Thứ Hai, tháng 8 27, 2018

NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ 

   Má tôi sinh năm con trai nhưng ba người đã mất từ khi còn nhỏ. Hai anh tôi là Nguyễn Anh Quang, sinh năm 1960, mất lúc mấy tháng tuổi do sự cố phản ứng thuốc kháng sinh khi chữa bệnh đường ruột ở viện 108 và Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1962, mất lúc chưa đầy năm vì bị viêm màng não, cũng ở viện 108. Em kế tôi là Nguyễn Anh Minh sinh năm 1966, mất năm 1968 khi đi sơ tán tránh bom Mỹ.
    Hai người anh mất sớm tôi chỉ nghe kể lại, còn em Minh thì tôi biết. Thời kỳ đó má tôi làm quản lý bệnh xá nhà máy dệt 8/3. Bệnh xá sơ tán về làng Yên Mỹ, một vùng đất bãi ven sông Hồng, cách nội thành khoảng hai chục km đường đê. Khu bệnh xá gồm bốn dãy nhà tranh dựng thành hình vuông trên một khoảng ruộng ngoài làng, một dãy nhà bếp nhà ăn, một dãy nhà làm việc, một dãy nhà bệnh nhân và dãy nhà tập thể. Gia đình tôi ở gian đầu hồi của dãy tập thể, phía ngoài cùng, cạnh con đường của dân đi lại. Gần bệnh xá có một gò đất lớn, khá cao. Trên gò có ngôi chùa nhỏ, cây cối um tùm.
    Hàng ngày tôi ở nhà với ông Thủy. Ông Thủy là em ông nội tôi. Năm 1954 ông Thủy từ Quảng Ngãi tập kết ra Bắc công tác ở ngành thủy lợi, thời kỳ này ông đã được nghỉ mất sức về ở với ông nội tôi tại Thường Tín (Hà Tây), rồi ông sang Yên Mỹ với má con tôi. Theo mọi người kể lại, ông Thủy làm nội trợ khéo mà chăm cháu cũng rất kỹ, không mấy khi để tôi xuống đất. Tôi cũng còn nhớ là mình thường được ngồi trên lưng ông nhong nhong đi chơi khắp nơi, ra chợ, vào làng, có khi sẩm tối mới về, con đường đất vắng vẻ băng ngang cánh đồng làm tôi sợ chết khiếp. Được ông chiều nên tôi hay quấy, có lần dỗ mãi mà tôi không chịu ăn, ông nổi nóng quăng luôn bát cơm xuống con mương cạn trước nhà, tối về tôi mách má: ông vứt cơm xuống mương, ông bắt con chết nhịn - làm mọi người cười bò.
    Em Minh lúc đó hơn một tuổi, mập mạp, trắng trẻo, nhưng bị chấn động não từ khi mới sinh nên chỉ nằm một chỗ, không có nhận thức gì. Vì thế nên má luôn phải mang em theo, lúc làm việc, họp hành cũng để gần đó, hết giờ mới ôm em về.
   Ngoài quản lý, má còn làm bên công đoàn nên thường phải về nhà máy họp, má đặt em Minh vào một cái rổ lớn buộc sau xe đạp để chở đi. Để tránh máy bay đánh phá nên nhiều việc phải làm buổi tối, có khi tám, chín giờ mới xong, má lại chở em Minh về Yên Mỹ. Đường đi trên con đê cao ban đêm không một bóng người, hai bên là bãi ngô trải dài mờ mịt, má kể là có khi em Minh đói mệt khóc oe oe suốt dọc đường khuya làm má vừa thương, vừa sợ. Lúc lên đê, má phải tháo rổ, đặt em Minh dưới chân dốc, đẩy xe tới mặt đê rồi quay xuống mang em lên, buộc rổ vào xe, đi tiếp. Lúc xuống đê, lại phải đặt em trên đỉnh dốc, dắt xe xuống rồi mới trở lên mang em xuống. Không biết bao nhiêu chuyến đi như thế. Có lần gặp con rắn lớn nằm ngang đường, má chờ lâu sốt ruột, tìm cục đá ném chết nó, mang về. Đó là một con rắn sọc dưa, loại hay đi bắt chuột.
   Khoảng giữa năm 1968 ông Thủy về Thường Tín, tôi lên bốn tuổi nên đã biết trông nhà, tự chơi bời với đám bạn trong khu bệnh xá. Thời kỳ này má có mang em Thái nên cũng ít đi lại. Hai má con vẫn ở gian nhà đầu hồi, cách biệt với những gia đình khác. Ba tôi là bộ đội, thời chiến ít khi ở nhà. Một buổi tối đã muộn, ba má con nằm trên giường nhưng chưa ngủ, chợt có người xách đèn bão, giật toang cửa nói to: vỡ đê rồi, sao còn ở đây ? Má con tôi chạy ra ngoài, thấy nước đang tràn vào sân. Má bảo tôi cầm cái đèn dầu, soi cho má thu dọn đồ đạc, quần áo rồi ôm em Minh chạy lên ngôi chùa trên gò cao. Lên đến nơi, gửi các thứ đấy, chúng tôi lại quay về nhà chuyến nữa. Không biết được mấy chuyến nhưng nước lên rất nhanh, chuyến cuối cùng, nước đã ngập tới bụng, tôi vẫn cầm đèn soi đường nhưng còn kịp phát hiện và kêu: má kìa, nước vào chuồng gà rồi. Mấy con gà kẹt trong chuồng đang nhảy loạn xạ nhưng chúng tôi không kịp cứu chúng. Đợt đó chỉ kịp chạy mấy thứ thiết yếu, còn tất cả đồ đạc phải bỏ lại, chiếc giường mới của mẹ con tôi sau lần ấy nhuộm màu phù sa, hằn rõ từng ngấn nước, nhiều năm sau vẫn còn thấy.
     Lên chùa chắc mệt quá nên tôi ngủ say, không nhớ chuyện gì nữa. Sáng hôm sau dậy muộn, không thấy má nhưng thấy ông Thủy đến từ lúc nào, bảo tôi sang ở với ông. Hai ông cháu ra cổng chùa, lên một con thuyền nhỏ, người đàn ông chèo thuyền luồn lách qua các ngọn cây, mái nhà, băng qua cánh đồng ngập nước đỏ ngầu tới bờ đê. Hai ông cháu leo lên một cái chợ nhỏ, họp dã chiến ngay trên con đường đá, thuê người chở xe đạp về Thường Tín.
    Tiếp đó là một thời gian dài tôi ở với hai ông, ông nội tôi là Nguyễn Trung Phu, khi đó công tác tại Bệnh viện tâm thần trung ương và ông Thủy. Cũng như những bạn bè cùng trang lứa thời ấy, đã quen với cuộc sống xa ba mẹ ở những nơi xa lạ, nên tôi cũng không thắc mắc khi lâu không được gặp má, nhưng tôi rất nhớ người. Đồng ruộng ngày đó còn trống trải, từ nhà ông nội có thể nhìn ra tận ga Thường Tín, buổi chiều xuống, tôi ngồi trên cái võng trước mái hiên, nhìn về phía những đoàn tàu nhả khói, tưởng tượng như mình đang trên đường về Hà Nội.
    Tôi không biết lý do má không đến thăm tôi.
    Đêm ấy chạy lụt, lúc lên chùa má tôi để em Minh nằm lên thềm đá cao, nhờ một chú tiểu trông hộ rồi quay xuống chuyển đồ, lúc xong việc quay lại thì thấy em Minh đã được đặt chỗ khác và đã tắt thở, đầu có vết bầm lớn, nghi là bị ngã xuống nền nhà chùa. Chú tiếu cũng bỏ trốn không gặp lại nữa. Trong đêm, má tôi tìm cách báo tin cho ba, may là dịp đó ba đang ở Hà Nội nên sáng hôm sau nhờ xe của đơn vị cùng một người bạn về Yên Mỹ, trên đường ghé qua Thường Tín đón ông Thủy.
    Má tôi kể là đang lúc lụt lội nên đến quá trưa mới tìm được người của địa phương để làm chứng tử cho em Minh rồi đưa em sang nghĩa trang Văn Điển. Chỉ có ba má tôi, bạn của ba và chú lái xe, không kịp báo cho anh em, bà con. Đi được một đoạn thì xe hỏng, sửa mãi không được, cứ nổ máy một chút rồi tắt. Xế chiều tới chập tối, mọi người đã hết cách thì có một bác lớn tuổi từ trong làng đi ra, nói là thợ máy, thấy xe bộ đội bị hỏng nên tới xem giúp. Một lúc sau thì sửa được xe, lại tiếp tục đi, nhưng sang đến Văn Điển thì đã chín giờ tối, nghĩa trang không làm việc. Ba má tôi phải gửi em Minh lại nhà xác rồi về Hà Nội. Sáng hôm sau ba má tôi đạp xe lên nghĩa trang, làm thủ tục, mua áo quan, rồi thuê người chôn cất em Minh. Má tôi nói, tối hôm trước người ta để em Minh không cẩn thận, nên em bị con gì đó cắn nát một bên cổ.
    Chiến tranh phá hoại còn tiếp tục thêm vài tháng nữa rồi tạm lắng, nhưng cuộc sống gia đình tôi tiếp tục biến động, tôi sang ở với ông, má tôi về Hà Nội ít bữa thì sinh em Thái, ba tôi vẫn đi công tác liên tục. Giai đoạn sau này, tới dịp Bác Hồ mất, tôi mới theo ba về đơn vị ở dốc Bưởi, rồi sang Hồ Tây, rồi về một khu nhà trên phố Nguyễn Thượng Hiền gần hồ Ha-le. Má tôi xin nghỉ hưu sớm, trả căn buồng tập thể của nhà máy dệt rồi cũng đi ở nhờ một số nơi. Mãi đến lúc ba má tôi muợn được một gian nhà gỗ lụp xụp trong ngõ chợ Khâm Thiên, nhà tôi mới sum họp, lúc này đã có thêm em Thái. Những lúc ba tôi đi vắng, lại có ông Thủy lên giúp, ông mang theo đậu xanh, gạo nếp, có khi cả mấy con gà, là những thứ hai ông tăng gia được.
    Đến nay thì thời gian đã cách xa tròn nửa thế kỷ, hai ông và ba má tôi cũng đã qua đời, những gì tôi nhớ được là sự pha trộn giữa ký ức thơ ấu và những câu chuyện được nghe kể lại, cũng từ lâu lắm rồi. Còn nhiều điều tôi muốn biết về những ngày tháng gian khổ đó, về những người ruột thịt của mình, nhưng giờ thì không thể, chúng thuộc về những người đã mãi mãi đi xa.
   (Vu lan 2018).

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 8 21, 2018

Đầy vơi cuộc sống. 
   
     Năm 1982 mình vào học sĩ quan, đời sống khi đó đã qua đỉnh điểm khó khăn (77-80) nhưng vẫn còn đói kém. Trường mình ở ngay Sài Gòn nên việc ăn uống không tệ đến mức “ác liệt” như nhiều đơn vị khác nhưng định lượng thì vẫn theo tiêu chuẩn chung nên nhìn chung là vẫn…đói.
     Nói riêng về cơm (chuyện thức ăn có dịp kể sau), thì ngày thường ba bữa, sáng một bát lưng lưng chan với nước giống nước mắm, bữa chính thì sáu người một xoong lưng lưng. Cơm ít lại để chung nên việc chia cho đều là rất khó, thế nào cũng có sự chênh lệch ít nhiều do vô tình hay cố ý, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tình đoàn kết của bộ đội (!). Vì vậy trên tinh thần đồng chí đồng đội và căn cứ vào tình hình thực tế, tại nhà ăn đã dần hình thành một định mức ngầm hiểu là: cơm mỗi người ba lần xới.
    Tuy nhiên định mức mỗi lần xới là bao nhiêu thì luật không kiểm soát, do đó có thể vận dụng được. Vì tự xới nên mỗi người vận dụng theo một cách sao cho hiệu quả nhất, nhưng rồi cũng trên tinh thần đồng chí đồng đội và căn cứ vào tình hình thực tế, dần dần có hai cách vận dụng phổ biến là: “Vơi đầy vơi” và “Đầy vơi đầy”.
    “Vơi đầy vơi” là: bát thứ nhất lấy vơi vơi, ăn nhanh rồi lấy bát thứ hai thật đầy (đây là bát chủ lực) ăn hết bát này hơi lâu nên bát thứ ba do anh em để lại cho đủ số lượng đương nhiên là cũng vơi. Nếu xét về tốc độ thì cách này gọi là “Nhanh chậm nhanh”.
    Còn “Đầy vơi đầy” thì ngược lại: Bát thứ nhất đầy, bát thứ hai vơi, ăn thật nhanh để kịp lấy bát thứ ba lúc cơm còn nhiều, có thể lấy đầy đầy một chút. Cách này còn gọi là “Chậm nhanh chậm”.
     Hai trường phái tác chiến ẩm thực này về mặt lý luận thì đều khoa học và hợp lý như nhau nhưng về mặt thực tiễn thì chưa có ai đứng ra điều tra, kết luận nên luôn là đề tài tranh cãi quyết liệt của nhiều thế hệ học viên thời ấy, cho đến tận bây giờ khi gặp nhau, đôi khi vẫn còn tiếp diễn. Một phần vì bản chất đó là một chuyện vui đời lính, “vơi đầy” hay “đầy vơi” ở những ngày gian khổ ấy túm lại là vẫn đói như nhau. Những năm sau này khi đời sống bộ đội khá dần lên, đến lúc cơm đã đủ no, chuyện ăn uống không còn là ám ảnh thì lý luận “vơi đầy” nói trên lỗi thời, không còn được nhắc đến.
    Mấy hôm gần đây, bắt đầu từ lời khuyên của một doanh nhân, trên báo chí đang có thảo luận: người trẻ có nên cố mua nhà không? Với hai luồng ý kiến trái chiều tranh cãi nhau gay gắt: Hoặc là vay mượn mua nhà để ổn định cuộc sống rồi kiếm tiền trả nợ hoặc đầu tư cho học hành, công việc, kiếm tiền rồi mua nhà…làm mình tự nhiên nhớ lại ngày xưa. Mừng vì lớp trẻ bây giờ có điều kiện quan tâm đến những vấn đề to tát hơn nhiều, không chỉ là đôi bát cơm gạo mốc, nhưng câu chuyện thì thấy cũng như nhau, cũng vẫn là vấn đề “đầy vơi” trong cuộc sống.
    Nhà cửa hay công việc, gia đình hay sự nghiệp, thay đổi hay an phận…chẳng thể trọn vẹn cho mỗi người, mà cũng chẳng có công thức chung cho mọi người, đầy lúc này thì vơi lúc khác, đầy chỗ này thì vơi chỗ khác, rồi cuối cùng thì mỗi người cũng “một bát” mà thôi. Đầy vơi thế nào do mỗi người chọn, bình tĩnh mà chọn, lỡ phải bát vơi thì bụp cho nhanh để còn bát khác, được bát đầy có khi phải cảnh giác, chén xong rồi, cơm cháo còn lại chẳng bao nhiêu.
     Mà có thế mới là đời, con người, thiên nhiên, đầy vơi vận động - Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi (Hoàng Hữu).
    Vầng trăng tròn trịa, mặt nước phẳng lặng chắc chỉ có trong tranh thủy mặc.

 Hình: Đón tết 1984 - Lớp 1611 SQKT Vin-Hem Pich.

Đọc thêm!
     Từ hồi vào Nam mình chuyển nhà tới năm, sáu lần nhưng vẫn loanh quanh xóm Gò Vấp. Nhà cũ của mình ở giáp ranh nên có thời gian được nhích sang Bình Thạnh, nhưng rồi lại nhanh chóng trở về Gò Vấp, âu cũng là cái số! 
     Gò vấp là vùng đất lịch sử, cái tên Gò Vấp có từ lâu đời, được cho là bắt nguồn từ khu gò có nhiều cây Vắp (sau đọc chệch thành Vấp). Nếu đúng như thế thì đây là một cái tên quá hay, đủ các yếu tố văn-sử-địa lại dân dã, thuần Việt và thân thiện với môi trường! 
    Có điều mới nghe thấy nó quê quê (Gò), lại ghê ghê (Vấp), như nhà thơ Cung Văn viết “Đã là gò không khéo đi dễ vấp”, còn bà con mình thì gọi vui là Gò Té. Hồi trước có nhiều công ty, sản phẩm có thương hiệu GoVa như thuốc lá GoVa của nhà máy Bến Thành, rẻ tiền nhưng hút rất được (nghe nói là dùng sợi vụn của dây chuyền sản xuất thuốc Craven A), GoVa là Gò Vấp viết kiểu cải cách!
   Theo nhà văn Sơn Nam, Gò Vấp là vùng ngoại ô, địa bàn sinh sống lâu đời của tầng lớp lao động, công chức cấp thấp và dân nhập cư từ miền ngoài, xét về khía cạnh này cái tên Gò Vấp có vẻ hợp với tính chất bấp bênh của cuộc sống ở đây, nhưng mặt khác nó cũng thể hiện sự vận động, trong khi nhiều địa danh khác của Sài Gòn hoa lệ lại mang vẻ bình bình an phận như Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Thủ Đức…
    Mình đến GoVa lần đầu năm 1979, khi đường Nguyễn Oanh còn là con đường đá lầy lội, lóc cóc vó xe thổ mộ chạy tuyến chợ Gò - Ba Thôn - Lái Thiêu, sau đó thì vào học, sinh sống, làm việc tới khi về hươu. Gắn bó với xứ Gò ngót bốn mươi năm, so với lớp GoVa trà sữa thì cũng thuộc loại kỳ cựu.
   Mình thấy cái ít thay đổi nhất ở GoVa những năm qua là tuyến tàu bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Theo thời gian, dù kiểu loại khác nhau, mật độ khi nhiều khi ít, quang cảnh dưới mặt đất cũng thay đổi từng ngày, nhưng những chiếc tàu bay vẫn đều đều hiện ra từ phía Bình Lợi, Thủ Đức, ầm ì lướt qua sông Vàm Thuật, Căn cứ 26, Ngã năm chuồng chó, rồi ào ào đáp xuống đường băng theo một lộ trình bất biến. Nhìn từ xa, như những cánh chim về tổ.
   Giờ phải tạm xa GoVa về quận 10 vài năm. Dù gần trung tâm hơn nhưng chung cư nơi mình ở lại khá yên tĩnh, một phần vì trên trời không có tàu bay.


Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 8 02, 2018

Mấy hôm rồi mệt với hai ông đầu gối.
Theo đúng lộ trình “hưu từng phần”, thì hai ông đầu gối thuộc diện chưa được nghỉ đợt này. Lý do là cống hiến cho nhà nước chưa nhiều!
Hơn ba chục năm công tác, hai ông đầu gối chưa hề làm ra một công văn, báo cáo nào, cũng chưa từng tham gia phát biểu ý kiến này nọ, cũng chẳng bao giờ xuất hiện chào đón thủ trưởng cấp trên. Hiệu quả làm việc của hai ông, xét theo tiêu chí công chức văn phòng, là rất thấp.
Vì vậy theo dự kiến của trung ương (!), hai ông sẽ tiếp tục làm việc bình thường, phát huy sở trường, đưa các bộ phận khác đi chơi đó đây. Hưu rồi, quần short thay cho quần dài, cũng là dịp để hai ông mở mặt với đời.    
Vậy mà mới được mấy bữa thì hai ông kêu đau, bài tập đi bộ hàng ngày phải tạm dừng, đi khám được báo là “thoái hóa khớp”.
Hơi giật mình, thời củi lửa bi giờ, “thoái hóa” là vấn đề nhạy cảm, nhỡ thiên hạ nghe không rõ, chưa biết mình thoái cái gì, đem xếp luôn vào bộ phận không nhỏ thì bỏ mẹ. May mà vị bác sỹ BV 175 cũng tâm lý, nhanh chóng vận dụng sự vi diệu của tiếng Việt để giải thích cho mình đó là “dấu ấn thời gian trên khớp gối”. Bố khỉ, văn đến thế là cùng, chỉ vài mỹ từ đã chuyển căn bệnh khó ưa từ phạm trù y khoa sang phạm trù văn hóa!
Để xử lý vấn đề văn hóa này lại phải dùng biện pháp khoa học công nghệ, hai ông đầu gối được vật lý trị liệu, hàng ngày vào viện một tiếng để làm mấy món điện xung, vi sóng, hồng ngoại. Chữa bệnh kiểu này hợp với dân kỹ thuật như mình, cảm thấy sóng với điện chạy vào người rất là ép-phê, qua một tuần đã thấy đỡ hẳn.
Nhưng về lâu dài vẫn phải tiếp tục nhiều biện pháp khác như luyện tập, thuốc men, không loại trừ cả việc kiểm điểm, phê và tự phê theo nghị quyết cho chắc cú.
Rồi cũng phải xem lại vấn đề chế độ của hai ông đầu gối. Có nên cho hai ông nghỉ chưa? Có lẽ là chưa thể cho nghỉ (hai ông mà nghỉ thì ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận khác), mà nên luân chuyển hai ông làm lãnh đạo, được làm lãnh đạo có khi hai ông lại khỏe ra, lại cứng cáp như xưa!
Chỉ hơi ngại là các bộ phận không tín nhiệm, nhưng mà hưu rồi, nhường nhau một tý, thằng lãnh đạo chẳng thế.
Mà nhìn ra xã hội bi giờ, đầu gối làm lãnh đạo thiếu gì. 


Đọc thêm!