Đầy vơi cuộc sống.
Năm 1982 mình vào học sĩ quan, đời sống khi đó đã qua đỉnh điểm khó khăn (77-80) nhưng vẫn còn đói kém. Trường mình ở ngay Sài Gòn nên việc ăn uống không tệ đến mức “ác liệt” như nhiều đơn vị khác nhưng định lượng thì vẫn theo tiêu chuẩn chung nên nhìn chung là vẫn…đói.
Nói riêng về cơm (chuyện thức ăn có dịp kể sau), thì ngày thường ba bữa, sáng một bát lưng lưng chan với nước giống nước mắm, bữa chính thì sáu người một xoong lưng lưng. Cơm ít lại để chung nên việc chia cho đều là rất khó, thế nào cũng có sự chênh lệch ít nhiều do vô tình hay cố ý, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tình đoàn kết của bộ đội (!). Vì vậy trên tinh thần đồng chí đồng đội và căn cứ vào tình hình thực tế, tại nhà ăn đã dần hình thành một định mức ngầm hiểu là: cơm mỗi người ba lần xới.
Tuy nhiên định mức mỗi lần xới là bao nhiêu thì luật không kiểm soát, do đó có thể vận dụng được. Vì tự xới nên mỗi người vận dụng theo một cách sao cho hiệu quả nhất, nhưng rồi cũng trên tinh thần đồng chí đồng đội và căn cứ vào tình hình thực tế, dần dần có hai cách vận dụng phổ biến là: “Vơi đầy vơi” và “Đầy vơi đầy”.
“Vơi đầy vơi” là: bát thứ nhất lấy vơi vơi, ăn nhanh rồi lấy bát thứ hai thật đầy (đây là bát chủ lực) ăn hết bát này hơi lâu nên bát thứ ba do anh em để lại cho đủ số lượng đương nhiên là cũng vơi. Nếu xét về tốc độ thì cách này gọi là “Nhanh chậm nhanh”.
Còn “Đầy vơi đầy” thì ngược lại: Bát thứ nhất đầy, bát thứ hai vơi, ăn thật nhanh để kịp lấy bát thứ ba lúc cơm còn nhiều, có thể lấy đầy đầy một chút. Cách này còn gọi là “Chậm nhanh chậm”.
Hai trường phái tác chiến ẩm thực này về mặt lý luận thì đều khoa học và hợp lý như nhau nhưng về mặt thực tiễn thì chưa có ai đứng ra điều tra, kết luận nên luôn là đề tài tranh cãi quyết liệt của nhiều thế hệ học viên thời ấy, cho đến tận bây giờ khi gặp nhau, đôi khi vẫn còn tiếp diễn. Một phần vì bản chất đó là một chuyện vui đời lính, “vơi đầy” hay “đầy vơi” ở những ngày gian khổ ấy túm lại là vẫn đói như nhau. Những năm sau này khi đời sống bộ đội khá dần lên, đến lúc cơm đã đủ no, chuyện ăn uống không còn là ám ảnh thì lý luận “vơi đầy” nói trên lỗi thời, không còn được nhắc đến.
Mấy hôm gần đây, bắt đầu từ lời khuyên của một doanh nhân, trên báo chí đang có thảo luận: người trẻ có nên cố mua nhà không? Với hai luồng ý kiến trái chiều tranh cãi nhau gay gắt: Hoặc là vay mượn mua nhà để ổn định cuộc sống rồi kiếm tiền trả nợ hoặc đầu tư cho học hành, công việc, kiếm tiền rồi mua nhà…làm mình tự nhiên nhớ lại ngày xưa. Mừng vì lớp trẻ bây giờ có điều kiện quan tâm đến những vấn đề to tát hơn nhiều, không chỉ là đôi bát cơm gạo mốc, nhưng câu chuyện thì thấy cũng như nhau, cũng vẫn là vấn đề “đầy vơi” trong cuộc sống.
Nhà cửa hay công việc, gia đình hay sự nghiệp, thay đổi hay an phận…chẳng thể trọn vẹn cho mỗi người, mà cũng chẳng có công thức chung cho mọi người, đầy lúc này thì vơi lúc khác, đầy chỗ này thì vơi chỗ khác, rồi cuối cùng thì mỗi người cũng “một bát” mà thôi. Đầy vơi thế nào do mỗi người chọn, bình tĩnh mà chọn, lỡ phải bát vơi thì bụp cho nhanh để còn bát khác, được bát đầy có khi phải cảnh giác, chén xong rồi, cơm cháo còn lại chẳng bao nhiêu.
Mà có thế mới là đời, con người, thiên nhiên, đầy vơi vận động - Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi (Hoàng Hữu).
Vầng trăng tròn trịa, mặt nước phẳng lặng chắc chỉ có trong tranh thủy mặc.
Hình: Đón tết 1984 - Lớp 1611 SQKT Vin-Hem Pich.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét