Thứ Năm, tháng 7 05, 2012

PHÁO ĐÀI RẠCH CÁT

      Vào năm 1903, tại làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ ,tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long an), hương sư Trần Văn Hoa cho khánh thành ngôi nhà gỗ “trăm cột”. Đây là một kiến trúc độc đáo theo kiểu nhà rường miền Trung nhưng rất lớn và được trang trí tinh xảo. Sự hiện diện của “nhà trăm cột” giữa một vùng làng quê hẻo lánh cho thấy tầm cỡ về tiền bạc cũng như tầm cỡ về văn hóa của giới điền chủ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ trước. 

    Cùng thời gian đó, cách “nhà trăm cột” chừng 4 km, trên một mũi đất vùng cửa sông Cần Giuộc, người Pháp khởi công xây dựng một công trình quân sự đồ sộ, có khả năng khống chế bằng hỏa lực pháo binh cả một vùng rộng lớn ven biển Cần Giờ, Long An, Tiền Giang. Đó là pháo đài Rạch Cát, còn gọi là đồn Rạch Cát hay đồn Rạch Cốc. 
     
    Tình cờ khi hai công trình đặc biệt cùng xuất hiện một nơi, nhưng mang nội dung, ý nghĩa trái ngược nhau. Ngày nay cả hai đều là di tích lịch sử đã được xếp hạng. Tuy nhiên, khác với “nhà trăm cột”, đồn Rạch Cát chưa được giới thiệu nhiều, di tích còn lại cũng đã bị hủy hoại, chưa được gìn giữ và tôn tạo xứng đáng. 

     Qua tham quan thực tế và tìm hiểu trên internet, chúng tôi xin giới thiệu một vài nét khái quát về công trình độc đáo này. 

Vị trí: 

     Pháo đài đặt trên mũi đất nơi sông Cần Giuộc đổ ra cửa Soài Rạp (dấu +). Đây là vị trí hiểm yếu trực tiếp khoá chặt cửa sông Soài Rạp, không cho tàu thuyền xâm nhập vào Nhà Bè, Sài Gòn. Mặt khác, hỏa lực từ pháo đài, với tầm bắn trên 20 km (vòng tròn trên bản đồ), sẽ kết hợp với các pháo đài ở Vũng Tàu kiểm soát cả vùng cửa biển, tới tận vịnh Gành Rái. 

  Về phía đất liền, pháo đài có thể khống chế khu vực Cần Guộc, Gò Công, về phía tây tới sát Quốc lộ 1, về phía bắc tới sát Sài Gòn. Qua nhiều lần tiến đánh thành Gia Định, xâm lược Nam Bộ, người Pháp đã tỏ ra có thừa kinh nghiệm khi chọn đặt pháo đài tại vị trí này. 





Cấu trúc: 

   Pháo đài có hình cung, đối xứng, chiều dài khoảng 300 m, bề ngang khoảng 100 m. Hai bên cánh là nơi đặt các khẩu pháo, khu vực giữa là đài chỉ huy, kho tàng, nhà ở. 




   Pháo đài gồm 5 tầng, 2 tầng nổi và 3 tầng ngầm, được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố, tường dày từ 60-80 cm. Cửa pháo đài và cửa các phòng đều bằng sắt dày. Khác với các pháo đài ở Vũng tàu, do địa hình thấp nên các kho tàng đạn được ở Rạch Cát đều xây nổi, vì vậy chúng được làm rất chắc chắn để chống bom đạn. 
  





    Xung quanh pháo đài có hào nước rộng. Hào nước có kênh thông ra bến sông. Kênh và hào nước cũng là đường chính vận chuyển vật liệu, vũ khí, đạn dược, quân lương vào pháo đài. Hệ thống hào nước đã bị bồi lấp gần hết. Để tới pháo đài hiện nay dùng đường bộ. Đường đi cũng khá thuận tiện, nhất là khi cầu Kinh Nước mặn đã được xây dựng. 



    Xung quanh còn có hệ thống các lô cốt bảo vệ từ xa, cách pháo đài chính vài trăm mét. Hệ lô cốt này nay chỉ còn sót lại rất ít. 





    Theo lời kể của các bậc cao niên ở địa phương, bên dưới pháo đài còn có đường hầm thông ra sông, cửa hầm lắp kính để có thể quan sát dưới nước, phát hiện tàu ngầm. Sau này cửa kính vỡ, bùn đất tràn vào lấp mất đường hầm và tầng dưới của pháo đài. 

   Việc xây dựng pháo đài rất công phu và tốn kém, từ vận chuyển vật liệu đến việc xử lý nền đất yếu. Công việc kéo dài trong khoảng từ năm 1903 - 1914 mới hoàn thành. Chi phí xây dựng hết 7 triệu francs (trong khi chi phí xây dựng nhà hát lớn Hà Nội cùng thời kỳ đó là 2 triệu francs) 

Hỏa lực 

   Hệ thống hỏa lực của pháo đài rất mạnh. Hỏa lực chính là hai tháp pháo hai bên cánh. Mỗi tháp pháo đặt hai khẩu canon 240 mm 93-96. Đây là loại pháo hạm do Pháp sản xuất, đặt trên tàu chiến. Sau đó được sửa đổi đặt trên toa tàu hỏa và cũng được đặt cố định tại một số pháo đài bờ biển. Mỗi khẩu pháo nặng 140 tấn (loại đặt trên toa xe), đạn nặng 162 kg, tầm bắn lớn nhất là 22,7 km.

   Tháp pháo kiểu Schneider bằng thép dày, mỗi tháp đặt hai khẩu pháo song song, tháp có thể quay vòng tròn. Đến nay, đã hơn 100 năm mà tháp pháo tại Rạch Cát vẫn vững chắc, không bị han rỉ. Tiếc rằng các khẩu pháo trong tháp đều không còn. Chúng ta có thể hình dung sự đồ sộ của chúng qua hình ảnh của loại tháp pháo tương tự, hiện còn ở Dakar, Senegan. 








   Các hỏa lực bổ trợ gồm: ba khẩu đội phòng không 75 mm 1897, mỗi khẩu đội hai pháo và hai khẩu đội pháo 95 mm 1888, mỗi khẩu đội hai pháo. 


  Trung tâm pháo đài có đặt thiết bị điều khiển hoả lực và máy đo xa 5 mét (máy đo xa cỡ lớn, có chiều dài ống kính là 5m). Tại đây cũng có khẩu đội pháo phòng không 75 mm 1897/1916. 

  Các vũ khí này hiện nay đều không còn, chỉ còn dấu vết của bệ pháo. 
  
    Pháo đài có một đèn chiếu 90(?) để bắn đêm. Hoả lực phòng thủ gồm mười súng máy 8 mm. Tất cả những vũ khí này đều được gửi từ Pháp và bố trí trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Riêng các tháp pháo 240 mm thì còn được tiếp tục hoàn thiện về sau. 

    Pháo đài dự kiến sẽ trang bị lại sau khi xây dựng 20 năm, nhưng đến năm 1940 mới được thực hiện, khi chuẩn bị Thế chiến II. Để tăng cường hoả lực cho pháo đài, người ta xây ở hai đầu hồi của pháo đài hai ụ pháo lộ thiên. Trong mỗi ụ đặt một khẩu pháo cỡ 138 mm. Đây là một loại pháo hạm hiện đại, bán tự động, có tốc độ bắn cao, tầm bắn 18,2 km, đạn nặng 40 kg. Hai khẩu pháo này hiện nay vẫn còn nhưng đã hư hỏng hoàn toàn. 





    Các vũ khí, trang bị tại pháo đài vẫn còn sử dụng đến năm 1945. Sau đó thì bị quân Nhật, rồi Việt Minh chiếm giữ và bị phá hoại gần hết. 

    Hiện nay pháo đài vẫn đang là địa điểm quân sự, do một đơn vị pháo binh của tỉnh đội Long An đóng quân. Muốn tham quan pháo đài phải xin phép cơ quan chức năng. Cũng không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Mặt khác, di tích còn lại không nhiều, cây cối um tùm che khuất tầm nhìn nên khách tham quan khó hình dung hết giá trị lịch sử và quy mô của pháo đài.
Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 4 06, 2012

Quảng ngãi express (2) 
        
        24 giờ sau, xong việc, BuThoong về Sè-goòng bằng đường hỏa-xa. Vé hỏa-xa tốc hành nằm-lạnh-cứng giá tám xị. Bằng nửa tàu bay và gấp đôi xe hơi. 
      Ra ga Quảng ngãi lúc chính ngọ và được thông báo là tàu về chậm một tiếng - yêu cầu quý khách thông cổm. Đúng ra là “xin thông cổm”, nhưng ai cũng biết là không thông thì cũng chịu. May mà hôm nay nhà tàu chỉ xin có một tiếng. 
        Buthoong có nhiều kỷ niệm chốn này, từ khi nó còn mang danh là “ga gà”. Ở cái thời bao cấp đói khổ đó, màu vàng rực rỡ của cơ man những chú gà luộc trên sân ga Quảng ngãi thật là ấn tượng. Anh em Buthoong cũng như hầu hết hành khách trên tàu bắc nam đều háo hức chờ đến đó để được chén thịt gà thoải mái.
Thật ra xứ Quảng ngãi còn những đặc sản khác như đường phổi, đường phèn…Cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng tất cả đều bị lu mờ trước gà.
          Đáng tiếc thay, thương hiệu ga gà giờ đã mất. 
        Quang ngai Station bao năm đã trở về thân phận của một ga xép bình lặng, khiến lữ khách ghé qua phải bâng khuâng, ngơ ngác 

Ô hay! buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông…





Quảng ngãi bình lặng
Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 3 30, 2012

Quảng ngãi express

       Có việc đột xuất phải về quê nhà Quảng ngãi. Quá cảnh ở Đà nẵng.


      Cố tình lấy vé chuyến sớm nhất, dự định tranh thủ lượn một vòng phố biển trước lúc bắt xe về. 

      Đà nẵng là nơi Buthoong đặt chân đầu tiên, trong chuyến vào nam năm 77. Ở đó cũng lần đầu Buthoong biết biển. Việc quan trọng nhất của anh em Buthoong khi ra tới bãi biển là vốc một hụm nước nếm thử xem có mặn như trong sách nói không. Nước biển mặn chát làm hai đứa bất ngờ, sặc cả lên mũi.

        Nhà bà cô ở số 1 Lê lai. Một ngôi nhà trệt bình thường trong khu gia binh, nhưng dưới con mắt của cư dân xóm nghèo Hà nội thì quá đỗi xa hoa vì có tận ba phòng, lại thêm cả gian bếp. Phòng khách có hẳn một bộ xa-lông.

        Sau này, bà cô chuyển đi, Buthoong ít có dịp ghé Đà nẵng.

       Mấy năm gần đây, thấy ai nấy đều nói, Đà nẵng phát triển ghê lắm, mà quy hoạch phố xá, nhà cửa đâu ra đó, Hà-lội, Sè-goòng phải gọi bằng thầy, thấy cay quá. Chuyến này mục sở thị. 

       Vậy mà ông tàu bay chơi xỏ, đi được nửa đường thì vòng trở lại, đáp xuống chỗ cũ. Bẩu là chục chặc kỹ thuật, xin quý khách thông cảm.

