Chủ Nhật, tháng 11 19, 2017

THẦY VINH DẠY VĂN. 
       Ngược dòng thời gian trở về giờ văn của lớp ấy, trường ấy cách nay 36 năm: 

 Trên bảng thầy giáo giảng văn
 Ở dưới mấy đứa ngồi nhăn răng cười
 Mấy đứa thơ thẩn nhìn trời
 Mấy đứa đầu chụm nối lời nhỏ to
 Mấy đứa mơ mộng hát hò
 Ngoài cửa mấy đứa thập thò vẫy tay
 Thôi thì thầy nói mặc thầy
 Giờ văn lớp tớ là hay cực kỳ
 Ai mà có muốn làm gì
 Việc riêng thoải mái bài ghi cóc cần
 Thầy nhắc thì ta cứ mần
 Thầy nhắc vài lần thầy chán thì thôi
 Cùng lắm giả vờ nghe lời
 Thầy nhắc xong rồi thì lại việc riêng
 Thế là thầy giáo mất thiêng
 Nửa lớp nói chuyện thầy thêm bực mình
 Mỗi lần thầy nổi lôi đình
 Cả bọn đồng tình tán thưởng hoan hô…

        Xin bảo đảm là cái giờ văn ấy đúng như thế, vì đây là đoạn trích của bài báo tường đã được cô tổ trưởng tổ văn đọc trước toàn trường khi chấm giải.
         Nếu cần nhân chứng nữa thì xin khai luôn, “thơ thẩn nhìn trời” chính là cái thằng tôi, “đầu chụm nhỏ to” là mấy đứa con gái tổ một như minh trần, kiều thị an giang, nhung nguyễn….đã nhiều lần bị ghi vào sổ đen, “mơ mộng hát hò” là mấy đứa văn nghệ sĩ ngồi bàn cuối hoang anh son, Minh tiến đặng, chuyên trị nhạc vàng, “thập thò vẫy tay” là nhóm chuyên gia “bùng tiết” của mai sự ngọc, còn “nhăn răng cười” là tất cả đám còn lại, kể cả bí thư và lớp trưởng.
          Tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy, cái không khí học hành đặc biệt đó chỉ diễn ra vào học kỳ cuối, trước khi thi tốt nghiệp, lúc đó giỏi thì giỏi rồi! dốt thì dốt rồi! không còn hy vọng gì vào sự đảo ngược. Đám học trò gần như đã công khai lãn công, “đóng băng” sách vở để thời gian tô điểm cho những cuốn lưu bút.           Còn lại thì hầu hết các giờ văn trong năm đều diễn ra một cách trật tự, dù khá chán. Sự chán đó là hệ quả trực tiếp một chương trình “trích giảng văn học” siêu chán. Như tác giả Mã Pí Lèng hồi tưởng lại: toàn bộ tinh túy kiến thức văn học phổ thông thời đó cô lại trong bốn chữ “yêu căm chiến lạc". “Yêu" là yêu nước, “ Căm” là căm thù giặc, “Chiến” là chiến đấu dũng cảm, “ Lạc" là lạc quan yêu đời. Về sau có thêm chữ “Lao", là lao động quên mình. Cứ nhớ cho được mấy chữ đó là ổn. Còn đứa nào lỡ thích môn văn, muốn khám phá những dòng văn học khác thì cũng được tạo điều kiện…định hướng. Ví dụ, văn học lãng mạn là “tiểu ủy xa ru" - tiểu tư sản, ủy mị, xa rời thực tế, ru ngủ quần chúng, còn văn học thời phong kiến là “xót án tự bi".
       Có lẽ chính cái quan điểm giáo dục thô thiển ấy đã tạo ra những ứng xử tiêu cực của đa số học sinh đối với môn văn và văn học, kéo dài đến tận bây giờ. Số ít còn lại, vẫn chịu khó học thuộc “yêu căm chiến lạc” rồi tiếp tục đi tìm sự nghiệp hay niềm vui trong văn chương “vô bổ”, thì phần nhiều là nhờ các thầy cô giáo.
     Như cái giờ văn “chợ chiều” nói trên, đứng lớp là thầy Hồng. Với tinh thần trách nhiệm hiếm có, thay vì kết thúc nhanh rồi lì xì thời gian còn lại cho học sinh, thì thầy vẫn kiên trì diễn giải từ chủ đề, xuất xứ đến nội dung, đặc điểm...Thầy đứng nghiêng, chỉ nhìn vào dãy bàn đầu, gồm mấy đứa chịu nghe, để giảng cho đến hết giờ, dặn dò, chào học sinh xong mới ra khỏi lớp. Có lần bên dưới mất trật tự, thầy giận, quay xuống bắt được một trò (sau mới biết là bắt oan), thầy nói: hoặc là em ra ngoài, hoặc là thầy ngừng giảng. Việc này có minh le làm chứng.
      Tôi ở trong số mấy đứa còn nghe thầy, xin kể là thầy vẫn giảng bài cẩn thận, thậm chí còn nói to hơn, khi ồn ào. Nếu cắt từ bàn đầu, bỏ phần sau lớp đi, thì đó là một giờ giảng hoàn hảo.
     Cô Tú, dạy văn năm lớp tám, thì khác. Cô giảng nhanh rồi để thời gian kể chuyện. Chắc các bạn còn nhớ cái kiểu đòi thầy cô kể chuyện hồi ấy. Buồn cười là với mục đích tăng chơi giảm học, có khi cả lớp nhao nhao đòi cả thầy toán, thầy lý…kể chuyện. Vậy mà cũng nhiều lần được đáp ứng. Thời đói sách báo nên những câu chuyện kể hay đọc trước lớp đều được thành tâm đón nhận, nhiều chuyện còn nhớ đến giờ.
     Học kỳ hai lớp chín, thầy Vinh dạy văn lớp tôi. Bài kiểm tra đầu tiên tự nhiên tôi được bảy điểm, cao nhất lớp. Hồi đó điểm số chưa lạm phát như bây giờ nên bảy văn là ghê lắm. Tôi bất ngờ mà cả tổ cũng chẳng hiểu tại sao, chúng nó kết luận: tại văn mày hợp với thầy. Có lẽ là hợp thật, nên bài tiếp theo tôi vẫn giữ được mức khá. Một hôm, thầy gọi tôi ra bảo chuẩn bị viết tiểu luận(!) tham gia hội thảo Truyện Kiều của Trường. Tôi hoảng hồn vì trình độ “Kiều học” của mình chỉ lõm bõm vài câu trích đoạn trong sách giáo khoa, mà toàn những câu có mùi binh đao kiểu như “Ba quân chỉ ngọn cờ đào. Đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Tri”.
      Cả tuần chẳng nặn được chữ nào, thầy lại tìm tôi đưa cho một cuốn Kiều bản Full có cả chú giải, dày cộp. Tôi càng choáng, quyết chí xin thôi mà không dám nói, đành ngán ngẩm ôm sách về. Tuần tiếp theo vẫn chưa thể bập được vào chuyện chính, nhưng ngược lại, phần chú giải thì đọc rất khoái, có nhiều điển tích hay, lạ. Ví dụ câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” có nguồn gốc từ một chuyện tình bên Tàu và câu thơ ”Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Tôi nhận thấy Truyện Kiều có cái dở là viết vắn tắt quá, nên khó hiểu.
      Nhưng đọc là một chuyện, viết ra là một chuyện. Tôi cố tình tránh mặt để thầy quên nhưng thầy vẫn lên lớp tìm. Sau khi nắm tình hình, thầy hẹn tôi đến nhà để thầy hướng dẫn. Nhà thầy trên phố Bích Câu, một căn hộ nhỏ quay ra đường. Tôi đến sau giờ học, đang giờ nghỉ trưa nên thầy chỉ mặc áo ba lỗ, dáng gầy gò, xuề xòa, không nghiêm như trên lớp. Hướng dẫn qua rồi thầy lại đưa tiếp cho tôi một cuốn phê bình văn học chuyên đề Truyện Kiều và một tập bài giảng viết tay. Cả hai đều cũ vàng nhưng được bọc ni lông cẩn thận.
     Có “phỏm tươi” nên dù ngại ghê gớm, công việc đã có thể bắt đầu. Đọc qua mấy cuốn sách thầy đưa, tôi quyết định chọn chủ đề là mối tình Thúy Kiều - Kim Trọng vì đơn giản, dễ nói và quan trọng nhất là nó ngắn. Hì hục xào nấu mấy hôm, cuối cùng bài “tiểu luận” cũng xong. Tôi không dám xem lại, mang gửi cho thầy, điều ngạc nhiên là thầy cũng chỉ lướt qua rồi bảo: Ừ, về tập đọc cho kỹ nhé. Không nhẽ hai thầy trò hợp nhau đến vậy!
     Buổi hội thảo tổ chức rất trang trọng, có Ban Giám hiệu và thầy cô toàn trường tham dự, cả một số khách mời. Sau phần phát biểu của đại biểu và các thầy cô là tham luận của học sinh, hoạt cảnh Hoạn Thư đánh ghen do các bạn lớp G diễn và các tiết mục xen kẽ do cô Trần Thị Tuyết, nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng, nhà ở khu Nam Đồng, trình bày. Thầy Vinh dẫn theo con gái, cũng trạc tuổi tôi nhưng học trường khác. Bạn này trắng trẻo, dáng cao giống thầy.          Tâm trạng của tôi khá lo lắng nên không tập trung theo dõi các tiết mục, chỉ nhớ phần trình bày của mình cũng được vỗ tay, rồi được một thầy lên phân tích thêm về tâm trạng khi mất người yêu của chàng Kim Trọng và anh Bộ đội trong bài thơ Núi Đôi để nêu rõ sự ưu việt của tình yêu nam nữ thời “yêu, căm, chiến, lạc” so với thời “xót, án, tự, bi”. Lúc tôi xuống, thầy Vinh cũng chỉ cười, gật gật.
      Lên lớp mười, thầy Vinh sang dạy lớp khác, điểm văn của tôi lại trở về quỹ đạo cũ, nhấp nhô ở mức trung bình. Tôi không bận tâm lắm về điểm số nhưng đến giờ văn vẫn nghiêm chỉnh, thấy thầy Hồng giảng hiền, nhưng hóm, chú ý nghe thì không chán. Tôi chỉ hơi ngại khi gặp thầy Vinh, nhưng thầy cũng chỉ hỏi chung chung, không đả động gì đến môn văn.
      Từ ngày rời trường tôi chưa gặp lại thầy Vinh và cũng chưa có dịp hỏi thăm về thầy. Vừa rồi xem trên FB, thấy một gương mặt giống thầy, mà không dám chắc.
    
      P/S: Đoạn sau của bài báo tường 
 …Chữ thầy lại trả cho thầy
 Kiểm tra một tiết ngỗng gầy hai con
 Thế mà chưa chịu hoàn hồn
 Hay là bán ngỗng còn hơn đến trường
 Cửa hàng thịt ngỗng khai trương
Biển đề tửu quán của trường Đống Đa
 Thực đơn ngỗng xáo 10A
 Tuyên truyền rộng rãi ắt là khách đông./.

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 11 14, 2017

Kỷ niệm Suối Mơ 

Khu du lịch Suối Mơ ở Định Quán là một địa điểm đẹp. Không nhiều nét độc đáo, không quá cầu kỳ, nhưng nhờ không gian thoáng đãng, lượng khách vừa phải nên có cảm giác thư giãn, dễ chịu. 

Buổi sáng hôm đó lại đẹp trời, nắng nhẹ, nên các “bé” 50+ hứng khởi, tung tăng ngắm hoa, bắt bướm, lội cả ra giữa suối để tạo dáng, có lúc chợt quên mất bạn. 

Bạn ngồi mãi đằng xa, dưới bóng mát của cây si cổ thụ, vừa nghỉ vừa trông mớ hành lý của cả nhóm. Từ chỗ bạn ngồi nhìn ra là một khoảng trời rất rộng, một thảm cỏ phẳng phiu, những hàng cây rập rờn ven hồ…hệt như lời một bài hát ngày trước “đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây…” 

Bạn mệt nên không theo được “lũ mặt giặc” kia. Mình cũng oải với lũ nó và cũng muốn ở lại chơi. Lâu lắm, suốt từ khi rời mái trường Đống Đa, bọn mình mới được nói chuyện nhiều. Cùng dân “nhà ngang” khu Nam Đồng, ở giáp nhau, lại cùng học chung từ bé, nên hồi đó mình với bạn có thể là không thân, nhưng quá “thuộc”. Nhờ thế nên những câu chuyện được tiếp nối dễ dàng, làm lấp nhanh khoảng cách thời gian hơn ba mươi năm, để mình dần nhận ra cô bạn bây giờ đậm đà, không còn “còi” như xưa, nhưng vẫn thật thà như xưa. Bạn nhớ hết mọi người ở dãy nhà bên mình, cả những căn bếp kề nhau và sân bể nước công cộng luôn chật chội vào mỗi buổi chiều. Còn mình thì nhớ bên nhà bạn, nhất là mẹ, khi đó là tổ trưởng, cụ thường đủng đỉnh dạo qua từng nhà, vừa quán triệt công việc của “trên”, vừa rề rà chuyện trò. Cụ chu đáo, cẩn thận, nên khi “quán triệt” hay nói đi nói lại, làm bọn mình cứ buồn cười. Tính cẩn thận của cụ chắc có “di truyền” phần nào sang cho bạn.

So với dịp họp lớp năm ngoái, đợt này bạn không được khỏe, chắc cũng còn đau. Bạn mang theo một cái gối bông, lúc thì đệm sau lưng, lúc thì ôm trước ngực. Cái gối đỡ cho bạn bớt mỏi nhưng cũng vô tình trở thành một thứ đồ chơi ngộ nghĩnh gợi nên sự vui vẻ, bình yên.

Mà đúng là bình yên thật, buổi sáng bình yên, câu chuyện bình yên, không chút nào ưu phiền. Bọn mình cùng ngắm trời, ngắm đất, ngắm lũ mặt giặc đang túm váy, ngả nghiêng leo ra bờ thác. Sau về nghĩ lại, thật là phục bạn mình, mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, không phải ai cũng bình tâm như vậy.

Nhưng được thế cũng là nhờ lũ mặt giặc lớp A, từ khi bạn ốm, chúng đã bày đủ trò, đưa bạn đi khắp nơi, như đợt này vào SG, lên tận cái xứ Suối Mơ, bảo dẫn bạn đi chơi, cuối cùng để bạn ôm gối trông đồ rồi kéo nhau đi tự sướng. Chúng cứ vô tư thế, ai mà không ghét.

Mãi rồi lũ mặt giặc cũng quay về với bạn, lại xúm vào hỏi han, rồi nắn tay, nắn chân. Trời Đồng Nai chắc cũng cảm động nên trút xuống ngay một trận mưa xối xả, mưa mãi về đến gần SG mới hết, lũ mặt giặc lại nảy ra sáng kiến đưa bạn ghé thăm phố đi bộ, bạn lại ôm gối đi cùng chúng nó.

Mấy hôm sau bạn về HN, theo dõi trên Phây thấy cả nhóm vẫn hay tụ tập, bạn vẫn tươi tỉnh nhưng sắc thái có vẻ không được tốt. Rồi tin buồn đến, dù có dự liệu nhưng vẫn bất ngờ, mới bốn tháng sau chia tay bạn bè ở SG.
Giờ thì lũ mặt giặc đang chông chênh lắm, cả lớp A cũng buồn. Hồi hè mình về Miền tây, lúc đi đường cứ thấy tiếc, đợt đó sau Suối Mơ, đã tính đưa bạn đi chơi chợ nổi, cuối cùng không đi được. Bây giờ thì chẳng bao giờ còn có dịp.

Chẳng còn dịp nào để lại ngồi với nhau ở một xứ mơ xa xôi nào đó, tiếp tục câu chuyện dang dở. Những câu chuyện bạn bè một thủa, chẳng dễ gì chia sẻ. Chợt nhớ có ai đó nói: Bạn bè mất đi, như mang theo một phần mình.



Đọc thêm!