Thứ Ba, tháng 2 01, 2011

MỘT TẾT Ở BỆNH VIỆN.

Xin kể các bạn nghe một câu chuyện, không có lâm ly kỳ bí gì, có lẽ chỉ là một kỷ niệm nhỏ, nhớ đâu nói đấy, "ôn nghèo kể khổ" dông dài mấy ngày tết. Chuyện này đúng là sự thật, có điều là đã qua mười mấy năm, giờ nhớ lại có hơi lộn xộn một tý, kể cả tên những người trong chuyện.


     Tết năm đó tôi bị ốm phải ở lại bệnh viện.
     Nói chung các bệnh viện vào dịp tết thường linh động cho người bệnh về nhà, trừ các trường hợp bất khả kháng. 
Hồi đó tôi điều trị ở Khoa lao. Bệnh lao không phải là bệnh cấp tính nên qua ngày cúng ông Táo là bệnh nhân xin về sạch. Cả khoa còn lại ba mống. Tôi thì vào viện hôm cận tết, còn theo dõi nên không được về. Hai người kia một người nói nhà xa xin ở lại, một người thì phải ở lại vì đang là quân số của trại giam. Hai người kia ở dãy phòng phía sau, mình tôi ở dãy phía trước.
     Tôi cũng đã đến nhiều bệnh viện, kể cả những bệnh viện tỉnh lẻ, nhưng chưa thấy một khoa điều trị nào có khung cảnh kỳ dị như cái khoa lao này. Nó nằm ở góc tận cùng, gần lối cổng sau, "đầu ra" của bệnh viện. Nó lại cách biệt hẳn với những khoa khác bởi một vùng cây cối um tùm, khi đi vào, nếu không để ý thì không thấy. 
     Cả khoa có hai khu. Khu bệnh nhân là một dãy nhà xây kiểu pháp, nền cao, mái thấp, hiên rộng. Kiểu nhà này vốn đã âm u, ở đây nó còn âm u gấp bội vì hai lẽ: thứ nhất, là nó đã già lắm rồi, các bậc thềm vỡ lở được kê lót bằng đủ thứ gạch đá lôm côm. Tường thì đã phai màu, hé lộ các lớp vôi loang lổ chồng chất qua thời gian như những bức bích họa trừu tượng khá vui mắt. Các cánh cửa gỗ hầu hết đã mục ruỗng, chúng được vít, nẹp cố định ở chế độ thường đóng hoặc thường mở. Việc thay đổi vị trí cho các cánh cửa này phải hết sức thận trọng. Lẽ thứ hai khiến khu nhà âm u là do xung quanh có rất nhiều những cây bàng cổ thụ. Tán cây phía trên thì dày đặc lá che kín cả trời, rễ cây phía dưới thì nổi gồ trên mặt đất, ngoằn ngoèo, xoắn xuýt như bầy trăn lớn đang mở vũ hội. Những thân cây thì đen sì, sứt sẹo. Hôm nào tối trời, ngồi nhìn ra sân một lúc là thấy mọi thứ lộn tùng phèo, hoa cả mắt. 
     Khu nhân viên là căn nhà cấp bốn bình thường, nhưng ở sát đầu hồi nhà có một kiến trúc dị thường xây hình lục giác nửa miếu, nửa chùa, lại có mái nhọn, gần giống những ngôi đền khơ-me Nam bộ. Ngoài sân khu này có một cây đa lớn, cành lá lòa xòa trùm trên mái ngói. Khi tôi ở đó, khu miếu-chùa này được khoa lao sử dụng làm phòng khám bệnh,
     Sở dĩ khoa nằm cách xa bệnh viện, nhà nhân viên cách xa nhà bệnh nhân vì bệnh lao là bệnh dễ lây. Ai có việc qua đây, thấy đề chữ ''Khoa Lao'' là vội tìm cách đi vòng đường khác. Khách đến thăm người bệnh thường không muốn vào phòng, đứng lớ rớ ngoài hành lang, hỏi thăm mấy câu rồi chuồn. Bệnh nhân Khoa lao có việc đi đâu trong bệnh viện cũng ngại lắm, những chỗ công cộng như căng-tin, hội trường…thì biết ý mà tránh xa. Đi khám ở các khoa khác cũng phải chờ đến sau cùng, mọi người xong hết mới được vào. Cái bệnh nó khổ vậy, không chỉ ở đây mà đâu cũng thế.
     Ngày thường khoa lao đã vắng, gần tết lại vắng hơn. Buổi sáng Bác sỹ dạo qua một vòng. Lúc sau, y tá xuống phát một vốc thuốc để uống cả ngày, rồi đi đâu mất. Từ hôm chỉ còn lại ba anh em, bác sỹ cũng không cần phải xuống, y tá cũng không phải mất công thay áo trắng, bịt khẩu trang. Đến đúng giờ thấy vè vè xe máy ở đâu tới, cười toe toét gọi ời ời các anh ra mà lấy thuốc, cũng nhờ thế mà biết mặt mấy cô. Chế độ cơm nước thì chuyển thành đường sữa phát luôn cả tuần. Nói tóm lại là từ ngày hai mươi ba tết, ba bệnh nhân còn lại của khoa lao hoàn toàn tự quản khu bệnh nhân và kiêm luôn trực bảo vệ khu nhân viên. Nói tóm lại cho rõ nữa là cả khoa thường xuyên còn lại ba mống. 
     Buổi sáng, ăn sáng xong, tôi thường đi vòng ra dãy phía sau. Các phòng bệnh không có người, nhưng cũng không đóng cửa (hay là không đóng được), trong phòng tối om, những dãy giường sắt bị lột hết ga đệm, nằm im phắc phắc, thấy ghê ghê. Hai ông bạn cùng cảnh ngộ ngồi bó gối thu lu trên hai cái ghế tựa ngoài hành lang, cùng ngóng ra bờ tường. Trên bờ tường có một lỗ nhỏ bằng quyển sách đục thông sang ngõ cụt ngoài bệnh viện. Không biết ai đã tạo ra cái lỗ thủng này, nó có một vị trí hết sức quan trọng đối với bệnh nhân khoa lao. Mấy hôm trước, lúc còn đông quân, chẳng mấy khi bên cái lỗ này vắng bóng người. Thường thì luôn có ai đó đứng ngó ra đường đón hàng rong đi qua để gọi mua. Mua thế tiện lắm, vì lên căng-tin hay ra cổng viện rất là xa. Chắc là đã quen mối, hàng nào đi qua cũng ghé vào. Sáng sớm thì hàng bánh chưng bánh giò, xôi, mỳ, bánh cuốn…nửa buổi thì hàng chè, cà phê, bò viên, gỏi cuốn…rồi cả hàng sách báo, vé số…có lúc kéo đến cùng lúc cả đám bên kia bờ tường râm ran như cái chợ. Bên trong tường cũng tụ tập, kẻ bán người mua tíu tít qua cái lỗ tường. Đôi khi, cả người nhà người bệnh khi lười vào viện cũng ghé qua cái lỗ này, nhắn anh A, chị B ra nói chuyện, đưa quà bánh… thật sự cái lỗ thủng này là cầu nối khoa lao với thế giới bên ngoài, đó là "cửa sổ tâm hồn của khoa lao", như mấy chú bệnh nhân thường tếu táo.
     Những buổi sáng cuối năm đó thì cái "cửa sổ tâm hồn" đã hoàn toàn trống rỗng. Tôi cũng xách một cái ghế ra ngồi trò chuyện với hai ông bạn. Chẳng có nhiều chuyện, "Khoẻ không, uống thuốc chưa, gần tết rồi, chán quá nhể". Đại khái thế. Người nhiều tuổi nhất, cũng là người nói chủ yếu là Lộc, nguyên trung tá phó Phòng vận tải Quân khu B. Lộc đang thụ án tù ở Trại giam K nhưng bị bệnh nên vào nằm đây. Gia đình vợ con Lộc cũng ở ngay trong thành phố nhưng y không được về. Thỉnh thoảng có người của trại vào kiểm tra đột xuất, nếu y không có mặt thì rất phiền phức, sẽ bị kỷ luật hay tăng án gì đó. Lộc xuất thân từ lính xe, tính xởi lởi, khuôn mặt xương xương, mắt hẹp, đầy vẻ tinh khôn, nhưng dáng đi của y thì lệch một bên, lại chúi về trước, như người ta hay nói là tướng vất vả. Lộc ở đây đã lâu nên quen hết nhân viên, y bác sỹ cũng như "phong tục tập quán" của khoa. Y lại hay lò dò lên phòng khám tán chuyện với các thầy thuốc nên cũng thạo thuốc men, cách thức điều trị. Bệnh nhân mới chân ướt chân ráo vào đây mà gặp được y là may phúc lắm, y sẽ giúp cho họ khối việc. 
     Người bạn thứ hai tên là Hảo thì hoàn toàn ngược lại. Tuổi còn trẻ, chưa vợ, nhưng y có dáng cù rù như ông cụ. Hảo làm bảo vệ ở một công ty của binh đoàn T. Nhà ở tỉnh xa ngoài bắc, từ hôm bị bệnh, y vẫn giấu gia đình, nói là phải ở lại trực tết. Hiện mối quan tâm lớn nhất của y là làm sao quy đổi được đống đường sữa tiêu chuẩn thành tiền ăn hàng ngày.
     Hảo cũng chỉ mới vào viện trước tôi ít hôm nên cũng giống tôi, đã nhận được sự quan tâm hướng dẫn của Lộc. Lộc khuyên Hảo lên xin ở lại viện "vì dịp này ít bệnh nhân, dễ xin. Tết mày về đơn vị cũng chỉ nằm không, ở lại đỡ được khối tiền ăn, tiền thuốc". Còn tôi thì Lộc bảo đừng về vì chưa hết giai đoạn lây, coi chừng lây cho vợ con. 
     Tôi lúc đó rất yếu, người sút trên chục ký, sức thở kém, ngày ngày lại làm một vốc thuốc đủ loại nên càng mệt, chỉ muốn nằm nghỉ cho yên. Hảo và Lộc, nhất là Lộc thì khoẻ, gần như bình thường, nên thường biến đi đâu đó. Bộ ba chúng tôi chỉ gặp nhau buổi sáng, chín giờ phát thuốc xong là chỉ còn mình tôi. Hảo xách cái ba lô lộn, chắc là mang đường sữa đi "quy đổi" rồi đi biệt luôn, buổi tối không biết là về khi nào. Lộc thì cũng đi chơi nhưng chỉ loanh quanh trong viện, lâu lâu có thấy đá về. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: