Thứ Hai, tháng 11 28, 2011

NHÂN CHUYỆN "DÙNG LƯỚI BẮT XE"

    Nhà Buthoong ở gần tuyến đường hay có hội quái xế đua xe máy.


    Dân phố chửi chúng nó, nhưng tò mò ra xem cũng đông.

   Phải nói là cảnh dòng xe đủ loại, chở theo đám nửa người nửa ngợm, gầm rú gào thét trên phố khuya cũng rất ấn tượng.

    Nhưng nhiều khi bọn này rửng mỡ lạng lách giữa phố đông, làm người tham gia giao thông được phen hoảng loạn. Nếu ai đã chẳng may lạc vào đường đua của chúng, mới thấy mạng sống của mình chẳng là cái đinh. Đám quái ào qua rồi mà dân lành mặt mũi còn xanh lè, trẻ con khóc thét.

    Công an đuổi không xuể. Nên có lúc hàng phố bức xúc quăng cành cây, ghế nhựa...ra cản. Còn chuyện chúng nó tự đâm vào nhau, văng ra đường thì như cơm bữa. Những lúc ấy, ai nấy đều bảo: ”đáng đời, cho chúng nó chết”

    Nhưng nhìn chúng nó chết rồi, mặt mũi còn non choẹt, sàn sàn như con em mình, lại thấy tội. Sự này có lỗi của người lớn, chính quyền nhân dân và bao nhiêu bộ máy đoàn, hội…không nghĩ ra được một sân chơi đủ tầm cho bộ phận hiếu động nhất của lứa tuổi teen. Chỉ cần một góc sân golf thôi. 

    Công an cũng vất vả ngược xuôi lùng bắt, nhưng rồi như cóc bỏ đĩa. Mà cả một đàn cóc chứ đâu phải một hai chú.

     Nên nghe tin xứ Thanh có sáng kiến dùng “lưới đánh cá” để chặn đám đua xe, Buthoong thấy cũng có lý. 

    Nhưng rồi lại nhiều ý kiến ầm ĩ lên, lý do đưa ra là nó "phản cảm".

    Có nhẽ nghe đến "lưới" là người ta hốt, liên tưởng ngay đến: chụp, vây, chắn, vét…như đánh cá, rồi lo cho sự an toàn của…cá.

    Nhưng theo như Buthoong tìm hiểu, thì loại lưới chụp để bắt tội phạm người ta đã dùng mãi rồi, nó như thế này.


    Kể ra lưới ấy mà chụp vào xe đang chạy thì cũng không ổn.

   Cơ mà công an xứ Thanh không dùng thế. Mà như nêu trên báo chí thì các bác í chỉ quăng lưới vào bánh xe. Như thế này:


     Bị vướng lưới, xe đua sẽ phải xì-tốp ngay, chắc chắn là tay đua sẽ phải dừng cuộc chơi, nhưng không đột ngột đến mức phải bỏ mạng. Xem ra lưới này còn hơn chán những bàn chông, rào chắn tân kỳ như chúng mình vưỡn thấy trên phim Mỹ. Mà lại đơn giản, rẻ tiền.

   Vậy thì nó "phản cảm" ở đâu? Chắc là vì nó tầm thường quá, chẩng có tý huyện đội, à quên, hiện đại nào.

    Để tiếp tục được dùng, thì có một cách là các bác xứ Thanh nên thu hồi cái lưới đó về, nhuộm màu cho nó loang lổ khác kiểu đi, rồi thuê vài vị TS (tiến sĩ) viết báo cáo khoa học, phân tích khí động học này nọ, rồi đặt cho nó cái tên kiếu như: "Phương tiện hỗ trợ truy cản bằng po-ly ét-xờ-te dạng lưới " hay gì đó. Nếu có thể thì chữ lưới nên dùng tiếng Anh (Net) là tốt nhất. Tuyệt đối tránh chữ đánh cá.

    Được thế thì thiên hạ OK ngay, không chừng lại được đề cử giải Trí tuệ việt nam.

   Cái đó trong quản lý khoa học xứ ta gọi là "phép phức tạp hoá những vấn đề đơn giản". Mục đích là làm thỏa mãn giới sính chữ, ưa hình thức.

    Và đôi khi để bịt miệng những người ưa tìm tòi phản biện, nhưng "dân trí thấp". 

    Không chỉ trong khoa học, cả trong quản lý xã hội, người ta áp dụng mãi ra rồi. Các bác xứ Thanh thật thà quá. 
Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 11 25, 2011

Âm tính

    Cách nay cũng lâu lâu, Buthoong có nghe thiên hạ nhận xét: con trai đi giờ ẻo lả quá.


    Đúng thế thật. Mà hiện tượng này ngày càng nặng thêm. Nhất là ở thành thị.

   Không chỉ các nam văn nghệ xỉ khoái món giả gái, mà rất nhiều trai tráng bình dân cũng thế.


    Nếu do thể chất yếu đuối bẩm sinh thì đã một nhẽ. Đằng này nhiều nam tử to vật như King-kông, mà cứ thướt tha, yểu điệu, tóc tai da dẻ láng coóng. Trông ngứa hết cả cái lỗ mắt.

   Bề ngoài đã thế, đầu óc cũng chẩng có tý men-lỳ nào, suốt này bận bịu với xì-tai, đồ hiệu, nhạc não, phim Hàn. Nghe đến những chữ quyết đoán, chí hướng, mạo hiểm, cá tính…là vội thốt lên: em chã, em chã. Đến mức một nữ sĩ khoai tây đã phải than thở “Tại sao đàn ông Việt, đặc biệt là trai Hà Nội, lại không muốn, hoặc không thể làm rung động con tim phụ nữ phương Tây?”. 


    Tại sao thế nhể? Người ta giải thích, cũng là do giáo dục cả thôi.

    Này nhé. 

   Ở nhà, từ lúc mới đẻ ra thì mẹ với chị, các cô với các dì, bà nội với bà ngoại xúm vào săn sóc.

    Đi học mẫu giáo, tiểu học thì tuyền được các cô dạy dỗ.

    Lên đến trung học mới có vài thầy giáo. Nhưng lúc bấy thì nhớn mất rồi, biết yêu rồi, đắm đuối với đám hót-gơn rồi.

    Vậy thế bố chúng nó đâu? Thưa rằng, đàn ông thời đại còn bận đi kiếm ăn, bận bù khú nhậu nhẹt, bàn bạc chuyện đại sự với các ông, các bác, các chú. Chuyện con cái đã khoán hết cho giới nữ.

    Được vây bọc trong những vòng tay tình thương mến thương như thế, không âm tính mới lạ. 

   Thằng đàn ông âm tính không xấu, thường được khen là ngoan, nhưng rất chán. Xã hội âm tính không tệ lắm, có khi được coi là bình yên, nhưng cứ xìu xìu, dễ làm phái đẹp nổi khùng, như trường hợp nữ nhi khoai tây kể trên.


    Có điều, mấy tay âm tính, dù thế nào vẫn cứ hồn nhiên nhí nhảnh, chẳng bao giờ có nhu cầu thay đổi. 

    Không thế, họ đã không âm tính. 
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 11 13, 2011

TIẾP TỤC BẦU CHỌN.

    Cuối cùng thì Ha long Bay cũng lọt vào danh sách Niu sế-vần uân-đờ.


     May quá, tưởng là thua mấy thằng đông quân như Tàu, Ấn, Nga, Mỹ…

     Nhưng cuối cùng ta vưỡn thắng. Dân chúng nó làm sao yêu nước bằng dân chúng mình, lãnh đạo chúng nó làm sao khôn bằng lãnh đạo của mình. Cú bầu chọn tổng lực của “chính phủ và cả hệ thống chính trị” đã làm thế giới phải choáng váng. Hạ long, kỳ quan ngàn đời của chúng ta đã được trở thành kỳ quan…mới ! 

      Thắng lợi của chúng ta thật đáng kể.

      Nhưng, bọn Niu sế-vần uân-đờ lại phát động cuộc bầu chọn tiếp theo: bầu chọn bảy thành phố kỳ quan mới.

     Hanoi Capital của chúng ta nhất định sẽ lại vào danh sách bầu chọn. Dù chúng ta không muốn thì chúng nó cũng sẽ đưa vào, vì sau cú Ha long Bay, chúng ta đã trở thành mối ruột, không đời nào chúng nó lại bỏ qua. 

     Chúng ta phải chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.

     Trận chiến này sẽ gay go hơn nhiều, vì Hanoi capital của chúng ta tuy đất rộng và bề dày lịch sử. Cũng có nhiều điều kỳ …cục được thế giới công nhận như kẹt xe, nhà siêu mỏng…nhưng cũng chưa thật xuất sắc so với nhiều thành phố khác khắp năm châu. 

     Nhưng sức mạnh của chúng ta là ở số đông.

     “Chính phủ và cả hệ thống chính trị” lại phải sẵn sàng bớt chút thời gian vàng ngọc, gác lại vài việc gì đó để chỉ huy cuộc bầu chọn.

     Dân chúng lại phải sẵn sàng hy sinh một tý để hưởng ứng, trước nhắn một trăm tin, nay phải nhắn bằng hai, bằng ba. Trước đã bỏ ra bảy chai, thì nay nên bỏ ra mười lăm chai hay hơn nữa để bầu chọn. Trước huy động em bé năm tháng thì nay có thể huy động cả các em bé hai tháng tham gia. 

     Các cơ quan, đơn vị, trường học nên áp dụng một số biện pháp hành chính cứng rắn hơn nữa. Nếu cần có thể đề xuất Quốc hội thông qua “Luật bầu chọn”.

     Có như vậy chúng ta mới có thể tiếp tục đưa Hanoi ngàn năm trở thành kỳ quan mới.

    Cố lên. Vì kỳ quan, chúng ta quyết tâm thừa xống thăng lên, à quên, thừa thắng xông lên.
Đọc thêm!