Âm tính
Cách nay cũng lâu lâu, Buthoong có nghe thiên hạ nhận xét: con trai đi giờ ẻo lả quá.
Đúng thế thật. Mà hiện tượng này ngày càng nặng thêm. Nhất là ở thành thị.
Không chỉ các nam văn nghệ xỉ khoái món giả gái, mà rất nhiều trai tráng bình dân cũng thế.
Nếu do thể chất yếu đuối bẩm sinh thì đã một nhẽ. Đằng này nhiều nam tử to vật như King-kông, mà cứ thướt tha, yểu điệu, tóc tai da dẻ láng coóng. Trông ngứa hết cả cái lỗ mắt.
Bề ngoài đã thế, đầu óc cũng chẩng có tý men-lỳ nào, suốt này bận bịu với xì-tai, đồ hiệu, nhạc não, phim Hàn. Nghe đến những chữ quyết đoán, chí hướng, mạo hiểm, cá tính…là vội thốt lên: em chã, em chã. Đến mức một nữ sĩ khoai tây đã phải than thở “Tại sao đàn ông Việt, đặc biệt là trai Hà Nội, lại không muốn, hoặc không thể làm rung động con tim phụ nữ phương Tây?”.
Tại sao thế nhể? Người ta giải thích, cũng là do giáo dục cả thôi.
Này nhé.
Ở nhà, từ lúc mới đẻ ra thì mẹ với chị, các cô với các dì, bà nội với bà ngoại xúm vào săn sóc.
Đi học mẫu giáo, tiểu học thì tuyền được các cô dạy dỗ.
Lên đến trung học mới có vài thầy giáo. Nhưng lúc bấy thì nhớn mất rồi, biết yêu rồi, đắm đuối với đám hót-gơn rồi.
Vậy thế bố chúng nó đâu? Thưa rằng, đàn ông thời đại còn bận đi kiếm ăn, bận bù khú nhậu nhẹt, bàn bạc chuyện đại sự với các ông, các bác, các chú. Chuyện con cái đã khoán hết cho giới nữ.
Được vây bọc trong những vòng tay tình thương mến thương như thế, không âm tính mới lạ.
Thằng đàn ông âm tính không xấu, thường được khen là ngoan, nhưng rất chán. Xã hội âm tính không tệ lắm, có khi được coi là bình yên, nhưng cứ xìu xìu, dễ làm phái đẹp nổi khùng, như trường hợp nữ nhi khoai tây kể trên.
Có điều, mấy tay âm tính, dù thế nào vẫn cứ hồn nhiên nhí nhảnh, chẳng bao giờ có nhu cầu thay đổi.
Không thế, họ đã không âm tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét