Chủ Nhật, tháng 7 17, 2011

Phút 89

    Buthoong vốn tính cầu an, dĩ hoà vi quý. Thấy tụ tập đông thì tránh. Chuyện đã qua thì thôi, không để ý đến nữa.



    Chẩng biết thế là tốt hay xấu, nhưng sống vậy đã quen. Mà xem ra cũng không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới.

    Chỉ có bà xã, đôi lúc cáu, mắng Buthoong là “cù lần”.

    Điều đó quá đúng, nên Buthoong không chấp. 

    Tuy nhiên, mấy đứa con của Buthoong, có vẻ cũng hơi cù lần, làm bố chúng nó thấy lo lo.

    Bởi thời thế bi giờ không như ngày xưa.

    Ngày xưa, Buthoong là con ngoan trong gia đình thành phần cơ bản. Ở lớp, Buthoong là trò ngoan dưới mái trường XHCN.

    Các thành viên trong gia đình Buthoong, đều có tem phiếu nhà nước, tháng tháng có gạo sổ. Sống ung dung, hạnh phúc giữa đồng bào, đồng chí. Ai cũng hạnh phúc như thế cả. 

    Ở trường, Buthoong được nghiên cứu truyện cổ tích. Truyện xưa, truyện nay, cả truyện cổ tích XHCN nữa. Các câu chuyện thì khác nhau, nhưng cuối cùng thì bao giờ cũng có Cô tiên hoặc Ông bụt. 

    Điều kiện để được gặp Ông bụt cũng rất dễ. Nếu là bụt thời xưa thì chỉ cần sống hiền lành, thật thà, chịu khó khóc lóc. Nếu là bụt XHCN, thì có thêm điều kiện là phải sống quên mình, tất cả vì tập thể. 

    Buthoong thành tâm tin vào chuyện cổ tích, nên sống thoải mái. Cho đến bi giờ, đầu đã hai thứ tóc, vưỡn tin tưởng sẽ có ngày gặp Ông bụt. 

   Niềm tin đó rất hồn nhiên, giống như dân chúng Đại việt tại Seagame, luôn chờ đợi đội bạn sẽ tự đá phản ba trái vào lưới nhà, ở phút thứ 89.

    Nhưng đối với lũ con, thì Buthoong không muốn thế. 

***
   Con gái Buthoong thi vào lớp 10, điểm văn hơi thấp.

   Nó chưa từng bị thế bao giờ, nên sốc lắm, buồn tiu ngỉu. Lại ấm ức nữa. 

   Tuổi chúng nó mà đã ấm ức, mất lòng tin vào Ông bụt thì rất không nên.

   Buthoong hỏi han đầu đuôi, xem đáp án, thấy cũng gần giống bài mẫu, bảo nó xin phúc khảo.

   Nó bảo: Ứ ừ, nhỡ không được thì nhục lắm.

   Vợ Buthoong nghe ai nói, cũng bàn: tìm chỗ nào mà chạy, chứ môn văn thì phúc cái giề.

   Tính cầu an nổi lên, Buthoong cũng bâng khuâng: Như toán hay Anh văn thì một nhẽ, có ba-rem rõ ràng. Chứ cái món văn chương này, họ nói sao là sao, bố ai cãi được. 

   Bàn bạc, chần chờ mãi, nộp đơn, rồi rút, rồi lại nộp. 

   Chuốc thêm một nỗi lo, vì hy vọng mong manh lắm.

   Nhưng cuối cùng thì cháu cũng được thêm một điểm, vừa đủ vào trường nó thích.

   Lần này Ông bụt đã chiếu cố, vào phút 89. 

   Buthoong phấn khởi, phần vì nó đỗ. Nhưng chính là cho nó (và bố nó) thấy là cũng có Bụt thật. Nhưng ông anh này bi giờ cũng bận rộn lắm, chẳng tự nhiên hiện ra như ngày xưa, phải chịu khó tìm một tý. 

-------
Nhân đây, Buthoong và gia đình xin chân thành cảm ơn nhà trường và các thầy, cô chấm phúc khảo môn văn vào lớp 10, TP.HCM năm 2011.
Đọc thêm!

Thứ Bảy, tháng 7 09, 2011

Ném đá ao bèo

    Mấy hôm nay, lướt qua phố Nét.


   Thấy một số Blog mặt tiền, vốn đông vui, náo nhiệt, nay treo biển đóng cửa. Một số thì chỉ còn chưng hàng mẫu. Như hiệu sách nhân dân thời trước. 

    Chẳng nhẽ khó khăn, lạm phát đã vào tận không gian số. 

    Hay là các chủ hàng đã chán.

*

(ảnh sưu tầm)

    Ngày bé, phía sau nhà Buthoong có một cái ao bèo.

    Đó là thứ bèo tấm cánh nhỏ li ti như vảy cá, màu xanh lục.

    Rất nhiều bèo, phủ hết cả mặt ao như tấm thảm, thậm chí chồng cả lên nhau thành lớp dày.

    Buổi chiều, sau giờ học, Buthoong hay mang rổ ra bờ ao vớt bèo về cho vịt ăn. Tiện thể nhặt đất, đá ném xuống ao để xả xì-trét.

    Hòn đá ném tũm, bèo dạt ra, thành một ô nước tròn xoe, sóng sánh.

    Nhưng rất mau, bèo từ bốn phía dồn về. Mặt ao liền như cũ. 

   Buthoong lại ném tũm, tũm, để xem các lỗ thay nhau hiện ra rồi biến mất, rất vui mắt. 

    Bao giờ chán thì về, chứ có ném cả ngày, cũng chẳng thủng được mặt ao.

    Giải trí của thiếu nhi thời bấy có vậy thôi.

    Nhưng mà cũng có lợi phết. Thứ nhất là xả xì-trét, như đã nói ở trên. Thứ nhì, để hiểu thế nào là "ném đá ao bèo".
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 7 07, 2011

Bà về...

    Ngày kia là giỗ má.


   Năm nay bận nhiều việc, nên chỉ làm một mâm cúng trong nhà. Không mời khách.

    Nhưng cố thu xếp chở bé Hà lên thăm mộ, thắp nhang cho bà. 

    Tối qua có con chuồn chuồn nâu bay la đà vào nhà, hồi lâu rồi đậu trên bàn thờ. Đến sáng lúc mình đi làm vẫn còn. Mấy đứa nhỏ nhà mình quen lệ bảo nhau ”Bà về, bà về”.

    Từ ngày má mất, thỉnh thoảng lại có con chuồn chuồn, hoặc con bướm nâu, bay vào đậu trên bàn thờ, hay ngoài sân, chỗ phòng má ngày xưa. Hồi tết năm đầu má mất, con bướm đậu ngay trên ảnh má, suốt ngày 30 tết, khách khứa đến thắp nhang, có động vào vẫn cứ đậu đấy. Sáng mùng một thì ra đậu ngoài hiên, hồi lâu rồi mới bay đi.

    Từ đó thỉnh thoảng lại về, lần nào cũng là màu nâu. Thời gian đầu thì thường xuyên, sang năm thứ hai, thứ ba thì ít hơn, Bây giờ thì hai, ba tháng lại gặp. Cả nhà đã quen, nhưng mỗi lần thế lại thấy trong lòng thật ấm áp.

    Mình tin chắc đó là tín hiệu của má về. Má đã sang cõi khác, nhưng chẳng bao giờ rời xa con cháu.

.
Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 7 05, 2011

CHẠY...

    Mấy hôm nay Buthoong lo việc thi cử của con.


    Lo đưa đi thi ,rồi lo chờ kết quả.

    Con bé nhà Buthoong học hành không đến nỗi, nhưng kỳ này làm bài sút hẳn, điểm thi không vượt lên, mà lại mấp mé điểm chuẩn năm trước, nên lại phát sinh thêm một cái lo.

  Bà xã Buthoong nghe ai nói, về bàn là phải tìm chỗ "chạy". Buthoong không chịu, bảo nếu trượt thì thôi, làm bà xã xị mặt.

   Nhưng nói vậy, chứ trong đầu cứ phải nghĩ xem có chỗ nào chạy không, mà chạy thế nào. Thiên hạ bây giờ chạy cả, mình cũng phải chạy một tý cho (vợ) yên tâm.

   Trong lúc chưa tìm ra đường chạy, Buthoong xách xe chạy vòng vòng qua mấy trường gần nhà xem bảng điểm chung thế nào.

   Dù đã có báo kết quả thi trên nét, nhưng vẫn đông người coi. Người cao điểm thì vui vẻ, người thấp thì lo âu. Tội nhất là mấy đứa chắc chắn trượt cả ba nguyện vọng, nhìn chúng nó mặt mũi ngơ ngác, thấy thương quá. Định an ủi chúng nó vài câu, nhưng chẳng biết nói thế nào. 

   Chẳng nhẽ lại bảo: cứ hy vọng đi các con ạ. 

   Bố mẹ còn đang "chạy".
Đọc thêm!