Đầu lòng hai ả tố nga.
Một Hot Boy cũ, một Hoa Hậu liều
Vi vu vãn cảnh non chiều
Tập tành sống ảo để phiêu với người.
Phước Hải 11/2016.
Đọc thêm!
Thứ Tư, tháng 11 23, 2016
Thứ Ba, tháng 11 08, 2016
DÀNH CHO LỚP A ĐỐNG ĐA 78-81.
Mới tròn một tuần sau ngày hội lớp, mà thấy như lâu như sáu, bảy hôm. Các thành viên lớp A, dù đều mấp mé tuổi hươu, nhưng vẫn còn bận rộn. Hồng Minh về ngay chiều ấy, Huệ phải bắt taxi ngang đường về cơ quan có việc gấp. Mình chỉ kịp lướt qua HN hơn tiếng rồi cũng phải về, đến hôm sau lại cùng nhóm SG đón bạn Dũng “còi” và chuyển áo lớp cho hai bạn Kim Hương, Anh Sơn. Theo dõi trên FB thì thấy nhiều bạn đã tiếp tục có những chuyến đi, bạn Hường còn kịp tổ chức chuyến từ thiện, trong đó có phần đóng góp của lớp, lên tận Hà Giang.
Thế mới biết, hai ngày họp mặt vừa qua, dù chưa thật đông đủ, nhưng cũng là một dịp không dễ có. 35 năm là một khoảng thời gian rất dài, quá đủ để đám bạn nhí nhố một thuở, kịp đi những chặng đường rất xa, đến những nơi rất khác, trở thành những người không giống ngày xưa. Vậy mà tất cả lại có ngày cùng về lớp cũ, ngồi bên nhau, nối tiếp những câu chuyện còn dang dở, thì điều đó đáng được xem như một cơ duyên.
Nhớ những phút gặp gỡ cảm động ở Trường. Rồi chuyến du lịch về Eco Park và Đảo cò, những lúc ăn, uống, xem, chụp và trêu chọc nhau. Dù thời tiết có nóng, đội hình có mệt, nhưng quyết không để khí thế bị ảnh hưởng nên tất cả luôn tươi tỉnh, nhiệt tình. Nhiệt tình đến mức bỏ quên cả một bạn trong tình trạng không điện thoại, không tiền, không biết đường, may là vẫn còn cái áo đỏ nên lại tìm được về với lớp.
Nhớ khu Resort mi-ni ven sông nhà bạn Thanh Sơn, với tấm pa-nô lớn in trên nền bức ảnh Sóc Sơn lịch sử, cùng video clip với những khuôn mặt thân quen được chiếu thường trực, đã giúp cho toàn thể lớp A, cả các bạn ở xa, đều hiện diện trong ngày gặp mặt. Màn đố vui có thưởng với những câu hỏi về đủ thứ chuyện cũ trong lớp, luôn gây ra những cuộc tranh cãi bất tận, hé lộ những tình tiết bất ngờ làm ban giám khảo phải chới với. Phần văn nghệ xen kẽ rồi kéo dài gần hết đêm, lúc sôi động, lúc sâu lắng, xứng với danh tiếng của đội văn nghệ lớp A, từng “quậy tưng” sân khấu Đống Đa một thuở. Đặc biệt là càng về khuya, nhiều giọng ca vàng bỗng nhiên phát lộ, với những bài hát được dành tặng nhau sau 35 năm ấp ủ, khiến người hát người nghe đều thấy bồi hồi.
Màn trình diễn áo dài hết sức chuyên nghiệp của các bạn nữ vào sớm hôm sau cũng là một điểm nhấn. Dàn sao không tuổi đậm đà, tươi tắn của lớp A đã nâng trình của buổi họp lớp lên tầm sự kiện, gây chú ý lớn trong cộng đồng FB.
Bao trùm lên tất cả là một không khí gia đình, một không gian ấm áp tình thầy, tình bạn. Đủ để lắng đọng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của tập thể lớp A Đống Đa 78-81, những ngày gắn bó dưới mái trường và cả 35 năm sau đó.
Trong câu chuyện trước lúc chia tay, đã thấy nói về những lần gặp mặt tiếp theo, 40 năm, 50 năm…không biết sẽ thế nào. Ừ mà không biết sẽ thế nào? Hôm ấy hứng lên còn hẹn nhau đi phượt Sài Gòn, Châu Âu. Xem ra cái độ liều của lớp A vẫn còn ghê lắm, như những ngày xưa, từng cưỡi xe đạp cùi mà “bay” lên núi Sóc.
Vậy hẹn dịp 40 năm các bạn nhé.
Ghi nhanh: HỌP MẶT LỚP A ĐỐNG ĐA 78-81.
Hóa ra việc hẹn nhau đến trường để họp lớp vào sáng sớm lại cực kỳ hợp lý.
Mình từ sân bay về đến đầu ngõ Quan Thổ lúc gần 6 giờ nhưng trời còn tối. Con đường Tôn Đức Thắng bây giờ sầm uất, khác xa phố Hàng Bột xưa, nhưng lối rẽ vào ngõ thì vẫn như ngày nào, đó là lối rẽ vào ký ức.
Đi bộ dọc theo bờ tường, tới trường cấp một Tô Vĩnh Diện rồi đến sân vân động, dần đến cổng Trường…từng bước vẫn vô cùng thân thuộc, không một chút nào bỡ ngỡ.
Đúng là con ngõ đã chật đi, đã đông thêm, nhưng vào buổi sớm vắng, hàng quán chưa mở, cộng thêm hiệu ứng làm nhòe của màn sương mùa thu, nên tất cả vẫn như 38 năm trước. Có thiếu chăng là thiếu tiếng trò chuyện, tiếng guốc mộc loẹt quẹt của nhóm bạn “quân khu” hồi ấy.
Nhưng cũng chẳng phải chờ lâu, vừa định bước vào cổng trường thì đã nghe tiếng gọi của Công Dũng, Thanh Sơn. Sau đó là cái bắt tay đầu tiên sau 35 năm và những câu chuyện bắt đầu nối mạch.
Sau mới biết, rất nhiều bạn đến sớm, không chỉ mình ở xa, phải “bay” từ nửa đêm, mà suốt tối hôm trước, đội HN đã nhắn tin gọi điện cho nhau “loạn xà ngầu”, họp chợ trên giời trước khi chợ dưới đất khai mạc. Còn các bạn ở xa không về được thì bật ăng-ten lên chờ sóng, có khi cũng mất ngủ (hoặc mất ăn - nếu lệch giờ) vì họp lớp.
Vì thế mà cuộc họp diễn ra sớm hơn dự kiến (dù dự kiến đã rất sớm), chưa đến giờ học nên chỉ có riêng lớp mình với một sân trường đầy ắp kỷ niệm, chạm vào đâu cũng thấy kỷ niệm, gốc cây lớp trồng, lối lên dãy B năm lớp tám, lớp chín, lên dãy A năm lớp mười…kể cả mấy cái ghế đá của lớp mới tặng trường. Chỉ có chỗ xưởng cơ khí, nơi thân thuộc của đám con trai, giờ không còn để mà chạm.
Nhà trường biết có buổi họp, vì các bạn HN đã liên hệ trước. Thầy Hợi dạy môn nguội, nhà gần Trường, chờ sẵn ở phòng trực với một bàn trà nước và hai đồng chí bảo vệ đương nhiệm, làm tiếp tân tự nguyện cho lũ trò cũ, Thầy chủ nhiệm Ngô San Huy cũng đã đến.
Áo lớp được tặng cho từng người. Mặc áo rồi ai nấy đều rạng rỡ, hồng hào, đội hình quá đẹp, nổi bật trên nền khung cảnh mùa thu mướt mát của một ngôi trường lâu năm, từng được thế hệ học sinh 9X đặt tên là “Đống Đa vàng”.
Không khí ấy cùng với sự có mặt của anh Bích “bọp”, chuyên gia nhiếp ảnh, một cựu học sinh Đống đa khóa trước, được BTC mời phụ trách khâu hình ảnh, đã tạo nên sự tự tin và hào hứng cho các hoạt động. Ngoài bộ ảnh chính thức của BTC, còn có hai tay máy Công Dũng, Thu Hương thường tranh thủ bắn tỉa những khoảng khắc khó đỡ, chưa kể 100% Sờ-mắc-phôn, Ai-bát của các thành viên và Camera an ninh của nhà nghỉ liên tục ghi hình ngoài luồng. Tất cả sẽ được công bố vào chỗ kín của lớp trên Facebook.
Trở lại cuộc họp mặt, sau 1/100 giây ngập ngừng, tập thể lớp A 78-81 nhanh chóng tìm lại cái chất “không thể không yêu” của mình. Cùng nhau lên tầng ba, vào lớp cũ, ai về chỗ nấy, bồi hồi nhìn quanh, thấy cũng được vừa nửa. Sau giờ “ra chơi” dài 35 năm, đến giờ vào lớp, hao hụt có mười mấy mống thì cũng chấp nhận được. Ngày xưa lớp A (từ 8A đến 10 A) sĩ số biến động, ra vào liên tục, còn trong các buổi học thì khỏi kể, nhoằng cái bùng mất dăm đứa, mà đâu có sao, đến tiết sau, chúng nó lại kéo về (cho đứa khác bùng).
Thầy lên bục giảng bài về định luật Ôm. Ở dưới léo nhéo đòi ôm nhau, lớp ồn như cái chợ, tranh chỗ ngồi, tranh cho cả những đứa vắng, lớp trưởng, bí thư to mồm nhất, cá biệt thì chạy lên quay phim thầy... Mình yên chí ngồi dựa vào cái góc cột. Ngày xưa mình làm chức tổ trưởng, hay ghi tội mấy đứa con gái nhiều chuyện nên bị chúng nó thù, không nhờ cái cột này che chở thì chắc chắn là biêu đầu vì ăn cốc.
Vị trí này cũng rất lý tưởng để tranh thủ quay ra cửa sổ ngắm cảnh, xa tít sang La Thành, tận khu hồ Giảng Võ. Bây giờ thì nhà cao tầng liền kề, che hết tầm nhìn, học trò chỉ còn biết nhìn lên bảng, chả trách chúng nó tuy có giỏi nhưng đếch đứa nào biết làm thơ.
Dạo hành lang, xuống nhà truyền thống, đoàn quân tóc muối tiêu, diện áo đỏ, bô lô ba la, hồn nhiên như cô tiên giữa sự khó hiểu đến ngỡ ngàng của đông đảo các bé học trò niên khóa 2016. Cũng có mấy cháu ngưỡng mộ nhìn con số 78-81 trên áo các cụ, số này chắc là học chuyên sử.
Mấy chục phút qua nhanh, đã đến giờ vào học. Chụp ảnh cùng Ban Giám hiệu hiện thời, chia tay thầy Hợi và một số bạn phải về trước. Đội quân áo đỏ rời trường, trong một tâm trạng đầy lưu luyến nhưng cũng vô cùng sung sướng. Thì ra chúng mày, cứ ra khỏi cổng trường, được đi chơi là vui, cái thuộc tính học trò này, sau mấy chục năm vẫn thế.
(Chương trình họp mặt tới đây kết thúc phần Lễ, để chuyển sang phần Hội - Còn tiếp)
Thứ Tư, tháng 6 08, 2016
Mới đi thi Robocon ở Ninh Bình về, thường được bà
con hỏi: này, thành phố NB thế nào vậy?
Thật cũng chẳng biết tả sao cho gọn. Tiếng là chục
ngày ở đó nhưng cũng ưu tiên cho công việc. Đi nhiều nhất là chặng đường từ khách
sạn về Trường Quân sự, thì thấy cũng giống như các nơi tỉnh lẻ khác, cũng nhà cửa,
quán xá tà tà. Hơi khác một chút là trong thành phố có sông, có núi, mà toàn
tên hay: sông Vân, núi Thúy, núi Ngọc Mỹ Nhân… ngay chỗ Trường Quân sự cũng có
tên là phường Bích Đào, nghe có chất liêu trai.
Nhà có điều kiện (đất đai), nên những khu vực mới mở
đều rộng rãi, Trung tâm thể thao, Trung tâm hội nghị, đường sá…bề thế, hiện đại,
có điều hơi vắng. Nhiều công trình bằng đá, chắc cũng của nhà làm được. Một quảng
trường “nghìn tỷ” đang xây, thấy rất to nhưng mình cũng chưa hình dung được nó
sẽ kết nối với khung cảnh xung quanh thế nào.
Đặc sản ẩm thực sốt dê, cơm cháy được Ủy ban tỉnh
chiêu đãi, khuyến mãi thêm món cá trắm hun trấu. Nguyên nửa con cá to chà bá, sạm
màu khói, cũng ngon nhưng hơi nhạt. Hôm sau được ông anh Ninh Bình đãi lại món
này, chọn cá nhỏ hơn, ướp đủ gia vị, cho thật đúng “chất”. Dê của Tỉnh cũng
không “chất” bằng dê ngoài quán, nhưng vẫn hơn dê SG một bậc.
Ngoài con đường quốc lộ là trục chính thì phố xá
cũng yên tĩnh, dân phố cũng thong thả kiểu công chức. Giờ cao điểm mới thấy cảnh
sát giao thông xuất hiện, đặc biệt là
nhiều cảnh sát nữ trẻ đẹp, đứng ngay ngắn như người mẫu, nhờ các em này mà xe cộ
đến giao lộ cứ tự động đi chậm lại.
Buổi tối quán xá đóng cửa sớm, muốn ăn khuya phải dặn
trước, rau thơm chỉ có húng lủi,bún, phở, bánh cuốn đều thế. Hỏi nhà có rau gì
không? có ạ, đưa ra một bọc to, lại là húng lủi. Được cái chị chủ xởi lởi, hôm
đầu tính cả đoàn ăn là bốn trăm ngàn, những hôm sau thêm bớt mấy đứa vẫn cứ bốn
trăm, bán mớ, free chè chén và thuốc lào. Nghe nói ở trung tâm thì nhộn nhịp
hơn, có đủ quán Bar này nọ, nhưng mình chưa có dịp đến.
Mấy bữa mới đến, thời tiết âm u giở mưa nên cũng
buồn tẻ. Đến hôm có nắng, leo lên tầng thượng khách sạn mới thấy xung quanh núi
non trập trùng, tạo những nét chấm phá. Cô lễ tân trang thủ giới thiệu phía đó
là Tràng An, Bái Đính, rồi Tam Cốc, Bích Động, Thung Nham, Cố Đô…toàn những nơi
nổi tiếng.
Thứ Sáu, tháng 4 15, 2016
Điểm đến Đồng Nai thác Giang Điền
Giữa ngày đầu hạ nóng như điên
Lửng lơ sông vắng chờ tắt nắng
Ngơ ngác hàng cây đợi gió lên
Lô nhô ghềnh đá người không thấy
Quán cũ thời gian cũng ngủ quên
Chợt thương gốc mít ôm bầy trái
Tạc giữa khô khan một dáng hiền.
Đọc thêm!
Giữa ngày đầu hạ nóng như điên
Lửng lơ sông vắng chờ tắt nắng
Ngơ ngác hàng cây đợi gió lên
Lô nhô ghềnh đá người không thấy
Quán cũ thời gian cũng ngủ quên
Chợt thương gốc mít ôm bầy trái
Tạc giữa khô khan một dáng hiền.
Đọc thêm!
Thứ Bảy, tháng 3 26, 2016
Hôm 25/10, họp mặt Quân khu Nam Đồng mình đến hơi muộn, còn đứng lớ rớ ngoài sân tìm người quen thì thấy trong hội trường vỗ tay rào rào rồi giới thiệu Trần Lập hát bài của Quân khu.
Vội đi vào thì gặp ngay Phương Lan đang cố giơ điện thoại để quay phim, thấy mình cựu lớp trưởng liền giao ngay con dế bảo: Thông quay hộ cái, về cho Thanh Hương xem. Hội trường đông nghịt, mình ở mãi dưới, tập trung tác nghiệp,những lúc cao trào vẫn phải đứng ngay ngắn, không được vẫy tay reo hò như mọi người.
Sau này xem lại Clip buổi họp mặt trên Youtube, không thấy người nhưng thấy cái điện thoại, ai hỏi vẫn tự tin chỉ chính xác chỗ mình đứng.
Hát xong, TL xuống hội trường cùng mọi người. Mình không quen nên chỉ gật đầu chào, hỏi thăm xã giao mấy câu. Định nhờ chụp chung tấm hình làm kỷ niệm nhưng đông quá nên ngại. Nghĩ bụng, chắc còn nhiều dịp.
Mình thích những bài hát của TL, đặc biệt là bài”Đường đến ngày vinh quang”. Dịp Robocon 2004, TL hát bài này ở sân Quần ngựa, giữa “chảo lửa” đêm chung kết, tiếng cổ vũ vang rền của mấy ngàn sinh viên không át được tiếng hát hừng hực của ca sĩ.
Một lần tình cờ xem bản đồ khu Nam Đồng, thấy ai đó ghi dòng chú thích “Nhà ca sĩ TL” ở khu vực nhà 8, mới biết là TL là người QKNĐ. Có lẽ TL về đó khi mình đã chuyển đi, nhưng vẫn thấy khoái, vẫn cứ khoe khi có điều kiện.
Trước hôm gặp mặt vừa rồi, tối 22/10, mình ngồi ở nhà bạn Minh gù cùng với nhiều anh em sau bao năm mới hội ngộ, cùng háo hức bàn bạc về buổi “đại lễ” sắp tới, uống đủ loại bia rượu và “duyệt” bài Quân khu ca “Những người con của lính” do TL sáng tác và thể hiện. Không thể tả hết độ hay của bài hát trong không khí ấy.
Ra về mình được nhận một huy hiệu Quân khu và đĩa CD bài “Những người con của lính”. Không có máy nên đêm ấy không mở để nghe lại được, nhưng lời bài hát đọc lên vẫn thiết tha từng chữ, đủ thấy tình cảm của TL với bạn bè, với mọi người
Mở lòng mình tìm về chốn xưa
Nơi ta đã sống biết bao tháng ngày
Khoảng trời tuổi thơ nuôi bao ước mơ
Cho ta bước qua bao ngày giông bão…
Về SG mấy bữa thì nghe tin TL ốm, rồi hôm nay biết TL đã mất. Mọi sự xảy ra quá nhanh, những ấn tượng tốt đẹp mới như ngày hôm qua. Tiếc là, sẽ không còn có dịp nào nữa.
Thứ Hai, tháng 2 15, 2016
Thế là Tết lên đường về năm cũ
Những đào mai ngơ ngác rải bông tàn
Mới hôm nào trên cành e ấp nụ
Giờ hóa vàng hoai vọng chốn nhân gian
Ta tạm cất những ngày vui đầy đặn
Nghe thời gian gõ nhịp đã nhanh dần
Đoàn tàu ghế mải chơi cùng chúng bạn
Đến ga này còn được mấy mươi xuân. Đọc thêm!
Những đào mai ngơ ngác rải bông tàn
Mới hôm nào trên cành e ấp nụ
Giờ hóa vàng hoai vọng chốn nhân gian
Ta tạm cất những ngày vui đầy đặn
Nghe thời gian gõ nhịp đã nhanh dần
Đoàn tàu ghế mải chơi cùng chúng bạn
Đến ga này còn được mấy mươi xuân. Đọc thêm!
Thứ Hai, tháng 1 18, 2016
MÙA SƯƠNG.
Hôm rồi mới thử cái máy tạo ẩm Humax, loại dùng cho phòng thí nghiệm. Máy này là loại siêu âm tự động nên cũng lành, cứ việc đổ nước, bật điện, giây lát sau một làn hơi nước như khói bắt đầu phun ra. Mình để tốc độ lớn cho hơi nước tỏa ra khắp phòng. Mấy đứa nhỏ háo hức xòe tay đón luồng hơi lành lạnh, rồi chúng nó để hơi nước phả vào mặt, cho đến lúc có những chấm sương li ti bám trên mi, trên tóc.
Những đứa trẻ phương Nam đã có chút cảm giác về một mùa sương xứ Bắc.
Nhớ những màn sương mùa đông năm 72, giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất, khi đó mình còn nhỏ, được sơ tán về một miền quê Vĩnh Phúc. Sáng sớm đám trẻ đưa nhau đi học, mới đầu đi chung nhưng rồi dần dần tách ra các hướng (các lớp học khi đó là những nhà hầm lớn, được chia rải rác trên cánh đồng để tránh bom đạn), tới lúc chỉ còn một mình với màn sương mù mịt. Sương sớm mùa đông đặc như sữa, cây cối cách mươi mét chỉ thấy mờ mờ. Mình cứ đi miết trên con đường đất rất dài, vừa sợ, vừa lạnh, đi mãi tới khi mừng rỡ nghe tiếng đám bạn cùng lớp lao xao trong màn sương, dù vẫn chưa nhìn thấy chúng nó.
Ký ức tuổi nhỏ bền lâu, mình còn nhớ cả cái mùi sương ngàn ngạt.
Tới hồi học đại học dưới chân núi Tam Đảo, vùng này quanh năm lãng đãng sương. Những buổi tối cuối thu đầu đông sương giăng mờ đất, nhiều lần mình từ Hà Nội lên muộn, đạp xe vào trường giữa một biển sương lạnh giá, vừa đi vừa dò đường. Những đêm có trăng, không gian nhạt nhòa một màu sương trắng, bạn bè hẹn hò, háo hức như đang chơi trốn tìm giữa bao la trời đất.
“ Ngọn gió nào thao thức lúc buông đêm
Biết hơi giá có còn vương trên áo
Em còn nhớ màn sương mờ huyền ảo
Nhớ vì sao hay mọc cuối chân trời”
Sài Gòn đôi khi cũng có sương, nhưng thường chỉ một chút thoảng qua như bụi, không biết có kịp làm ai đó bâng khuâng, mơ về một màn sương cổ tích:
“Hôm qua em đi Chùa Hương. Hoa cỏ còn mờ hơi sương…”
Nhớ mùa sương, cũng là nhớ về một thời gian khổ. Trong những ngày đông giá, hơi sương ẩm ướt đưa cái lạnh ngấm vào cơ thể. Những nẻo đường mờ sương dù đẹp, những anh hùng ra đi dù “sá gì sương gió”, nhưng rét thì không phải chuyện đùa. Những hạt sương tưởng như vô hình cứ từ từ bám vào tóc tai, quần áo, đến lúc đó thì dẫu anh hùng hay siêu nhân cũng cứ tự động mà run như cầy sấy (cầy ở đây là con cún). Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại nói là “rét mướt”, mướt là ướt, rét mướt là rét + ướt = siêu rét. Trong các loại sương có loại sương muối, hay sương giá, xuất hiện khi trời quá lạnh, độ ẩm quá cao, sương hóa băng, bám như muối trên cây cỏ. Sương muối là ám ảnh của mùa màng và sức khỏe.
Bây giờ thì mình “tạm biệt mùa đông, tạm biệt mùa sương” đã hơn hai chục năm. Những kỷ niệm cũng mờ mờ sương khói. Đôi lần trở ra Bắc vào mùa lạnh nhưng toàn ở trong nhà, ngồi ô tô, không có nhiều dịp để lang thang tìm lại cảm giác ngày xưa.
Mà hình như không chỉ những người ở xa, mà bà con miền Bắc bây giờ cũng thế. Cửa kính hai ba lớp, rồi máy sưởi, máy hút ẩm…đã dần đưa rét mướt khổ sở ra khỏi phố phường, về thời xa vắng. Màn sương mùa đông tự nhiên lại được chờ mong, cứ như người đẹp.
“Chiều đông sương giăng phố vắng…”
Mr Ẩm.
Đọc thêm!
ẨM IC
Thị trường bây giờ nhiều loại máy móc hay thật, ví dụ như cái máy hút ẩm. Nó đã góp phần giải quyết một số chuyện trong xã hội.
Cách nay ngót hai chục năm, trong câu chuyện của giới trẻ thường có câu “ẩm IC”. Chỉ cần nói thằng nọ, con kia bị “ẩm IC” là thiên hạ đã hiểu được vấn đề.
Gốc gác sâu xa của chữ này xuất phát từ lĩnh vực kỹ thuật.
Thời đó mới mở cửa, nước mình còn nghèo, đồ điện máy trên thị trường đa số là hàng “nghĩa địa”. Từ TV, đầu máy, cát-sét tới tủ lạnh, máy giặt, đồng hồ điện tử…hầu hết là “Made in Bãi rác” - được thu gom từ các kho phế thải xứ Đài Loan, Nhật Bổn. Về VN, chúng được mông móa, tân trang, chỉnh chọt sơ sơ rồi đưa ngay vào danh sách hoa hậu. Nhà nào gom góp được vài chỉ vàng để rước về một em TV màu chuyển hệ là danh tiếng nổi như cồn. Nếu còn kèm thêm một ông đầu máy Video nội địa nữa thì thôi rồi, chắc chắn nhà đó là đại gia, không cần bàn cãi.
Khỏi phải kể, các bạn cũng biết là các sản phẩm công nghệ này luôn được o bế, lau chùi sạch bóng và đặt trong các loại tủ chuyên dụng cầu kỳ, kín mít, có khóa chắc chắn (Các loại tủ này hiện nay đã tuyệt chủng). Vậy mà chúng cứ chập chờn. Cái TV nhà mình, tiếng là TV màu nhưng khi xem bóng đá quốc tế vẫn chịu, không phân biệt được hai đội. Cầu thủ chạy tới giữa sân rồi mà cái quần đùi mầu đỏ còn lơ lửng ở vòng cấm địa!
Đưa đi sửa thì hầu hết các trường hợp được thợ phán: “ẩm IC”. IC là cái mạch tích hợp, là đầu não của các các thiết bị điện tử. Hồi đó IC mới xuất hiện, chúng được sản xuất ở các nước ôn đới khô ráo nên khi đưa về VN chịu khí hậu ẩm ướt là giở chứng. Máy móc bị “Ẩm IC” rất khó chịu, hoạt động ngẫu hứng, dở dở ương ương, lúc được lúc mất, trời nắng thì chạy ro ro, trời mưa thì tịt. Bắt đền thì người bán cũng không xong vì nó đâu có hỏng hẳn, cũng chẳng phải lỗi của ai, cuối cùng đành hòa cả làng, chung quy là tại “cái nước mình nó ẩm”.
Không hiểu cái bệnh “ẩm IC” có lây truyền từ máy sang người? hay cũng tại “cái nước mình nó ẩm” mà trong đời sống thời đó cũng xuất hiện nhiều nhân vật hơi khác thường, hành vi ẩm ương rất khó kiểm soát, rõ ràng đầu óc có vấn đề nhưng không thể giải thích. Thiên hạ bao quát những người này là “chập mạch”, “chập cheng” hay “ẩm IC” (Đôi khi nói chệch đi là hội chứng AIC).
Bản thân chỗ mình cũng có một ông em đã yêu cầu cơ quan phải họp để biểu quyết xem cậu ta có “ẩm IC” hay không? tất nhiên là 100% cơ quan đồng thanh biểu quyết là IC cậu ta không hề ẩm mà rất khô, thậm chí còn “âm ấm”. Được vậy cậu em mới yên tâm (dù “ẩm IC” và “ấm đầu” cũng chẳng khác nhau là mấy).
Bây giờ nghĩ lại mới thấy ngôn ngữ dân gian quả là thâm thúy, về khía cạnh nào đó, con người cũng như cỗ máy, cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết. Trời mà mưa gió ẩm ướt thì ông người thế nào chẳng đau ốm, mệt mỏi, IC của ông người thế nào chẳng hơi âm ẩm, từ đó sinh ra khó chịu, thất thường, “sớm nắng chiều mưa”, để lâu là thành tật.
Xã hội ngày càng tiến bộ, những hàng hóa “nghĩa địa” ngày xưa đã không còn. Môi trường sống của con người cũng được cải thiện. “Cái nước mình thì nó vẫn ẩm”, nhưng với những thiết bị hiện đại, độ ẩm không còn là bất trị. IC của máy móc và IC của người ta cũng mạnh khỏe hơn, thành ngữ “ẩm IC” vì thế mà không phổ biến nữa. Tuy nhiên hiện tượng “ẩm IC” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, thì đây đó vẫn còn, nếu ta không quan tâm đến nó.
Vì vậy, xin kể lại chuyện một thời chưa xa, để các bạn trẻ biết “ẩm IC” là gì.
Mr Ẩm.
Đọc thêm!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)