Thứ Hai, tháng 9 16, 2013

Một biểu tượng đã bị dỡ bỏ…

    Buthoong bắt chước báo chí thời nay, giật tít một phát cho nó máu. Chứ chuyện thì cũng vớ vẩn. Là cái tháp nước ở khu Trung tự, Hà nội, đã bị dỡ bỏ. 
    Hồi BuThoong mới hết cấp một. Vùng ven nội còn hoang sơ lắm. Đứng ở Nam đồng nhìn suốt sang tận Kim liên. Khoảng trống ở giữa, nơi sau này mọc lên khu Trung tự, vẫn là cánh đồng rau muống. 
    BT và đám bạn thiếu nhi thủ đô, tuy “được gần Bác Hồ”, như nhà thơ thần đồng nào đó ghen tỵ, nhưng suốt ngày lang thang khắp các bờ ao, bờ ruộng, đầu đội nắng, chân đạp bùn. So với trẻ con thành thị bi giờ thì thật là phong trần, nhưng sảng khoái. Thấy có gì lạ là kéo tới xem bằng được. 
    Quá trình xây khu Trung tự, bọn BT chứng kiến từ khi tốp thợ đầu tiên đến dựng lán. Rồi các tòa nhà lắp ghép lần lượt mọc lên, lũ trẻ lúc đầu còn háo hức, sau cũng chán dần. 
    Nhưng một hôm, giữa những dãy nhà vuông vức, xuất hiện một khối tròn, quây sắt thép. Đám ma xó bắt đầu để ý, cãi nhau kịch liệt xem nó là cái gì. Nhẽ là cái nhà, hay cái bể? Nhưng cóc phải, khối sắt thép mỗi ngày được nâng lên một tý, để lại bên dưới một khối tròn khác, bằng xi-moong (tức là xi-măng, theo cách nói dân dã đương thời). Khối tròn xi-moong ngày một cao, vượt đầu người, vượt tầng một, rồi vượt qua cả mái nhà năm tầng. Đến lúc đó, thì rõ nó là cây cột. 
    Cây cột cao lên sừng sững, khiến người lớn cũng quan tâm. Công chức đàn ông thời bấy sống rất ung dung, tao nhã. Hết giờ làm không phải cắm cổ chạy đi rước ông con, hay miệt mài trong các quán nhậu. Chiều chiều cơm nước xong, đọc báo Nhân dân xong, thì diện áo ba lỗ, quần tà-lỏn ra đứng bờ ao hóng mát, hất hàm hỏi mấy ông con: "nó xây cái cột gì thế chúng mày ?" Mấy ông con phỏng đoán: “chắc là cột cờ”. Đúng là dưới gầm trời Thủ đô, hùng vĩ nhất chỉ có cái cột cờ trên đường Điện biên. Cái cột này cao thế, chắc cũng để cắm cờ. 
    Bọn BT lại rủ nhau vượt sông Tô lịch, đến tận nơi để thám hiểm. Sau khi nín thở bò qua đường ống nước đen bóng, trơn nhãy vắt ngang sông. Cả bọn tiến tới chân cột. To thật, bề ngang chân cột cũng rộng như tòa nhà, ngửa đến gãy cả cổ mới thấy đỉnh. Nhưng cái cột hóa ra lại rỗng, có cửa vào bên trong và cầu thang sắt. Lượn quanh mấy vòng rồi cả bọn bàn nhau trèo lên. 
    Đùn đẩy mãi, cuối cùng thằng Cường “con” liều đi trước. Nó chui vào, bám cầu thang leo mất hút. Đám đứng dưới hồi hộp ngóng cổ chờ. Lâu lắm, dễ đến mười lăm phút, mới thấy bóng thằng Cường thò ra trên đỉnh, vẫy vẫy. Trông nó nhỏ như cái nắm tay. Đang reo hò ầm ĩ, tranh nhau định chui vào, thì một ông bảo vệ cầm cây gỗ chạy ra quát tháo, thằng Cường thụt vào. Cả bọn dạt ra xa chờ. Lại hồi lâu nữa nó mới chui ra, toe toét chạy lại, sau khi nhận một roi chiếu lệ vào đít. 
    Từ đó cánh cửa được khóa hẳn. Còn thằng Cường thì trở nên nổi tiếng, hơn cả anh Phạm Tuân sau này. Lũ trẻ đứa nào cũng tiếc rẻ vì lỡ mất cơ hội “nhìn tới tận bờ biển” như lời thằng Cường kể. 
    Vài tháng nữa mới thấy xuất hiện một khối xi-moong lớn hình con quay dưới chân cột. Rồi khối ấy lại được kéo nhích dần lên cho tới tận đỉnh. Thành cái tháp nước hoành tráng. Tháp cao chót vót, gấp ba lần tòa nhà bên dưới, có lẽ là cao nhất Hà thành. Bi giờ thì cả thiên hạ phải ngước nhìn. Cái tháp nước trở thành biểu tượng của thủ đô trên đường tiến lên hiện đại. Nó cũng làm nên danh tiếng của khu Trung tự. Chỉ cần nói, nhà của mỗ “ở gần cái tháp nước” là mọi người đều biết, không phải giải thích gì thêm. 
    Sau rồi BT vào nam, nhớ về Hà nội, không quên nhớ cái tháp nước. 
    Vậy mà mãi đến gần đây mới biết tháp nước Trung tự hóa ra là đồ vô dụng. Nó đã hỏng ngay từ khi mới xây. Trong cái thân xác kỳ vĩ của nó chưa từng có nước. Nhưng nó vẫn tồn tại bằng ấy năm. Để đến nỗi, trong mắt dân chúng thủ đô, nó lại trở thành một biểu tượng của sự ù lỳ. 
    Thế rồi, năm ngoái người ta quyết định phá nó. Chẩng biết nói gì hơn, thôi đành giật tít một phát cho máu. 

(Kỷ niệm ngày BT chia tay HN 17/9/81)


Không có nhận xét nào: