Thứ Năm, tháng 7 06, 2017

NHÀ 7B, QKNĐ, HÀ NỘI XƯA. 

Trong truyện Quân khu Nam Đồng, anh Bình Ca viết “Ban đầu khu gồm tám dãy nhà bốn tầng… về sau Bộ Quốc phòng xây thêm sáu dãy nhà một tầng giữa các dãy bốn tầng”, như vậy là các dãy nhà một tầng đã có mặt khá sớm trong đội hình Quân khu. Vì thấp bé nên chúng được gọi nhanh là “nhà ngang” mặc dù chính xác thì chúng nằm dọc - so với con đường trung tâm của khu.

 Những dãy nhà ngang lúc đầu chỉ làm tạm bằng tre gỗ, lợp lá, về sau mới xây cấp 4. Cho tới nay thì hầu hết đã được dựng lại thành các căn nhà lầu liên kế, hòa chung với những công trình cơi nới từ các tòa nhà chính, không còn phân biệt rõ ràng “ngang” hay “dọc”. 

Trong các nhà ngang thì dãy nhà 7B (sau này mới gọi là 7C) nằm giữa hai đầu hồi nhà 5 và nhà 7, được làm sớm nhất, tồn tại dưới dạng tre lá lâu nhất và được giải tỏa triệt để nhất. Những cư dân về Khu sau năm 1978 sẽ không biết dãy nhà này. Bản thân những hộ ở nhà 7B sau khi “di cư” đi khắp các nơi trong khu cũng không quay trở về. Tại địa điểm cũ một dãy nhà mới mọc lên với tên gọi khác. Nhà 7B hoàn toàn bị xoá sổ.

 Chủ nhân đầu tiên của dãy nhà 7B là mười gia đình sĩ quan thuộc Cục Vật tư Nhiên liệu – Tổng cục Hậu cần. Những năm về sau, Cục này được tách nhập thay đổi rất nhiều lần nên nhà 7B bị “bỏ quên”, không ai quản lý, dẫn đến việc khu nhà cứ xuống cấp dần rồi giải thể, như đã nói ở trên.

 Về mặt địa hình thì nhà 7B thuộc vùng xa nhất của khu, trên một rẻo đất giáp ranh với cánh đồng làng Nam Đồng, trường Ngân hàng, trường Công đoàn, Cục Kiến thiết cơ bản…Thời đó những khu vực này vẫn nối liền, chưa có tường rào kiên cố, nên bà con nhà 7B tuy sổ gạo ở khu Nam Đồng nhưng vẫn quan hệ thường xuyên với lân bang, chia sẻ mảnh vườn tăng gia, xin tí nước máy, xin tí điện (câu trộm), muốn sang mạn Kim Liên, Chùa Bộc có khi lại “đi nhờ” qua Trường Ngân hàng chứ không đi đường cổng khu. Lũ trẻ con nhà 7B hàng ngày “vượt biên” sang bên kia ao, chơi trên đất bạn nhiều hơn đất nhà.

 Vì có chút đặc biệt như thế, nên nhiều người không biết hoặc không nhớ nhà 7B, khi giới thiệu phải giải thích một lúc. Ngay cả cư dân của nhà 7B, nhất là lớp ít tuổi, chuyển đi đã lâu, có khi cũng không nhớ nhiều về nơi ở cũ. Tuy nhiên chỉ ngồi với nhau một lúc, ôn lại vài câu chuyện, thì những ký ức trở lại rất nhanh, những ký ức của một thời gian khổ, cùng sống dưới mái nhà tre lá đơn sơ mà đầy tình nghĩa. Các hộ ở nhà 7B sống gắn bó vì hoàn cảnh gần như nhau, lại cùng chung cơ quan. Đặc biệt là lũ trẻ thì càng thân thiết vì cùng lứa sàn sàn, học cùng trường, ở nhà thì cùng chung dãy bếp, chung bể nước máy…và chung nhau vô số trò chơi.

 Tiếc rằng tới nay số bạn bè nhà 7B cũ tìm lại chưa đủ, lý do vì phải “giải tán” sớm như đã nói ở trên. Cũng chưa họp mặt được lần nào. Nhưng cũng vì thế mà mỗi lần gặp gỡ đều có nhiều ý nghĩa.

 Nhân dịp bé Anh Trang, nguyên cư dân phòng 3 nhà 7B, Quân khu Nam Đồng, vượt hai ngàn cây số mang một hương vị đặc sản ẩm thực Hà Nội Xưa vào Sài Gòn “khởi nghiệp”, mấy anh em lại có dịp hàn huyên sau 39 năm chia tay. Trong một không gian gọn gàng, những câu chuyện đan xen cũ mới, kỷ niệm với dự định tương lai, lại thường xuyên gián đoạn vì em chủ bận khách, nhưng vẫn vui vẻ, đậm đà “văn chương với chả cá” (Nguyễn Vỹ).

 Chúc Anh Trang và Hà Nội Xưa thành công, tạo thêm một điểm hẹn nữa cho anh chị em Quân khu Nam Đồng, anh em nhà 7B ở Sài Gòn.
Đọc thêm!
Chia tay sau hội lớp năm ngoái, “bọn mặt giặc” lớp A còn gặp gỡ lẻ tẻ khối lần nữa, nhưng xem ra vẫn còn nhiều điều muốn nói, đang để dành, chờ thằng Fây nó nhắc. 

Fây chưa nhắc thì thầy Hợi đã nhắc, trước cả bốn tháng. Chắc là hè về, trường vắng, thầy lại nhớ trò.

Hôm rồi gặp anh bạn khóa sau, thấy nói là đang chuẩn bị cho hội lớp 35 năm ra trường. Lứa mình đã sang năm thứ 36. Xem trên FB của thầy Hợi thấy hội lớp của các khóa trước rất xa, tới mười năm. So với các đồng môn này thì bọn mình chưa là tuổi gì.

Các bác hát bài “Trường ca Đống Đa” quá hoành tráng, mà sao mình không biết, chắc phải sưu tầm lại. Sắp già rồi, đầu óc như cái đồng hồ cát đã lật, bắt đầu hành trình ngược.

Trường Đống Đa ở tuổi 57, bao nhiêu thế hệ học trò. Cùng chung mái trường nhưng mỗi thời vẫn có đặc điểm riêng. Khóa 78-81 bọn mình rơi vào tâm điểm gian khổ thời bao cấp, tâm điểm của giai đoạn chống Tàu. Chuyến dã ngoại năm 79 lúc đầu định lên Lạng Sơn, nơi thầy Huy từng dạy học, nhưng vì chiến sự nên đổi sang đi Sóc Sơn. Trên đường vào núi Sóc, bọn mình phải đi qua một đơn vị xe tăng, một trận địa pháo cao xạ đang trực chiến với những kẹp đạn vàng chói.

Trường học cũng là đời sống, những biến động của xã hội cộng hưởng với sự bất ổn của tuổi mới lớn đã tạo nên một “bọn mặt giặc” mang tên lớp A đầy cá tính, mà ba chục năm sau gặp lại, ơn giời, vẫn còn thấy ghét. 

Thêm một mùa hè về, mùa hội trường, họp lớp. Mới đó mà đã tám tháng, cảm ơn thầy Hợi. Thầy vẫn chu đáo như ngày xưa, như những thầy cô ngày xưa.

Bọn mặt giặc, nghe thấy chưa? Biến đâu cả rồi, sắp đến giờ vào lớp.


Đọc thêm!