        Cô bạn ngồi ghế bên, chắc dân xứ Quảng, không chịu ngồi yên, nhấp nhổm hỏi tới lui: “Sao vậy anh hè, trục trặc cái chi hè”. Chẳng nhẽ cô này không biết tiếng VNdelay hay sao? Buthoong sốt ruột phán cho yên chuyện: Ờ, tàu bay hết xăng. Không ngờ cô ta lại càng nhấp nhổm hơn: Cha trời, chi mô mà không coi cho kỹ, chừ phải quay về đổ xăng, mà đổ biết khi mô cho đầy bình. 

        Y như lời cô bạn, chờ lâu quá, quý khách được đổi sang tàu bay khác, lại vù lên trời. Cuối cùng cũng tới Đà nẵng sau khi khởi hành 4 tiếng, kể cả 3 tiếng khuyến mãi.

         Thế là lỡ cuộc lượn phố, đành chào Đà nẵng từ trên không.



      Ra ngoài sân bay, thoáng cái hành khách tản hết, cả cô bạn xứ Quảng. Sân chờ chỉ còn lơ thơ vài con taxi đỗ vạ vật. Không ngờ Đà nẵng vắng thế. Hỏi đi Quảng ngãi, con cóc bèo nhất cũng ra giá một chai. Cậu điều phối chạy một hồi kiếm người ghép mà không được, quay về nói: có đứa ni vô Quảng ngãi đón khách, chạy không, anh trả bao nhiêu? Năm trăm. Cậu ta bấm điện thoại khề khà rồi nói OK, anh chờ chút.

       Một chút của cậu này hơi lâu. Hai, ba lần kêu tới liền, tới liền… mới thấy hắn rà vào. Xe bảy chỗ sáng trưng. Một em gái cao ráo mở cửa bước xuống cười toe.
      
       Buthoong vốn nhát gái, nhưng chuyến này quyết không bỏ qua cơ hội làm quen với một nữ nhi biết vặn cổ taxi, leo ngay lên xe.

       Nữ nhi cầm cương con taxi có tên của một loài chim, dung nhan nhẹ nhõm mà nói chuyện cũng dễ chịu. Xe vừa chuyển bánh đã khai báo là chiều nay có khách hẹn vô đón, nên nhờ anh sân bay tìm mối kiếm thêm chút đỉnh. Buthoong cũng chẳng dấu sự hài lòng khi săn được một cuốc taxi giá rẻ. Xem ra những tư tưởng lớn đã gặp nhau, báo hiệu một hành trình suôn sẻ. Chỉ còn chút băn khoăn là nhỡ dọc đường muốn đi đái thì trình bày thế nào cho nó văn học. 

       Nhưng rồi những tình huống tế nhị đã không diễn ra, chuyến đi hoàn toàn suôn sẻ. Buthoong về tới nhà kịp giờ dù xe chạy với tốc độ khá rùa. Người đẹp giải thích là sợ bị công an bắn (Speed). 

      Gần tới mùa gặt nên hai bên đường đồng ruộng xanh mướt, quang cảnh thanh bình.




 Một đoạn đường qua xứ Quảng.
Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 2 15, 2012

"VIETNAM GOT TALENT" ĐÃ ĐỂ SÓT MỘT TÀI NĂNG LỚN. 

     Sau khi xem chương trình "VN got talent" số 7, chúng tôi cảm thấy rất buồn vì Ban Giám khảo (BGK) đã để sót một tài năng lớn không chỉ của cuộc thi mà của đất nước.

      Đó là cháu Q.A, 15 tuổi, thi trình bày ca khúc.

     Phần dự thi của cháu với sự cổ vũ của gia đình đã phát trên TV và lan tràn trên mạng, chúng tôi không mô tả lại. Chỉ tóm tắt là trước khi thi, cháu đã được gia đình giới thiệu là một tài năng ca hát thiên bẩm, có gene từ ba đời. Cháu có thể hát 6 thứ tiếng với chất dọng và phong cách đỉnh của đỉnh (Top on Top). 

     Tuy nhiên sau phần thi, BGK lại có nhận xét là dọng hát của cháu chưa hoàn hảo, không có gì đặc biệt và biểu quyết loại cháu khỏi vòng thi với tỷ lệ No là 3/3 = 100%.

      Sau đó, mẹ của cháu (một đại da ngành kinh doanh giáo dục) đã có vài lời giải trình, cả trên sân khấu và trong cánh gà. Phần giải trình này không có gì mới so với giới thiệu ban đầu và cũng có đầy trên mạng, nên chúng tôi cũng xin không nêu lại. 

     Về tài năng ca hát của cháu, cộng đồng mạng đã bình luận sôi nổi, đa số đồng ý với đánh giá của BGK. Về phần giới thiệu và giải trình của gia đình, cư dân mạng bình luận còn sôi nổi hơn. Đa số cho rằng phần này hơi quá thực tế (tiếng việt dân dã gọi là "nổ" hay "chém gió").

    Thế nhưng, cả BGK và số đông khán giả đã không nhìn ra tài năng đích thực của cháu Q.A, đó chính là tài năng "chém gió".

      Đã gọi là thi tài năng, thì ngoài tài năng ca hát - hiện đã quá lạm phát - phải khuyến khích tài năng trên mọi lĩnh vực. 

     Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị và yêu cầu BGK "VN got talent" chấp nhận tài năng của cháu Q.A, đặc cách cho cháu vào luôn vòng chung kết. Vào đó, Q.A và gia đình nên lập thành một đội, đặt tên là đội "góp gió thành bão", cùng ra sân khấu thể hiện tài năng xuất chúng, để thổi bay mọi dị nghị.

     Sau thành công tại cuộc thi, BGK cần nhanh chóng đề xuất với nhà nước đưa cháu Q.A vào "nguồn" đào tạo lãnh đạo quốc gia. Với tài năng sẵn có và điều kiện gia đình tốt như thế, thì chỉ cần định hướng một ít (bằng cách cho tham gia hoạt động đoàn) là cháu có thể trở thành cán bộ. Bước đầu bố trí cháu làm công tác tuyên truyền hay hoạch định chính sách, kế đó đưa vào Quốc hội rồi làm bộ trưởng, thậm chí phó chủ tịch nước.

     Nếu cháu không thích làm chính trị thì có thể theo mẹ trở thành doanh nhân, hay cũng có thể trở thành trí thức cao cấp, phát minh ra một số "Chém đề" để giành một vài giải "Phiêu" gì đó, làm nổi danh cho đất nước.

     Nói tóm lại, với tài năng "chém gió" hiếm có, cháu Q.A có quá nhiều lựa chọn trong chế độ ta.

      Chúng ta không được phép để lọt một tài năng như thế.
Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 2 13, 2012

SÚNG NGỰA TRỜI 

     Súng ngựa trời là một đặc-sản của du kích Nam bộ thời đầu chống Mỹ.

     Kêu zậy vì hình dạng, chân cẳng hắn lèo khoèo như con ngựa trời (bọ ngựa)

      Chế súng ngựa trời dễ-ẹc. Lấy một khúc ống sắt - to nhỏ tùy ý - làm nòng. Phía trước để nguyên, phía đuôi đập dẹp rồi cuộn lại cho chắc, kế đến khoan một lỗ mồi gần đuôi. Gắn 2 cẳng (thiếu sắt thì làm một cẳng cũng được).


     Trước khi đánh trận thì thục thuốc súng zô nòng, kế đó nhồi đạn. Súng ngựa trời không cầu kỳ về đạn dược, y xài tất cả các thứ gì săng sắc, cưng cứng bỏ được zô nòng: miểng sắt, miểng chai, đinh tường, đá vụn…

     Mồi nổ cho súng thì cũng tuỳ nghi, hiện đại thì xài mồi điện, bình dân thì xài mồi đốt lửa, tựa như anh Hai mồi thuốc rê. 

    Cụ bị xong, vác ông ngựa trời ra trí ở chỗ bờ bụi, nhắm khúc đường địch quân đi tới. 

     Khi địch tới đúng tầm thì khai hỏa, ngựa trời nổ ầm, đạn bay mù mịt. Đối phương tối mặt mũi, còn du kích zọt lẹ về báo công. Nổ zậy, chắc cú có đứa ăn miểng. Chiều tối, địch rút, du kích ra kiếm ông ngựa trời vác về (nếu địch không thèm tịch thâu hay đập bỏ)

     Ngựa trời bắn không được xa, lối chỉ vài chục thước. Sức miểng đạn cũng kém, khó chết người ngay. Nhưng tác dụng uy hiếp thì có. Một phát ngựa trời nổ trúng, là dính thương cả đám. Máu me tùm lum, kêu la rền rỉ, hỏi thằng nào không khiếp. 

     Mang ông ngựa trời ra chọi với tàu bay, tàu bò thì quả thực là các anh Hai gan cùng mình. Mỹ cũng phải nể. Hồi lâu lâu, Buthoong được coi hình Bảo tàng vũ khí của Quân đội Sài gòn, thấy mấy ông ngựa trời chễm chệ trên bục cao, oai lắm.

     Sử sách Đại việt (XHCN) ca ngợi ông ngựa trời là sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân. Nhưng thực ra thì ông là thứ hỏa khí thô sơ thời trung cổ, có gì mà sáng tạo. Bí quá thì phải xài thôi.

     Thời đó, Lãnh đạo chủ trương bất bạo động, chôn vũ khí. Các anh Hai nam bộ bị khủng bố dữ quá, nổi lên đồng khởi. Quyết liệt lắm, nhưng tay trắng, phải nghĩ ra ông Ngựa trời. "Tiếng súng ngựa trời báo hiệu cách mạng miền nam đã chuyển sang giai đoạn đấu tranh võ trang" - sử đỏ đại khái biên thế.

      Đó mới là ý nghĩa thời đại của Ông ngựa trời. 

     Mấy hôm rồi, thấy ở Phòng, ba phát súng hoa cải đì đẹt của Vươn nông dân mà làm chấn động cả đất trời xứ Đại việt. Bật cười, thấy có gì liên tưởng.

     Súng ống cũng như con người thôi. Giá trị đâu phải là nổ to, nổ hay mà là nổ đúng lúc, đúng chỗ.
Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 1 23, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI – NHÂM THÌN 2012


Pháo hoa tại Gò vấp – Tết Nhâm thìn
(Chụp từ nhà BuThoong vài phút trước)
Đọc thêm!
Tết đang đến 




     Tết đang đến, trời SG dễ chịu. Nắng đẹp, gió nhẹ.
     Cuối cùng thì một năm bận rộn cũng đã sắp qua. Dù những ngày sát tết có nhiều tin tức không được vui.



     Không khí tết ở ven đô




     Hội hoa thành phố

  




    Gian hàng cây nắp ấm (cây bắt mồi), thu hút nhiều khách nhí



Chợ hoa vỉa hè. Những chậu mai “còi” dành cho giới bình dân.



    
Lúa ra phố. Nhiều người chọn những khóm lúa về chơi tết.

Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 1 16, 2012

Một số súng ống trong chiến tranh VN (2) 

Tiểu liên Tulle

     Hình chụp lính Pháp tại Sài gòn ngày 28/3/1955. Người lính nấp sau gốc cây dùng súng tiểu liên 9 mm MAT-49 Tulle.


     Tiểu liên MAT-49 trang bị cho lính dù nên cấu tạo rất gọn: báng rút, băng đạn có thể gập về trước.


     Loại này sử dụng nhiều ở giai đoạn sau của chiến tranh đông dương (45-54)- trong quân đội Pháp cũng như quân Việt minh. Những phân đội QĐNDVN tiền trạm tiếp quản thủ đô Hà nội trang bị đồng loạt tiểu liên Tulle. 


     Chiến sĩ biệt động Hà Minh Trí ám sát hụt Ngô Đình Diệm ở Đà lạt năm 1957 dùng súng này (truyện: Những phát MAT-49 trên cao nguyên) 

     Thời kỳ đầu chống Mỹ (60-62), một lượng lớn tiểu liên Tulle được cải tiến dùng đạn tiểu liên 7,62 mm của Nga để đưa vào Miền nam. 

(Tài liệu của quân đội Sài gòn).

Tiểu liên M3

     Là tiểu liên của Mỹ, cỡ nòng 11,43 mm (.45 in). Loại này có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, được dùng nhiều trong Thế chiến 2 và chiến tranh Triều tiên. Thời kỳ chiến tranh VN cũng được sử dụng hạn chế.

    
     Người lính bên phải hình mang súng M3 (Sài gòn 10/5/1968)
    
     Tiểu liên M3 cải tiến là M3A1 có cấu tạo đơn giản hơn nữa (bỏ tay quay lên đạn). Có loại M3 lắp ống giảm thanh.


     Tiểu liên M3 có thể gắn một thiết bị đặc biệt ở đầu nòng, là cái máng cong. Nhờ nó mà có thể dùng súng bắn vòng qua góc khuất. Sáng kiến này được đánh giá là khá ngộ nghĩnh, tuy thế cũng có một vài kiểu súng khác học theo.


Tiểu liên Thompson

    Tiểu liên Thompson 11,43 mm của Mỹ có lịch sử ly kỳ và có nhiều phiên bản khác nhau (có thể coi trên Net). Trong chiến tranh VN nó được sử dụng nhiều ở thời kỳ chống Pháp và thời kỳ đầu chống Mỹ. Cả hai phía đều dùng.


     Trên ảnh là một lính biệt kích người Việt mang súng Thompson đời đầu M1928 với hộp đạn hình trống.


    Ảnh này là chiến sỹ du kích Miền nam mang súng Thompson cải tiến M1A1 (ngày 30/10/1964).

   Tiểu liên Thompson là loại súng khá phức tạp, thuộc loại "công nghệ cao" thời đó. Tuy nhiên, từ những năm 46-47, quân giới Nam bộ - cụ thể là Chi đội 7 Bình xuyên - đã chế tạo được một số khẩu kiểu này khá chất lượng. 


     Trên ảnh là cảnh trưng bày một số vũ khí tự chế của các anh Hai Nam bộ. Khẩu đầu tiên và thứ bảy từ trái sang, là súng Thompson hàng nhái. 
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 1 15, 2012

CÔ BÉ TAI THỎ
     Bé Hà đã được nghỉ tết. Hôm nghỉ đầu tiên không làm gì, mà bỏ cả buổi cặm cụi vẽ bức tranh cô bé có đôi tai thỏ ngồi mơ mộng trước ngôi nhà cổ tích. Vẽ xong hỏi bố đặt tên tranh là gì? Bố bảo, thì đặt là "Mùa xuân" hay "Mơ ước ngày xuân" gì đó.

     Nói vậy chứ bố nghĩ, nó phải có một cái tên khác là: Khổ thân các bé.

     Bố nghĩ thế vì thấy thương cho bé Hà, vừa qua một học kỳ căng thẳng, học kỳ đầu của lớp 10.

     Mới vào cấp ba, cái gì cũng mới lạ. Bé biết thế nên chịu khó, hôm nào cũng thức khuya, đền nỗi mẹ phải càm ràm dọa không cho đi học. Hình như lúc nào bé cũng lơ ngơ như bị bài vở ám ảnh.

      Các môn chính không nói làm gì, thấy bé đánh vật với mớ kiến thức sáo mòn, số liệu khô khan, vô bổ của mấy môn xã hội, GDCD, CN…bố vừa xót vừa tức, có lúc bảo bé: thôi bỏ đi, con cứ học như vẹt thế hỏng hết cả đầu.

       Nhưng bé vẫn cố, được học sinh giỏi, xếp đầu lớp.

      Bố mẹ yên lòng. Bé cũng vui lắm, tự cho mình mơ mộng một tý. Bố biết lúc vẽ tranh này là bé đang hồn nhiên như cô bé tai thỏ.

       Những lúc như thế không nhiều, nên bố mới thương bé. Bố thấy thương cả các bạn của bé, cả các thầy các cô, thương cho cả cái nền giáo dục trì trệ của xứ mình.
 
Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 1 11, 2012

Một số súng ống trong chiến tranh VN

    Tết nhất đến nơi, công việc đã bận, tranh thủ xem chút tin tức thì càng thêm bực mình, rặt những chuyện gì đâu. Cháy xe như, tăng giá như… nhất là chuyện các quan chức lãnh đạo, lúc nào cũng như trên mây, ấm ấm ớ ớ, phát ra câu nào là thiên hạ được dịp đàm tiếu ầm cả lên. Với một dàn các quan anh, quan chị kém cỏi, lại không biết sĩ diện như thế, thì dân chúng Đại việt còn phải ngửa mặt lên trời mà kêu khổ dài dài. Mà cứ thế rồi ắt sinh sự. Ví như vụ dân bắn lại chính quyền ở Phòng. Chuyện này báo chí bắt đầu bới ra, không biết có đi đến đâu không, thử chờ xem sao.

Cơ mà thôi, trong cái đất trời xìu xìu này, không thèm bàn chính sự, biên ra mấy chuyện súng ống đùng đoàng, cho nó máu lên tý.



“Hàng hiếm” nhặt từ Corbis

     Nói về súng ống, thì xứ Đại việt ta thuộc hàng phong phú nhất thế giới. Mấy chục năm binh đao liên miên, đánh nhau với những tay sừng sỏ hàng đầu. Theo chân các đạo quân, vũ khí đủ loại từ tứ xứ đổ về. Mới sơ sơ lướt qua kho ảnh Corbis đã nhặt ra được mấy em thuộc loại “hàng hiếm” của bảo tàng. 

    Trên ảnh, ngày 10/10/67, lính sư đoàn 21 đang bắn vào một chiếc xuồng ở vùng kênh rạch Nam bộ. Tay lính này dùng súng tiểu liên 9mm Owen. 

    Tiểu liên Owen vốn là biểu tượng của lính Australia trong thế chiến 2. Khi tới VN, đội quân chuột túi cũng mang theo nhiều súng này. Ảnh này rõ hơn. 

     Điểm dễ nhận của tiểu liên Owen là hộp tiếp đạn ngược lên trên. 

    Còn ảnh dưới là cố vấn Mỹ đang huấn luyện lính Thượng năm 1965. Đám lính này cầm súng tiểu liên 9mm Madsen, loại súng phổ biến của Đan mạch. Không biết loại súng đặc trưng của xứ sở cổ tích vào VN theo đường nào.



   Ảnh dưới (chụp ngày 12/10/67) là súng XM 177E2 của lính sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ. 


     Đây là phiên bản thử nghiệm của súng CAR-15 được trang bị chính thức sau này. Loại súng này dịp đại lễ nghìn năm Thăng long xuất hiện trong đoàn duyệt binh của QĐNDVN làm dư luận xôn xao. 


    Nhiều người cho rằng đó là súng nhập khẩu. Nhưng sau chiến tranh em nó còn khá nhiều, tân trang lại vẫn xài tốt, cần gì mua mới cho tốn “xiền”. 

(còn tiếp)
Đọc thêm!