Thứ Tư, tháng 2 04, 2015

Chủ đề: Ôn nghèo kể khổ…cho vui 

 CHUYỆN SÁCH VÀ BÈ BẠN. 

  Thời đại thông tin số bùng nổ, sách giấy truyền thống sẽ chết. Nhưng đến lúc nó chết hẳn cũng còn lâu, ít nhất là phải sau khi lứa mọt già chúng tôi đã rụng hết răng vì “đục sách”.

 Tôi “đục sách” từ khi chưa biết chữ. Nhà có mấy cuốn truyện tranh cứ phải vác đi nhờ người ta đọc hộ, nghe mãi đâm thuộc nên ai sốt ruột đọc lướt hoặc sai là tôi biết ngay. Rồi tôi lại “đọc” ngược cho đám trẻ con, cả mấy đứa hơn tuổi.

 Không riêng tôi mà hầu hết bọn trẻ thời ấy đều mê sách báo, đó là kênh thông tin giải trí chủ yếu trong điều kiện TV chưa có, phim ảnh thì thi thoảng, đài đóm cũng hạn chế. Còn internet thì chưa hề được khái niệm, kể cả trong chuyện viễn tưởng.

 Mà lúc đó sách báo đâu phải sẵn. Chúng đến tay bọn tôi bằng nhiều con đường khác nhau, số mua, số mượn, số được thưởng, số “cầm nhầm” của người ta, số chẳng nhớ từ đâu…

 Tôi thuộc loại chịu khó mua sách. Biết gần hết những hiệu sách trên các phố Hà nội bấy giờ. Từ hiệu sách to nhất mang tên “Hà nội - Huế - Sài gòn” ngay góc Ngô Quyền - Tràng tiền tới các hiệu sách xung quanh Bờ Hồ và dọc theo các tuyến tàu điện ra năm cửa ô, từ các hiệu sách quốc doanh bạt ngàn “sách mẫu không bán” tới những tủ sách bụi bặm sâu trong phố cổ “sách gì cũng bán” với giá “cắt cổ”.

 Sách bán theo “giá trong” thì khá bèo nhưng chỉ mua được mấy cuốn bèo bèo, còn những cuốn giá trị thì cũng giống như mỡ lá hay chân giò bên thực phẩm, rất ít xuất hiện tại quầy (mà trên chỗ trưng bày thì vưỡn có, thế mới đau!). Nhưng học tập bố mẹ và các anh chị lớn trên mặt trận gạo thịt, bọn nhóc chúng tôi cũng có nhiều cách để săn được sách hay.

 Cách thông thường nhất là kiên cường bám trụ. Kinh nghiệm cho thấy, khi có một em sách Hot nào đó được bày lên chỗ hàng mẫu thì cũng phải có một số em tương tự đang nấp dưới quầy, và việc của chúng tôi là cứ phải quanh quẩn ở đó, chờ khi em nó xuất hiện. Bản thân tôi đã từng phục một cuốn sách phổ biến khoa học ở hiệu sách Hà nội - Huế từ giữa chiều đến sẩm tối, tới khi em nó được đưa ra cho một anh chàng đẹp trai là tôi xáp tới, nhờ tình huống này mà tôi cũng nhận được cuốn sách y như của anh giai kia, kèm theo một ánh mắt “hình viên đạn” của cô hàng sách dễ thương.

 Còn một cách phục kích trí tuệ hơn. Cũng từ kinh nghiệm cho thấy, việc phát hành sách thời đó theo hệ thống phân phối từ trên xuống dưới, từ cấp thành phố đến cấp khu (quận). Vì thế, khi thấy sách mới xuất hiện hôm trước ở mấy hiệu sách trung tâm, thì ngay hôm sau chúng tôi đã có mặt sớm ở hiệu sách nhỏ hơn. Nhờ nắm vững địa bàn, chúng tôi canh thời điểm khá chuẩn, có lần còn giúp cửa hàng khiêng các kiện sách từ xích-lô vào và được ưu tiên mua trước. Cách này tôi đã áp dụng ở hiệu sách trên phố Khâm thiên, đối diện rạp Dân chủ, mua được mấy cuốn hay như “Trong vùng địch” truyện tình báo Liên xô, “Tín hiệu bình yên” truyện hình sự của Trần Hữu Tòng. Cô bán sách ở đây đã lớn tuổi, dễ tính, có sách mới về là bán luôn, hết thì thôi.

 Cũng nhờ đón lõng như thế mà tôi mua được cuốn “Phút quyết định” ở hiệu sách trên đường Thụy khuê gần bót Hàng đậu. Hiệu này gần trung tâm nhưng hơi khuất nên ít người để ý. Cuốn “phút quyết định” có đoạn nói về tên tội phạm bị công an đuổi phải tự sát trong khu Nam đồng, trước sân Nhà 1. Vụ này chúng tôi được chứng kiến.

 Ngoài việc phục kích có trọng điểm, chúng tôi cũng thường xuyên lượn quanh các hiệu sách. Đi nhiều nên thuộc cả cách sắp xếp của từng nơi, có cuốn nào mới là phát hiện được ngay. Sau này, khi đã lớn hơn một tý, chúng tôi còn chịu khó nhảy tàu hay đạp xe ra các vùng ngoại ô, nơi mật độ “mọt” thấp hơn. Sang Cầu giấy, vào Hà đông, xuống Giáp bát, Văn điển. Tại hiệu sách chỗ đầu Cầu giấy, khi đó còn là vùng ao hồ lụp xụp, có lần tôi thấy tập thơ “Lá cỏ” của Uýt-xơ-man, cuốn này đang được bình luận nhiều trên báo chí và bầy trang trọng trong tủ kính của mấy hiệu sách lớn, nên tôi chộp luôn dù khá dầy, giá tận một đồng. Nhưng tiếc thay, về đọc chẳng hiểu gì.

 Có dịp được đi xa là tôi để ý tìm hiệu sách, những hiệu sách tỉnh lẻ thường rất nghèo nàn, nhưng đôi khi cũng vớ được của hiếm lưu lạc. Gần ga Thường tín, cách HN hơn hai chục cây, trên lối rẽ vào viện Tâm thần nơi ông nội tôi công tác, có một Hiệu sách nhân dân cấp huyện khá bề thế, cứ mỗi lần qua đó là tôi kiếm được vài cuốn. Đặc sản của hiệu sách này là những cuốn sách về điện đóm như “điện tử học lý thú”, “truyền hình thật là đơn giản”…ở thành phố thì đắt như tôm tươi nhưng bà con nông dân - lúc đó còn thắp đèn dầu - thì không quan tâm lắm.

 Chịu khó săn sách như thế nhưng có nhiều cuốn chúng tôi cũng chịu, đó là những cuốn hầu như không thấy ngoài hiệu sách. Ví dụ như các bộ Tam quốc, Đông chu liệt quốc, Tây du ký của NXB Lao động, hay các cuốn truyện tình báo, trinh thám nước ngoài, các bộ sách văn học kinh điển…Những cuốn đó, nếu mê quá, chúng tôi phải bấm bụng mua ở các hàng sách tư nhân với “giá ngoài”. “Giá ngoài” thường đắt gấp đôi, gấp ba “giá trong” tùy độ hiếm.

 Tôi thường mua sách ngoài ở hàng văn phòng phẩm gần bến tàu điện Ô chợ dừa. Bà chủ quán này được chúng tôi gọi là “địa chủ” vì ăn mặc, trang điểm cầu kỳ, đi đứng đủng đỉnh như mấy mợ nhà giàu trong phim Sao tháng tám. Tuy nhiên sách chỗ này khá mềm. Cuốn truyện gián điệp “Sợi chỉ mỏng manh” bìa cứng của Liên xô đã được tôi quyết định “xuống tiền” mua ở đây sau khi đã khảo giá nhiều nơi. Mức tiền tôi xuống là ba đồng, trên giá gốc là đồng rưỡi.

 Nhưng phải nói thật là những dịp “xuống tiền” hoành tráng thế là khá hiếm. Kinh phí được bố mẹ cấp cho những lần đi chơi cũng khiêm tốn, nhiều khi chúng tôi phải chấp nhận nhịn kem và cuốc bộ từ Bờ Hồ về để dồn tiền mua sách. Hồi cấp một, tôi đã từng phải vòng về nhà xin thêm một hào để mua cuốn chuyện tranh “Diệt xe tăng Mỹ” giá hai hào rưỡi tôi vì trong túi chỉ có ba đồng xèng mệnh giá 5 xu. Cũng may là lượt quay lại mẹ tôi cho thêm tiền lộ phí, may hơn nữa là lúc quay lại cuốn đó vẫn còn. Có lần tôi hỏi xin mẹ năm đồng để mua cuốn truyện viễn tưởng “Tinh vân tiên nữ” làm mẹ tôi cũng choáng, cứ băn khoăn mãi, đi hỏi ý kiến nhiều thầy cô trong trường. Nhưng sau rồi tôi lại mượn được cuốn đó của ông anh hàng xóm. Kỷ niệm đau thương là khi cậu Đê tôi trong miền Nam ra, thương thằng cháu nên cho hẳn tờ mười đồng mới cứng (tờ tiền to nhất bấy giờ) để mua sách dần, vậy mà tôi lớ ngớ, lên tàu điện bị đám “lính mổ” móc mất.

 Kể thêm một chút trước khi kết thúc phần mua sách là khả năng thẩm sách từ xa của bọn tôi. Lý do là hồi đó chưa có các nhà sách dạng siêu thị như bây giờ. Các hiệu sách cũng được bài trí như các cửa hàng mậu dịch khác, đại khái là bên trên có tủ kính bày sách mẫu, bên dưới là quầy để sách bán, nhưng quầy cũng có kính hoặc lưới nên chúng tôi không thể sờ vào sách được, chỉ nhìn cái bìa. Nhân viên bán sách thì lại chảnh (trong thời bao cấp bất cứ ai được bán cái gì theo giá nhà nước đều có độ chảnh, độ chảnh ở hàng sách đỡ hơn nhưng vẫn có), chỉ khi vắng khách chúng tôi mới có dịp xin phép “cho chúng cháu xem nhờ cuốn nọ cuốn kia” mà cũng chỉ xem nhanh một hai cuốn thôi, còn nếu lâu hơn thì các cô sẽ không vui. Mua bán tù mù thế nên chúng tôi phải rèn luyện khả năng phán đoán nội dung và độ hay bằng các dữ liệu gián tiếp như tên sách, bìa sách, tác giả, nhà xuất bản, độ dày mỏng…cũng phải nhờ đến sự tư vấn của đám bạn và cả bản năng của loài mọt. May là sách vở hồi ấy đặt tên, vẽ bìa cũng chân phương chứ còn như bây giờ, đưa cả hình diễn viên hài lên bìa sách luật thì chúng tôi chỉ có khóc.

 Tóm lại là ở thời kỳ gian khổ ấy, ăn mặc còn thiếu thốn, nên chuyện mua sắm sách vở, người lớn cũng chỉ lo được phần nào. Để thỏa mãn nhu cầu đọc, bọn trẻ phải tự tìm đến với nhau. Những cuốn sách được cho mượn luân chuyển mới là nguồn “cơm giấy” chính của chúng tôi. Hơn thế, chúng còn là sợi dây kết nối bạn bè, là chứng tích của nhiều chuyện vui buồn thời đi học.

 Phương thức phổ biến nhất là bỏ vài cuốn vào cặp, mang đến lớp, đứa nọ mượn đứa kia rồi chuyền tay nhau. Những cuốn sách hay cứ đi lòng vòng rất lâu mới trở về với chính chủ. Nhiều lúc sốt ruột, phải truy qua cả chục đứa mới thu hồi được sách, trong tình trạng khá nhàu nhĩ.

 Tới lúc đã thân quen hoặc khi các cặp mọt bắt đúng tần số, chúng tôi rủ nhau về tận nhà để xem sách. Thường thì dân nghiện giấy dễ nhận ra nhau, nhưng cũng phải thăm dò. Chỉ có thằng Dương “ký” nhà 3C thì khác, vừa mới gặp tôi nó đã hỏi luôn “cậu có hay đọc sách không ?”. Hơi tự tin với lưng vốn hơn trăm cuốn nên tôi gật, nó lại bảo tiếp “thế bọn mình trao đổi nhé” và dẫn tôi về nhà. Kho sách của thằng Dương làm tôi suýt ngất. Nhà nó ở dãy trệt, xây nới cả phía trước phía sau nên rất dài và có nhiều buồng nhưng thằng Dương lại ở trên một cái gác xép sát mái, có thang gỗ để leo lên. Cái gác xép khá rộng nhưng chỉ còn chừa một khoảng hẹp bằng cái chiếu con, còn xung quanh là các giá sách. Hay hơn nữa là cái gác xép của nó hoàn toàn biệt lập, có thể ở trên đó đọc cả buổi, cũng không ngại tốn điện bật đèn vì chủ nhân “thư gác” đã trổ một ô cửa trên mái nhà, có lắp kính nên rất sáng. Nhà thằng Dương cũng toàn người lớn, rất dễ chịu.

 Sách của thằng Dương có đủ loại và toàn thuộc loại chất. Ngoài các bộ truyện văn học, còn có nhiều sách nước ngoài, sách khoa học kỹ thuật, rồi sách mỹ thuật, sách khảo cứu lịch sử, địa lý… cũ có, mới có, thêm cả một bộ giáo trình của anh nó học trường Y. Nhìn bao quát, cái gác xép này giống như một thư viện mini hay một cửa hàng sách cũ thời nay.

 Tôi với thằng Dương nhanh chóng thân thiết, mớ sách nhà tôi tuy khiêm tốn nhưng cũng có nhiều cuốn nó ưng, nhất là cuốn từ điển Larousse dày cộp có nhiều hình mà ba tôi mang trong Sài gòn ra. Còn tôi thì khỏi nói, mờ mắt vì kho sách nhà nó. Nhiều cuốn mới toanh, rất độc mà tôi không hiểu nó kiếm ở đâu. Hỏi thì nó nói là nhờ mua trên phố. Đúng là gia đình bên mẹ thằng Dương ở phố Mã mây, trong một ngôi nhà mà nó đã chỉ cho tôi thấy trong tranh của Bùi Xuân Phái, nhưng tôi đoán là phải có một nguồn cung cấp chuyên nghiệp nào đó, một cửa hàng sách chẳng hạn. Điều đó thì không dám chắc, nhưng điều chắc chắn là khả năng tài chính của thằng Dương (xét trong mặt bằng của bọn trẻ chúng tôi) là rất xông xênh. Tiền tậu đám sách của nó, dù chỉ tính “giá trong”, cũng không phải là nhỏ.

 Đến đây xin được tạm dừng để nói thêm về thằng Dương. Nó họ Thái, tên đầy đủ là Thái Bình Dương nên hồi đi học hay được các thầy cô gọi đùa là Đại Tây Dương hay Ấn Độ Dương. Trong nhóm thì bọn tôi gọi nó là Dương “ký”, có lẽ vì trông nó giống ông thầy ký. Thằng Dương nhỏ con, da đen, chỉ được cặp mắt sáng, nhìn thẳng. Cấp hai học nó chung với tôi nhưng chưa thân, còn khi vào cấp ba Đống đa thì nó học bên lớp G, còn tôi lớp A. Thằng này họp hành hay phát biểu phê bình bạn bè nên lúc đầu tôi đánh giá nó hơi “bôn sệt” (tức là mô phạm kiểu cán bộ) nên không ưa, nhưng sau thì biết tính nó là vậy.

 Thằng Dương đọc nhiều nên biết rộng, nhớ tốt, nhất là các kiến thức xã hội. Nó chịu khó đọc sách về Công giáo, về đạo Phật, Phân tâm học…cũng chịu khó đi, cứ cuốc bộ lõng thõng từ hiệu sách, sang bảo tàng, vào nhà chùa, ghé triển lãm…Sẵn sàng hỏi han người lạ, không ngại. Có lần nó còn nói chuyện với Tây ở Bờ Hồ, chúng tôi phục lắm, đến lúc Tây đi rồi, hỏi mày nói chuyện gì? thì nó chỉ bảo vắn tắt: đấy là người Pháp, mình chào họ thôi. Thời cấm vận, phân biệt được Pháp với Liên xô là siêu rồi.

 Tuy thế, học chính khóa thì thằng Dương không chú trọng mấy, chỉ làng nhàng. Thi đại học cũng trượt. Đăng ký vào Hàng hải, khoa Vô tuyến, biết khả năng đỗ là rất thấp, nhưng nó vẫn cười khè khè bảo: chỉ thích mỗi chỗ đó.

 Sau nó đi bộ đội ở Cao bằng. Đến lúc tôi ra trường thì nó vào Nam, nhưng ở khá xa, vùng Xuyên mộc, Bình châu, gần suối nước nóng. Vùng này khi đó rất hoang sơ, là bãi tập kết của dân vượt biên. Rồi nó lên SG tìm tôi, bảo là đang trông coi lò sấy chuối cho bà cô, ở giữa rừng chuối, cách lộ mấy cây số, một mẩu báo cũng không có, nói gì đến sách. Nó mượn tôi mớ sách rồi về Bình châu. Mấy tháng sau có người mang sách đến tận nhà trả, nói anh Dương đã ra Bắc. Tôi viết thư hỏi thì nó bảo đang làm cho “Bộ Nặng” (Bộ Công nghiệp nặng) nhưng kêu chán, muốn đi đâu đó.

 Năm 90 tôi ra Bắc học, đến nhà thằng Dương, chờ mãi khuya mới gặp, thấy nó rất oách, quần áo chỉn chu, giầy đen, cặp số và có vẻ bận rộn, “quyết” vấn đề rất nhanh. Nó “quyết” luôn cho tôi cái xe đạp, còn định “quyết” cả tiền nhưng tôi không nhận. Nó “quyết” tôi lên gác xép ngủ cho yên còn nó phải thức làm việc, mai lại đi sớm. Mấy năm mới quay lại, nên dù buồn ngủ tôi vẫn tranh thủ thăm qua đám sách vở ngày xưa. Kho sách của thằng Dương được bổ sung nhiều, đặc biệt là các loại sách ảnh ngoại quốc, sản phẩm của thời mở cửa. Chúng khá bừa bộn chứng tỏ vẫn được chủ nhân chăm sóc chu đáo.

 Gặp nhau được vài lần thì thằng Dương lại quay vào Nam, lần này nó ở Cần thơ. Đến hè tôi về SG, nó lên, bảo là vẫn trông lò sấy chuối ở nông trường Sông hậu, vẫn giữa cánh đồng. Sinh hoạt văn hóa thì chỉ có nhậu. Ăn uống lại thất thường nên dính bệnh gan, phải chữa ở viện 121. Nó lại cười khè khè, bảo cũng ổn rồi, mình sắp thành bác sĩ rồi và cho tôi xem cuốn sách “Tìm hiểu bệnh viên gan B” bìa màu đỏ. Tôi lè lưỡi, ông này đúng là thánh sách.

 Tôi ra Bắc, nó xuống Cần thơ, bẵng đi cả năm. Lúc tôi về HN, đến nhà nó thì cửa khóa, chỉ gặp một ông bạn lạ mặt ngoài sân, khi tôi hỏi thì ông này trợn mắt, chỉ chỉ ngón tay xuống đất bảo: thằng Dương ở đấy, nó ở đấy. Tôi điếng người. Lần sau nữa mới gặp mẹ thằng Dương ở nhà để vào thắp nhang cho nó. Cuối cùng thì nó vẫn mất vì viêm gan và được chôn cất ở quê nội, vùng cát cháy Bình thuận.

 Vậy là mọi sự với thằng Dương đều dang dở, tôi kể lại hơi dài không phải vì nó là bạn thân, mà đó là một câu chuyện rất đời. Cuộc đời không như sách. Nếu thằng Dương còn, có thể vốn hiểu biết của nó sẽ tìm được nơi thi thố. Nhưng cũng có thể nó vẫn cứ lõng thõng xê dịch đó đây. Điều đó không quan trọng, mà quan trọng là thời nào và ở đâu cũng không thiếu những tín đồ chữ nghĩa, những người luôn coi việc lượm lặt tri thức - đơn thuần - chỉ là một niềm vui.

 Trở lại với câu chuyện, ngoài thằng Dương thì tôi có một đứa bạn nhiều sách nữa là thằng Hoa Nam. Thằng này ở tập thể báo Nhân dân, tức là dãy nhà tầng hình chữ U phía ngoài cổng khu Nam đồng. Thằng Hoa Nam là học sinh giỏi văn, giải ba toàn miền Bắc. Sách của nó có chọn lọc, phần lớn là những bộ tuyển tập của các nhà văn nổi tiếng: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…và nhiều nhà văn nước ngoài. Những bộ tuyển tập được nó giữ cẩn thận trong cái tủ kính đặc biệt, tạo thành từ một khung cửa sổ lớn. Số này tôi chỉ xem tại chỗ, không dám mượn. Đám sách tổng hợp còn lại cũng khá nhiều và có thể mượn được. Nhà thằng Hoa Nam chỉ có hai mẹ con, mẹ nó đi làm suốt ngày, nên bọn tôi ám ở chỗ nó cũng thường xuyên. Ngoài sách, thằng Hoa Nam còn có nhiều đồ lưu niệm và một bộ sưu tập tem gồm ba bốn cuốn album dầy. Trong khi bọn tôi mới tập “chơi” tem bằng cách bóc từng cái trên phong bì và cắt tem in trong họa báo Liên xô thì tem của thằng Hoa Nam đã có từng bộ theo chủ đề đàng hoàng. Nhiều tem nước ngoài rất lạ mà nó đều thuộc vanh vách. Các giá sách ngăn nắp của thằng Hoa Nam khiến tôi rất mê nên về nhà tôi cũng kiếm gỗ tự đóng một cái và xếp sách vở vào. Điều này làm ba má tôi rất phấn khởi. Từ hồi vào cấp ba tôi không gặp thằng Hoa Nam, vừa rồi xem trên mạng mới biết bây giờ nó là nhà báo, làm chức to bên một cơ quan về Thiếu niên, Nhi đồng.

 Những bạn khác thì dù ít, dù nhiều nhưng đứa nào cũng có sách, vì thế tôi đã la cà khắp cả khu tập thể để tìm bạn, tìm sách. Ngoài mấy đứa cùng dãy nhà 7C thì các nơi khác đều có: Nhà 7 có cái Ngọc, thằng Cường “con”, tôi đã nhiều lần bới tung mấy ngăn kéo truyện của chị em nó, nhà 8 có thằng Hoàn, nhà 4 có Thắng “mái” (mới mất), nhà 2 có Ngọc tầng 4, nhà 3 có Ngọc Lâm, Thái Long, nhà 1 có Hồng Sơn… Không thể nhớ hết được vì thời gian đã rất lâu, nhưng có những chuyện đã thành kỷ niệm. Ở nhà 5, tầng hai có cái Thanh, con cô Quế. Cảnh nhà cái Thanh thì ở khu Nam đồng đều biết: bố liệt sĩ, mẹ thì bệnh thần kinh, anh nó thì bị tù vì dính một “trận chiến đường phố” trong đội hình của “lính quân khu”. Nói gọn là nhà nó rất khổ, vậy mà nó rất ham đọc. Tôi không học cùng cái Thanh, cũng không nhớ là quen nó thế nào, chắc cũng từ một cuốn sách nào đó. Cái Thanh không vào nhà tôi, thường thì buổi tối thấy nó thập thò ở gốc cây trước cửa là tôi nhót ra xem cuốn sách nó mang đến, rồi vào lấy sách cho nó mượn. Nó không vào nên tôi mang cả mớ để nó chọn. Có khi tôi sang nó, cũng chỉ đứng dưới sân gọi. Cái Thanh rất thính, nghe thấy ngay và chạy xuống. Một thời gian sau, khi cô Quế phát bệnh, đi “diễn thuyết” lang thang thì không thấy cái Thanh sang nữa. Từ đó tôi cũng không gặp, không biết nó giờ ở đâu.

 Nhờ hoạt động kiểu cộng đồng như thế nên nguồn sách rất phong phú, nhiều chủng loại, và chúng tôi đọc tất. Ngoài truyện tranh, truyện thiếu nhi, chúng tôi đọc cả tiểu thuyết nội ngoại, truyện danh nhân, sách khoa học kỹ thuật, tạp chí các loại, kể cả tài liệu tham khảo của quân đội do “các cụ” mang về. Tôi nhớ là mới lớp ba, lớp bốn gì đó mà tôi đã đọc cả cuốn tiểu thuyết dày “Gia đình Bút-đen-Brúc”, truyện về xã hội châu Âu thời xưa vô cùng rối rắm, đã thế lại không có tập một, chỉ mỗi tập hai, vậy mà tôi cũng xơi hết. Cuốn “Tinh vân tiên nữ” đã nói ở trên là chuyện viễn tưởng về du hành vũ trụ rất trừu tượng, nhưng bọn tôi cũng không ngại, đoạn nào khó hiểu quá thì bỏ qua.

 Một tai nạn ngộ ngĩnh là lần thằng Nam “cộ” cho tôi mượn cuốn “Thú chơi cổ ngoạn” của Vương Hồng Sển. Cuốn này in trong miền Nam từ trước giải phóng, nội dung dài dòng về khảo cứu đồ cổ, nhưng có một số đoạn kể các tích xưa bọn tôi cũng thích. Tôi đang đọc thì ba tôi nhìn thấy, vậy là lớn chuyện. Hồi đó tất cả sách in ở miền Nam trước 75 đều được xếp vào loại văn hoá phẩm độc hại, phải nghiêm cấm. Nguy hiểm hơn, cuốn này lại của tay Hồng Sển họ Vương nào đó, chắc là Tàu rồi. Vậy là mấy cụ họp lại nghiên cứu, có cả bác Huy, bố thằng Hồng “bộc”, là cán bộ chính trị. Rồi các cụ gọi bọn tôi ra phân tích sự độc hại. Thứ nhất, đây là sách nhảm nhí, chỉ nói chuyện ăn chơi vô bổ, không đề cao người lao động. Thứ hai, nó rất phản động, nêu giả thuyết linh tinh về nguồn gốc người Việt, trong khi sự thật sáng ngời không thể chối cãi là người Việt ta dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Bọn tôi cũng hoảng và khai ra thằng Nam “cộ”. Sau đó hình như Ba tôi có trao đổi với bố thằng Nam và đi đến nhất trí cao là tịch thu cuốn sách.

 Vài năm sau tôi lại tìm thấy cuốn sách đó do ba tôi cất trong tủ, tôi lôi ra đọc và thấy là trừ những chỗ “phản động” ra thì nó khá hay. Bọn tôi lại chuyền tay nhau, có lần ba tôi cũng thấy nhưng không nói gì nữa.

 Chuyện kể trên hơi buồn cười nhưng nó cho thấy là người lớn cũng rất quan tâm đến việc đọc của bọn tôi. Ngoài mua, các cụ còn cho bọn tôi những cuốn sách được tặng hoặc được cấp phát, số này cũng nhiều, nhất là các cụ làm bên tuyên huấn hay xuất bản. Trong khu tập thể còn có những nhà văn nổi tiếng như Hữu Mai, Hồ Phương...sự hiện diện của các thần tượng càng này cổ cũ cho việc đọc sách của bọn trẻ. Nhiều phụ huynh còn chịu khó mượn sách trong thư viện Quân đội về cho bọn tôi. Ở dãy nhà tôi thì bác Trẻ, bố thằng Thành, là hay mượn nhất, mà toàn mượn sách quý như Tam quốc, Thủy Hử…Sách cứ để đầu tủ, chúng tôi thay nhau đọc, chừng mươi hôm thì bác hỏi: chúng mày đọc hết chưa? Để đổi cuốn khác. Cụ hỏi câu này hơi thừa vì mỗi cuốn chúng tôi xử lý rất nhanh, chỉ trong vòng vài nốt nhạc. Nhiều khi chờ sốt ruột phải nhắc khéo kẻo cụ quên. Bây giờ thì phần lớn trong số các cụ cũng đã đi xa. 

 Có một thời gian trong khu cũng tổ chức thư viện ở Hội trường. Hình thức là mỗi đứa góp ba cuốn, rồi các anh chị phụ trách dùng số sách đó cho mượn, ghi sổ đàng hoàng. Lúc đầu cũng sôi nổi, chúng tôi chen nhau chí chóe, mệt mà vui. Nhưng chẳng biết sao thư viện này không duy trì được. Số sách còn lại được chuyển về một phòng nhỏ đầu nhà trẻ, do các bác hưu trí quản lý, sau rồi mất hẳn.

 Sở thích sách vở vẫn duy trì đều nhưng cũng thay đổi dần khi bọn tôi lớn lên. Vào cấp ba, chúng tôi có dịp làm quen với nhiều “mọt sách” đẳng cấp từ những nơi khác, những câu chuyện sách cũng sâu sắc, thi vị hơn, nhiều khi vượt ra ngoài trang giấy… Rồi đến khi tôi vào Nam, lại có thêm những điều lạ. Nhưng xin để dịp khác, tôi xin phép dừng câu chuyện ở đây. Hiện tại tôi đang làm việc cùng Thư viện của cơ quan, xung quanh là sách và sách. Lắm lúc thấy buồn cười, hồi bé mình cứ hay mơ ước sau này có một nhà đầy sách, bây giờ coi như xong.


Không có nhận xét nào: