NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ
Má tôi sinh năm con trai nhưng ba người đã mất từ khi còn nhỏ. Hai anh tôi là Nguyễn Anh Quang, sinh năm 1960, mất lúc mấy tháng tuổi do sự cố phản ứng thuốc kháng sinh khi chữa bệnh đường ruột ở viện 108 và Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1962, mất lúc chưa đầy năm vì bị viêm màng não, cũng ở viện 108. Em kế tôi là Nguyễn Anh Minh sinh năm 1966, mất năm 1968 khi đi sơ tán tránh bom Mỹ.
Hai người anh mất sớm tôi chỉ nghe kể lại, còn em Minh thì tôi biết. Thời kỳ đó má tôi làm quản lý bệnh xá nhà máy dệt 8/3. Bệnh xá sơ tán về làng Yên Mỹ, một vùng đất bãi ven sông Hồng, cách nội thành khoảng hai chục km đường đê. Khu bệnh xá gồm bốn dãy nhà tranh dựng thành hình vuông trên một khoảng ruộng ngoài làng, một dãy nhà bếp nhà ăn, một dãy nhà làm việc, một dãy nhà bệnh nhân và dãy nhà tập thể. Gia đình tôi ở gian đầu hồi của dãy tập thể, phía ngoài cùng, cạnh con đường của dân đi lại. Gần bệnh xá có một gò đất lớn, khá cao. Trên gò có ngôi chùa nhỏ, cây cối um tùm.
Hàng ngày tôi ở nhà với ông Thủy. Ông Thủy là em ông nội tôi. Năm 1954 ông Thủy từ Quảng Ngãi tập kết ra Bắc công tác ở ngành thủy lợi, thời kỳ này ông đã được nghỉ mất sức về ở với ông nội tôi tại Thường Tín (Hà Tây), rồi ông sang Yên Mỹ với má con tôi. Theo mọi người kể lại, ông Thủy làm nội trợ khéo mà chăm cháu cũng rất kỹ, không mấy khi để tôi xuống đất. Tôi cũng còn nhớ là mình thường được ngồi trên lưng ông nhong nhong đi chơi khắp nơi, ra chợ, vào làng, có khi sẩm tối mới về, con đường đất vắng vẻ băng ngang cánh đồng làm tôi sợ chết khiếp. Được ông chiều nên tôi hay quấy, có lần dỗ mãi mà tôi không chịu ăn, ông nổi nóng quăng luôn bát cơm xuống con mương cạn trước nhà, tối về tôi mách má: ông vứt cơm xuống mương, ông bắt con chết nhịn - làm mọi người cười bò.
Em Minh lúc đó hơn một tuổi, mập mạp, trắng trẻo, nhưng bị chấn động não từ khi mới sinh nên chỉ nằm một chỗ, không có nhận thức gì. Vì thế nên má luôn phải mang em theo, lúc làm việc, họp hành cũng để gần đó, hết giờ mới ôm em về.
Ngoài quản lý, má còn làm bên công đoàn nên thường phải về nhà máy họp, má đặt em Minh vào một cái rổ lớn buộc sau xe đạp để chở đi. Để tránh máy bay đánh phá nên nhiều việc phải làm buổi tối, có khi tám, chín giờ mới xong, má lại chở em Minh về Yên Mỹ. Đường đi trên con đê cao ban đêm không một bóng người, hai bên là bãi ngô trải dài mờ mịt, má kể là có khi em Minh đói mệt khóc oe oe suốt dọc đường khuya làm má vừa thương, vừa sợ. Lúc lên đê, má phải tháo rổ, đặt em Minh dưới chân dốc, đẩy xe tới mặt đê rồi quay xuống mang em lên, buộc rổ vào xe, đi tiếp. Lúc xuống đê, lại phải đặt em trên đỉnh dốc, dắt xe xuống rồi mới trở lên mang em xuống. Không biết bao nhiêu chuyến đi như thế. Có lần gặp con rắn lớn nằm ngang đường, má chờ lâu sốt ruột, tìm cục đá ném chết nó, mang về. Đó là một con rắn sọc dưa, loại hay đi bắt chuột.
Khoảng giữa năm 1968 ông Thủy về Thường Tín, tôi lên bốn tuổi nên đã biết trông nhà, tự chơi bời với đám bạn trong khu bệnh xá. Thời kỳ này má có mang em Thái nên cũng ít đi lại. Hai má con vẫn ở gian nhà đầu hồi, cách biệt với những gia đình khác. Ba tôi là bộ đội, thời chiến ít khi ở nhà.
Một buổi tối đã muộn, ba má con nằm trên giường nhưng chưa ngủ, chợt có người xách đèn bão, giật toang cửa nói to: vỡ đê rồi, sao còn ở đây ? Má con tôi chạy ra ngoài, thấy nước đang tràn vào sân. Má bảo tôi cầm cái đèn dầu, soi cho má thu dọn đồ đạc, quần áo rồi ôm em Minh chạy lên ngôi chùa trên gò cao. Lên đến nơi, gửi các thứ đấy, chúng tôi lại quay về nhà chuyến nữa. Không biết được mấy chuyến nhưng nước lên rất nhanh, chuyến cuối cùng, nước đã ngập tới bụng, tôi vẫn cầm đèn soi đường nhưng còn kịp phát hiện và kêu: má kìa, nước vào chuồng gà rồi. Mấy con gà kẹt trong chuồng đang nhảy loạn xạ nhưng chúng tôi không kịp cứu chúng. Đợt đó chỉ kịp chạy mấy thứ thiết yếu, còn tất cả đồ đạc phải bỏ lại, chiếc giường mới của mẹ con tôi sau lần ấy nhuộm màu phù sa, hằn rõ từng ngấn nước, nhiều năm sau vẫn còn thấy.
Lên chùa chắc mệt quá nên tôi ngủ say, không nhớ chuyện gì nữa. Sáng hôm sau dậy muộn, không thấy má nhưng thấy ông Thủy đến từ lúc nào, bảo tôi sang ở với ông. Hai ông cháu ra cổng chùa, lên một con thuyền nhỏ, người đàn ông chèo thuyền luồn lách qua các ngọn cây, mái nhà, băng qua cánh đồng ngập nước đỏ ngầu tới bờ đê. Hai ông cháu leo lên một cái chợ nhỏ, họp dã chiến ngay trên con đường đá, thuê người chở xe đạp về Thường Tín.
Tiếp đó là một thời gian dài tôi ở với hai ông, ông nội tôi là Nguyễn Trung Phu, khi đó công tác tại Bệnh viện tâm thần trung ương và ông Thủy. Cũng như những bạn bè cùng trang lứa thời ấy, đã quen với cuộc sống xa ba mẹ ở những nơi xa lạ, nên tôi cũng không thắc mắc khi lâu không được gặp má, nhưng tôi rất nhớ người. Đồng ruộng ngày đó còn trống trải, từ nhà ông nội có thể nhìn ra tận ga Thường Tín, buổi chiều xuống, tôi ngồi trên cái võng trước mái hiên, nhìn về phía những đoàn tàu nhả khói, tưởng tượng như mình đang trên đường về Hà Nội.
Tôi không biết lý do má không đến thăm tôi.
Đêm ấy chạy lụt, lúc lên chùa má tôi để em Minh nằm lên thềm đá cao, nhờ một chú tiểu trông hộ rồi quay xuống chuyển đồ, lúc xong việc quay lại thì thấy em Minh đã được đặt chỗ khác và đã tắt thở, đầu có vết bầm lớn, nghi là bị ngã xuống nền nhà chùa. Chú tiếu cũng bỏ trốn không gặp lại nữa.
Trong đêm, má tôi tìm cách báo tin cho ba, may là dịp đó ba đang ở Hà Nội nên sáng hôm sau nhờ xe của đơn vị cùng một người bạn về Yên Mỹ, trên đường ghé qua Thường Tín đón ông Thủy.
Má tôi kể là đang lúc lụt lội nên đến quá trưa mới tìm được người của địa phương để làm chứng tử cho em Minh rồi đưa em sang nghĩa trang Văn Điển. Chỉ có ba má tôi, bạn của ba và chú lái xe, không kịp báo cho anh em, bà con. Đi được một đoạn thì xe hỏng, sửa mãi không được, cứ nổ máy một chút rồi tắt. Xế chiều tới chập tối, mọi người đã hết cách thì có một bác lớn tuổi từ trong làng đi ra, nói là thợ máy, thấy xe bộ đội bị hỏng nên tới xem giúp. Một lúc sau thì sửa được xe, lại tiếp tục đi, nhưng sang đến Văn Điển thì đã chín giờ tối, nghĩa trang không làm việc. Ba má tôi phải gửi em Minh lại nhà xác rồi về Hà Nội. Sáng hôm sau ba má tôi đạp xe lên nghĩa trang, làm thủ tục, mua áo quan, rồi thuê người chôn cất em Minh. Má tôi nói, tối hôm trước người ta để em Minh không cẩn thận, nên em bị con gì đó cắn nát một bên cổ.
Chiến tranh phá hoại còn tiếp tục thêm vài tháng nữa rồi tạm lắng, nhưng cuộc sống gia đình tôi tiếp tục biến động, tôi sang ở với ông, má tôi về Hà Nội ít bữa thì sinh em Thái, ba tôi vẫn đi công tác liên tục. Giai đoạn sau này, tới dịp Bác Hồ mất, tôi mới theo ba về đơn vị ở dốc Bưởi, rồi sang Hồ Tây, rồi về một khu nhà trên phố Nguyễn Thượng Hiền gần hồ Ha-le. Má tôi xin nghỉ hưu sớm, trả căn buồng tập thể của nhà máy dệt rồi cũng đi ở nhờ một số nơi. Mãi đến lúc ba má tôi muợn được một gian nhà gỗ lụp xụp trong ngõ chợ Khâm Thiên, nhà tôi mới sum họp, lúc này đã có thêm em Thái. Những lúc ba tôi đi vắng, lại có ông Thủy lên giúp, ông mang theo đậu xanh, gạo nếp, có khi cả mấy con gà, là những thứ hai ông tăng gia được.
Đến nay thì thời gian đã cách xa tròn nửa thế kỷ, hai ông và ba má tôi cũng đã qua đời, những gì tôi nhớ được là sự pha trộn giữa ký ức thơ ấu và những câu chuyện được nghe kể lại, cũng từ lâu lắm rồi. Còn nhiều điều tôi muốn biết về những ngày tháng gian khổ đó, về những người ruột thịt của mình, nhưng giờ thì không thể, chúng thuộc về những người đã mãi mãi đi xa.
(Vu lan 2018).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét