Thứ Năm, tháng 2 17, 2011

SINH NHẬT BÉ HÀ


     Bé Hà sinh ngày 14-2, đúng ngày Valentin, năm 1996. Tính ngày âm lịch là 26 tết. Hồi đó mới ở bắc vào, người quen của mẹ chưa tìm được ai, bên nội cũng neo người, lại dịp tết bận rộn, nên lúc mẹ đi sinh không có thêm người giúp. Bố chở mẹ đến viện Từ dũ lúc 7 giờ sáng, chầu chực suốt ngày, 9 giờ tối mới sinh, lại thức một đêm nữa, đến trưa hôm sau mới có bà nội lên trông cho bố về. 
     Mới vào viện sinh con đầu, không có ai chỉ dẫn, cái gì cũng bỡ ngỡ, lo lắng. Mấy hôm trước, bà nội đưa đến gặp bác sỹ H. nhờ giúp. Bác sỹ H. là con cô Nga, bạn của bà. Bác sỹ H. nhận lời, nhưng chắc là bận gì đó nên cả ngày không liên lạc được. Hồi đó chưa có di động, chỉ có máy nhắn tin, gọi điện thoại công cộng nhắn tin đi rồi, không có gì phản hồi, chẳng biết bên kia đã nhận được chưa, lại càng sốt ruột hơn. Mẹ vào trong phòng chờ, rồi vào phòng sinh, bố ở ngoài đợi, không dám đi đâu. Hỏi y tá thì bảo cứ chờ, gần sinh sẽ gọi bác sỹ tới. Từ trưa, đến chiều, sang tối, chỉ có một mình. Những gia đình khác, có nhiều người lắm, thay nhau chộn rộn việc nọ việc kia, lúc nào cũng kẻ ra người vào tấp nập. Mỗi khi có tin báo một em bé mới ra đời, là một góc phòng chờ lại ồn lên, vui cười tíu tít kéo nhau đi, có nhiều người mang quà, mang hoa như bên tây. 
     Bố chờ đến tối, cô y tá bảo chuẩn bị, sắp sinh rồi, lại hồi hộp, lo lắng, đến chín giờ hơn thì có người ra bảo đã sinh, con gái, 2 ký 8. Đưa giỏ đồ nhờ chuyển vào, gửi tiền mua cho mẹ ly sữa, bố ra ngoài sân, nhìn lên bầu trời đêm tháng chạp sâu thăm thẳm, tự nhiên thấy người thấy lâng lâng mà nước mắt ứa ra, giờ đó bà nội chắc đi nghỉ rồi, bà ngoại thì tận ngoài quê xa, rồi các anh em, bà con đó đây, ai biết là gia đình mình vừa có thêm một thành viên bé bỏng nhất. 
     Mới đó mà đã bao nhiêu thời gian trôi qua, con bước vào tuổi mười sáu. Hôm trước tết con cứ nhắc bố mẹ nhớ tổ chức ngày sinh nhật. Gần đến hôm sinh nhật thì lại bảo thôi, con đang bận học, không tổ chức nữa. Bố mẹ và em mua quà tặng con, nhưng vẫn nghĩ bụng không biết con có việc gì không. Hôm sinh nhật, đi học về, con mang theo nhiều món quà tặng dễ thương của lũ bạn thân, có nhiều cái thiệp tự làm xinh xinh. Bé Huyền thích lắm cứ đòi "mượn" quà của chị để chưng. Thấy con cười đùa nhí nhố, bố mẹ mới yên tâm. Con chưa lớn lắm, nhưng cũng không còn bé nữa, đã biết tìm tới những niềm vui theo sở nguyện của mình. 

                               Bé Hà hồi năm tuổi.
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 2 03, 2011

MỘT TẾT Ở BỆNH VIỆN (3). 
     Sáng ba mươi, trong cái góc không-có-thời-gian này, sự vật cũng khác hơn ngày thường. Lộc và Hảo xách chổi quét từ sân sau vòng ra sân trước, vun lá thành đống rồi châm lửa đốt, khói bay mù mịt. Hôm nay không phải chờ lấy thuốc, tự nhiên thấy người thư thái, vui vui. Ba người không ngồi bó gối ở hành lang mà mang bình trà ra bộ ghế đá giữa sân, tôi góp hộp mứt ở nhà gửi vào. Được một lúc, tôi khơi chuyện: "Ở đây lắm chuột khiếp, chạy rậm rịch suốt đêm". Lộc ái ngại: "Mình ông nằm đây cũng buồn, hay thằng Hảo về ngủ với ông T. đi". Hảo hơi tái mặt: "Em về công ty trực đêm cho thằng bạn, con nó bị ốm". Thấy vậy, tôi nói: "Thôi, không sao, mấy hôm đầu cũng ớn, giờ quen rồi", Lộc lửng lơ: "Ời, bệnh viện mà, lúc nào mà chẳng có người, ông cứ yên tâm mà ngủ, không việc gì đâu ". Ngồi một lúc thì ai về phòng nấy, tôi nằm ngó ra đường, thấy người con gái men đằng sau khoa A10 đi vào, hình như là cái Thi. Khuất tầm mắt, tôi không biết nó đi đâu, hay nó vào mua thuốc?
    Buổi chiều, vợ tôi vào thăm. Lộc và Hảo đã biến, sớm hơn thường lệ. 
     Mười rưỡi tối, tôi thay quần áo thường, định lên hội trường ngó xem thế nào. Lúc đi qua cổng, tôi thấy cổng viện vẫn chưa đóng. Thì ra, giao thừa, bệnh viện mở cửa cả đêm. Tự nhiên tôi nóng ran cả người, nhớ nhà quá, từ hôm vào viện đã gần tháng rồi. Theo một đám người đi ra, không thấy ai hỏi gì, tôi ra ngoài gọi xe ôm. Đường vắng, hai mươi phút sau tôi đã đứng trước cổng nhà. Vợ tôi ra mở cửa, lo lắng tưởng có chuyện gì. Tôi nói: "Anh về thắp nhang một lúc thôi, đừng gọi mọi người dậy". Mẹ tôi và hai đứa nhỏ đã đi ngủ, tôi vào nhìn hai con đang rúc vào nhau tít thò lò. Một đứa nằm xoãi tay chân, một đứa nằm úp như con ếch. Hai đứa này đẻ ra đã khác hẳn tính nhau. Cúng giao thừa xong, vợ tôi khoá cửa chở tôi vào viện. Qua nửa đêm, vẫn còn người ra vào, nhiều đám thanh niên ríu rít có vẻ như vừa đi chơi về, mang theo không khí rạo rực của thời khắc đầu năm mới. 
     Vào gần đến nơi, đường tối hẳn, nhìn dãy nhà khoa lao cửa đóng im lìm, chán quá. Ngần ngừ chỉ muốn quay ra cổng. Chợt tôi thấy có hai bóng người đi từ hiên nhà bệnh nhân về phòng khám. Hai người đi khá nhanh, lại cố ý lẩn vào bóng của cây đa rậm rạp, nhưng từ chỗ tôi đứng nhìn khá rõ, không thể nhầm được. Ai ở đâu đến giờ này. Tôi chờ để coi xem, nhưng quái lạ, không thấy gì. Không thấy họ quay lại, cũng không thấy đi tiếp ra chỗ sáng, họ biến đi đâu. Một hồi sau, tôi đánh bạo đến gần. Nhớ lời Lộc nói lúc sáng, bệnh viện đâu chẳng có người, tôi trấn tĩnh hơn, có thể là bảo vệ, hay ai đó đi làm nhiệm vụ gì chăng. Vòng qua gốc đa lòa xòa, đến sát ngôi miếu-phòng khám, tôi hoảng thật sự vì ở đấy hoàn toàn vắng lặng, các cửa đóng chặt, tối om. Ngọn đèn bảo vệ bị cành lá che khuất thả những đốm sáng nhảy múa trên sân, trên tường. Hắng giọng đánh động hai ba lần, không thấy đáp lại, tôi vội quay ra đường, cố để không co cẳng chạy. 
     Về đến phòng, không thấy buồn ngủ, tôi pha cốc sữa, vừa ngồi uống vừa tìm cách lý giải những chuyện dị thường ở cái khoa lao này. Cũng may là tối ấy giao thừa, con hẻm cụt bên kia tường nhiều nhà còn thức, tiếng người, tiếng xe vọng sang giúp tôi dần bình tâm lại. 
     Sáng mồng một, vợ tôi đưa mấy người anh em vào thăm, một lát rồi về. Gần trưa Lộc mới vào, có người phụ nữ và hai đứa con gái chừng mười tuổi đi cùng. "Chúc mừng năm mới nhé ", Lộc bắt tay tôi rồi giới thiệu: "Bà xã với hai nhóc". Vợ Lộc lừ lừ không nói gì, trông dáng còn trẻ nhưng đeo khẩu trang kín mít, không biết mặt mũi thế nào. Có vẻ là người ăn diện, mùi nước hoa thơm nức. Lộc đưa vợ con ra phía sau. Hai đứa con Lộc, chắc là sinh đôi, đùa nhau la hét váng nhà. Lúc sau, vợ chồng con cái Lộc dắt nhau đi ra cổng, tôi giả vờ ngủ không chào.
     Trưa thằng Hảo về, tắm rửa lục đục một lúc rồi cũng đi mất. Tôi nằm mê mệt suốt cả buổi chiều, trời tà tà mới dậy ăn gói mì tôm rồi lững thững dạo ra cổng viện, ngồi ghế đá nhìn ra đường, xem thiên hạ đi chơi tết. 
     Gần tối, Lộc xách túi lò dò đi vào. Thấy tôi, y ngồi ghé xuống, nói: "Ngày tết ở nhà, khách khứa đơn vị đến chơi, cứ phải trốn, thôi vào đây nằm cho yên ". Tôi nhớ ra Lộc đang ở tù, lão còn khổ hơn mình. Lộc rút bao thuốc ra châm một điều, thì ra y cũng nghiện. Ở trong khoa, không thấy y hút bao giờ. 
     Từ hôm đó, Lộc lại thường xuyên ở viện, buổi tối thằng Hảo cũng về, sinh hoạt của bộ ba lại trở lại như trước. Ban đêm không còn thanh vắng. Có tiếng Lộc ngáy ò ò, tiếng thằng Hảo lục đục, ho sù sụ tôi thấy rất dễ chịu, ngủ yên giấc. 
     Bác sỹ, nhân viên đã đi làm. Chiều tối mùng bốn tết, một chuyến xe của bệnh viện H. ngoài Khánh hoà chở bốn bệnh nhân mới vào nhập viện. Những người xin về qua tết đã quay trở lại. Quân số khoa lao tăng từng ngày, các phòng đều đã có người. Cũ, mới thăm hỏi làm quen, không khí rậm rịch suốt ngày. Đúng như lời Lộc nói, một buổi sáng "cửa sổ tâm hồn" đã mở lại, vết tích còn mới, không biết là bên trong hay bên ngoài đập.
     Qua tết vài hôm thì thằng Hảo phải ra viện. Mắt đỏ hoe, nó mang tất cả đồ đạc linh tinh ra treo ngoài gốc cây rồi bỏ đi, không chào ai. Ở khoa lao này, khi có ai ra viện thì những thứ người đó để lại đều bị dọn dẹp vứt ra hố rác, không ai dám dùng, dù nhiều đồ đạc còn mới. Thằng Hảo ra viện sẽ không được cấp thuốc nữa, phải mua, mỗi tháng vài trăm ngàn, một số tiền quá lớn đối với một thằng đang nghỉ không lương như nó. 
     Vài hôm nữa thì Lộc cũng được chuyển sang khoa da liễu. "Bài của bố Lộc đấy mà", y sỹ Tĩnh nói, "Bố này cứ chuyển từ khoa nọ sang khoa kia chờ đến hết hạn tù, viện này bố đã đi khắp, thiếu mỗi khoa sản".
     Tôi ở hơn tháng nữa thì cũng được về điều trị ngoại trú. Chữa bác sĩ ngoài nên tôi không vào khoa nữa. Hai năm sau quay lại tái khám thì khoa đã xây mới khang trang, hiện đại. Dãy nhà cũ và ngôi miếu đã đã bị đập đi. Những cây bàng cũng đã chặt. Vết tích cũ còn mỗi cây đa, nhưng cũng được tỉa bớt, xây bồn bao quanh, cải tạo thành vườn hoa nhỏ nên không còn hoang vu nữa. Những bệnh nhân mới vào chắc không hình dung được có một khoa lao ảm đạm ngày xưa. Số bác sỹ, nhân viên cũng thay đổi nhiều. 
     Mọi sự trôi qua, bệnh đã khỏi nhưng trận ốm ấy buộc tôi phải đổi nghề, cuộc đời rẽ sang một hướng khác, an phận hơn. Tôi cũng quên dần chuyện cũ, mỗi khi nhớ lại chỉ bâng khuâng về những điều lạ lùng trong mấy ngày tết năm ấy. Không hiểu thế nào. 
     Mãi đến hôm gần đây, tình cờ tôi gặp lại Lộc khi đến chơi nhà một người quen. Lộc cũng nhận ra tôi ngay, nhưng trong bàn nhậu cả hai đều tránh nhắc tới chuyện cũ. Mãi lúc ra sân ngồi riêng chúng tôi mới tâm sự tỉ mỉ. Khi tôi hỏi thăm đến thằng Hảo, Lộc nói: "Nhớ chứ, thằng Hảo làm ở công ty T.., hồi ấy nó yêu con Thi. Sau rồi chúng nó ra bắc, không biết có lấy được nhau không". Một lát Lộc kể tiếp: "Mẹ kiếp, chúng nó số khổ, hồi ấy dì con Thi biết, giận lắm, đuổi nó về quê. Nó ở lại với thằng Hảo, mấy ngày tết hai đứa lang thang, vạ vật ở với mấy đứa bạn, tối trốn vào viện ngủ ". Tôi ngờ ngợ: "Chúng nó vào làm sao được, mà sao tôi không biết", "Chúng nó giấu ông, mãi đêm khuya mới trèo tường vào. Chỗ cây đa đấy, ông nhớ không, có một cành chìa ra ngoài đường, chúng nó toàn leo ra leo vào ở đấy, chứ có dám qua cổng đâu".
     Vậy là điều tôi băn khoăn đã sáng tỏ. Nhưng tôi chẳng thấy nhẹ nhõm đi chút nào. Giải toả một uẩn khúc này lại mở ra một uẩn khúc khác. Ngày ấy tôi thấy mình khổ quá, sau thấy Lộc cũng khổ, bây giờ biết cái Thi thằng Hảo còn khổ hơn. Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu sau rồi hai đứa ở đâu ? tiếp tục sống như thế nào. Người ta thường nói đồng bệnh thì thương nhau mà. 
                                                   Mùng 1 tết Tân Mão - 2 giờ.
Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 2 02, 2011

MỘT TẾT Ở BỆNH VIỆN (2). 
     Một buổi tối, tầm chín giờ, tôi đã tắt đèn buông màn nằm nghe đài thì thấy Lộc luồn vào phòng, ghé tai tôi thì thào: "Tôi về nhà đây ông ạ, vợ đang chờ ngoài cổng. Ngày tết chắc chẳng thằng nào kiểm tra đâu. Tôi mắc màn bên tôi rồi, bày cả chăn chiếu, có gì ông để ý giúp. Thằng Hảo mấy đêm nay không thấy về ".
     Lộc đi rồi, tôi ngồi dậy thừ người ra. Vậy là đêm nay, ở cái nơi có mật độ dân cư thấp nhất thành phố này chỉ còn lại mình tôi. Tuy không bật đèn, nhưng trong phòng vẫn sáng vì cả cửa chính, cửa sổ đều không đóng hết được. Ngọn đèn vàng ngoài hành lang vừa hắt vào phòng, vừa khiêm tốn soi ra nửa mặt sân gồ ghề. Xa hơn nữa thì tối mù. Đêm cuối tháng chạp không gian đặc quánh như cầm dao cắt được. Không còn hứng thú, tôi tắt đài, nằm lắng nghe tiếng côn trùng nỉ non, tiếng xe cộ ngoài đường vọng vào, hồi lâu rồi mệt mỏi thiếp đi mất. 
     Sáng hôm sau thức dậy, trời mới mờ mờ, đã nghe tiếng Lộc hát ti tỉ ở phòng sau. Bên phía Hảo cũng có tiếng ho sù sụ. Quái, không biết các bố về từ lúc nào? Tôi thấy nhẹ cả người, nhỏm dậy, cắm ấm nước, chuẩn bị đánh răng rửa mặt.
     Lúc tôi sang, đã thấy hai người đã ngồi thu lu, y như hôm trước. Trên thành lan can trước mặt Lộc có một ấm trà nhỏ và cái chén, chắc mới mang ở nhà vào. Thấy tôi Lộc cười xun xoe, rót chén trà, đẩy sang. Tôi từ chối, phần vì không biết uống trà đậm, phần vì thói quen mới có được từ ngày vào khoa lao: không dùng chung bất cứ đồ dùng nào. Cuộc trò chuyện của ba người vẫn rề rà như mọi khi, không ai nhắc gì về chuyện lúc tối. "Chiều qua họ bịt mất cái lỗ rồi ông ạ!", Lộc chỉ, tôi nhìn theo thấy cái "cửa sổ tâm hồn" đã bị xây bít lại thật. Không còn cái lỗ, góc tường trở nên bí bách, tức cả mắt. Vậy là khoa Lao đã hoàn toàn bị cắt khỏi thế giới. Đã buồn càng buồn hơn. Lộc bảo: "Mấy hôm nữa chúng nó lại đục ra ấy mà". Không biết "chúng nó" là ai? 
     Đến chín giờ tối hôm đó, Lộc lại sang gõ cửa cộc cộc, vẫy vẫy tay rồi bước xuống sân, bóng y nhanh chóng khuất vào vùng tối. Tôi dậy vòng sang chỗ Hảo, cửa khép, có  tiếng vòi nước chảy ri rỉ nhưng Hảo vẫn chưa về. Quay lại phòng, tôi cố sức khép được hai cánh cửa sổ, còn cửa lớn thì chịu, vẫn kẹt cứng một bên. 
     Mười một rưỡi, đài đã phát sang chương trình tiếng nước ngoài, tôi lại dậy, cố ý bước loẹt quoẹt sang chỗ Hảo. Thấy im lặng, giờ này bệnh viện đóng cửa lâu rồi, vậy chắc là hắn đã lặn.
     Quá giấc, không ngủ được, tôi nằm nghĩ linh tinh, cố xua những hình ảnh tối tăm mà không được. Theo lời Lộc thì viện này trước kia là bệnh viện của lính Pháp, dãy nhà khoa lao là dãy nhà cuối cùng từ thời ấy còn lại, sang năm nó cũng sẽ được đập đi xây mới. Còn ngôi miếu ở đầu nhà kia, ngày xưa dành để người nhà bệnh nhân ra thắp nhang khấn vái, cầu cho thân nhân của họ tai qua nạn khỏi. Đó cũng là nơi trú ngụ của những linh hồn bệnh tật thác oan chưa siêu thoát. Sau giải phóng, miếu bị dẹp bỏ rồi dùng làm phòng khám lao. "Nhưng mà vẫn kinh bỏ bố, bác sỹ trực của khoa lao toàn sang ngủ nhờ ở khoa A10 cạnh đấy, chỉ mỗi ông Cảnh trưởng khoa dám ngủ lại ", Lộc nói. Đi qua miếu chừng dăm chục mét là cổng sau, cổng sang nhà xác. Mỗi khi bệnh nhân khoa lao thấy xe cứu thương trong viện chạy ngang qua là biết "Tổ quốc đã cắt cơm một đồng chí", như lời mấy thằng trẻ. 
     Tôi chợp mắt lúc nào không biết, đang lơ mơ bỗng nghe như có tiếng chân rón rén ngoài hành lang rồi bóng ai thoáng lướt qua ánh đèn. Tôi khẽ nhỏm dậy, tiếng chân vòng ra dãy sau, nhưng rất khẽ, không phân biệt được tiếng chân người hay con mèo con chuột gì? Mèo hoang, chuột cống ở khu vực này thì rất nhiều. Chúng thường tụ tập cả bầy ở hố rác. Rác của khoa lao rất chất lượng. Cơm canh, bánh trái, thức ăn thừa…đều đổ cả ra đấy, dân xin nước gạo, trại chăn nuôi cũng không dám lấy vì sợ vi trùng. Chắc là con gì đó thôi, tôi trấn an, hồi lâu lại thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, chốc chốc giật mình, tôi cảm thấy rõ ràng là trong khu nhà còn có người nữa, cũng đang thức như tôi. 
     Đêm khó ngủ, sáng tôi dậy muộn, nghe dãy nhà sau ồn ào hơn mọi khi. Tiếng Lộc rổn rản, tiếng Hảo cười khà khà, rồi cả tiếng con gái lanh lảnh. Ai đó không biết, mấy y tá ở khoa này đều đã lớn tuổi, các mẹ nói bô lô ba la chứ không nhỏ nhẻ thế. Một lúc sau thì tôi nhận ra tiếng cái Thi. Cái Thi cũng điều trị ở khoa này, nó xin về từ tuần trước. Cái Thi mới hai mươi tuổi, ở ngoài bắc vào làm công nhân may, được hơn năm thì bị bệnh. Dì nó gửi nó vào đây theo diện nhân dân, tức là tự túc toàn bộ chi phí. Ra viện, nó ở nhà dì. Cái Thi không muốn thế, hôm về cứ sụt sịt mãi, nhưng nằm viện tốn kém quá.
     Tôi bê cốc sữa ra cửa thì gặp thằng Hảo với cái Thi, cái Thi nhanh nhảu "Cháu chào chú, cháu vào mua thuốc". Gọi tôi bằng chú thì cũng hơi quá, nhưng con bé này lễ phép, cứ thấy bộ đội là chú tất. Cả thằng Hảo mới đầu cũng là chú, mãi sau mới hạ xuống anh. "Chào em, về mấy hôm mà xinh ra nhiều đấy", tôi nói làm nó tươi mặt. Quả thật là nó đẹp ra hẳn. Bệnh nhân lao điều trị một thời gian người như lột xác, mập mạp, trắng trẻo, tăng cân, đó là do thuốc lao có tác dụng giữ nước, làm mát phổi. Con bé được cả người cả nết, chỉ tội nghèo. Bị bệnh không mua nổi thuốc cả tháng, chỉ mua vài ngày một. Mà chỉ mua thuốc bệnh, thuốc bổ để lại hết. 
     Hai đứa đi rồi, tôi hỏi Lộc "Đêm qua anh có về nhà không", "Có, sáng năm rưỡi vợ mới chở đến đây", "Vậy đêm qua không biết có ai ở đây", "Làm gì có ai, ông Hải trực cũng chuồn về, lúc đi ra cổng suýt đụng phải bố, may tránh kịp".
     Tiêu chuẩn mỗi người được một cái bánh chưng. Lúc nãy thằng Hảo đã cắt cái của nó ăn chung. Còn hai cái để trên tủ. Hai cái bánh chưng làm cho căn phòng có chút không khí tết. Hôm nay đã hai chín rồi.
     Đến giờ phát thuốc, bác sỹ Hải đứng bên phòng khám gọi tôi và Lộc lên nhận, phát luôn thuốc ba ngày, phát cho cả thằng Hảo. "Bệnh viện tổ chức đón năm mới chung ở hội trường, giao thừa mời các anh lên dự". Bác sĩ Hải dặn, rồi còn nói thêm: "Mọi năm bệnh nhân khoa lao về hết, năm nay mới có mấy người ở lại, nếu họ quên không gọi, các anh cứ lên nhé, có danh sách cả rồi". Tôi định hỏi chuyện tối qua nhưng chợt nhớ là hôm qua bác sỉ Hải cũng không ở đây nên thôi.
     Buổi tối, tôi uống viên thuốc ngủ rồi lên giường sớm. Lúc thức dậy thì bốn bề đã im phăng phắc, lật đồng hồ thấy mới qua nửa đêm. Giờ này ngày mai là sang năm mới rồi. Lúc chiều vợ tôi vào thăm nói nhà đã chuẩn bị tết, cũng như mọi năm, chỉ thiếu cành mai. Cành mai mọi năm là phần tôi đi mua. Vợ tôi hỏi giao thừa có về không, tôi nói chắc không về, sợ lây cho các con, mà cũng đừng đưa các con vào đây. Chịu khó vài tháng cho khỏi đã. Cái bệnh này nó khổ thế. 
     Đang nghĩ miên man chợt nghe như có tiếng người, kiểu tiếng hắng giọng hay tiếng ho nhưng bị bịt lại, khẽ hực lên một cái. Tôi nhỏm dậy ngó ra cửa, hành lang và ngoài sân vẫn vắng lặng, đám muỗi ve ve bâu chi chít xung quanh bóng đèn điện. Chắc là mình nghe nhầm, hay lại chuột bọ gì đây. Nếu thằng Hảo có về thì nó đã bật đèn, thằng này ngủ để đèn, cũng hay lục xục mò dậy ban đêm.
     Đã định nhắm mắt ngủ, lại nghe thoáng tiếng người, lần này thì tiếng thút thít như tiếng khóc, nhưng mà cũng bị nén lại, rít rít như tiếng chuột kêu, nhưng nghe nó tâm trạng lắm, không giống tiếng chuột. Mà hình như là tiếng cười chứ không phải tiếng khóc. Bố khỉ, uống thuốc lao nhiều, mắt đã nhoè, giờ chắc lại ù tai nữa. 
      Lại nghe tiếng rít rít, lần này thì rõ là tiếng người, tim đập thình thịch, tôi ngồi dậy với tay bật đèn. Ngọn đèn ống có chức năng diệt trùng toả ra thứ ánh sáng màu tím đậm làm mọi vật càng thêm loà nhoè, nhưng cũng giúp tôi vũng dạ hơn. Muốn đi ra ngoài xem thế nào, nhưng nghĩ tới dãy hành lang lạnh lẽo phía sau lại ngại quá. Hồi lâu sau không thấy động tĩnh gì nữa, tôi cứ để đèn, đến gần sáng mới ngủ được. (Còn tiếp)
Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 2 01, 2011

MỘT TẾT Ở BỆNH VIỆN.

Xin kể các bạn nghe một câu chuyện, không có lâm ly kỳ bí gì, có lẽ chỉ là một kỷ niệm nhỏ, nhớ đâu nói đấy, "ôn nghèo kể khổ" dông dài mấy ngày tết. Chuyện này đúng là sự thật, có điều là đã qua mười mấy năm, giờ nhớ lại có hơi lộn xộn một tý, kể cả tên những người trong chuyện.


     Tết năm đó tôi bị ốm phải ở lại bệnh viện.
     Nói chung các bệnh viện vào dịp tết thường linh động cho người bệnh về nhà, trừ các trường hợp bất khả kháng. 
Hồi đó tôi điều trị ở Khoa lao. Bệnh lao không phải là bệnh cấp tính nên qua ngày cúng ông Táo là bệnh nhân xin về sạch. Cả khoa còn lại ba mống. Tôi thì vào viện hôm cận tết, còn theo dõi nên không được về. Hai người kia một người nói nhà xa xin ở lại, một người thì phải ở lại vì đang là quân số của trại giam. Hai người kia ở dãy phòng phía sau, mình tôi ở dãy phía trước.
     Tôi cũng đã đến nhiều bệnh viện, kể cả những bệnh viện tỉnh lẻ, nhưng chưa thấy một khoa điều trị nào có khung cảnh kỳ dị như cái khoa lao này. Nó nằm ở góc tận cùng, gần lối cổng sau, "đầu ra" của bệnh viện. Nó lại cách biệt hẳn với những khoa khác bởi một vùng cây cối um tùm, khi đi vào, nếu không để ý thì không thấy. 
     Cả khoa có hai khu. Khu bệnh nhân là một dãy nhà xây kiểu pháp, nền cao, mái thấp, hiên rộng. Kiểu nhà này vốn đã âm u, ở đây nó còn âm u gấp bội vì hai lẽ: thứ nhất, là nó đã già lắm rồi, các bậc thềm vỡ lở được kê lót bằng đủ thứ gạch đá lôm côm. Tường thì đã phai màu, hé lộ các lớp vôi loang lổ chồng chất qua thời gian như những bức bích họa trừu tượng khá vui mắt. Các cánh cửa gỗ hầu hết đã mục ruỗng, chúng được vít, nẹp cố định ở chế độ thường đóng hoặc thường mở. Việc thay đổi vị trí cho các cánh cửa này phải hết sức thận trọng. Lẽ thứ hai khiến khu nhà âm u là do xung quanh có rất nhiều những cây bàng cổ thụ. Tán cây phía trên thì dày đặc lá che kín cả trời, rễ cây phía dưới thì nổi gồ trên mặt đất, ngoằn ngoèo, xoắn xuýt như bầy trăn lớn đang mở vũ hội. Những thân cây thì đen sì, sứt sẹo. Hôm nào tối trời, ngồi nhìn ra sân một lúc là thấy mọi thứ lộn tùng phèo, hoa cả mắt. 
     Khu nhân viên là căn nhà cấp bốn bình thường, nhưng ở sát đầu hồi nhà có một kiến trúc dị thường xây hình lục giác nửa miếu, nửa chùa, lại có mái nhọn, gần giống những ngôi đền khơ-me Nam bộ. Ngoài sân khu này có một cây đa lớn, cành lá lòa xòa trùm trên mái ngói. Khi tôi ở đó, khu miếu-chùa này được khoa lao sử dụng làm phòng khám bệnh,
     Sở dĩ khoa nằm cách xa bệnh viện, nhà nhân viên cách xa nhà bệnh nhân vì bệnh lao là bệnh dễ lây. Ai có việc qua đây, thấy đề chữ ''Khoa Lao'' là vội tìm cách đi vòng đường khác. Khách đến thăm người bệnh thường không muốn vào phòng, đứng lớ rớ ngoài hành lang, hỏi thăm mấy câu rồi chuồn. Bệnh nhân Khoa lao có việc đi đâu trong bệnh viện cũng ngại lắm, những chỗ công cộng như căng-tin, hội trường…thì biết ý mà tránh xa. Đi khám ở các khoa khác cũng phải chờ đến sau cùng, mọi người xong hết mới được vào. Cái bệnh nó khổ vậy, không chỉ ở đây mà đâu cũng thế.
     Ngày thường khoa lao đã vắng, gần tết lại vắng hơn. Buổi sáng Bác sỹ dạo qua một vòng. Lúc sau, y tá xuống phát một vốc thuốc để uống cả ngày, rồi đi đâu mất. Từ hôm chỉ còn lại ba anh em, bác sỹ cũng không cần phải xuống, y tá cũng không phải mất công thay áo trắng, bịt khẩu trang. Đến đúng giờ thấy vè vè xe máy ở đâu tới, cười toe toét gọi ời ời các anh ra mà lấy thuốc, cũng nhờ thế mà biết mặt mấy cô. Chế độ cơm nước thì chuyển thành đường sữa phát luôn cả tuần. Nói tóm lại là từ ngày hai mươi ba tết, ba bệnh nhân còn lại của khoa lao hoàn toàn tự quản khu bệnh nhân và kiêm luôn trực bảo vệ khu nhân viên. Nói tóm lại cho rõ nữa là cả khoa thường xuyên còn lại ba mống. 
     Buổi sáng, ăn sáng xong, tôi thường đi vòng ra dãy phía sau. Các phòng bệnh không có người, nhưng cũng không đóng cửa (hay là không đóng được), trong phòng tối om, những dãy giường sắt bị lột hết ga đệm, nằm im phắc phắc, thấy ghê ghê. Hai ông bạn cùng cảnh ngộ ngồi bó gối thu lu trên hai cái ghế tựa ngoài hành lang, cùng ngóng ra bờ tường. Trên bờ tường có một lỗ nhỏ bằng quyển sách đục thông sang ngõ cụt ngoài bệnh viện. Không biết ai đã tạo ra cái lỗ thủng này, nó có một vị trí hết sức quan trọng đối với bệnh nhân khoa lao. Mấy hôm trước, lúc còn đông quân, chẳng mấy khi bên cái lỗ này vắng bóng người. Thường thì luôn có ai đó đứng ngó ra đường đón hàng rong đi qua để gọi mua. Mua thế tiện lắm, vì lên căng-tin hay ra cổng viện rất là xa. Chắc là đã quen mối, hàng nào đi qua cũng ghé vào. Sáng sớm thì hàng bánh chưng bánh giò, xôi, mỳ, bánh cuốn…nửa buổi thì hàng chè, cà phê, bò viên, gỏi cuốn…rồi cả hàng sách báo, vé số…có lúc kéo đến cùng lúc cả đám bên kia bờ tường râm ran như cái chợ. Bên trong tường cũng tụ tập, kẻ bán người mua tíu tít qua cái lỗ tường. Đôi khi, cả người nhà người bệnh khi lười vào viện cũng ghé qua cái lỗ này, nhắn anh A, chị B ra nói chuyện, đưa quà bánh… thật sự cái lỗ thủng này là cầu nối khoa lao với thế giới bên ngoài, đó là "cửa sổ tâm hồn của khoa lao", như mấy chú bệnh nhân thường tếu táo.
     Những buổi sáng cuối năm đó thì cái "cửa sổ tâm hồn" đã hoàn toàn trống rỗng. Tôi cũng xách một cái ghế ra ngồi trò chuyện với hai ông bạn. Chẳng có nhiều chuyện, "Khoẻ không, uống thuốc chưa, gần tết rồi, chán quá nhể". Đại khái thế. Người nhiều tuổi nhất, cũng là người nói chủ yếu là Lộc, nguyên trung tá phó Phòng vận tải Quân khu B. Lộc đang thụ án tù ở Trại giam K nhưng bị bệnh nên vào nằm đây. Gia đình vợ con Lộc cũng ở ngay trong thành phố nhưng y không được về. Thỉnh thoảng có người của trại vào kiểm tra đột xuất, nếu y không có mặt thì rất phiền phức, sẽ bị kỷ luật hay tăng án gì đó. Lộc xuất thân từ lính xe, tính xởi lởi, khuôn mặt xương xương, mắt hẹp, đầy vẻ tinh khôn, nhưng dáng đi của y thì lệch một bên, lại chúi về trước, như người ta hay nói là tướng vất vả. Lộc ở đây đã lâu nên quen hết nhân viên, y bác sỹ cũng như "phong tục tập quán" của khoa. Y lại hay lò dò lên phòng khám tán chuyện với các thầy thuốc nên cũng thạo thuốc men, cách thức điều trị. Bệnh nhân mới chân ướt chân ráo vào đây mà gặp được y là may phúc lắm, y sẽ giúp cho họ khối việc. 
     Người bạn thứ hai tên là Hảo thì hoàn toàn ngược lại. Tuổi còn trẻ, chưa vợ, nhưng y có dáng cù rù như ông cụ. Hảo làm bảo vệ ở một công ty của binh đoàn T. Nhà ở tỉnh xa ngoài bắc, từ hôm bị bệnh, y vẫn giấu gia đình, nói là phải ở lại trực tết. Hiện mối quan tâm lớn nhất của y là làm sao quy đổi được đống đường sữa tiêu chuẩn thành tiền ăn hàng ngày.
     Hảo cũng chỉ mới vào viện trước tôi ít hôm nên cũng giống tôi, đã nhận được sự quan tâm hướng dẫn của Lộc. Lộc khuyên Hảo lên xin ở lại viện "vì dịp này ít bệnh nhân, dễ xin. Tết mày về đơn vị cũng chỉ nằm không, ở lại đỡ được khối tiền ăn, tiền thuốc". Còn tôi thì Lộc bảo đừng về vì chưa hết giai đoạn lây, coi chừng lây cho vợ con. 
     Tôi lúc đó rất yếu, người sút trên chục ký, sức thở kém, ngày ngày lại làm một vốc thuốc đủ loại nên càng mệt, chỉ muốn nằm nghỉ cho yên. Hảo và Lộc, nhất là Lộc thì khoẻ, gần như bình thường, nên thường biến đi đâu đó. Bộ ba chúng tôi chỉ gặp nhau buổi sáng, chín giờ phát thuốc xong là chỉ còn mình tôi. Hảo xách cái ba lô lộn, chắc là mang đường sữa đi "quy đổi" rồi đi biệt luôn, buổi tối không biết là về khi nào. Lộc thì cũng đi chơi nhưng chỉ loanh quanh trong viện, lâu lâu có thấy đá về. (Còn tiếp)
Đọc thêm!