MỘT TẾT Ở BỆNH VIỆN (3).
Sáng ba mươi, trong cái góc không-có-thời-gian này, sự vật cũng khác hơn ngày thường. Lộc và Hảo xách chổi quét từ sân sau vòng ra sân trước, vun lá thành đống rồi châm lửa đốt, khói bay mù mịt. Hôm nay không phải chờ lấy thuốc, tự nhiên thấy người thư thái, vui vui. Ba người không ngồi bó gối ở hành lang mà mang bình trà ra bộ ghế đá giữa sân, tôi góp hộp mứt ở nhà gửi vào. Được một lúc, tôi khơi chuyện: "Ở đây lắm chuột khiếp, chạy rậm rịch suốt đêm". Lộc ái ngại: "Mình ông nằm đây cũng buồn, hay thằng Hảo về ngủ với ông T. đi". Hảo hơi tái mặt: "Em về công ty trực đêm cho thằng bạn, con nó bị ốm". Thấy vậy, tôi nói: "Thôi, không sao, mấy hôm đầu cũng ớn, giờ quen rồi", Lộc lửng lơ: "Ời, bệnh viện mà, lúc nào mà chẳng có người, ông cứ yên tâm mà ngủ, không việc gì đâu ". Ngồi một lúc thì ai về phòng nấy, tôi nằm ngó ra đường, thấy người con gái men đằng sau khoa A10 đi vào, hình như là cái Thi. Khuất tầm mắt, tôi không biết nó đi đâu, hay nó vào mua thuốc?
Buổi chiều, vợ tôi vào thăm. Lộc và Hảo đã biến, sớm hơn thường lệ.
Mười rưỡi tối, tôi thay quần áo thường, định lên hội trường ngó xem thế nào. Lúc đi qua cổng, tôi thấy cổng viện vẫn chưa đóng. Thì ra, giao thừa, bệnh viện mở cửa cả đêm. Tự nhiên tôi nóng ran cả người, nhớ nhà quá, từ hôm vào viện đã gần tháng rồi. Theo một đám người đi ra, không thấy ai hỏi gì, tôi ra ngoài gọi xe ôm. Đường vắng, hai mươi phút sau tôi đã đứng trước cổng nhà. Vợ tôi ra mở cửa, lo lắng tưởng có chuyện gì. Tôi nói: "Anh về thắp nhang một lúc thôi, đừng gọi mọi người dậy". Mẹ tôi và hai đứa nhỏ đã đi ngủ, tôi vào nhìn hai con đang rúc vào nhau tít thò lò. Một đứa nằm xoãi tay chân, một đứa nằm úp như con ếch. Hai đứa này đẻ ra đã khác hẳn tính nhau. Cúng giao thừa xong, vợ tôi khoá cửa chở tôi vào viện. Qua nửa đêm, vẫn còn người ra vào, nhiều đám thanh niên ríu rít có vẻ như vừa đi chơi về, mang theo không khí rạo rực của thời khắc đầu năm mới.
Vào gần đến nơi, đường tối hẳn, nhìn dãy nhà khoa lao cửa đóng im lìm, chán quá. Ngần ngừ chỉ muốn quay ra cổng. Chợt tôi thấy có hai bóng người đi từ hiên nhà bệnh nhân về phòng khám. Hai người đi khá nhanh, lại cố ý lẩn vào bóng của cây đa rậm rạp, nhưng từ chỗ tôi đứng nhìn khá rõ, không thể nhầm được. Ai ở đâu đến giờ này. Tôi chờ để coi xem, nhưng quái lạ, không thấy gì. Không thấy họ quay lại, cũng không thấy đi tiếp ra chỗ sáng, họ biến đi đâu. Một hồi sau, tôi đánh bạo đến gần. Nhớ lời Lộc nói lúc sáng, bệnh viện đâu chẳng có người, tôi trấn tĩnh hơn, có thể là bảo vệ, hay ai đó đi làm nhiệm vụ gì chăng. Vòng qua gốc đa lòa xòa, đến sát ngôi miếu-phòng khám, tôi hoảng thật sự vì ở đấy hoàn toàn vắng lặng, các cửa đóng chặt, tối om. Ngọn đèn bảo vệ bị cành lá che khuất thả những đốm sáng nhảy múa trên sân, trên tường. Hắng giọng đánh động hai ba lần, không thấy đáp lại, tôi vội quay ra đường, cố để không co cẳng chạy.
Về đến phòng, không thấy buồn ngủ, tôi pha cốc sữa, vừa ngồi uống vừa tìm cách lý giải những chuyện dị thường ở cái khoa lao này. Cũng may là tối ấy giao thừa, con hẻm cụt bên kia tường nhiều nhà còn thức, tiếng người, tiếng xe vọng sang giúp tôi dần bình tâm lại.
Sáng mồng một, vợ tôi đưa mấy người anh em vào thăm, một lát rồi về. Gần trưa Lộc mới vào, có người phụ nữ và hai đứa con gái chừng mười tuổi đi cùng. "Chúc mừng năm mới nhé ", Lộc bắt tay tôi rồi giới thiệu: "Bà xã với hai nhóc". Vợ Lộc lừ lừ không nói gì, trông dáng còn trẻ nhưng đeo khẩu trang kín mít, không biết mặt mũi thế nào. Có vẻ là người ăn diện, mùi nước hoa thơm nức. Lộc đưa vợ con ra phía sau. Hai đứa con Lộc, chắc là sinh đôi, đùa nhau la hét váng nhà. Lúc sau, vợ chồng con cái Lộc dắt nhau đi ra cổng, tôi giả vờ ngủ không chào.
Trưa thằng Hảo về, tắm rửa lục đục một lúc rồi cũng đi mất. Tôi nằm mê mệt suốt cả buổi chiều, trời tà tà mới dậy ăn gói mì tôm rồi lững thững dạo ra cổng viện, ngồi ghế đá nhìn ra đường, xem thiên hạ đi chơi tết.
Gần tối, Lộc xách túi lò dò đi vào. Thấy tôi, y ngồi ghé xuống, nói: "Ngày tết ở nhà, khách khứa đơn vị đến chơi, cứ phải trốn, thôi vào đây nằm cho yên ". Tôi nhớ ra Lộc đang ở tù, lão còn khổ hơn mình. Lộc rút bao thuốc ra châm một điều, thì ra y cũng nghiện. Ở trong khoa, không thấy y hút bao giờ.
Từ hôm đó, Lộc lại thường xuyên ở viện, buổi tối thằng Hảo cũng về, sinh hoạt của bộ ba lại trở lại như trước. Ban đêm không còn thanh vắng. Có tiếng Lộc ngáy ò ò, tiếng thằng Hảo lục đục, ho sù sụ tôi thấy rất dễ chịu, ngủ yên giấc.
Bác sỹ, nhân viên đã đi làm. Chiều tối mùng bốn tết, một chuyến xe của bệnh viện H. ngoài Khánh hoà chở bốn bệnh nhân mới vào nhập viện. Những người xin về qua tết đã quay trở lại. Quân số khoa lao tăng từng ngày, các phòng đều đã có người. Cũ, mới thăm hỏi làm quen, không khí rậm rịch suốt ngày. Đúng như lời Lộc nói, một buổi sáng "cửa sổ tâm hồn" đã mở lại, vết tích còn mới, không biết là bên trong hay bên ngoài đập.
Qua tết vài hôm thì thằng Hảo phải ra viện. Mắt đỏ hoe, nó mang tất cả đồ đạc linh tinh ra treo ngoài gốc cây rồi bỏ đi, không chào ai. Ở khoa lao này, khi có ai ra viện thì những thứ người đó để lại đều bị dọn dẹp vứt ra hố rác, không ai dám dùng, dù nhiều đồ đạc còn mới. Thằng Hảo ra viện sẽ không được cấp thuốc nữa, phải mua, mỗi tháng vài trăm ngàn, một số tiền quá lớn đối với một thằng đang nghỉ không lương như nó.
Vài hôm nữa thì Lộc cũng được chuyển sang khoa da liễu. "Bài của bố Lộc đấy mà", y sỹ Tĩnh nói, "Bố này cứ chuyển từ khoa nọ sang khoa kia chờ đến hết hạn tù, viện này bố đã đi khắp, thiếu mỗi khoa sản".
Tôi ở hơn tháng nữa thì cũng được về điều trị ngoại trú. Chữa bác sĩ ngoài nên tôi không vào khoa nữa. Hai năm sau quay lại tái khám thì khoa đã xây mới khang trang, hiện đại. Dãy nhà cũ và ngôi miếu đã đã bị đập đi. Những cây bàng cũng đã chặt. Vết tích cũ còn mỗi cây đa, nhưng cũng được tỉa bớt, xây bồn bao quanh, cải tạo thành vườn hoa nhỏ nên không còn hoang vu nữa. Những bệnh nhân mới vào chắc không hình dung được có một khoa lao ảm đạm ngày xưa. Số bác sỹ, nhân viên cũng thay đổi nhiều.
Mọi sự trôi qua, bệnh đã khỏi nhưng trận ốm ấy buộc tôi phải đổi nghề, cuộc đời rẽ sang một hướng khác, an phận hơn. Tôi cũng quên dần chuyện cũ, mỗi khi nhớ lại chỉ bâng khuâng về những điều lạ lùng trong mấy ngày tết năm ấy. Không hiểu thế nào.
Mãi đến hôm gần đây, tình cờ tôi gặp lại Lộc khi đến chơi nhà một người quen. Lộc cũng nhận ra tôi ngay, nhưng trong bàn nhậu cả hai đều tránh nhắc tới chuyện cũ. Mãi lúc ra sân ngồi riêng chúng tôi mới tâm sự tỉ mỉ. Khi tôi hỏi thăm đến thằng Hảo, Lộc nói: "Nhớ chứ, thằng Hảo làm ở công ty T.., hồi ấy nó yêu con Thi. Sau rồi chúng nó ra bắc, không biết có lấy được nhau không". Một lát Lộc kể tiếp: "Mẹ kiếp, chúng nó số khổ, hồi ấy dì con Thi biết, giận lắm, đuổi nó về quê. Nó ở lại với thằng Hảo, mấy ngày tết hai đứa lang thang, vạ vật ở với mấy đứa bạn, tối trốn vào viện ngủ ". Tôi ngờ ngợ: "Chúng nó vào làm sao được, mà sao tôi không biết", "Chúng nó giấu ông, mãi đêm khuya mới trèo tường vào. Chỗ cây đa đấy, ông nhớ không, có một cành chìa ra ngoài đường, chúng nó toàn leo ra leo vào ở đấy, chứ có dám qua cổng đâu".
Vậy là điều tôi băn khoăn đã sáng tỏ. Nhưng tôi chẳng thấy nhẹ nhõm đi chút nào. Giải toả một uẩn khúc này lại mở ra một uẩn khúc khác. Ngày ấy tôi thấy mình khổ quá, sau thấy Lộc cũng khổ, bây giờ biết cái Thi thằng Hảo còn khổ hơn. Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu sau rồi hai đứa ở đâu ? tiếp tục sống như thế nào. Người ta thường nói đồng bệnh thì thương nhau mà.
Mùng 1 tết Tân Mão - 2 giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét