Thứ Ba, tháng 12 21, 2010

CHÀO HỎI 


Đã nhiều năm nay tôi là giảng viên tại một trường đại học kỹ thuật. Bề ngoài tôi là một người nghiêm túc trong công việc, nhưng thật ra tôi hay nghĩ ngợi lung tung về những điều ngoài chức trách của mình trong giờ làm việc. Thậm chí, cả trong khi hỏi thi sinh viên. Nhất là khi gặp phải những sinh viên đang tua lại làu làu những điều đã in trong giáo trình. Mà những sinh viên như vậy, nói thật, bây giờ lại là phần nhiều.

Tôi nghĩ Tiếng Việt mình có nhiều từ ghép, nhiều từ không rõ nghĩa lắm như “chợ búa”, ”cây cối”, “chim chóc”…nhưng nhiều từ thật đắt như “chào hỏi”.  
Ở quê tôi, người ta không chào mà chỉ hỏi. Tôi đã từng nghe chuyện về những người nước ngoài mới học tiếng ta đã vô cùng bối rối khi đang trên đường đi W.C, bị người quen giữ lại hỏi : “Anh đi đâu đấy ?”. Nếu như đã ở nước mình lâu thì anh ta chỉ cần nói : “Đi đằng này tý !” là xong và cả hai người sẽ đều vui vẻ vì vừa chào nhau một cách thắm thiết.
Đó là trước kia, chứ bây giờ thì ở thời đại tốc độ, người ta chỉ đủ thời gian chào nhau một cách gọn nhẹ như Tây. Chỉ khi thân mật lắm người ta mới chào-hỏi. Tôi cũng đã nghe chuyện vị thủ trưởng nọ, muốn tỏ ra thân mật khi gặp mặt,  thường vỗ vai cấp dưới hỏi : ” Thế nào, khoẻ không, vẫn tên cũ hả !!”. Dù sao, theo tôi, được thế vẫn cảm động hơn là khi chỉ nghe mỗi câu : “Xin chào” hay “Chào cậu”.
Lan man một tý, bây giờ tôi xin trở lại câu chuyện chào hỏi.
Như trên đã nói, tôi là thầy giáo, mỗi năm giảng dạy mấy trăm sinh viên. Mỗi ngày đến trường đều được sinh viên chào. Không phải sinh viên nào cũng chào, nhưng nói chung là nhiều. Số tôi đang dạy chào tôi là đương nhiên, số lạ mặt tự nhiên đến chào là sắp học môn của tôi. Còn số quen mặt mà không thấy chào là sắp ra trường.
Họ chỉ chào mà không hỏi. Tôi nghe nói, ở ta, sinh viên mà hỏi giáo sư là tối kỵ. Dốt không nên hỏi, vì sẽ lòi cái dốt của mình ra. Giỏi càng không nên hỏi, vì sẽ lòi cái dốt của thầy ra. Khi họ chào, tôi cũng chỉ gật đầu đáp lại mà không hỏi, tôi thừa biết, cái mà sinh viên không ưa nhất chính là những câu hỏi thêm của thầy.
Nhưng có một lần, vào một buổi chiều đẹp trời, tôi đang ngồi một mình trong thư viện với tâm trạng vui vẻ. Tôi cũng không nhớ tại sao tôi vui vẻ, có thể là được thủ trưởng khen, cũng có thể là do mới làm xong một bài thơ. Có một sinh viên đi ngang qua : “Chào thầy ”. Tôi gật đầu chào lại và có lẽ do tâm trạng vui vẻ nên tự nhiên bật ra câu hỏi : “Em đi đâu đấy ?”, “dạ, em đi trả sách”. Vậy thôi, sinh viên tới thư viện, không mượn sách thì trả sách, không còn gì để nói. Tuy nhiên, tâm trạng vui vẻ vẫn còn, nên câu hỏi tiếp theo lại bật ra : “Sách gì vậy em ?”, “dạ, cuốn giáo trình của thầy”. Tình huống đã được mở, không ai có thể thờ ơ với sách của mình, nhất là khi tôi nhớ cậu sinh viên này đã thi qua môn của tôi từ lâu. “Có gì không em ?”, “dạ, có một chỗ em chưa rõ”. Tôi mời cậu sinh viên ngồi xuống trình bày. Chỉ mới vài câu tôi đã chợt nhận ra hai chữ viết sai của mình trong giáo trình. Hai chữ sai chết người mà hàng chục năm nay không ai biết, hay không ai nói với tôi. Thực ra, cũng do tôi sao chép lại từ một giáo trình khác mà không để ý. Có thể giáo trình đó lại sao chép lại từ một giáo trình khác nữa.
Sau buổi hôm ấy, tôi hướng dẫn cậu sinh viên viết một bài báo nhỏ về vấn đề cậu phát hiện, cũng là dịp để tôi cải chính sai sót của mình. Từ đó tôi cũng quan tâm đến cậu ta hơn. Qua tôi, cậu được gặp gỡ, học hỏi nhiều thầy giáo khác. Vốn là một sinh viên khá, cậu thêm tự tin và cố gắng trong học tập. Tốt nghiệp loại giỏi, cậu được giữ lại trường và gửi đi đào tạo tiếp, dần trở thành một cán bộ giảng dạy bằng cấp cao, có trình độ và tận tụỵ. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau và chào hỏi thân mật. Khi đã thân thiết, có lần cậu tâm sự: “Hồi xưa khi đọc sách của thầy, tới chỗ đó, em chưa hiểu nhưng không dám hỏi, tự mày mò nghiên cứu thêm. Sau bận quá định bỏ qua, đi trả sách thì may được gặp thầy. Thầy hỏi, em mới dám nói”.
Tôi vẫn đến trường hàng ngày, vẫn nhận hàng trăm lời chào của sinh viên. Có những em vội vã lên giảng đường, xuống thư viện, quên không chào, thì tôi chủ động chào trước. Thi thoảng, có sinh viên chào tôi : “Thầy đi đâu đấy ạ ?”. Những lúc đó, tôi sung sướng vô cùng.    

                                                   TP.HCM Tháng 8/2006

Không có nhận xét nào: