Phút 89
Buthoong vốn tính cầu an, dĩ hoà vi quý. Thấy tụ tập đông thì tránh. Chuyện đã qua thì thôi, không để ý đến nữa.
Chẩng biết thế là tốt hay xấu, nhưng sống vậy đã quen. Mà xem ra cũng không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới.
Chỉ có bà xã, đôi lúc cáu, mắng Buthoong là “cù lần”.
Điều đó quá đúng, nên Buthoong không chấp.
Tuy nhiên, mấy đứa con của Buthoong, có vẻ cũng hơi cù lần, làm bố chúng nó thấy lo lo.
Bởi thời thế bi giờ không như ngày xưa.
Ngày xưa, Buthoong là con ngoan trong gia đình thành phần cơ bản. Ở lớp, Buthoong là trò ngoan dưới mái trường XHCN.
Các thành viên trong gia đình Buthoong, đều có tem phiếu nhà nước, tháng tháng có gạo sổ. Sống ung dung, hạnh phúc giữa đồng bào, đồng chí. Ai cũng hạnh phúc như thế cả.
Ở trường, Buthoong được nghiên cứu truyện cổ tích. Truyện xưa, truyện nay, cả truyện cổ tích XHCN nữa. Các câu chuyện thì khác nhau, nhưng cuối cùng thì bao giờ cũng có Cô tiên hoặc Ông bụt.
Điều kiện để được gặp Ông bụt cũng rất dễ. Nếu là bụt thời xưa thì chỉ cần sống hiền lành, thật thà, chịu khó khóc lóc. Nếu là bụt XHCN, thì có thêm điều kiện là phải sống quên mình, tất cả vì tập thể.
Buthoong thành tâm tin vào chuyện cổ tích, nên sống thoải mái. Cho đến bi giờ, đầu đã hai thứ tóc, vưỡn tin tưởng sẽ có ngày gặp Ông bụt.
Niềm tin đó rất hồn nhiên, giống như dân chúng Đại việt tại Seagame, luôn chờ đợi đội bạn sẽ tự đá phản ba trái vào lưới nhà, ở phút thứ 89.
Nhưng đối với lũ con, thì Buthoong không muốn thế.
***
Con gái Buthoong thi vào lớp 10, điểm văn hơi thấp.
Nó chưa từng bị thế bao giờ, nên sốc lắm, buồn tiu ngỉu. Lại ấm ức nữa.
Tuổi chúng nó mà đã ấm ức, mất lòng tin vào Ông bụt thì rất không nên.
Buthoong hỏi han đầu đuôi, xem đáp án, thấy cũng gần giống bài mẫu, bảo nó xin phúc khảo.
Nó bảo: Ứ ừ, nhỡ không được thì nhục lắm.
Vợ Buthoong nghe ai nói, cũng bàn: tìm chỗ nào mà chạy, chứ môn văn thì phúc cái giề.
Tính cầu an nổi lên, Buthoong cũng bâng khuâng: Như toán hay Anh văn thì một nhẽ, có ba-rem rõ ràng. Chứ cái món văn chương này, họ nói sao là sao, bố ai cãi được.
Bàn bạc, chần chờ mãi, nộp đơn, rồi rút, rồi lại nộp.
Chuốc thêm một nỗi lo, vì hy vọng mong manh lắm.
Nhưng cuối cùng thì cháu cũng được thêm một điểm, vừa đủ vào trường nó thích.
Lần này Ông bụt đã chiếu cố, vào phút 89.
Buthoong phấn khởi, phần vì nó đỗ. Nhưng chính là cho nó (và bố nó) thấy là cũng có Bụt thật. Nhưng ông anh này bi giờ cũng bận rộn lắm, chẳng tự nhiên hiện ra như ngày xưa, phải chịu khó tìm một tý.
-------
Nhân đây, Buthoong và gia đình xin chân thành cảm ơn nhà trường và các thầy, cô chấm phúc khảo môn văn vào lớp 10, TP.HCM năm 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét