Thứ Hai, tháng 12 29, 2014

     Do có trục trặc về giấy tờ nên tôi vào trường nhập học trễ mất ba tuần.
    Lúc này sinh hoạt của học viên mới đã nề nếp, còn tôi lớ ngớ chưa biết gì, cũng chưa quen ai nên không dám hỏi. Buổi trưa đi ăn cơm, người ta xếp hàng hết tôi mới dám ra đứng vào hàng cuối cùng, không biết có đúng lớp của mình không.
    Vào nhà ăn tôi cũng chọn mâm cuối cùng, mâm này không có ghế, phải đứng. Lúc ăn cũng ngại, đến khi anh bạn bên cạnh nhắc, tôi mới gắp hai miếng thịt phần mình. Ngoài hai miếng thịt đó ra thì thức ăn chỉ còn rau muống. Cơm cứng và nhạt, rất khó nuốt.
    Nhưng sau này tôi mới biết mình may, vì nhà bếp bao giờ cũng chia dôi ra mấy suất đề phòng có thêm người. Bữa đó không thêm ai nên mâm cuối mới được hai miếng thịt/người. Các mâm khác thì chỉ một. Mâm cuối thường là nơi nhằm đến của nhiều đàn anh có kinh nghiệm.
     Đầu giờ chiều đang ngủ mê mệt thì có người gọi dậy đi học, chưa biết gì nên tôi lại vào đằng sau, tập bước theo hàng. Được một lúc thì anh lớp trưởng bỗng bắt nhịp“Vừng đông đã hừng sáng...” vậy là tất cả đồng thanh “Vừng đông đã hừng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa…”. Bài này tôi cũng biết nên hát dựa theo được, chỉ hơi buồn cười là giữa trưa sao lại hát “Vừng đông…”.
     Sau buổi đầu đó là ba năm học vất vả, chúng tôi còn hát “Vừng đông…” hàng ngàn lần. Sáng “Vừng đông…”, trưa đi học về đói gần chết cũng “Vừng đông…”, mười giờ đêm đi nhận gác cũng “Vừng đông…”. Thực ra còn nhiều bài hát nữa nhưng bài này được chọn nhiều vì nhịp nó dễ, vì anh lớp trưởng “tủ” nhất bài này, nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là nó hay:
    “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa. Tươi thắm bóng cờ ,vờn bay trên cao, muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa, lấp lánh sao bay trên quân kỳ…” Trong bài hát có núi non Tổ quốc, sóng lúa quê hương, có ánh sao bay trên quân kỳ… những hình ảnh gần gũi mà hào hùng.
    Bây giờ thì các bạn cùng lớp ngày đó giờ đều đã qua tuổi 5x, nhiều người đến gần 6x. Số còn tại ngũ, số đã trở về với đời thường từ lâu nhưng nói chung đều đã “Xế chiều”.
    Nhưng dù thế nào vẫn chúc các bạn luôn nhớ về thời “Vừng đông…”, luôn giữ tinh thần “Vừng đông…”, trong mọi thời tiết.                                                                    (Nhân ngày 22/12/2014)
Đọc thêm!
     Ngày nghỉ mà cứ thấy thiếu thiếu, một lúc mới nghĩ ra là vì không có cái thiệp mời nào.
       Suốt mấy tuần rồi, thứ bảy chủ nhật nào cũng vạ vật ở các đám cưới. Vạ vật vì phải chờ đợi thôi, chứ còn các thứ khác thì đã ở tầm “công nghệ” - cực kỳ chu đáo và hoành tráng.
      Hình như khắp cả nước, có khi cả thế giới, thì chỉ có đám cưới ở SG mới cho khách dùng món kẹo cao-su khai vị. Với kinh nghiệm ba chục năm đi ăn cưới (kể cả đám của bản thân) nên thường mình chỉ đến trước giờ khai tiệc chừng mươi phút, vậy mà lần nào cũng phải chờ, ít nhất là ba mươi phút, còn nhiều thì gấp bốn bằng ấy.         Cũng không rõ tại sao lại thế, nhưng sự chờ đợi đã thành lệ, thành văn hóa! Nấn ná đợi nhau cũng mệt thật, nhưng đến lúc đông đủ, cùng hô Zô! một tiếng vang trần (nhà) để chúc mừng đôi bạn, thì thấy cũng khí thế hơn nhiều nơi khác.
      Nhưng giá đừng cho món cao-su nhiều quá thì vẫn hơn. Có món đó nên hôm nào đính đám cưới là coi như hết ngày.
     Tuần này rỗi, có thời gian ngó xung quanh, mới thấy đất trời đang lệch pha với con người. Trong lúc hầu hết bà con đang bù đầu với đủ thứ việc cuối năm, kể cả cưới hỏi, hội hè như kể trên, thì thời tiết SG lại hết sức thong thả.
     Thong thả nắng, thong thả gió, cơn bão số 5 cũng thong thả lượn ngoài biển rồi tan. Đôi lúc lại thong thả mưa. Nhờ thế mà mọi sự cũng thong thả theo, nước thong thả ngập, đường thong thả kẹt…chỉ có sự bận rộn là không thèm thong thả.
     Những ngày đẹp trời đến không đúng lúc, cũng như người đẹp đến không đúng lúc, thích lắm, mà không biết làm sao. Chán thật.
Đọc thêm!