đi Cam-pu-chia, nên tự nhiên mình được tiếp quản con xe của cụ. Rất sướng.
   Đó là con xe Thống nhất nam, sản phẩm nổi tiếng của nền kỹ nghệ miền Bắc thời ấy.
    Nhưng xe Thống nhất cũng mấy loại. Loại một có nhiều phụ tùng ngoại, đặc biệt là các cụm chuyển động như moay-ơ, xích, líp, nồi trục giữa…loại hai, loại ba thì kém hơn. Con xe nhà mình chắc thuộc loại bét nên gần như nội địa 100%.
   Nó cũng đã cũ nên nhiều bệnh lắm. Mình hăng hái đạp đi học được vài bữa rồi thôi. Cưỡi nó giải quyết được mỗi khâu oai, mà lắm phiền toái. Xẹp lốp là chuyện thường, vừa đi vừa rải ốc vít là chuyện nhỏ, phanh thắng không ăn là chuyện đương nhiên. Mệt nhất là bộ xích líp, đi một chốc lại phải xuống sửa, tay chân mặt mũi dính dầu đen sì như thằng hề. Đĩa, líp đã mòn gần hết răng nên đạp mạnh cũng tuột, đạp nhẹ cũng tuột, đạp không cân hai bên cũng tuột, thậm chí không đạp mà xe xóc cũng vẫn tuột. Tuột nhiều đến nỗi mình luyện được độc chiêu, đang đi mà thấy sượng sượng dưới chân là biết, khẽ đạp trở ngược một tý là cặp đôi lại hoàn hảo, xích lại vào với líp.
    Nhưng tuột xích không ngại bằng việc lâu lâu nó lại nhai gấu quần, tức là cuốn xừ gấu quần vào răng đĩa. Trường hợp này nặng thì ngã ngay và luôn, nhẹ thì gỡ được, nhưng cũng xong cái quần dài. Các bà các chị hay dùng kẹp để túm gọn ống quần, nhưng mình thì không làm thế được, còn đếch gì là chuẩn men.
   Con xe xếp xó cả năm, cho đến khi thầy dạy thêm môn toán đến nhà thấy tiếc mới bày cho mình sửa. Theo chỉ dẫn của thầy, mình xin tiền các cụ rồi cùng mấy ông bạn lần lượt thực hiện. Khó nhất là bộ đĩa và líp thì đã có cách là mang lên phố hàn đắp rồi đột lại răng. Sợi xích cũng được tháo ra “lộn” lại, tức là lật ngược từng mắt xích để tận dụng phía chưa mòn.
    Hai vành xe đã mục phải bỏ thì dùng vành xe Liên xô cỡ 680 rồi cắt bớt, uốn lại đúng cỡ 650. Lốp xe cũng dùng lốp 680 cắt bớt rồi nối. Các ổ trục cũng hàn đắp rồi tiện lại, chỉ thay một số viên bi. Các chỗ khác cũng chắp nối tương tự như vậy, một số bộ phận “thừa” như phanh trước, booc-ba-ga…thì bỏ luôn.
     Cuối cùng thì con xe lại chạy vè vè, phục vụ mình hết cấp ba, kể cả hai chuyến đi chơi xa với lớp tận Sóc sơn, Đại lải. Nhưng quan trọng hơn là qua đợt phục chế nó trình độ xe đạp của mình được củng cố, làm cơ sở để mình tiếp tục học hỏi thêm nhiều kỹ thuật đẳng cấp. Ví dụ mình có thể làm măng-sông nối ba, bốn đoạn săm thành một cái săm hoàn chỉnh hay lồng hai cái lốp rách thành một cái lốp vẫn rách nhưng đi được. Sau này vào miền Nam mình có thể tự mua đồ dựng cả con xe mới trong đôi ba ngày (lưu ý là xe dựng hồi đó thường hợp chủng quốc với phụ tùng từ khắp thế giới, nguyên việc nhớ các món nào ráp được với nhau cũng đủ mệt).
    Bây giờ thì “đã xa lắm rồi, xe đạp ơi...”. Nghề tay trái của mình đã mai một, kỷ niệm về những con xe cũng xa theo.
    Nhân có thầy giáo ở Hà tĩnh khảo sát rồi công bố: học sinh bây giờ không biết xích, líp, không biết sửa xe đạp…lại nhớ chuyện ngày xưa. Không biết thầy khảo sát làm gì, rồi báo chí loan tin thế nào, để đây đó ồn ào về vấn đề kỹ năng sống của giới trẻ. Nghe hơi buồn cười, kỹ năng tùy thuộc hoàn cảnh. Thời này sao còn lấy chuẩn đo lớp trẻ bằng con “xế điếc”.
     Như bố chúng nó, ba bốn chục năm trước.

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 11 11, 2014

    Dạo này nhà mình có nuôi hai bạn cóc.
    Đúng ra là hai bạn tự đến. Buổi tối cách nay khá lâu, một bạn, khi đó chỉ bằng ngón tay cái, nhảy lóc cóc từ cổng vào. 
    Lập tức bạn mèo xồ ra chộp, vật qua vật lại. Bạn cóc nằm quay lơ. Mình thấy tội nên xách cẳng thả ra đường. 
    Bữa sau lại thấy bạn cóc lò dò vào, bạn mèo lại xồ ra, sự việc lại giống như hôm trước.
    Vậy mà bạn cóc vẫn hay vào, nhiều lúc không gặp mèo nhưng người nhà qua lại cũng tiện chân gạt bạn cóc ra cổng cho khỏi vướng.
    Lâu lâu không còn để ý, chợt một hôm lại thấy bạn cóc. Không phải một mà là tận hai bạn, đang chơi với mèo. Bạn mèo nằm khều khều còn hai bạn cóc thì nhảy vòng quanh, rất vui vẻ (là mình đoán vậy, chứ bố ai biết sự vui buồn của loài cóc).
   Từ đó hai bạn cóc chính thức định cư ở đống gạch vỡ góc sân. Lúc đầu còn e lệ thập thò, sau thì tỉnh bơ. Xơi cơm, xơi nước chung với bạn mèo, no nê rồi ngồi sưởi nắng hay dẫn nhau dạo khắp xó xỉnh, tự nhiên có quyền lợi như những thú cưng thứ thiệt.
   Hai bạn cóc này chắc là một cặp, ít nhất thì cũng đồng tính (là mình đoán vậy, chứ bố ai biết giới tính các vị), vì lúc nào cũng cặp kè. Thường hai bạn hay ngồi trầm ngâm như hai cục đất nhưng lắm lúc phởn lên cũng bày trò đánh vật rồi đuổi nhau y như mấy bé teen teen (cũng là mình cũng đoán vậy, chứ bố ai biết tuổi các cụ cóc).      Có các bạn đâm quen, nhiều lúc đi làm về không thấy hai bạn ngồi chầu cũng thấy thiếu. Lắm lúc mệt vì công việc hay những chuyện vớ vẩn ngoài xã hội, ra ngó hai bạn cóc, lại bật cười, nhớ câu đúc kết dân gian: ôi giời, đời là cóc gì.



Đọc thêm!