Thứ Bảy, tháng 11 17, 2018


Đã hưu được sáu tháng.

Lúc đi làm cứ tính năm tính tháng đến ngày nghỉ. Giờ nghỉ rồi còn tính làm gì? Không biết do thói quen hay đã quán triệt lời khuyên của mấy tiền bối hôm trước là cần tiếp tục phấn đấu để lên “hưu vừa”.

Mình đang “hưu dự bị”, con đường phấn đấu còn dài, mà đó lại là một quá trình tự diễn…à quên, tự học, không được đào tạo. 

Mới sáu tháng nên cũng chưa có thay đổi nhiều. Đáng kể là tạm thời chuyển chỗ ở, nơi mới hơi xa bạn bè nhưng được cái ít người biết nên mình có thể tiến thẳng lên “hưu vừa” thậm chí “hưu già”, cho oách. 

Cũng đã có một công việc mới, điều ngược lại là ở chỗ làm mới mình kiên quyết không tăng level, mãi mãi là “hưu trẻ”. 

“Thôi làm lính thì lại về làm thợ
Áo khác màu công việc vẫn như xưa
Đồng nghiệp mới cũng xinh như nơi cũ
Chợt giật mình chẳng biết đã hưu chưa”.

Cũng đã được thêm một ông sao trên ve áo. Mình mất mười bảy năm để từ U2 lên T3 và cũng bằng ấy năm để nhận ông sao cuối này, mười mấy năm không lên, không xuống, giống như truyện ngắn của một nhà văn quân đội “Người đi ngang sườn đồi”. Ừ thì đi ngang cũng là một cách đi.

Trong một diễn biến khác, sáu tháng qua, Sài Gòn đã chuyển từ hè sang thu. Thu phương nam không quá đậm đà nhưng vẫn có, dẫu chỉ thoáng qua trong chút sương, chút lạnh, chút bâng khuâng trên sắc màu hoa lá. 

Dự kiến là qua mùa thu sẽ tới mùa đông, rồi mùa xuân, mùa hạ. Bốn mùa tuần tự, vì ông trời không có mùa hưu.


Đọc thêm!
Bàn phím laptop của mình tự nhiên liệt mất chữ X, cũng hơi lạ vì mình thường chỉ gõ tiếng Việt, tần suất chữ X là không nhiều, cũng ít khi bàn luận về đồng chí X hay vấn đề X. Có thể là do phím X còn dùng để gõ dấu “ngã” kiểu Telex, nhưng dấu “~” này hình như cũng ít được dùng so với các dấu khác.
Vậy nguyên nhân phím chữ X tự nhiên lăn ra hỏng là không xác định, thích thì hỏng thôi, nó có quyền vì nó là ẩn số.
Tính thay cái bàn phím mới nhưng còn chần chừ, vì nghe nói đang có công nghệ chữ nghĩa gì đó, biết đâu người ta sẽ bỏ chữ X và dấu “~”.
Hơn nữa là mình cũng bực, không nhẽ lại chịu một chữ X, nó có quyền hỏng thì mình có quyền dùng chữ khác, kể cả nghĩ ra chữ mới, đã mang danh anh hùng bàn phím thì không gì là không thể.
Cụ thể có hai phương án, một là dùng chữ S, chữ này gọi là “sờ nặng” hay “sờ sâu” (vì cong queo giống con sâu) vốn cùng cặp với X tức “sờ nhẹ” hay “sờ bướm” (vì xòe ra như con bướm). Theo quy tắc thì “sờ sâu” phải đọc “nặng” hơn “sờ bướm” nhưng trên thực tế thì rất nhiều bà con kể cả “Hà Nội chuẩn” đều đọc như nhau tất.
Thử một câu xem sao: “Em xinh làm anh xốn xang” thành “Em sinh làm anh sốn sang”.
Nhìn sai sai, nhưng đọc lên có vẻ được, nhất là đọc theo “chuẩn”, còn nếu đọc đúng quy tắc “nặng nhẹ” thì ngữ nghĩa cũng không quá sai lệch, mà độ ép-phê có khi còn cao hơn.
Vậy phương án này khả thi, nhưng ngoài đời người ta dùng lẫn lộn thế mãi rồi, nên thường, ít trí tuệ.
Phương án hai là dùng bộ chữ cải cách của PGS Bùi. Trong bộ chữ này X đọc là “khờ”, vậy mình sẽ dùng chữ “Kh” thay cho X.
“Em xinh làm anh xốn xang” thành “Em khinh làm anh khốn khang”.
Cách này viết sai sai mà đọc lên lại càng sai, nhưng mức độ sáng tạo rất cao, rất trí tuệ, không phải dân cải cách hoặc công nghệ thì không thể hiểu được.
Mỗi phương án đều có ưu nhược điểm!! Vậy dùng phương án nào đây, hiện mình còn chưa quyết được. Có nhẽ phải đưa ra thực nghiệm chừng 30 năm.
Trong lúc chờ đợi đành dùng tạm cái bàn phím ảo có sẵn trên máy, hơi phiền phức nhưng gõ ra chữ thật, còn hơn ba cái bàn phím thật mà chập cheng, toàn gõ ra chữ ảo. Loại ấy chỉ mang bỏ sọt rác.

Đọc thêm!