Thứ Tư, tháng 5 18, 2011

Yêu căm chiến lạc... lao
(Báo Quân đội nhân dân)


     “ Lao" là thêm về sau, ban đầu chỉ có “yêu căm chiến lạc". Đấy là một trong những thần chú của môn văn, mà nếu là trò cấp ba thời phổ thông mới chỉ 10 năm ắt là bạn còn nhớ. Có vẻ thậm vô nghĩa nhưng rất thiêng. Làm luận kiểm tra, làm luận thi học kỳ, làm luận tốt nghiệp cứ có đủ “yêu căm chiến lạc" bốn chữ ấy là bạn không phải lo gì điểm kém. Tất nhiên để cho chắc ăn bạn cũng cần phải biết thêm một số thần chú dự phòng, chẳng hạn: “xót án tự bi" hay là “ tiểu ủy xa ru" ...
    
     Hồi đó môn văn tuy chưa gây lao lực, chưa làm chán ngán, chưa khiến học sinh nản lòng như bây giờ, nhưng cũng đã là một môn nặng, một môn khô khan, khổ nhọc gấp bội lần môn toán, môn lý. Hồi đó lại chưa có lớp học thêm, chưa có lò luyện thi, chưa có thầy phụ đạo giá cao, chưa có đủ thứ sách đắt tiền để “trau dồi kỹ năng" học văn như bây giờ. Tác phẩm được trích giảng trong sách giáo khoa thì học trò hầu hết chưa được đọc vì chẳng có ngoài hiệu sách. Cả sách Trích giảng văn học cũng chẳng đủ. Vì vậy để có thể qua được môn văn mà không phải mất toàn bộ sức lực và thời gian cho nó, các thế hệ học trò cấp ba thời ấy đã sáng tạo ra cái công thức “yêu căm chiến lạc" nổi tiếng đó. Nghe thì ngô nghê song công thức ấy rất hiệu nghiệm, vừa đáp ứng đầy đủ ba-rem chấm thi của các thầy vừa gọn gàng dễ nhớ.
     
     “ Yêu" - là yêu nước. “ Căm” là căm thù giặc. “Chiến” là chiến đấu dũng cảm. “ Lạc" là lạc quan yêu đời. Còn “Lao", chữ bổ sung về sau, là lao động quên mình. “Yêu căm chiến lạc lao" là ba-rem đủ ý nhất cho mọi bài luận liên quan đến chủ đề nhân sinh quan thời đại, một chủ đề chính yếu, có thể nói là cốt tử, một chủ đề thể nào cũng có khi làm tập làm văn lớp 10. Tất nhiên là cùng một chủ đề ấy người ta có nhiều cách ra đề: "Anh chị hãy bình giảng đoạn văn sau đây (...) trong tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải"; hay là: "Nhà văn Nguyễn Khải đã viết (...), bằng các tác phẩm văn học hiện thực cách mạng đã học, anh chị hãy phân tích ý kiến trên"; hoặc: "Con người mới trong xã hội ta có những phẩm chất như sau (...), thông qua những nhân vật điển hình con người mới do nhà văn Nguyễn Khải xây dựng, anh chị hãy phân tích cụ thể các phẩm chất cao quý ấy" v.v... Dù đề ra kiểu nào, bạn cứ vững tâm “yêu căm chiến lạc lao" mà viết là thể nào cũng thắng.
     
     Còn nếu như đề bài tập làm văn lại là về chủ đề văn chương hiện thực phê phán thì đã có cẩm nang “xót án tự bi" nghĩa là: Xót thương hoàn cảnh nhân dân lao động, lên án phong kiến thực dân, tác phẩm còn nặng phong cách tự nhiên chủ nghĩa, tư tưởng nhà văn còn nhiều bi quan. Trường hợp hy hữu thầy bắt làm luận về chủ đề thơ văn lãng mạn 30-45 thì đã có “tiểu ủy xa ru" để phán: Văn chương tiểu tư sản, ủy mị ướt át, xa rời hiện thực, ru ngủ quần chúng.
     
     Tuy rằng những công thức tập làm văn đó quá đỗi ngớ ngẩn và nực cười nhưng là nực cười một cách hữu ích, ngớ ngẩn một cách thiết thực. Những mánh làm văn đó được cánh học trò đúc rút ra từ thực tiễn của bao năm trời lao khổ nhai nhải gạo thuộc lòng văn chương học đường. Thực tiễn ấy là: Mặc dù dày cộp, nặng chịch, mặc dù tầng tầng lớp lớp trùng điệp bề bề, song chương trình văn học trong nhà trường thực chất là rất giản đơn, không đòi hỏi phải hiểu, không buộc phải ngẫm nghĩ, không cần có tư duy sáng tạo như là khi học toán, học lý. Dù phải làm văn về rất nhiều tác phẩm, rất nhiều tác giả nhưng xét cho cùng nào có khác gì nhau. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Đôi mắt của Nam Cao, Mẹ Tơm của Tố Hữu, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Cái sân gạch của Đào Vũ, Người mẹ của Goóc-ki... thì tất tật cũng chỉ nhất nhất một lối mòn: Chủ đề, đại ý, dàn ý, xuất xứ, tiểu sử trích ngang, đoạn văn phải đọc thuộc lòng v.v...
     
     Biết làm thế nào được, dù chán cũng phải học, cũng phải qua được môn văn. Nhưng trong chương trình đâu chỉ có môn văn. Phải biết cách đơn giản hóa nó bằng các công thức gọn nhẹ để còn dành sự minh mẫn cho việc học các môn khác. Cho nên “Yêu căm chiến lạc" thực sự là một phát minh văn học khôn ngoan nhất mực của cánh học trò. Tất nhiên là khôn ngoan cực chẳng đã, khôn ngoan đáng buồn.
     
     Ngẫm lại cái thời học văn ấy vừa thấy vui vui, tức cười, vừa thấy buồn. Cách học văn và làm văn ấy ít nhiều đều có để lại vết tích trong đời sống văn hóa của những người đã trải qua môn văn phổ thông. Nếu như khi ra trường lại còn trở thành người cầm bút viết lách nữa thì cái lối “yêu căm chiến lạc" càng gieo nhiều hậu quả. Hậu quả trong cách viết, cách đọc. Hậu quả trong khả năng thẩm định tác phẩm của mình và nhất là của người khác ...
     
     Tuy nhiên, đấy là dĩ vãng học văn thời trước cải cách giáo dục. Nghe nói là ngày nay sự học văn trong trường đã tân tiến lắm. Nhiều phương pháp hay mọi nhẽ đã được áp dụng. Có đúng thế không? Liệu thiên hạ đã có thể mừng thay cho cánh học trò thời nay được may mắn thoát khỏi cái lối học văn làm văn "yêu căm chiến lạc" kỳ khôi thuở xưa được chưa?


                                                                               Mã Pí Lèng

Không có nhận xét nào: