“BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC...”
(Kỷ niệm gia đình)
Đại gia đình của bác tôi ở Lào Cai. Bà là chị của mẹ tôi, đúng ra phải gọi là "bá", nhưng tôi đã quen gọi "bác" từ nhỏ.
Quê ở Kiến An, Hải Phòng. Vì đông con nên phải đi khai hoang từ năm 1965. Khi rời quê, bác có bảy người con, lên vùng đất mới sinh sống, số con được nhân đôi. Tổng cộng là mười bốn, chưa kể hai người mất từ nhỏ. Tới nay, nếu tính cả cháu chắt, thì số thành viên chắc chắn phải hàng trăm. Từ hai chục năm trước, quân số còn chưa đông như bây giờ mà mỗi khi có việc, chỉ trong nhà thôi, cũng phải mổ lợn, dựng rạp.
Các gia đình con thuộc đại gia đình này chia nhau phát nương, làm nhà trong một thung lũng cạnh sông Hồng, tạo thành một xóm nhỏ trù phú, dân địa phương gọi là "xóm ông Lai" (Lai là tên bác trai), khá nổi tiếng. Lần đầu tôi đến, xuống tàu ở ga Phố Lu, mãi bên kia sông, cách mấy km mà hỏi xóm ấy là người ta đều chỉ được. Bác tôi đã mất năm 2004, bác trai mất trước đó vài năm.
Những năm chiến tranh và thời bao cấp, với một đàn con nheo nhóc ở nơi khỉ ho cò gáy như thế, không cần kể các bạn cũng hình dung ra cảnh gian khổ của gia đình này. Hai bác và các anh chị hay về quê, có năm vài lần, đó là những chuyến đi kết hợp mang khoai sắn về xuôi đổi lợn con, thóc giống, nhu yếu phẩm… Mỗi lần như thế thường đi đoàn năm, sáu người, hay ghé nhà tôi ở Hà Nội. Ba má tôi đãi khách miền ngược món mì sợi chần, chan nước mắm pha chế với mỡ nước, mì chính. Món mì mậu dịch mà chúng tôi ngán ngẩm, những hôm đó bày cả rổ lớn và được đoàn khách hết sức tán thưởng, làm cho tôi nhiều lần cũng sà xuống tham gia. Ba má tôi soạn ra những quần áo, đồ dùng cũ để gửi cho bác, trong đó được quan tâm nhất là quần áo bộ đội của ba tôi, có lần vừa nhận xong, các anh diện luôn để ra phố.
Những năm về sau, khi các anh chị đã lớn, cuộc sống khá dần lên. Khách Lào Cai vẫn khoái món mì sợi và quần áo bộ đội, nhưng lại mang về những đặc sản đồng rừng mà dân thành phố không phải ai cũng có: mật ong, măng khô, củ thuốc nam, trái cây... Hồi đó nhà tôi còn ở khu tập thể, bác mang về rất nhiều trái cây, mận, mơ, đào…đổ ra cả chậu lớn, chia cho cả xóm. Các anh chị nhà bác tính cũng xởi lởi, nên đến vài lần là quen hết mọi người xung quanh. Có điều là khách thì đông, lại khá giống nhau, nên thường xảy ra nhầm giữa người nọ và người kia.
Năm 1979, Trung Quốc đánh sang, nhà bác tôi phải chạy, chỉ để lại mấy anh lớn vừa trông coi nhà cửa, vừa làm dân quân. Không có thứ phương tiện nào có thể chuyên chở hết toàn thể gia đình cùng số thóc lúa, lợn gà, tư trang, quần áo… có lẽ tới hàng tấn. Bác cho đóng một cái bè nứa lớn, chất tất cả lên, xuôi sông Hồng về Yên Bái. Sông Hồng phía mạn ngược gập ghềnh hiểm trở chứ không như dưới đồng bằng. Vậy mà đoàn quân cũng tới nơi yên ổn, lại còn có thêm thành viên là một cháu nội được sinh ra trên bè. Đến Yên Bái lại phải chuyển qua mấy chặng tàu xe để về đến tận Kiến An quê cũ. Thật là một cuộc "vạn lý trường chinh" ngoạn mục, nhất là trong điều kiện giao thông thời ấy.
Quân Trung Quốc tràn tới tận thị trấn Phố Lu, cách biên giới bốn chục cây. Đi tới đâu là tàn phá sạch sẽ. May mà chúng chưa vượt sông sang tới nhà bác. Sau khi chúng rút, gia đình bác lần lượt trở về. Thanh niên về trước, rồi những người khác, cuối cùng là đám con nít. Nhà cửa vườn tược không bị phá, nhưng cũng mất mát, hư hỏng, phải bỏ khá nhiều công sức khôi phục lại. Cơ ngơi nhà bác tôi trở thành một căn cứ hậu cần và nơi trú quân cho bộ đội ta lên đánh nhau với quân Tàu. Ban chỉ huy đóng ở nhà bác, nhà các anh chị khác đều có bộ đội ở. Mãi về sau mọi người còn nhớ tên tuổi quê quán của của các anh bộ đội đã ở nhà mình. Những đoàn quân thời đó qua lại bến phà Phố Lu chắc còn nhớ bà Lai "béo" bán quán ngay đầu dốc. Một chú bộ đội quê Thanh Hóa và một chú công nhân lái phà quê Nam Định đã trở thành con rể của bác tôi, sau chiến tranh ở lại luôn cùng nhà vợ.
Lúc Trung Quốc đánh sang, ba tôi đang ở chiến trường K, anh em tôi còn nhỏ, má tôi lo lắm, mà cũng chịu, chỉ biết chạy đến mấy người quen hỏi thăm. Tới khi bác tôi về đến quê, báo tin lên, má mới yên tâm. Thỉnh thoảng có các anh trên Lào Cai xuống, tôi lại bám theo hỏi: “Có thấy lính Trung Quốc không?”, “Có, bọn nó ở đầy bên kia sông”. “Anh có bắn nó không?”, “Không, ở xa quá súng trường bắn không trúng”. “Chúng nó có bắn mình không?”, “Không bắn sang bên này, nhưng ở bên kia bị đốt sạch hết, cả thị trấn bằng phẳng luôn”. Tôi thấy kiểu đánh nhau cũng lạ, chẳng ai bắn ai, không giống trên phim, chán chết. Gia đình bác tôi cũng bình an, chỉ có một ông anh dạy học trên Mường Khương, sát biên giới, thời gian đầu mất liên lạc, sau cũng thoát được về.
Năm 85 má con tôi từ Sài Gòn ra thăm bác. Khi đó đường sắt Hà Nội - Lào Cai chỉ tới Phố Lu. Tàu ra khỏi thành phố thì thay đầu máy hơi nước, chạy phì phò suốt đêm mới đến nơi. Tôi ngồi dãy ghế quay về trước, quần áo, mặt mũi bám đầy bụi than. Chuyến đó mẹ con tôi là khách đặc biệt, cả "xóm ông Lai" mở hội đón khách miền Nam ra thăm "rừng núi biên cương Tổ quốc", như lời mấy anh cán bộ xã. Có những bà con ở cách xa hai ba chục cây cũng tìm đến nhận người làng. Họ cùng đợt lên khai hoang với bác tôi.
Chiến tranh biên giới lúc ấy vẫn còn. Dù chiến sự hướng Lào Cai không ác liệt như bên Hà Tuyên, Lạng Sơn, nhưng thị trấn Phố Lu cũng đầy vẻ quân sự. Bộ đội nhiều, súng ống đầy đủ, những đoàn xe kềnh càng kéo pháo bò qua đường sắt. Chợ Phố Lu lều quán lụp xụp nhưng có rất nhiều hàng hoá Trung Quốc, không biết đưa sang bằng cách nào, buôn bán công khai, không phải hàng tâm lý chiến. Tôi mua một số thứ lặt vặt: bật lửa, khăn mặt, quạt giấy…sau này mang về Nam trở thành hàng độc, chứng tỏ bản năng thương mại mạnh mẽ của người Trung Hoa. Đánh thì cứ đánh mà bán thì cứ bán (và tất nhiên, cũng chứng tỏ sự cao thượng của người Việt: đánh thì cứ đánh mà mua thì cứ mua).
Năm 90, nhân dịp ra Bắc học, tôi lại lên thăm "rừng núi biên cương Tổ quốc". Rủ anh bạn người Nam Bộ đi cùng. Tàu Hà Nội vẫn chỉ chạy tới Phố Lu, nhưng từ đó có thể chuyển sang loại tàu nhỏ hơn, kéo vài ba toa, đi tiếp lên một đoạn, tới mỏ Apatit, chưa tới được thị xã Lào Cai. Hôm đó tàu đến sớm, xuống ga nghỉ ngơi, ăn sáng xong mới năm giờ. Ngồi quán mãi cũng chán, tảng sáng chúng tôi đi dạo phố. Thị trấn đang xây dựng lại. Hồi đó các cơ quan của tỉnh còn đóng ở Phố Lu nên khung cảnh có vẻ đô thị. Một con đường lớn mới mở hướng thẳng vào núi. Cuối đường là kỳ đài Nghĩa trang liệt sỹ uy nghi trên đỉnh đồi cao. Hàng phố còn chưa dậy, hai đứa rủ nhau lên nghĩa trang. Leo mấy chặng bậc thang quanh co, tới nơi, chúng tôi nhìn ra toàn cảnh thị trấn, nhà cửa lúp xúp trải dài, xa xa dòng sông Hồng nước đỏ như vệt son đậm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn uy nghi, trầm mặc. Nghĩa trang khá rộng, hàng trăm ngôi mộ mới xây xếp thẳng hàng. Xem lướt qua, hầu hết là các liệt sỹ hy sinh trong trận chiến tháng 2/1979, nhiều người còn rất trẻ, mới mười tám, mười chín tuổi. Khá nhiều mộ vô danh, trên bia chỉ khắc ngôi sao vàng. Ngồi ở nghĩa trang ngắm cảnh một lúc lâu, trời sáng hẳn chúng tôi mới xuống bến đò sang sông, tìm đường về nhà bác.
Lần đó lên, mấy đứa tôi cũng được tiếp đón rất nhiệt tình, tuy không “mở hội” như lần trước, nhưng lần lượt mỗi hôm một nhà mời chúng tôi đến ăn cơm. Chắc là bác tôi đã phân công trước. Giai đoạn này "xóm ông Lai" đang phát triển hưng thịnh. Nhà trên cao, nhà dưới thấp, cây cối tốt tươi, đường mòn uốn lượn như tranh thủy mặc. Dòng suối chảy qua thung lũng được đắp đập ngăn thành ao cá ba tầng, muốn bắt cá chỉ việc xả nước xuống tầng dưới, bắt cá xong, lại tháo nước tầng trên vào. Dọc theo suối, mấy cái máy thuỷ điện mi-ni chạy ro ro, thắp đèn, xem ti-vi thoải mái. Chốc chốc một con xe máy Min-khờ lại rú ga leo dốc lượn vào. Chúng tôi đi từ nhà này sang nhà khác, xem ruộng lúa, vườn mơ, vườn mận, trại lợn, xưởng làm đậu phụ, leo lên cả đồi chè, đồi cây mỡ. Anh bạn Long An lần đầu biết phong cảnh miền sơn cước và cách mời mọc, uống rượu trịnh trọng ngoài Bắc, cái gì cũng hỏi. Hai món ấn tượng nhất là ngồi xe Min-khờ leo núi và tằm chiên giòn. Xe Min-khơ leo núi là một trò cảm giác mạnh đẳng cấp. Còn tằm chiên giòn là loại tằm ăn lá sắn, to như ngón tay, chiên cả con, còn đầy đủ hai hàng chân lởm chởm, xếp đầy một đĩa, người yếu bóng vía nhìn thấy chắc phát ngất.
Trong các bữa ăn, mọi người bàn tán nhiều về việc giải toả thị xã Lào Cai. Quan hệ Việt-Trung giai đoạn này đang bình thường hóa, dân bắt đầu tìm về thị xã. Họ gặp phải hai vấn đề: thứ nhất là thị xã đã bị san bằng, bom đạn, chiến hào đảo lộn nhiều năm, nhà cũ vườn xưa hoang hoá, không còn ranh giới. Thứ hai là mìn quá nhiều, cả của ta và của Tàu, chồng chéo dày đặc. Vấn đề thứ nhất là cơ hội, vấn đề thứ hai là nguy cơ. Đã có những chiến dịch lớn đế giải phóng đất, nhưng mìn vẫn còn sót lại, nguy cơ chưa hết hoàn toàn. Dù vậy cơ hội ngày càng hấp dẫn, ai cũng băn khoăn nên đi hay ở. Nhiều người tiếc cơ ngơi nhà cửa ở đây, nhưng cũng nhiều người tìm cách lên thị xã kiếm đất và làm ăn. Nhà bác tôi cũng có mấy ông anh quyết tâm xa vợ con, theo cơ quan lên bám trụ trên thị xã. Một cậu cháu rể mua xe tải chạy vào những tuyến đường nguy hiểm nhất, kiếm rất khá, nhưng hôm tôi lên xe bị trúng mìn, kéo về bỏ ở góc sân, may người không việc gì.
Chuyến đi đó của tôi sau này được gia đình coi là “có ý nghĩa lịch sử”, bởi vì khi về tôi đưa một “đoàn đại biểu” do bác gái dẫn đầu vào thăm miền Nam. Hai người cháu ở lại Sài gòn, làm cầu nối cho nhiều người nữa vào. Đến bây giờ đã có mấy gia đình, cộng thêm các con cháu lẻ, cũng tới hai, ba chục nhân khẩu, thành “Chi nhánh” của xóm ông Lai ở Sài gòn.
Năm 2002, cả nhà tôi lại ra thăm bác. Bác tôi cho người về đón tận Hà Nội. Chúng tôi đi tàu du lịch quốc tế, giường đệm, máy lạnh, cùng toa với các ông tây, bà đầm. Mấy đứa con tôi tròn mắt nghe họ xì xồ trò chuyện. Tàu đến tận Lào Cai và sang Trung Quốc nhưng nhà tôi xuống Phố Lu. Gần chục năm qua, thị trấn không phát triển gì thêm, cơ quan tỉnh đã về hết Lào Cai, lúc đó đã là thành phố. Gia đình bác tôi cũng lên trên ấy non nửa, số ở Phố Lu cũng chuyển ra gần đường lớn. Trong xóm ông Lai chỉ còn lại hai, ba nhà. Vườn tược đã bán đi phần lớn. Đường vào xóm không được sửa chữa, rất khó đi, nhưng bác tôi không chịu chuyển ra phố. Nhà tôi ở chơi Phố Lu hai ngày rồi lên “LaoCai City”. Đường tốt, ô tô chạy hơn tiếng là đến nơi. Thành phố mới, dân cư nhiều đoạn còn thưa thớt, nhưng nhìn chung rộng rãi, vuông vắn. Các công trình chính đều to lớn, hiện đại, chứng tỏ có con mắt quy hoạch. Các anh chị tôi người làm công chức, người buôn bán, nhà cửa chưa hoàn chỉnh, nhưng đều phấn khởi.
Mấy ông anh bảo tôi có muốn sang chợ Trung Quốc thì họ dẫn đi, theo lối vượt sông của dân cửu vạn, tôi thích lắm nhưng cũng sợ, nên từ chối. Thấy vậy, mấy ông anh bảo: ”bên ấy cũng như bên mình thôi, chẳng có gì hơn đâu”. Tôi chưa sang nên chưa biết bên đó, nhưng tới thành phố Lào Cai này, tôi thấy đã giống Trung Quốc lắm rồi. Vật dụng to nhỏ trong nhà đều là hàng Trung Quốc, ăn gạo Trung Quốc, xem ti-vi Trung Quốc rõ hơn đài Việt Nam. Ngoài phố, trong chợ, khách Trung đi từng đoàn.
Tôi được đưa đi xem cửa khẩu, xem cột mốc biên giới mới xây. Thăm Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo, ngay sát bờ sông biên giới, cổng đền quay về phương Bắc. Đứng ở cổng đền nhìn sang bên kia sông, xúc động lắm. Cũng trời ấy, đất ấy mà là hai xứ khác nhau, dòng sông ranh giới mùa cạn, nước chảy lững lờ. Biên cương của Tổ quốc thiêng liêng, có Đức thánh Trần trấn thủ đây, mà sao vẫn thấy có gì hơi u tịch.
Bẵng đi mười mấy năm, vừa rồi mới có dịp cùng chú em trở lại chốn xưa. Xuống sân bay Nội Bài đã có người cháu đón sẵn, đưa đi luôn theo đường cao tốc. Xe lướt nhanh qua vùng đồi núi trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ, rồi tiếp tục lướt qua những địa danh một thời được coi là “rừng thiêng nước độc” Yên Bái, Bảo Hà. Sau bốn tiếng, kể cả nghỉ dọc đường, đã có mặt tại trung tâm thành phố Lào Cai. Chuyến đi tới miền biên viễn xa xôi ngày nào nhẹ nhàng đến không ngờ.
Nhờ có sự kết nối hàng ngày trên “fây”, nên những cuộc gặp gỡ không nhiều bất ngờ, nhưng vẫn nhiều cảm xúc. Đại gia đình nhà ông Lai giờ đã là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các độ tuổi, công việc, hoàn cảnh, đủ những chuyện vui buồn. Các anh chị lớn, thế hệ trụ cột của công cuộc khai sơn phá thạch năm xưa đều đã lên ông lên bà. Chị cả mới mất, thọ 75 tuổi, còn lại cũng thuộc hàng “xưa nay hiếm”, vui thú tuổi già. Thay vào đó là những thế hệ kế tiếp, thêm nhiều dâu, rể, bạn bè, mở mang và sôi động, gợi lại hình ảnh của một “xóm ông Lai” nhộn nhịp ngày nào, nhưng ở phạm vi rộng hơn.
Chuyến đi lần này tuy ngắn, nhưng đường sá và phương tiện thuận lợi nên chúng tôi cũng kịp “chạy sô” một vòng từ Lào Cai về Phố Lu, thăm dải đất ven sông, nơi in dấu chân đầu tiên của gia đình bác tôi hơn năm chục năm trước, rồi ngược lên thị trấn vùng cao Bắc Hà để có cái nhìn bao quát về một miền núi sông hùng vĩ. Điểm nhấn của chuyến đi vẫn là những bữa họp mặt, dù “mời vội”, toàn người nhà nhưng cũng sẵn sàng dăm mâm đầy khí thế. Tiếc là không có điều kiện ở lại “chiến đấu” lâu hơn, đành hẹn gặp “rừng núi biên cương” một lần khác.
Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng cũng thật dài. Thoáng chốc đã mấy mươi năm. Bao nhiêu biến động trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi vùng quê. Xin ôn lại chút kỷ niệm bất chợt để nhớ về những câu chuyện chưa xa, nhớ về những người đã khuất.
Hình: Hai chị em - LC 2002
Đọc thêm!