Thứ Năm, tháng 11 13, 2014

    Thời bao cấp nhà mình có hai xe đạp. Xét về số lượng là nhiều. Còn chất lượng thì nói sau.
    Tuy nhiên hai con xe đó là của các cụ đi làm, chỉ thi thoảng mình mới có dịp cưỡi.
   Đến lúc vào lớp tám thì cụ ông đi Cam-pu-chia, nên tự nhiên mình được tiếp quản con xe của cụ. Rất sướng.
   Đó là con xe Thống nhất nam, sản phẩm nổi tiếng của nền kỹ nghệ miền Bắc thời ấy.
    Nhưng xe Thống nhất cũng mấy loại. Loại một có nhiều phụ tùng ngoại, đặc biệt là các cụm chuyển động như moay-ơ, xích, líp, nồi trục giữa…loại hai, loại ba thì kém hơn. Con xe nhà mình chắc thuộc loại bét nên gần như nội địa 100%.
   Nó cũng đã cũ nên nhiều bệnh lắm. Mình hăng hái đạp đi học được vài bữa rồi thôi. Cưỡi nó giải quyết được mỗi khâu oai, mà lắm phiền toái. Xẹp lốp là chuyện thường, vừa đi vừa rải ốc vít là chuyện nhỏ, phanh thắng không ăn là chuyện đương nhiên. Mệt nhất là bộ xích líp, đi một chốc lại phải xuống sửa, tay chân mặt mũi dính dầu đen sì như thằng hề. Đĩa, líp đã mòn gần hết răng nên đạp mạnh cũng tuột, đạp nhẹ cũng tuột, đạp không cân hai bên cũng tuột, thậm chí không đạp mà xe xóc cũng vẫn tuột. Tuột nhiều đến nỗi mình luyện được độc chiêu, đang đi mà thấy sượng sượng dưới chân là biết, khẽ đạp trở ngược một tý là cặp đôi lại hoàn hảo, xích lại vào với líp.
    Nhưng tuột xích không ngại bằng việc lâu lâu nó lại nhai gấu quần, tức là cuốn xừ gấu quần vào răng đĩa. Trường hợp này nặng thì ngã ngay và luôn, nhẹ thì gỡ được, nhưng cũng xong cái quần dài. Các bà các chị hay dùng kẹp để túm gọn ống quần, nhưng mình thì không làm thế được, còn đếch gì là chuẩn men.
   Con xe xếp xó cả năm, cho đến khi thầy dạy thêm môn toán đến nhà thấy tiếc mới bày cho mình sửa. Theo chỉ dẫn của thầy, mình xin tiền các cụ rồi cùng mấy ông bạn lần lượt thực hiện. Khó nhất là bộ đĩa và líp thì đã có cách là mang lên phố hàn đắp rồi đột lại răng. Sợi xích cũng được tháo ra “lộn” lại, tức là lật ngược từng mắt xích để tận dụng phía chưa mòn.
    Hai vành xe đã mục phải bỏ thì dùng vành xe Liên xô cỡ 680 rồi cắt bớt, uốn lại đúng cỡ 650. Lốp xe cũng dùng lốp 680 cắt bớt rồi nối. Các ổ trục cũng hàn đắp rồi tiện lại, chỉ thay một số viên bi. Các chỗ khác cũng chắp nối tương tự như vậy, một số bộ phận “thừa” như phanh trước, booc-ba-ga…thì bỏ luôn.
     Cuối cùng thì con xe lại chạy vè vè, phục vụ mình hết cấp ba, kể cả hai chuyến đi chơi xa với lớp tận Sóc sơn, Đại lải. Nhưng quan trọng hơn là qua đợt phục chế nó trình độ xe đạp của mình được củng cố, làm cơ sở để mình tiếp tục học hỏi thêm nhiều kỹ thuật đẳng cấp. Ví dụ mình có thể làm măng-sông nối ba, bốn đoạn săm thành một cái săm hoàn chỉnh hay lồng hai cái lốp rách thành một cái lốp vẫn rách nhưng đi được. Sau này vào miền Nam mình có thể tự mua đồ dựng cả con xe mới trong đôi ba ngày (lưu ý là xe dựng hồi đó thường hợp chủng quốc với phụ tùng từ khắp thế giới, nguyên việc nhớ các món nào ráp được với nhau cũng đủ mệt).
    Bây giờ thì “đã xa lắm rồi, xe đạp ơi...”. Nghề tay trái của mình đã mai một, kỷ niệm về những con xe cũng xa theo.
    Nhân có thầy giáo ở Hà tĩnh khảo sát rồi công bố: học sinh bây giờ không biết xích, líp, không biết sửa xe đạp…lại nhớ chuyện ngày xưa. Không biết thầy khảo sát làm gì, rồi báo chí loan tin thế nào, để đây đó ồn ào về vấn đề kỹ năng sống của giới trẻ. Nghe hơi buồn cười, kỹ năng tùy thuộc hoàn cảnh. Thời này sao còn lấy chuẩn đo lớp trẻ bằng con “xế điếc”.
     Như bố chúng nó, ba bốn chục năm trước.

Không có nhận xét nào: