Thứ Hai, tháng 5 28, 2018


Mát trời đánh một giấc dài
Sáng ra phấn khởi mở đài lên nghe
Đêm qua nước Tụ tứ bề
Mà đường thông thoáng người xe chỉ Ùn
Nhưng cũng cho bỏ Phí luôn
Chỉ còn thu Giá bà con vui lòng
Cọng giá thì nó phải cong
Cứ đòi thẳng thắn thì tong cả à
“Nâng đỡ” còn tối kia mà
Tiếng Việt trong sáng gọi là diễm xưa
“Quà trên tình cảm” bao vừa
“Tàu quen tàu lạ” còn chưa tỏ tường
Giật mình nhảy vội lên giường
Trùm chăn tiếp tục đoạn trường chiêm bao
Tiếng mình hay tiếng nước nào ?
Nó là tiếng nước đông-lào đó anh./.

Đọc thêm!
Đồng hồ sinh học chưa kịp lên dây cót lại, buổi sáng cứ thấy thiêu thiếu, tiện tay mở TV, đúng lúc đang Live một phiên họp.

Có đại biểu nào đang nói (đọc): Kính thưa… tôi hoàn toàn nhất trí (abc), sau đây tôi xin có thêm ý kiến (xyz). Tự nhiên đầu óc tỉnh hẳn, hơ hơ, nghe quen quen.

Hôm nay thứ sáu, nếu còn đi làm, chắc chắn là đang giao ban hay họp cái gì đó. Hóa ra là thiếu cái món này, hay quá, ngồi dự luôn.

Lại một đại biểu nữa tiếp tục: Tôi hoàn toàn nhất trí …., sau đây tôi xin có thêm ý kiến….Rồi một vị khác nữa: Tôi hoàn toàn nhất trí …., sau đây tôi xin có thêm ý kiến ….

Bắt đầu khoái à nha! Không hẳn là vì nội dung, vì cơ bản cũng như trên báo, mà là khoái cái không khí hội họp thân thuộc bao năm.

Thế là mình cứ mê mải ngồi “họp” gần hết buổi sáng, có lúc suýt giơ tay phát biểu mới bỏ mẹ. Ờ, mà giả sử có cho mình phát biểu thì có khi mình cũng chơi được chứ: Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí …., sau đây tôi xin có thêm một số ý kiến…hơ hơ.    
    
Phiên họp sáng kết thúc, mình cũng tạm nghỉ.

Trước khi nghỉ xin kể thêm câu chuyện: Có ông em được mời lên phát biểu mở màn. Ổng nói: tôi xin nhất trí với báo cáo và các ý kiến trước. Hội nghị cười ồ vì trước đó đã có ai nói đâu. Cười vui thôi vì biết ổng lỡ lời theo thói quen. Nghe nói còn có ông phát biểu vầy mới hay: Tôi xin nhất trí với các ý kiến phát biểu trước và phát biểu sau.

Nghe nói vẫn được vỗ tay. 

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 5 24, 2018


      Tiếp tục quá trình hội nhập, hôm qua đi đổi cái bằng lái xe. Thủ tục cũng dễ, lệ giá…à quên…lệ phí trăm ba lăm ngàn. Hẹn mười ngày có bằng mới.
     Vậy là sắp chia tay với cái bằng quân sự. Chợt nhớ hồi học lái xe năm 1984, lúc còn học viên. Thầy trò kéo nhau lên Long Bình, ở nhờ tiểu đoàn vận tải. Khu Tổng kho Long Bình phía ngoài lúc đó gần như bỏ hoang, bãi tập, đường sá rộng rãi nhưng khá nguy hiểm vì bị đào bới tan nát để lấy phế liệu. Khắp nơi chằng chịt hào rãnh, hố to hố nhỏ. Giai đoạn bọn mình lên, người ta đã lấy đến cả đường nhựa! đúng hơn là những mảng bê tông nhựa trải đường của Mỹ, dày cả gang tay, mà chất lượng theo mô tả là “đời đời bền vững”.  
      Học lái trên loại xe Zin-ba-cầu to vật, tay lái không trợ lực nặng như cùm, mà thầy lại không cho đề, mỗi lần mở máy là phải leo xuống giật ma-ni-ven vẹo sườn. Khổ thế nhưng đứa nào cũng háo hức vì nghề bẻ cổ ô tô trong xã hội lúc đó là vô cùng có phí…à quên…có giá.
      Được vài bữa thầy đã bắt đánh xe ra đường, ngồi lọt thỏm trong ca bin của con xe kềnh càng, bơi trên xa lộ Biên Hòa tấp nập, đứa nào cũng hoảng hồn, mặt tái mét. Về đến nhà rồi mới sướng, khoe ầm lên: mẹ, tao đạp hết ga. Biết đâu là thầy đã buộc cần kéo ga rồi, đạp hết mức cũng chẳng quá được 40 km/h.    
    Cái bằng quân sự gắn với kỷ niệm quân ngũ. Bây giờ bằng mới thì vẫn vi vu trên những cung đường cũ, rồi sẽ thêm những cung đường mới, miễn là bánh xe vẫn quay đều.
   Một diễn biến khác, đã mua một ổ đĩa di động để chuyển hết những thư mục liên quan đến công việc trong máy tính ra. Kết quả những năm công tác được “số hóa” thành mấy chục GB vô hình. Cứ lưu lại đó, chẳng biết còn giá trị gì không, nhưng cũng là dấu tích buồn vui một thời.


Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 5 22, 2018

Để đáp lại buổi họp mặt nhân ngày thành lập Trường tuần trước, tối qua các “cụ” hưu trí của Khoa có bữa “rượu nhạt” mời anh em còn đương chức. Tuy nhiên cuộc gặp này do các cụ “hưu vừa” tổ chức, các cụ “hưu già” và “hưu trẻ” (như mình) được mời dự mà không cho góp-ba-chốp.
Xem ra cái xã hội hưu cũng phức tạp phết, mới một đội nhỏ mà đã chia đẳng cấp thế, lại còn được động viên là: cứ bình tĩnh nghỉ hưu cho tốt rồi dần dần sẽ được lên nhóm “hưu vừa”, “hưu già”, mà nghe đâu còn có cả “siêu hưu”.
Biết làm sao được, tưởng hưu là ngon rồi, bi giờ lại phấn đấu tiếp.
Mà nghỉ hưu tốt là thế nào ha? Chưa có cụ hưu cấp trên nào giải thích cho mình. Chẳng nhẽ cứ lấy cái tiêu chí “công tác tốt” ngày xưa, chỗ nào có chữ “công tác”, “làm việc”…thì thay chữ “nghỉ” vô. Đại loại: luôn luôn ra sức nghỉ, nhận và hoàn thành mọi sự nghỉ ngơi, nghiên cứu cải tiến, nâng cao hiệu quả nghỉ ngơi, sẵn sàng tương trợ nghỉ thay cho các đ/c khác…
Có vẻ không ổn lắm. Đã nghỉ lại còn ra sức!
Thôi để từ từ nghiên cứu.



Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 5 16, 2018

Hình này chụp để đăng kỷ yếu 25 năm ngày truyền thống trường Vin (CĐKT Vin-hem Pich) 1978-2003, cách nay đúng 15 năm.
Ngày đó mình mới về Ban Khoa học công nghệ - Môi trường được mấy tháng, còn bỡ ngỡ. Tên của Ban viết tắt “KHCN-MT” được ông anh cấp trên giải thích là Ka Hát Cả Ngày Mỏi Tay, mình thấy cũng đúng. Nhiệm vụ thì khá “phiêu” toàn những vấn đề sách vở trên trời dưới đất, có vẻ gần với nghệ thuật! Mà cũng mỏi tay thật vì suốt ngày gõ máy tính, xếp công văn, kể ra thì còn mỏi cả chân và một số bộ phận khác, vì họp hành và chạy loăng quăng khá nhiều.
Quân số thì khiêm tốn như trên hình, mấy bữa sau thì Mr Điệp đi học tiến sĩ. Vậy là còn lại tám, hai nam, sáu nữ, mất cân đối nghiêm trọng về giới.
Công việc thì phần ai nấy làm, còn những việc khác hầu hết do phía chị em chốt hạ. Hai anh em thì vui vẻ chấp hành vì xác định dù có biểu quyết, cãi nhau hay đánh tay bo thì đều không có phần trăm nào cơ hội. Đại ca Khuể Trưởng Ban, theo chức trách thì có quyền ra lệnh. Nhưng như các cụ đã nói: Lệnh ông không bằng cồng bà, đằng này có tận sáu cái cồng.
Cơ bản thì cũng sướng, đang giờ làm việc mà nghe điện thoại nội bộ reng reng thì biết là có chén, trái cây hay quà bánh. Chị em cứ thích thì mua, rồi khách thăm thư viện ít khi đến tay không. Buổi trưa cũng hay tổ chức thể hiện tay nghề ẩm thực, đặc sắc nhất là ốc luộc đúng chuẩn Hà Nội, bao gồm cả gai bưởi để khêu (ốc) và rượu nút lá chuối. Các sếp Ban Giám hiệu thường order món này, đến bây giờ gặp vẫn còn nhắc. Cứ đều đều vậy nên chỉ sau mấy tháng mà đại ca Khuể lên được bốn, năm ký, mình thì không lên nhưng khỏe hẳn!
Ngày 8/3 chị em chuẩn bị bánh kẹo chu đáo, chuẩn bị cả bao thơ (tiền lì xì), hai anh em chỉ mỗi lẵng hoa xách xuống (mà tiền mua hoa cũng của chị em đưa), thế mới ngượng. Bao nhiêu năm như thế, bây giờ về hưu mới dám kể.
Nhà đông nữ nên cũng có những thiệt thòi, ví dụ khi đi hàng quán thì không được “bốc” (ý là bốc về khoản rượu bia), có hai anh em chém qua chém lại mãi mà không trúng được gió. Những khi có khách ngoài thì lại phải ra sức chiến đấu để giữ uy tín cho chị em! không để người ta nói “âm thịnh, dương suy” này nọ...
Thời gian như chuột chạy, thoáng chốc đã mười mấy năm, chín người trong hình thì sáu đã nghỉ hưu, hai chuyển đơn vị khác, còn mỗi Mrs Gấm, em út ngày nào, còn ở lại Ban.

Đọc thêm!
Hôm nay vẫn nghỉ, ngày Quốc tế lao động. Được nghỉ để mừng ngày lao động, nghe có gì sai sai. Nhưng bà con ai cũng hưởng ứng.
Nhiều năm trước, cũng vào dịp này, mình nhớ có ngày Lao động cộng sản, là ngày cha con kéo nhau đi làm công ích. Hiệu quả vật chất chắc chẳng ai tính, nhưng hiệu quả tinh thần được cho là rất to lớn vì làm vào ngày nghỉ.
Nghỉ vào ngày làm, làm vào ngày nghỉ, nghỉ và làm, xem ra rất tương đối, nhất là ở xứ mình.
Hai ông anh đã về hưu. Một ông nói: Mẹ, hưu rồi, quát chó nó còn không thèm nghe. Nhà mình không có chó, mà cũng chưa quát ai, nên không kiểm chứng được.
Ông kia nói: nhậu ngày hai cữ, họp hành nhiều hơn ngày xưa. Mình nghe cũng khiếp, nhậu còn cố được, chứ họp hành hơn xưa thì toi. Vậy là “làm hưu” chứ nghỉ cái giề.
Chưa biết thế nào, nhưng ngày hưu đầu tiên, ơn giời, cũng được.

Đọc thêm!