Chủ Nhật, tháng 11 19, 2017

THẦY VINH DẠY VĂN. 
       Ngược dòng thời gian trở về giờ văn của lớp ấy, trường ấy cách nay 36 năm: 

 Trên bảng thầy giáo giảng văn
 Ở dưới mấy đứa ngồi nhăn răng cười
 Mấy đứa thơ thẩn nhìn trời
 Mấy đứa đầu chụm nối lời nhỏ to
 Mấy đứa mơ mộng hát hò
 Ngoài cửa mấy đứa thập thò vẫy tay
 Thôi thì thầy nói mặc thầy
 Giờ văn lớp tớ là hay cực kỳ
 Ai mà có muốn làm gì
 Việc riêng thoải mái bài ghi cóc cần
 Thầy nhắc thì ta cứ mần
 Thầy nhắc vài lần thầy chán thì thôi
 Cùng lắm giả vờ nghe lời
 Thầy nhắc xong rồi thì lại việc riêng
 Thế là thầy giáo mất thiêng
 Nửa lớp nói chuyện thầy thêm bực mình
 Mỗi lần thầy nổi lôi đình
 Cả bọn đồng tình tán thưởng hoan hô…

        Xin bảo đảm là cái giờ văn ấy đúng như thế, vì đây là đoạn trích của bài báo tường đã được cô tổ trưởng tổ văn đọc trước toàn trường khi chấm giải.
         Nếu cần nhân chứng nữa thì xin khai luôn, “thơ thẩn nhìn trời” chính là cái thằng tôi, “đầu chụm nhỏ to” là mấy đứa con gái tổ một như minh trần, kiều thị an giang, nhung nguyễn….đã nhiều lần bị ghi vào sổ đen, “mơ mộng hát hò” là mấy đứa văn nghệ sĩ ngồi bàn cuối hoang anh son, Minh tiến đặng, chuyên trị nhạc vàng, “thập thò vẫy tay” là nhóm chuyên gia “bùng tiết” của mai sự ngọc, còn “nhăn răng cười” là tất cả đám còn lại, kể cả bí thư và lớp trưởng.
          Tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy, cái không khí học hành đặc biệt đó chỉ diễn ra vào học kỳ cuối, trước khi thi tốt nghiệp, lúc đó giỏi thì giỏi rồi! dốt thì dốt rồi! không còn hy vọng gì vào sự đảo ngược. Đám học trò gần như đã công khai lãn công, “đóng băng” sách vở để thời gian tô điểm cho những cuốn lưu bút.           Còn lại thì hầu hết các giờ văn trong năm đều diễn ra một cách trật tự, dù khá chán. Sự chán đó là hệ quả trực tiếp một chương trình “trích giảng văn học” siêu chán. Như tác giả Mã Pí Lèng hồi tưởng lại: toàn bộ tinh túy kiến thức văn học phổ thông thời đó cô lại trong bốn chữ “yêu căm chiến lạc". “Yêu" là yêu nước, “ Căm” là căm thù giặc, “Chiến” là chiến đấu dũng cảm, “ Lạc" là lạc quan yêu đời. Về sau có thêm chữ “Lao", là lao động quên mình. Cứ nhớ cho được mấy chữ đó là ổn. Còn đứa nào lỡ thích môn văn, muốn khám phá những dòng văn học khác thì cũng được tạo điều kiện…định hướng. Ví dụ, văn học lãng mạn là “tiểu ủy xa ru" - tiểu tư sản, ủy mị, xa rời thực tế, ru ngủ quần chúng, còn văn học thời phong kiến là “xót án tự bi".
       Có lẽ chính cái quan điểm giáo dục thô thiển ấy đã tạo ra những ứng xử tiêu cực của đa số học sinh đối với môn văn và văn học, kéo dài đến tận bây giờ. Số ít còn lại, vẫn chịu khó học thuộc “yêu căm chiến lạc” rồi tiếp tục đi tìm sự nghiệp hay niềm vui trong văn chương “vô bổ”, thì phần nhiều là nhờ các thầy cô giáo.
     Như cái giờ văn “chợ chiều” nói trên, đứng lớp là thầy Hồng. Với tinh thần trách nhiệm hiếm có, thay vì kết thúc nhanh rồi lì xì thời gian còn lại cho học sinh, thì thầy vẫn kiên trì diễn giải từ chủ đề, xuất xứ đến nội dung, đặc điểm...Thầy đứng nghiêng, chỉ nhìn vào dãy bàn đầu, gồm mấy đứa chịu nghe, để giảng cho đến hết giờ, dặn dò, chào học sinh xong mới ra khỏi lớp. Có lần bên dưới mất trật tự, thầy giận, quay xuống bắt được một trò (sau mới biết là bắt oan), thầy nói: hoặc là em ra ngoài, hoặc là thầy ngừng giảng. Việc này có minh le làm chứng.
      Tôi ở trong số mấy đứa còn nghe thầy, xin kể là thầy vẫn giảng bài cẩn thận, thậm chí còn nói to hơn, khi ồn ào. Nếu cắt từ bàn đầu, bỏ phần sau lớp đi, thì đó là một giờ giảng hoàn hảo.
     Cô Tú, dạy văn năm lớp tám, thì khác. Cô giảng nhanh rồi để thời gian kể chuyện. Chắc các bạn còn nhớ cái kiểu đòi thầy cô kể chuyện hồi ấy. Buồn cười là với mục đích tăng chơi giảm học, có khi cả lớp nhao nhao đòi cả thầy toán, thầy lý…kể chuyện. Vậy mà cũng nhiều lần được đáp ứng. Thời đói sách báo nên những câu chuyện kể hay đọc trước lớp đều được thành tâm đón nhận, nhiều chuyện còn nhớ đến giờ.
     Học kỳ hai lớp chín, thầy Vinh dạy văn lớp tôi. Bài kiểm tra đầu tiên tự nhiên tôi được bảy điểm, cao nhất lớp. Hồi đó điểm số chưa lạm phát như bây giờ nên bảy văn là ghê lắm. Tôi bất ngờ mà cả tổ cũng chẳng hiểu tại sao, chúng nó kết luận: tại văn mày hợp với thầy. Có lẽ là hợp thật, nên bài tiếp theo tôi vẫn giữ được mức khá. Một hôm, thầy gọi tôi ra bảo chuẩn bị viết tiểu luận(!) tham gia hội thảo Truyện Kiều của Trường. Tôi hoảng hồn vì trình độ “Kiều học” của mình chỉ lõm bõm vài câu trích đoạn trong sách giáo khoa, mà toàn những câu có mùi binh đao kiểu như “Ba quân chỉ ngọn cờ đào. Đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Tri”.
      Cả tuần chẳng nặn được chữ nào, thầy lại tìm tôi đưa cho một cuốn Kiều bản Full có cả chú giải, dày cộp. Tôi càng choáng, quyết chí xin thôi mà không dám nói, đành ngán ngẩm ôm sách về. Tuần tiếp theo vẫn chưa thể bập được vào chuyện chính, nhưng ngược lại, phần chú giải thì đọc rất khoái, có nhiều điển tích hay, lạ. Ví dụ câu “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” có nguồn gốc từ một chuyện tình bên Tàu và câu thơ ”Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Tôi nhận thấy Truyện Kiều có cái dở là viết vắn tắt quá, nên khó hiểu.
      Nhưng đọc là một chuyện, viết ra là một chuyện. Tôi cố tình tránh mặt để thầy quên nhưng thầy vẫn lên lớp tìm. Sau khi nắm tình hình, thầy hẹn tôi đến nhà để thầy hướng dẫn. Nhà thầy trên phố Bích Câu, một căn hộ nhỏ quay ra đường. Tôi đến sau giờ học, đang giờ nghỉ trưa nên thầy chỉ mặc áo ba lỗ, dáng gầy gò, xuề xòa, không nghiêm như trên lớp. Hướng dẫn qua rồi thầy lại đưa tiếp cho tôi một cuốn phê bình văn học chuyên đề Truyện Kiều và một tập bài giảng viết tay. Cả hai đều cũ vàng nhưng được bọc ni lông cẩn thận.
     Có “phỏm tươi” nên dù ngại ghê gớm, công việc đã có thể bắt đầu. Đọc qua mấy cuốn sách thầy đưa, tôi quyết định chọn chủ đề là mối tình Thúy Kiều - Kim Trọng vì đơn giản, dễ nói và quan trọng nhất là nó ngắn. Hì hục xào nấu mấy hôm, cuối cùng bài “tiểu luận” cũng xong. Tôi không dám xem lại, mang gửi cho thầy, điều ngạc nhiên là thầy cũng chỉ lướt qua rồi bảo: Ừ, về tập đọc cho kỹ nhé. Không nhẽ hai thầy trò hợp nhau đến vậy!
     Buổi hội thảo tổ chức rất trang trọng, có Ban Giám hiệu và thầy cô toàn trường tham dự, cả một số khách mời. Sau phần phát biểu của đại biểu và các thầy cô là tham luận của học sinh, hoạt cảnh Hoạn Thư đánh ghen do các bạn lớp G diễn và các tiết mục xen kẽ do cô Trần Thị Tuyết, nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng, nhà ở khu Nam Đồng, trình bày. Thầy Vinh dẫn theo con gái, cũng trạc tuổi tôi nhưng học trường khác. Bạn này trắng trẻo, dáng cao giống thầy.          Tâm trạng của tôi khá lo lắng nên không tập trung theo dõi các tiết mục, chỉ nhớ phần trình bày của mình cũng được vỗ tay, rồi được một thầy lên phân tích thêm về tâm trạng khi mất người yêu của chàng Kim Trọng và anh Bộ đội trong bài thơ Núi Đôi để nêu rõ sự ưu việt của tình yêu nam nữ thời “yêu, căm, chiến, lạc” so với thời “xót, án, tự, bi”. Lúc tôi xuống, thầy Vinh cũng chỉ cười, gật gật.
      Lên lớp mười, thầy Vinh sang dạy lớp khác, điểm văn của tôi lại trở về quỹ đạo cũ, nhấp nhô ở mức trung bình. Tôi không bận tâm lắm về điểm số nhưng đến giờ văn vẫn nghiêm chỉnh, thấy thầy Hồng giảng hiền, nhưng hóm, chú ý nghe thì không chán. Tôi chỉ hơi ngại khi gặp thầy Vinh, nhưng thầy cũng chỉ hỏi chung chung, không đả động gì đến môn văn.
      Từ ngày rời trường tôi chưa gặp lại thầy Vinh và cũng chưa có dịp hỏi thăm về thầy. Vừa rồi xem trên FB, thấy một gương mặt giống thầy, mà không dám chắc.
    
      P/S: Đoạn sau của bài báo tường 
 …Chữ thầy lại trả cho thầy
 Kiểm tra một tiết ngỗng gầy hai con
 Thế mà chưa chịu hoàn hồn
 Hay là bán ngỗng còn hơn đến trường
 Cửa hàng thịt ngỗng khai trương
Biển đề tửu quán của trường Đống Đa
 Thực đơn ngỗng xáo 10A
 Tuyên truyền rộng rãi ắt là khách đông./.

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 11 14, 2017

Kỷ niệm Suối Mơ 

Khu du lịch Suối Mơ ở Định Quán là một địa điểm đẹp. Không nhiều nét độc đáo, không quá cầu kỳ, nhưng nhờ không gian thoáng đãng, lượng khách vừa phải nên có cảm giác thư giãn, dễ chịu. 

Buổi sáng hôm đó lại đẹp trời, nắng nhẹ, nên các “bé” 50+ hứng khởi, tung tăng ngắm hoa, bắt bướm, lội cả ra giữa suối để tạo dáng, có lúc chợt quên mất bạn. 

Bạn ngồi mãi đằng xa, dưới bóng mát của cây si cổ thụ, vừa nghỉ vừa trông mớ hành lý của cả nhóm. Từ chỗ bạn ngồi nhìn ra là một khoảng trời rất rộng, một thảm cỏ phẳng phiu, những hàng cây rập rờn ven hồ…hệt như lời một bài hát ngày trước “đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây…” 

Bạn mệt nên không theo được “lũ mặt giặc” kia. Mình cũng oải với lũ nó và cũng muốn ở lại chơi. Lâu lắm, suốt từ khi rời mái trường Đống Đa, bọn mình mới được nói chuyện nhiều. Cùng dân “nhà ngang” khu Nam Đồng, ở giáp nhau, lại cùng học chung từ bé, nên hồi đó mình với bạn có thể là không thân, nhưng quá “thuộc”. Nhờ thế nên những câu chuyện được tiếp nối dễ dàng, làm lấp nhanh khoảng cách thời gian hơn ba mươi năm, để mình dần nhận ra cô bạn bây giờ đậm đà, không còn “còi” như xưa, nhưng vẫn thật thà như xưa. Bạn nhớ hết mọi người ở dãy nhà bên mình, cả những căn bếp kề nhau và sân bể nước công cộng luôn chật chội vào mỗi buổi chiều. Còn mình thì nhớ bên nhà bạn, nhất là mẹ, khi đó là tổ trưởng, cụ thường đủng đỉnh dạo qua từng nhà, vừa quán triệt công việc của “trên”, vừa rề rà chuyện trò. Cụ chu đáo, cẩn thận, nên khi “quán triệt” hay nói đi nói lại, làm bọn mình cứ buồn cười. Tính cẩn thận của cụ chắc có “di truyền” phần nào sang cho bạn.

So với dịp họp lớp năm ngoái, đợt này bạn không được khỏe, chắc cũng còn đau. Bạn mang theo một cái gối bông, lúc thì đệm sau lưng, lúc thì ôm trước ngực. Cái gối đỡ cho bạn bớt mỏi nhưng cũng vô tình trở thành một thứ đồ chơi ngộ nghĩnh gợi nên sự vui vẻ, bình yên.

Mà đúng là bình yên thật, buổi sáng bình yên, câu chuyện bình yên, không chút nào ưu phiền. Bọn mình cùng ngắm trời, ngắm đất, ngắm lũ mặt giặc đang túm váy, ngả nghiêng leo ra bờ thác. Sau về nghĩ lại, thật là phục bạn mình, mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, không phải ai cũng bình tâm như vậy.

Nhưng được thế cũng là nhờ lũ mặt giặc lớp A, từ khi bạn ốm, chúng đã bày đủ trò, đưa bạn đi khắp nơi, như đợt này vào SG, lên tận cái xứ Suối Mơ, bảo dẫn bạn đi chơi, cuối cùng để bạn ôm gối trông đồ rồi kéo nhau đi tự sướng. Chúng cứ vô tư thế, ai mà không ghét.

Mãi rồi lũ mặt giặc cũng quay về với bạn, lại xúm vào hỏi han, rồi nắn tay, nắn chân. Trời Đồng Nai chắc cũng cảm động nên trút xuống ngay một trận mưa xối xả, mưa mãi về đến gần SG mới hết, lũ mặt giặc lại nảy ra sáng kiến đưa bạn ghé thăm phố đi bộ, bạn lại ôm gối đi cùng chúng nó.

Mấy hôm sau bạn về HN, theo dõi trên Phây thấy cả nhóm vẫn hay tụ tập, bạn vẫn tươi tỉnh nhưng sắc thái có vẻ không được tốt. Rồi tin buồn đến, dù có dự liệu nhưng vẫn bất ngờ, mới bốn tháng sau chia tay bạn bè ở SG.
Giờ thì lũ mặt giặc đang chông chênh lắm, cả lớp A cũng buồn. Hồi hè mình về Miền tây, lúc đi đường cứ thấy tiếc, đợt đó sau Suối Mơ, đã tính đưa bạn đi chơi chợ nổi, cuối cùng không đi được. Bây giờ thì chẳng bao giờ còn có dịp.

Chẳng còn dịp nào để lại ngồi với nhau ở một xứ mơ xa xôi nào đó, tiếp tục câu chuyện dang dở. Những câu chuyện bạn bè một thủa, chẳng dễ gì chia sẻ. Chợt nhớ có ai đó nói: Bạn bè mất đi, như mang theo một phần mình.



Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 9 27, 2017

Thầy Mộng 

Tuần trước thầy Mộng vào SG, nhóm “sinh viên trường thuốc” lại có dịp tụ tập.

Tuy mang cái tên thế nhưng nhóm “sinh viên” này chẳng liên quan gì đến “trường thuốc”. Đó là đoàn giáo viên của trường Vin-hem Pich ra tu luyện dài hạn tại Học viện Kỹ thuật quân sự, Vĩnh Yên, mùa thu năm 1990. Trong bối cảnh có nhiều tâm trạng, một số người cảm thấy việc trở thành sinh viên là khá bất ngờ, do thời thế đưa đẩy, giống như tay sinh viên trường thuốc trong phim “Số đỏ” dạo đó đang hot.

Kỉ niệm về thầy Mộng cũng nhiều và lẫn lộn.

Hồi mới gặp, bọn mình ấn tượng nhất là tửu lượng của thầy, thực sự là mình chưa khi nào thấy thầy có biểu hiện say, đổi sắc mặt cũng không, chỉ có cặp mắt là đổi, theo chiều hướng càng uống càng sáng, càng “tinh vi” hơn.

Euro 92, đơn vị cấm TV ban đêm, mấy đứa trốn ra nhà thầy ở Bảo Sơn, cách 7 km đường đồi. Phải ra từ chiều, làm thêm mấy món góp vào mâm cơm gia đình, lai rai chờ bóng đá. Đến nửa đêm, học trò đổ hết, nằm tại chỗ, cố mở mắt ngó lên màn hình cái TV nội địa, chẳng phân biệt rõ đội nào, chỉ còn mỗi thầy vững vàng trên góc xa-lông, có quả vào lại gọi bọn mình dậy xem “quay chậm”. Cứ thế thông luôn hai, ba trận, thỉnh thoảng một, hai đứa bò dậy, tiếp thầy đôi ly rồi ngủ tiếp.

Thầy có bình rượu thuốc cỡ hai chục lít, cứ đổ vào rồi đổ ra, chẳng khi nào “ngâm” được quá một tuần. Học trò cũng ra vào liên tục, nhóm ra hỏi bài, nhóm ra chơi. Mấy “sinh viên trường thuốc” xa nhà thì thường trực. Vào những ngày nghỉ thì mâm rượu ở nhà thầy cũng thường trực, kẻ đến người về, gối đầu như đi chúc tết. Nhớ lối vào nhà thầy ở đầu hồi dãy tập thể, chái bếp con con, mảnh sân con con, gốc ổi phong sương trong những sáng mùa đông buốt giá, mấy thằng cọc cạch đạp xe, đội mưa phùn từ xóm núi Quang Hà ra tới nơi, bước vào cửa, đã thấy sư phụ khoác áo bông, an vị ngôi chủ xị, cười cười phẩy tay cho đội mới tự động nhập vào chiếu rượu triển khai từ lúc nào, đang hồi nồng ấm.

Khách nhà thầy đa dạng, từ chú sinh viên năm đầu thập thò ngoài cửa đến các tiến sĩ khoa học ngồi xếp bằng chém gió sang sảng, từ vị “khách ở quê ra” mộc mạc tới các anh học viên chuyên tu lắm tài lẻ. Rất nhiều lần các thành phần đó được hân hạnh sát cánh cùng nhau vì mặt bằng ngồi nhậu, sau khi đã dồn dịch tối đa, cũng chỉ vừa hai chiếc chiếu đôi. Tuy vậy, nhờ đức tính càng uống càng tỉnh cộng với tài điều hành của chủ nhà nên các cuộc hội ngộ đa văn hóa này luôn luôn ổn định và phát triển. Có lần, trong một cuộc như thế, mấy đốc-tờ đang ngồi chung mâm bỗng cao hứng chuyển sang tranh luận bằng tiếng Nga. Tiếng Nga zin bọn tôi còn võ vẽ chứ tiếng Nga pha rượu của các thầy lúc đó thì chịu, đang khó xử thì thấy thầy Mộng khề khà quay sang dịch cho chúng tôi nghe, với trình độ có thể làm thơ tiếng Nga, thầy ung dung ngồi dịch live cả một cuộc cãi vã trên trời dưới đất và lèo lái đến khi nó tự kết luận và cùng vui vẻ.

Ấn tượng nữa là kho kiến thức phong phú của thầy, dù là tiến sĩ toán-tin nhưng trình độ văn chương của thầy đã được cô Vân, vợ thầy, nguyên là giáo viên văn thừa nhận. Thầy thuộc Truyện Kiều, thuộc thơ Đường, biết nhiều giai thoại. Đ/c Năm Em, quê Long An, giấu cuốn Truyện Kiều mi-ni trong bàn tay rồi giả vờ hỏi han để thử, kết quả là “cháy phỏm” vì lật không kịp, bị thầy truy lại. Những chuyện thời sự, văn hóa, xã hội khác thầy đều có cách giải thích chính xác và sinh động. Hồi đó thầy là số một, bây giờ có ông Google nhưng hỏi gì nói nấy, lại không biết nhậu, nên Google vẫn chỉ thứ hai. Tiếc rằng đường học vấn của thầy bị trắc trở vì sự cố để mất trang bị khi trực ban, lúc đó thầy đang chờ lên đường sang làm tiến sĩ khoa học ở Ý.

Ấn tượng thứ ba là tình cảm tự nhiên của thầy với học trò. Hồi đó trường ở xa Hà Nội nên nhiều đợt thầy dạy thay, kiêm luôn cả mấy môn toán, tin. Sáng lên lớp, chiều bài tập, trưa đi ăn cơm, tối nán lại chơi, cả ngày lọ mọ với học trò, thoải mái, vui vẻ. Không có sự khác biệt giữa tiến sĩ Nguyễn Hữu Mộng trên giảng đường với sư phụ Mộng khi uống rượu hay với papa Mộng khi kể chuyện tiếu lâm. Thầy để cả buổi kèm nâng cao cho mấy đứa thích học lập trình nhưng cũng sẵn sàng cứu giúp học trò một tay khi chiếu bài bị khuyết. Dù ít chơi nhưng trình “tiến lên” của thầy khá siêu vì nhớ bài. Đến bây giờ sau ngót ba chục năm mà thầy vẫn phong độ, vẫn nhớ học trò, tới SG là nhắn. Còn hội “sinh viên trường thuốc” mở rộng, bao gồm thêm mấy bạn ra học sau, thì khỏi nói, đón thầy Mộng luôn là chương trình ưu tiên và có đủ mặt nhất. Điều kiện bây giờ tốt hơn nhưng những câu chuyện thầy trò cứ tự động quay về chốn cũ. Như lần mấy đứa hết tiền, lang thang ngoài chợ chiều mãi mới “cắm” được cặp vịt hai con chưa đầy kí rưỡi, đầy lông măng. Vậy rồi cũng thu xếp được một mâm, thêm đĩa ổi ương hái trên cây xuống, chờ tối mịt sư phụ mới đi xe khách từ Hà Nội lên. “Lúc chuyển đi tiếc cây ổi, ổi nhà thầy ngon nhất” thầy nhắc. Bữa đó phải trèo ổi, hái bổ sung mấy lần.

Chuyến này thầy vội, từ Bình Dương về ghé qua SG. Buổi chiều đang bàn nhau lên đón thì đã thấy thầy gọi, đang chờ ngoài đường. Định đặt khách sạn thì thầy gạt đi: để thầy thức với chúng mày một đêm, nhưng cuối cùng thì cũng chỉ được đến nửa đêm, vì học trò lại đổ trước. Thầy để râu dài, tựa như Văn Cao, Hữu Loan, học trò cũng đều đã hai thứ tóc. Thầy bảo: hai lăm năm trước thầy như chúng mày bây giờ, hai lăm năm sau chúng mày như thầy bây giờ. Nghe quá sướng, như thầy bây giờ thì quá bằng tiên.





Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 9 19, 2017

Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Được hôm ốm trời
Mưa ương nắng dở
Hai cậu hai mợ
Với một mục đồng
Một xe công nông
Củ Chi thẳng tiến
Công viên điểm hẹn
Không một bóng người
Để cả đất trời
Cho các mợ diễn
Nào là thắm thiết
Nào là tung hoa
Cầu khỉ cũng qua
Ngựa trâu cũng chụp
Các mợ thì đẹp
Các cậu thì ngoan
Chịu khó đứng quanh
Lâu lâu ghé tí
Mục đồng không nghỉ
Máy nổ liên hồi
Vừa bắn vừa coi
Thấy nung ninh phết
Các cậu không mệt
Các mợ quá vui
Mấy tiếng mau trôi
Hẹn nhau đi nữa...
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê...


Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 9 06, 2017

Định mua một khúc nước sông
Gặp hàng gió nắng nên không muốn về
Rong chơi chợ nổi Cái Bè
Son vàng phố thị chợt nghe bồng bềnh






Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 8 25, 2017

Gò Vấp có công viên treo. 

Nghe nói ngày xưa một trong bảy kỳ quan thế giới là vườn treo Babylon. Tiếc rằng bây giờ không còn dấu tích để so sánh, nhưng theo nhiều người thì “kỳ quan” của Gò Vấp phải đẳng cấp hơn, đằng kia là “vườn” còn đây là “công viên”, đằng kia treo giỏi lắm vài chục mét còn đằng này treo 20 năm! 

Khoảng giữa năm 2001, trước khu ruộng vắng ven sông Vàm Thuật thấy dựng lên một tấm bảng đồ sộ vẽ hình những sông hồ, quảng trường, lâu đài… hoành tráng như phim, đề là dự án Công viên văn hóa Gò Vấp, kèm theo là những số, những chữ xanh đỏ chi chít. Bà con ngửa cổ coi ngược coi xuôi, cãi nhau ì xèo mà chưa hình dung là nó đẹp cỡ nào. Tới hồi có cán bộ giải thích đây là cái “Đầm Sen 2” thì ai nấy mới gật gù, phấn khởi. Thời đó công viên Đầm Sen vừa xuất hiện, là đệ nhất sang chảnh lộng lẫy của Sài thành.

Trước đó vài năm, dù chưa có bảng, nhưng đã nghe phong phanh là chỗ này địa thế đẹp, chuẩn bị liên kết với Đài Loan mở khu du lịch thể thao dưới nước tầm cỡ thế giới. Mấy đám ruộng phèn xung quanh bắt đầu có giá. Nói có giá là chính xác vì trước đó nó “vô giá”, có thể chuyển nhượng cho nhau bằng một bữa nhậu, nhiều quan chức hạ cố về đây “khai hoang”, được cấp không cả lô lớn, sau này dư xài, làm được vài cái sân tenis.

Rồi dự án cũng triển khai, dân cư di dời, rạch ruộng được thu hồi, đền bù với giá đất công ích khá bèo nhèo. Cả một vùng ven sông bắt đầu bước vào quá trình treo. Chỉ treo không đã khổ, đằng này Công viên Gò Vấp lâu lâu lại bị nâng lên đặt xuống hay giật giật vài cái, ngoài các cơn bão đất hồi 99-2000, 07-08, còn vô số các lần dự kiến chuyển đổi, điều chỉnh, thay chủ đầu tư. Xen giữa đó là các hoạt động đấu tranh, khiếu nại, kiện cáo sôi nổi của dân chúng. Cao điểm là giai đoạn ai đó định xẻ thịt một phần dự án làm chung cư và bán nền. Rất may là điều đó không (chưa) xảy ra. Nếu sau này công viên thành hiện thực, bà con xứ Gò và Sài thành phải nhớ đến những người có công giữ đất.

Mỗi lần được giật dây, dự án lại nhúc nhích một chút, lần thì mở rộng đường, lần thì làm cái cổng, lần thì xây nhà điều hành… nhưng phải gần đây, vào dịp Đinh bí thư, khi đó còn đương chức, vi hành đến thăm, thì mới có sự thay đổi đáng kể: đường chính được làm lại sạch đẹp, các khu vực được khoanh vùng, cây cối được trồng thêm, các hồ nước được làm sạch để trồng sen, thả cá. Tuy mới xong một phần, nhưng công viên đã có hình hài, hàng ngày đông đảo bà con xung quanh kéo đến dạo chơi, tập thể dục.

Đùng cái Đinh bí thư ra đi, dự án vẫn thấy làm lai rai nhưng chưa rõ sẽ phát triển theo hướng nào, theo hướng BOT xây “Đầm sen 2” tráng lệ rồi bán vé hay làm công viên mở để bà con tự do hít thở khí trời?

Trong lúc chờ đợi thì trên lại áp dụng phương thức quản lý truyền thống là…treo. Lần này không biết sẽ treo bao lâu, nhưng ơn giời, ơn Đinh cựu bí thư, hiện tại cũng đã kịp có một Công viên văn hóa Gò Vấp miễn phí, hơn nữa lại là một công viên “bán hoang dã” với khung cảnh đồng ruộng sông nước nguyên bản, thoáng đãng. Nhiều đoàn làm phim đã đến lấy bối cảnh, nhiều bạn trẻ đến selfie tự sướng, kể cả chụp ảnh cưới. Đặc biệt là nhiều cháu bé được bố mẹ tranh thủ đưa đến để “khám phá” cây dừa nước, trái bình bát, cọng lục bình, bãi cỏ lau, xem tàu ghe qua lại trên sông, chiều tối nghe con chim kêu quốc, quốc…

Trong trường hợp này, theo ý kiến của nhiều bà con, chỉ nên sửa sang lại đường đi lối lại cho sạch sẽ rồi…treo tiếp, treo mãi. Treo không phải khi nào cũng đáng ghét. Có những cái vẫn cần treo cho khỏi lấm, cần neo để khỏi trôi đi.











Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 7 06, 2017

NHÀ 7B, QKNĐ, HÀ NỘI XƯA. 

Trong truyện Quân khu Nam Đồng, anh Bình Ca viết “Ban đầu khu gồm tám dãy nhà bốn tầng… về sau Bộ Quốc phòng xây thêm sáu dãy nhà một tầng giữa các dãy bốn tầng”, như vậy là các dãy nhà một tầng đã có mặt khá sớm trong đội hình Quân khu. Vì thấp bé nên chúng được gọi nhanh là “nhà ngang” mặc dù chính xác thì chúng nằm dọc - so với con đường trung tâm của khu.

 Những dãy nhà ngang lúc đầu chỉ làm tạm bằng tre gỗ, lợp lá, về sau mới xây cấp 4. Cho tới nay thì hầu hết đã được dựng lại thành các căn nhà lầu liên kế, hòa chung với những công trình cơi nới từ các tòa nhà chính, không còn phân biệt rõ ràng “ngang” hay “dọc”. 

Trong các nhà ngang thì dãy nhà 7B (sau này mới gọi là 7C) nằm giữa hai đầu hồi nhà 5 và nhà 7, được làm sớm nhất, tồn tại dưới dạng tre lá lâu nhất và được giải tỏa triệt để nhất. Những cư dân về Khu sau năm 1978 sẽ không biết dãy nhà này. Bản thân những hộ ở nhà 7B sau khi “di cư” đi khắp các nơi trong khu cũng không quay trở về. Tại địa điểm cũ một dãy nhà mới mọc lên với tên gọi khác. Nhà 7B hoàn toàn bị xoá sổ.

 Chủ nhân đầu tiên của dãy nhà 7B là mười gia đình sĩ quan thuộc Cục Vật tư Nhiên liệu – Tổng cục Hậu cần. Những năm về sau, Cục này được tách nhập thay đổi rất nhiều lần nên nhà 7B bị “bỏ quên”, không ai quản lý, dẫn đến việc khu nhà cứ xuống cấp dần rồi giải thể, như đã nói ở trên.

 Về mặt địa hình thì nhà 7B thuộc vùng xa nhất của khu, trên một rẻo đất giáp ranh với cánh đồng làng Nam Đồng, trường Ngân hàng, trường Công đoàn, Cục Kiến thiết cơ bản…Thời đó những khu vực này vẫn nối liền, chưa có tường rào kiên cố, nên bà con nhà 7B tuy sổ gạo ở khu Nam Đồng nhưng vẫn quan hệ thường xuyên với lân bang, chia sẻ mảnh vườn tăng gia, xin tí nước máy, xin tí điện (câu trộm), muốn sang mạn Kim Liên, Chùa Bộc có khi lại “đi nhờ” qua Trường Ngân hàng chứ không đi đường cổng khu. Lũ trẻ con nhà 7B hàng ngày “vượt biên” sang bên kia ao, chơi trên đất bạn nhiều hơn đất nhà.

 Vì có chút đặc biệt như thế, nên nhiều người không biết hoặc không nhớ nhà 7B, khi giới thiệu phải giải thích một lúc. Ngay cả cư dân của nhà 7B, nhất là lớp ít tuổi, chuyển đi đã lâu, có khi cũng không nhớ nhiều về nơi ở cũ. Tuy nhiên chỉ ngồi với nhau một lúc, ôn lại vài câu chuyện, thì những ký ức trở lại rất nhanh, những ký ức của một thời gian khổ, cùng sống dưới mái nhà tre lá đơn sơ mà đầy tình nghĩa. Các hộ ở nhà 7B sống gắn bó vì hoàn cảnh gần như nhau, lại cùng chung cơ quan. Đặc biệt là lũ trẻ thì càng thân thiết vì cùng lứa sàn sàn, học cùng trường, ở nhà thì cùng chung dãy bếp, chung bể nước máy…và chung nhau vô số trò chơi.

 Tiếc rằng tới nay số bạn bè nhà 7B cũ tìm lại chưa đủ, lý do vì phải “giải tán” sớm như đã nói ở trên. Cũng chưa họp mặt được lần nào. Nhưng cũng vì thế mà mỗi lần gặp gỡ đều có nhiều ý nghĩa.

 Nhân dịp bé Anh Trang, nguyên cư dân phòng 3 nhà 7B, Quân khu Nam Đồng, vượt hai ngàn cây số mang một hương vị đặc sản ẩm thực Hà Nội Xưa vào Sài Gòn “khởi nghiệp”, mấy anh em lại có dịp hàn huyên sau 39 năm chia tay. Trong một không gian gọn gàng, những câu chuyện đan xen cũ mới, kỷ niệm với dự định tương lai, lại thường xuyên gián đoạn vì em chủ bận khách, nhưng vẫn vui vẻ, đậm đà “văn chương với chả cá” (Nguyễn Vỹ).

 Chúc Anh Trang và Hà Nội Xưa thành công, tạo thêm một điểm hẹn nữa cho anh chị em Quân khu Nam Đồng, anh em nhà 7B ở Sài Gòn.
Đọc thêm!
Chia tay sau hội lớp năm ngoái, “bọn mặt giặc” lớp A còn gặp gỡ lẻ tẻ khối lần nữa, nhưng xem ra vẫn còn nhiều điều muốn nói, đang để dành, chờ thằng Fây nó nhắc. 

Fây chưa nhắc thì thầy Hợi đã nhắc, trước cả bốn tháng. Chắc là hè về, trường vắng, thầy lại nhớ trò.

Hôm rồi gặp anh bạn khóa sau, thấy nói là đang chuẩn bị cho hội lớp 35 năm ra trường. Lứa mình đã sang năm thứ 36. Xem trên FB của thầy Hợi thấy hội lớp của các khóa trước rất xa, tới mười năm. So với các đồng môn này thì bọn mình chưa là tuổi gì.

Các bác hát bài “Trường ca Đống Đa” quá hoành tráng, mà sao mình không biết, chắc phải sưu tầm lại. Sắp già rồi, đầu óc như cái đồng hồ cát đã lật, bắt đầu hành trình ngược.

Trường Đống Đa ở tuổi 57, bao nhiêu thế hệ học trò. Cùng chung mái trường nhưng mỗi thời vẫn có đặc điểm riêng. Khóa 78-81 bọn mình rơi vào tâm điểm gian khổ thời bao cấp, tâm điểm của giai đoạn chống Tàu. Chuyến dã ngoại năm 79 lúc đầu định lên Lạng Sơn, nơi thầy Huy từng dạy học, nhưng vì chiến sự nên đổi sang đi Sóc Sơn. Trên đường vào núi Sóc, bọn mình phải đi qua một đơn vị xe tăng, một trận địa pháo cao xạ đang trực chiến với những kẹp đạn vàng chói.

Trường học cũng là đời sống, những biến động của xã hội cộng hưởng với sự bất ổn của tuổi mới lớn đã tạo nên một “bọn mặt giặc” mang tên lớp A đầy cá tính, mà ba chục năm sau gặp lại, ơn giời, vẫn còn thấy ghét. 

Thêm một mùa hè về, mùa hội trường, họp lớp. Mới đó mà đã tám tháng, cảm ơn thầy Hợi. Thầy vẫn chu đáo như ngày xưa, như những thầy cô ngày xưa.

Bọn mặt giặc, nghe thấy chưa? Biến đâu cả rồi, sắp đến giờ vào lớp.


Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 6 05, 2017

“BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC...” 
(Kỷ niệm gia đình) 
      Đại gia đình của bác tôi ở Lào Cai. Bà là chị của mẹ tôi, đúng ra phải gọi là "bá", nhưng tôi đã quen gọi "bác" từ nhỏ. 
      Quê ở Kiến An, Hải Phòng. Vì đông con nên phải đi khai hoang từ năm 1965. Khi rời quê, bác có bảy người con, lên vùng đất mới sinh sống, số con được nhân đôi. Tổng cộng là mười bốn, chưa kể hai người mất từ nhỏ. Tới nay, nếu tính cả cháu chắt, thì số thành viên chắc chắn phải hàng trăm. Từ hai chục năm trước, quân số còn chưa đông như bây giờ mà mỗi khi có việc, chỉ trong nhà thôi, cũng phải mổ lợn, dựng rạp. 
      Các gia đình con thuộc đại gia đình này chia nhau phát nương, làm nhà trong một thung lũng cạnh sông Hồng, tạo thành một xóm nhỏ trù phú, dân địa phương gọi là "xóm ông Lai" (Lai là tên bác trai), khá nổi tiếng. Lần đầu tôi đến, xuống tàu ở ga Phố Lu, mãi bên kia sông, cách mấy km mà hỏi xóm ấy là người ta đều chỉ được. Bác tôi đã mất năm 2004, bác trai mất trước đó vài năm.
      Những năm chiến tranh và thời bao cấp, với một đàn con nheo nhóc ở nơi khỉ ho cò gáy như thế, không cần kể các bạn cũng hình dung ra cảnh gian khổ của gia đình này. Hai bác và các anh chị hay về quê, có năm vài lần, đó là những chuyến đi kết hợp mang khoai sắn về xuôi đổi lợn con, thóc giống, nhu yếu phẩm… Mỗi lần như thế thường đi đoàn năm, sáu người, hay ghé nhà tôi ở Hà Nội. Ba má tôi đãi khách miền ngược món mì sợi chần, chan nước mắm pha chế với mỡ nước, mì chính. Món mì mậu dịch mà chúng tôi ngán ngẩm, những hôm đó bày cả rổ lớn và được đoàn khách hết sức tán thưởng, làm cho tôi nhiều lần cũng sà xuống tham gia. Ba má tôi soạn ra những quần áo, đồ dùng cũ để gửi cho bác, trong đó được quan tâm nhất là quần áo bộ đội của ba tôi, có lần vừa nhận xong, các anh diện luôn để ra phố.
      Những năm về sau, khi các anh chị đã lớn, cuộc sống khá dần lên. Khách Lào Cai vẫn khoái món mì sợi và quần áo bộ đội, nhưng lại mang về những đặc sản đồng rừng mà dân thành phố không phải ai cũng có: mật ong, măng khô, củ thuốc nam, trái cây... Hồi đó nhà tôi còn ở khu tập thể, bác mang về rất nhiều trái cây, mận, mơ, đào…đổ ra cả chậu lớn, chia cho cả xóm. Các anh chị nhà bác tính cũng xởi lởi, nên đến vài lần là quen hết mọi người xung quanh. Có điều là khách thì đông, lại khá giống nhau, nên thường xảy ra nhầm giữa người nọ và người kia.
       Năm 1979, Trung Quốc đánh sang, nhà bác tôi phải chạy, chỉ để lại mấy anh lớn vừa trông coi nhà cửa, vừa làm dân quân. Không có thứ phương tiện nào có thể chuyên chở hết toàn thể gia đình cùng số thóc lúa, lợn gà, tư trang, quần áo… có lẽ tới hàng tấn. Bác cho đóng một cái bè nứa lớn, chất tất cả lên, xuôi sông Hồng về Yên Bái. Sông Hồng phía mạn ngược gập ghềnh hiểm trở chứ không như dưới đồng bằng. Vậy mà đoàn quân cũng tới nơi yên ổn, lại còn có thêm thành viên là một cháu nội được sinh ra trên bè. Đến Yên Bái lại phải chuyển qua mấy chặng tàu xe để về đến tận Kiến An quê cũ. Thật là một cuộc "vạn lý trường chinh" ngoạn mục, nhất là trong điều kiện giao thông thời ấy.
      Quân Trung Quốc tràn tới tận thị trấn Phố Lu, cách biên giới bốn chục cây. Đi tới đâu là tàn phá sạch sẽ. May mà chúng chưa vượt sông sang tới nhà bác. Sau khi chúng rút, gia đình bác lần lượt trở về. Thanh niên về trước, rồi những người khác, cuối cùng là đám con nít. Nhà cửa vườn tược không bị phá, nhưng cũng mất mát, hư hỏng, phải bỏ khá nhiều công sức khôi phục lại. Cơ ngơi nhà bác tôi trở thành một căn cứ hậu cần và nơi trú quân cho bộ đội ta lên đánh nhau với quân Tàu. Ban chỉ huy đóng ở nhà bác, nhà các anh chị khác đều có bộ đội ở. Mãi về sau mọi người còn nhớ tên tuổi quê quán của của các anh bộ đội đã ở nhà mình. Những đoàn quân thời đó qua lại bến phà Phố Lu chắc còn nhớ bà Lai "béo" bán quán ngay đầu dốc. Một chú bộ đội quê Thanh Hóa và một chú công nhân lái phà quê Nam Định đã trở thành con rể của bác tôi, sau chiến tranh ở lại luôn cùng nhà vợ.
      Lúc Trung Quốc đánh sang, ba tôi đang ở chiến trường K, anh em tôi còn nhỏ, má tôi lo lắm, mà cũng chịu, chỉ biết chạy đến mấy người quen hỏi thăm. Tới khi bác tôi về đến quê, báo tin lên, má mới yên tâm. Thỉnh thoảng có các anh trên Lào Cai xuống, tôi lại bám theo hỏi: “Có thấy lính Trung Quốc không?”, “Có, bọn nó ở đầy bên kia sông”. “Anh có bắn nó không?”, “Không, ở xa quá súng trường bắn không trúng”. “Chúng nó có bắn mình không?”, “Không bắn sang bên này, nhưng ở bên kia bị đốt sạch hết, cả thị trấn bằng phẳng luôn”. Tôi thấy kiểu đánh nhau cũng lạ, chẳng ai bắn ai, không giống trên phim, chán chết. Gia đình bác tôi cũng bình an, chỉ có một ông anh dạy học trên Mường Khương, sát biên giới, thời gian đầu mất liên lạc, sau cũng thoát được về.
        Năm 85 má con tôi từ Sài Gòn ra thăm bác. Khi đó đường sắt Hà Nội - Lào Cai chỉ tới Phố Lu. Tàu ra khỏi thành phố thì thay đầu máy hơi nước, chạy phì phò suốt đêm mới đến nơi. Tôi ngồi dãy ghế quay về trước, quần áo, mặt mũi bám đầy bụi than. Chuyến đó mẹ con tôi là khách đặc biệt, cả "xóm ông Lai" mở hội đón khách miền Nam ra thăm "rừng núi biên cương Tổ quốc", như lời mấy anh cán bộ xã. Có những bà con ở cách xa hai ba chục cây cũng tìm đến nhận người làng. Họ cùng đợt lên khai hoang với bác tôi. Chiến tranh biên giới lúc ấy vẫn còn. Dù chiến sự hướng Lào Cai không ác liệt như bên Hà Tuyên, Lạng Sơn, nhưng thị trấn Phố Lu cũng đầy vẻ quân sự. Bộ đội nhiều, súng ống đầy đủ, những đoàn xe kềnh càng kéo pháo bò qua đường sắt. Chợ Phố Lu lều quán lụp xụp nhưng có rất nhiều hàng hoá Trung Quốc, không biết đưa sang bằng cách nào, buôn bán công khai, không phải hàng tâm lý chiến. Tôi mua một số thứ lặt vặt: bật lửa, khăn mặt, quạt giấy…sau này mang về Nam trở thành hàng độc, chứng tỏ bản năng thương mại mạnh mẽ của người Trung Hoa. Đánh thì cứ đánh mà bán thì cứ bán (và tất nhiên, cũng chứng tỏ sự cao thượng của người Việt: đánh thì cứ đánh mà mua thì cứ mua).
       Năm 90, nhân dịp ra Bắc học, tôi lại lên thăm "rừng núi biên cương Tổ quốc". Rủ anh bạn người Nam Bộ đi cùng. Tàu Hà Nội vẫn chỉ chạy tới Phố Lu, nhưng từ đó có thể chuyển sang loại tàu nhỏ hơn, kéo vài ba toa, đi tiếp lên một đoạn, tới mỏ Apatit, chưa tới được thị xã Lào Cai. Hôm đó tàu đến sớm, xuống ga nghỉ ngơi, ăn sáng xong mới năm giờ. Ngồi quán mãi cũng chán, tảng sáng chúng tôi đi dạo phố. Thị trấn đang xây dựng lại. Hồi đó các cơ quan của tỉnh còn đóng ở Phố Lu nên khung cảnh có vẻ đô thị. Một con đường lớn mới mở hướng thẳng vào núi. Cuối đường là kỳ đài Nghĩa trang liệt sỹ uy nghi trên đỉnh đồi cao. Hàng phố còn chưa dậy, hai đứa rủ nhau lên nghĩa trang. Leo mấy chặng bậc thang quanh co, tới nơi, chúng tôi nhìn ra toàn cảnh thị trấn, nhà cửa lúp xúp trải dài, xa xa dòng sông Hồng nước đỏ như vệt son đậm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn uy nghi, trầm mặc. Nghĩa trang khá rộng, hàng trăm ngôi mộ mới xây xếp thẳng hàng. Xem lướt qua, hầu hết là các liệt sỹ hy sinh trong trận chiến tháng 2/1979, nhiều người còn rất trẻ, mới mười tám, mười chín tuổi. Khá nhiều mộ vô danh, trên bia chỉ khắc ngôi sao vàng. Ngồi ở nghĩa trang ngắm cảnh một lúc lâu, trời sáng hẳn chúng tôi mới xuống bến đò sang sông, tìm đường về nhà bác.
      Lần đó lên, mấy đứa tôi cũng được tiếp đón rất nhiệt tình, tuy không “mở hội” như lần trước, nhưng lần lượt mỗi hôm một nhà mời chúng tôi đến ăn cơm. Chắc là bác tôi đã phân công trước. Giai đoạn này "xóm ông Lai" đang phát triển hưng thịnh. Nhà trên cao, nhà dưới thấp, cây cối tốt tươi, đường mòn uốn lượn như tranh thủy mặc. Dòng suối chảy qua thung lũng được đắp đập ngăn thành ao cá ba tầng, muốn bắt cá chỉ việc xả nước xuống tầng dưới, bắt cá xong, lại tháo nước tầng trên vào. Dọc theo suối, mấy cái máy thuỷ điện mi-ni chạy ro ro, thắp đèn, xem ti-vi thoải mái. Chốc chốc một con xe máy Min-khờ lại rú ga leo dốc lượn vào. Chúng tôi đi từ nhà này sang nhà khác, xem ruộng lúa, vườn mơ, vườn mận, trại lợn, xưởng làm đậu phụ, leo lên cả đồi chè, đồi cây mỡ. Anh bạn Long An lần đầu biết phong cảnh miền sơn cước và cách mời mọc, uống rượu trịnh trọng ngoài Bắc, cái gì cũng hỏi. Hai món ấn tượng nhất là ngồi xe Min-khờ leo núi và tằm chiên giòn. Xe Min-khơ leo núi là một trò cảm giác mạnh đẳng cấp. Còn tằm chiên giòn là loại tằm ăn lá sắn, to như ngón tay, chiên cả con, còn đầy đủ hai hàng chân lởm chởm, xếp đầy một đĩa, người yếu bóng vía nhìn thấy chắc phát ngất.
       Trong các bữa ăn, mọi người bàn tán nhiều về việc giải toả thị xã Lào Cai. Quan hệ Việt-Trung giai đoạn này đang bình thường hóa, dân bắt đầu tìm về thị xã. Họ gặp phải hai vấn đề: thứ nhất là thị xã đã bị san bằng, bom đạn, chiến hào đảo lộn nhiều năm, nhà cũ vườn xưa hoang hoá, không còn ranh giới. Thứ hai là mìn quá nhiều, cả của ta và của Tàu, chồng chéo dày đặc. Vấn đề thứ nhất là cơ hội, vấn đề thứ hai là nguy cơ. Đã có những chiến dịch lớn đế giải phóng đất, nhưng mìn vẫn còn sót lại, nguy cơ chưa hết hoàn toàn. Dù vậy cơ hội ngày càng hấp dẫn, ai cũng băn khoăn nên đi hay ở. Nhiều người tiếc cơ ngơi nhà cửa ở đây, nhưng cũng nhiều người tìm cách lên thị xã kiếm đất và làm ăn. Nhà bác tôi cũng có mấy ông anh quyết tâm xa vợ con, theo cơ quan lên bám trụ trên thị xã. Một cậu cháu rể mua xe tải chạy vào những tuyến đường nguy hiểm nhất, kiếm rất khá, nhưng hôm tôi lên xe bị trúng mìn, kéo về bỏ ở góc sân, may người không việc gì.
     Chuyến đi đó của tôi sau này được gia đình coi là “có ý nghĩa lịch sử”, bởi vì khi về tôi đưa một “đoàn đại biểu” do bác gái dẫn đầu vào thăm miền Nam. Hai người cháu ở lại Sài gòn, làm cầu nối cho nhiều người nữa vào. Đến bây giờ đã có mấy gia đình, cộng thêm các con cháu lẻ, cũng tới hai, ba chục nhân khẩu, thành “Chi nhánh” của xóm ông Lai ở Sài gòn.
         Năm 2002, cả nhà tôi lại ra thăm bác. Bác tôi cho người về đón tận Hà Nội. Chúng tôi đi tàu du lịch quốc tế, giường đệm, máy lạnh, cùng toa với các ông tây, bà đầm. Mấy đứa con tôi tròn mắt nghe họ xì xồ trò chuyện. Tàu đến tận Lào Cai và sang Trung Quốc nhưng nhà tôi xuống Phố Lu. Gần chục năm qua, thị trấn không phát triển gì thêm, cơ quan tỉnh đã về hết Lào Cai, lúc đó đã là thành phố. Gia đình bác tôi cũng lên trên ấy non nửa, số ở Phố Lu cũng chuyển ra gần đường lớn. Trong xóm ông Lai chỉ còn lại hai, ba nhà. Vườn tược đã bán đi phần lớn. Đường vào xóm không được sửa chữa, rất khó đi, nhưng bác tôi không chịu chuyển ra phố. Nhà tôi ở chơi Phố Lu hai ngày rồi lên “LaoCai City”. Đường tốt, ô tô chạy hơn tiếng là đến nơi. Thành phố mới, dân cư nhiều đoạn còn thưa thớt, nhưng nhìn chung rộng rãi, vuông vắn. Các công trình chính đều to lớn, hiện đại, chứng tỏ có con mắt quy hoạch. Các anh chị tôi người làm công chức, người buôn bán, nhà cửa chưa hoàn chỉnh, nhưng đều phấn khởi. Mấy ông anh bảo tôi có muốn sang chợ Trung Quốc thì họ dẫn đi, theo lối vượt sông của dân cửu vạn, tôi thích lắm nhưng cũng sợ, nên từ chối. Thấy vậy, mấy ông anh bảo: ”bên ấy cũng như bên mình thôi, chẳng có gì hơn đâu”. Tôi chưa sang nên chưa biết bên đó, nhưng tới thành phố Lào Cai này, tôi thấy đã giống Trung Quốc lắm rồi. Vật dụng to nhỏ trong nhà đều là hàng Trung Quốc, ăn gạo Trung Quốc, xem ti-vi Trung Quốc rõ hơn đài Việt Nam. Ngoài phố, trong chợ, khách Trung đi từng đoàn.
       Tôi được đưa đi xem cửa khẩu, xem cột mốc biên giới mới xây. Thăm Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo, ngay sát bờ sông biên giới, cổng đền quay về phương Bắc. Đứng ở cổng đền nhìn sang bên kia sông, xúc động lắm. Cũng trời ấy, đất ấy mà là hai xứ khác nhau, dòng sông ranh giới mùa cạn, nước chảy lững lờ. Biên cương của Tổ quốc thiêng liêng, có Đức thánh Trần trấn thủ đây, mà sao vẫn thấy có gì hơi u tịch.
         Bẵng đi mười mấy năm, vừa rồi mới có dịp cùng chú em trở lại chốn xưa. Xuống sân bay Nội Bài đã có người cháu đón sẵn, đưa đi luôn theo đường cao tốc. Xe lướt nhanh qua vùng đồi núi trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ, rồi tiếp tục lướt qua những địa danh một thời được coi là “rừng thiêng nước độc” Yên Bái, Bảo Hà. Sau bốn tiếng, kể cả nghỉ dọc đường, đã có mặt tại trung tâm thành phố Lào Cai. Chuyến đi tới miền biên viễn xa xôi ngày nào nhẹ nhàng đến không ngờ.
       Nhờ có sự kết nối hàng ngày trên “fây”, nên những cuộc gặp gỡ không nhiều bất ngờ, nhưng vẫn nhiều cảm xúc. Đại gia đình nhà ông Lai giờ đã là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các độ tuổi, công việc, hoàn cảnh, đủ những chuyện vui buồn. Các anh chị lớn, thế hệ trụ cột của công cuộc khai sơn phá thạch năm xưa đều đã lên ông lên bà. Chị cả mới mất, thọ 75 tuổi, còn lại cũng thuộc hàng “xưa nay hiếm”, vui thú tuổi già. Thay vào đó là những thế hệ kế tiếp, thêm nhiều dâu, rể, bạn bè, mở mang và sôi động, gợi lại hình ảnh của một “xóm ông Lai” nhộn nhịp ngày nào, nhưng ở phạm vi rộng hơn.
       Chuyến đi lần này tuy ngắn, nhưng đường sá và phương tiện thuận lợi nên chúng tôi cũng kịp “chạy sô” một vòng từ Lào Cai về Phố Lu, thăm dải đất ven sông, nơi in dấu chân đầu tiên của gia đình bác tôi hơn năm chục năm trước, rồi ngược lên thị trấn vùng cao Bắc Hà để có cái nhìn bao quát về một miền núi sông hùng vĩ. Điểm nhấn của chuyến đi vẫn là những bữa họp mặt, dù “mời vội”, toàn người nhà nhưng cũng sẵn sàng dăm mâm đầy khí thế. Tiếc là không có điều kiện ở lại “chiến đấu” lâu hơn, đành hẹn gặp “rừng núi biên cương” một lần khác.
        Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng cũng thật dài. Thoáng chốc đã mấy mươi năm. Bao nhiêu biến động trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi vùng quê. Xin ôn lại chút kỷ niệm bất chợt để nhớ về những câu chuyện chưa xa, nhớ về những người đã khuất.

 Hình: Hai chị em - LC 2002
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 6 01, 2017

     Mới đi bắn đạn thật, chắc là lần cuối của đời quân ngũ. Trong số ba chục viên đạn mình bắn, có hai viên xịt. Nhặt mang về làm kỷ niệm. 
     Đạn dùng trong huấn luyện thường không còn mới. Hai viên đạn xịt của mình, lật lên xem, thấy sản xuất từ năm 85, đúng năm mình ra trường.
    Tự nhiên thấy buồn cười cho hai em đạn này. Sau hơn ba chục năm được quân đội nâng niu, gìn giữ, bảo quản, bảo vệ nghiêm ngặt (súng là vợ, đạn là con mà), lần đầu tiên (và duy nhất) được đưa ra dùng thì…tịt.
     Trong khi những anh em khác ở cùng hộp, cùng băng, cùng ra lò, cùng một người bắn, vẫn nổ ầm ầm. Có anh trúng vòng chín, vòng mười, không thì vòng bảy, vòng tám, ít ra thì vẫn vào bia, có điểm…thì hắn bị ông xạ thủ hất xuống đất, còn mắng cho nữa, mà không cãi được. Tịt mà. Giá mà nổ được một phát cho to, chẳng cần trúng đâu, cứ bay mẹ lên trời, cũng mát một kiếp đạn.
   Nhưng rồi nghĩ thì cũng chẳng phải buồn nhiều. Đời (đạn) mà, trông thì y hệt, nhưng cũng viên nọ viên kia. Đạn mới còn có tỷ lệ hỏng, đằng này thời gian đã quá dài, hết date rồi. Tàu bay tàu bò, tên lửa hạt nhân, hết hạn cũng phải bỏ. Coi như xong nhiệm vụ. Hai em đạn này, mấy chục năm nghiêm chỉnh trong hòm hộp, đi đó đi đây theo chân người lính, lúc nào cũng sẵn sàng, có lệnh là lên nòng. Vậy là OK rồi? Còn nổ hay không còn do nhiều chuyện khác.      Mà nói cho cùng, đất nước mà để đạn dược hết hạn trong kho, thì đó là điều hạnh phúc. Không ai muốn dùng đến súng đạn, nhưng không thể không có, nên bỏ loạt này, phải bổ sung loạt khác, luôn luôn có lượng dự trữ, dù chẳng biết bao giờ dùng. Như hai em đạn nói trên, tuy cuối cùng lại điếc, nhưng giá trị của chúng không thể không tính.
     Vậy cứ yên tâm về đội của bà “bà để bà ngắm chứ bà không ăn”.


Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 5 21, 2017

     Con đường xưa “Em” đi. 
     “Em” ở đây là đồng chí Năm Em, bạn của BT. 
   “Con đường xưa” ở vùng quê Cần Đước, Long An, không xa Thành phố. 
     BT biết con đường đó cách nay ba chục năm, qua những lần về thăm nhà đ/c Em.
     Hồi đó phương tiện di chuyển là xe đạp. Hành trình năm chục cây là vừa vặn cho một chuyến đi trong ngày kết hợp thăm hỏi + điền dã + giao lưu (nhậu). Từ quốc lộ, quẹo sang đường đất, cuối cùng phải qua một khúc bờ ruộng dài chừng trăm mét mới tới nhà. Khúc đường rộng ba gang, lượn quanh ruộng lúa, mùa khô thì nứt nẻ, mùa mưa thì trơn trượt, lúc vào thấy cũng nên thơ, nhưng lúc ra thực sự là ám ảnh, bởi vì tài xế khi đó đã ở trạng thái nhìn một thấy ba.
    Nhậu ở Long An không có khái niệm mở đầu và kết thúc. Thường chỉ nhớ được vài ba tua khi mới nhập cuộc, sau đó là trạng thái nhạt nhòa giữa những ly đế Gò Đen trong như nước cất. Mọi sự đều lơ mơ đến tận hôm sau, không hiểu sao mình về đến nhà, nhất là không hiểu sao mình qua được khúc bờ ruộng, chắc là có thần linh phù hộ. (Thực tế về sau mới biết, chính là các anh hai, anh ba nhà mình chia nhau kè từng khách, không cho lọt xuống ruộng. Ra đến lộ còn đưa tiễn đôi xị nữa để khách đạp xe về mạnh phẻ).  
      Những năm sau phương tiện đã khá hơn. Các cuộc nhậu ngoài rượu đế còn kèm thêm Tiger Beer “chữa lửa”, mức độ lơ mơ không hề giảm. Đoàn Hon-đa từ thành phố về khí thế ào ào, nhưng vẫn phải nhín nhín khi qua khúc bờ ruộng. Cũng nhờ vậy mà chỗ đó tự nhiên trở thành bài Test dành cho khách, ai qua được thì hoặc là còn tỉnh, hoặc là đã đủ độ phiêu, có thể chạy xe về, sau khi nhận thêm một ly thưởng của chủ xị.
     Không nhớ là có bao nhiêu chuyến đi như thế. Theo thời gian, các tuyến đường dần dần được trải đá, đổ nhựa phẳng phiu. Con người cũng thay đổi, nhưng theo chiều ngược lại. Đội hình trai trẻ đạp xe đi nhậu cả trăm cây số và đội hình chủ nhà hào sảng ngày nào, giờ trên đầu đã hai thứ tóc. Điểm lại cũng đã khuyết mất mấy người. Chỉ còn khúc đường bờ ruộng, có được đắp thêm, nhưng cơ bản là vẫn vậy. Nó vẫn là dấu mốc khi tìm về nhà đ/c Em. Bạn bè lâu lâu gặp gỡ, không quên hỏi thăm về nó.
    Bẵng đi mấy năm, hôm rồi được đ/c Năm Em mời về mừng khánh thành đường mới. “Con đường xưa Em đi” giờ được bà con góp tiền đổ bê tông, xe du lịch vào tới sân nhà. Vậy là khúc cuối của những chuyến đi kỷ niệm ngày xưa cũng đã được lên đời.
    Bâng khuâng một chút, rồi cùng nâng ly chúc mừng đ/c Em. Có điều: 
    Đường xưa giờ đã láng bê tông
    Bốn bánh chạy vào rất êm mông
    Nhưng lúc nâng ly đành từ chối
    Vì còn cầm lái, có khổ không.




Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 4 14, 2017

     Đồng chí Tiện. 
     Đ/c Tiện là chỉ đạo viên robocon của TDNU. 
     Đ/c Tiện hiện đang bên trời Tây. Mùa robocon này vắng đ/c Tiện nên cũng bớt phần vui nhộn.
     Mấy năm nay chung kết Robocon chuyển về tỉnh lẻ nên sự cổ vũ của khán giả cũng giảm nhiệt. Đ/c Tiện thấy vậy nên quyết định: dù không thắng trên sân nhưng phải thắng trên khán đài. Hai chiến thắng này cơ hội lên TV là ngang nhau.
      Nhưng làm được điều đó là cả một quá trình. Đội robot được đ/c Tiện khuyến khích làm bất cứ cái gì, miễn là tạo ra sự khác biệt. Bản thân đ/c Tiện luôn xuất hiện trước công chúng với một cái ống nhòm đeo trước ngực. Thỉnh thoảng nâng ống nhòm nhìn vào đâu đó, đ/c Tiện đã tạo ấn tượng về một chỉ đạo viên có tầm nhìn cực xa, “dù trời chưa mưa nhưng đã mặc áo mưa”.
      Đ/c Tiện cũng vắt óc để chọn ra thương hiệu cho đội mình là “Mì tôm” - một sản phẩm vô cùng thân thuộc với giới làm robot. Mọi giá trị vật chất tinh thần đều được quy ra mì tôm: Thưởng, phạt, cá cược, giao dịch đối nội đối ngoại đều bằng mì tôm, mơ ngủ cũng chỉ nói mỳ tôm. Đỉnh cao của sự ngáo này là câu Slogan: “TĐN - Mỳ tôm” được hô vang trong các đêm thi đấu chung kết mùa robocon 2016.
      Dàn hoạt náo viên của đ/c Tiện huy động toàn bộ xoong quân dụng của Tỉnh đội Ninh Bình, kết hợp với chiếc loa pin Trung Quốc trị giá bốn thùng mỳ Hảo Hảo và vô số bóng hơi được trao tận tay khán giả, đã tạo ra một góc khán đài không ngừng sôi động, khiến Ban Tổ chức đã phải tính đến một giải đặc biệt dành cho công tác cổ vũ. Giải này sẽ do các hãng mỳ tôm tài trợ.
     Trời chẳng phụ người. Không chỉ ghi điểm trên khán đài, đội robot của đ/c Tiện cứ tuần tự tiến sâu vào giải. Công bằng mà nói, các robot này tuy đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả và ổn định. Có điều, do nhà ít điều kiện nên chúng hơi chậm. Hôm cấp trên tới thăm, đ/c Tiện phát biểu: Robot của đội mình mạnh, còn đội bạn thì rất mạnh, đội mình hoàn thành nhiệm vụ trong 60 s, còn đội bạn là 20 s, như vậy chỉ cần đội bạn bị lỗi ba lần là mình sẽ thắng! Không biết trên thế giới này có chỉ đạo viên nào tự tin đến vậy không? hay là nhờ cái ống nhòm mà dự đoán của đ/c Tiện đã trở thành hiện thực: cứ gặp đội của đ/c Tiện là đội bạn bị lỗi. Kể cả những đội trước đó chạy mượt nhất.
     Dư luận trên mạng xôn xao, ai đó nói đ/c Tiện biết yểm bùa. Nhưng thề với cái ống nhòm - điều này là không có. Đ/c Tiện biết ngoại ngữ, biết chơi guitar nhưng rất kém về mặt tâm linh. Hôm lên chùa Bái Đính đ/c Tiện toàn trốn đi tán gái tây.
      Nhưng việc đ/c Tiện biết dùng chiến thuật nghi binh là có. Mà chẳng riêng đ/c, cả đám học trò của đ/c đều quái, ngoài tinh thần thi đấu, chúng có khả năng diễn xuất rất đều, rất sâu. Không phải ngẫu nhiên mà robot của SVI đã được các bình luận viên đặt tên là “bẫy chuột”, tuy thô sơ nhưng nó luôn chứa đựng những bất ngờ khiến đối phương sập bẫy.
      Cuối cùng thì cũng được giải ba, vậy là đ/c Tiện thắng cả trên sân và trên khán đài. 
      Thấm thoắt mà đã một năm trôi qua, Robocon năm nay TDNU mất mùa. Rảnh rỗi không có việc gì làm nên lôi chuyện đ/c Tiện ra kể. Còn nhiều nữa, để từ từ kể tiếp.
      P/S: Trước hôm đi Tây, đ/c Tiện có tâm sự: em qua bển, dự kiến tổ chức một đội robot về thi đấu. Mà phải lựa mấy em chân dài, mắt xanh cho lạ. Vậy nhớ giữ lời, nha Tiện !
      À, mà từ đầu tới giờ quên chưa giải thích về cái tên của đ/c này. Hồi mới gặp, hắn nói: Tên em là Hà, nhưng anh cứ gọi sao cho tiện là được. Mình bảo: thế thì gọi luôn Hà là Tiện cho tiện? Vậy mà hắn OK luôn.

 Một số hình ảnh năm ngoái.




Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 4 03, 2017

Dọn hành lý nào, tàu đã sắp về ga
Ga phía trước là nơi tôi cập bến
Gần bốn mươi năm đoàn tàu không mệt
Người còn sung nhưng vé đã cạn rồi

Dọn hành lý nào, ba lô cóc vậy thôi
May mắn thế, dọc đường không mua bán
Xuống sân ga để đôi tay thanh thản
Vẫy người đi và chào chốn tôi về

Dọn hành lý nào, giờ thì tự bước nghe!
Dù có mỏi, nhưng đến nơi mình thích
Những tháng năm, bao chuyến đi kỳ tích 
Nhưng vẫn không ra khỏi một toa tàu

Cũng có lần muốn đẩy nó chạy mau
Cũng có khi muốn dừng chân một chút
Cũng có lúc muốn chen lên phía trước
Nhưng lái tàu không phải cái thằng tôi

Có sao đâu, vì vé tự chọn rồi
Việc của mình là đi về tới đích
Dẫu toa đen hay giường nằm khách VIP
Đến lượt rồi cũng cùng xuống sân ga

Dọn hành lý nào, còi đã nổi phía xa ./.

(4/2017).


Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 3 28, 2017

       Trình độ tử-vi của mình thuộc hạng gà mờ, chỉ biết một số kiến thức phổ thông như năm tốt, năm xui, tuổi xung, tuổi hợp…Toàn đọc lỏm, nhưng hồi mới lớn cũng thấy tự tin lắm.
      Ngày mới tìm hiểu bà xã, biết nàng sinh tháng 4, tuổi con Hợi, về xem sách thấy không khắc với con Thìn là mình, nên cũng yên chí tiến tới. Cũng trải qua những khúc mắc ẩm ương nọ kia, nhưng cuối cùng rồi mọi việc cũng ổn. Một lần về thăm nhà, mẹ vợ tương lai mới nói chuyện: em nó (bà xã mình), đẻ tháng 12 âm, trước tết, nhưng hồi đó ở quê, lại thời chiến lộn xộn, mãi mấy tháng sau mới đi làm khai sinh, sợ bị phạt nên khai lui lại là tháng 4.
     Vậy tuổi đúng vợ mình là con Tuất. Chẳng cần giở sách cũng biết con Tuất xung khắc với con Thìn. Nhưng đã đến lúc ấy rồi thì mọi thứ đều là con muỗi, kể cả ông giời.
       Cuộc sống gia đình những năm đầu xoay như đèn cù, vợ chồng đều thành con trâu, chẳng hơi sức đâu mà xung khắc. Mãi sau mới có dịp đến chùa Pháp Hoa xem một gói tử vi tổng quát. Chùa này vốn là di tích kháng chiến nên đồng chí thầy chùa chẳng rào đón gì, nói luôn: tuổi anh chị lấy nhau là nghèo, mệnh cũng không hợp nên càng nghèo, được mấy đứa con kéo lại nên đỡ chút. Hỏi làm sao hóa giải thì thầy bảo cũng có cách, nhưng anh đừng theo mà mệt hơn. Thầy thiệt là có tâm, 100% cách đó là lấy thêm vợ nữa.
     Vậy mà thấm thoắt Tuất với Thìn cũng ở với nhau được hai mấy năm, chấp nhận lời khuyên của đồng chí thầy chùa, không băn khoăn tìm cách hóa giải số mệnh làm gì. Vì nói cho cùng, thời thế vận động, mọi sự đều là tương đối, giải cái này thì lại buộc vào cái khác.
     Còn một chút tò mò, vậy thật sự thì con Thìn với con Tuất kết hợp với nhau nó là cái giống gì? Con trên trời, con dưới đất, ngày xưa bảo xung khắc không phải là không có lý. Cho đến dịp tết vừa rồi, nhờ các bác Hải Phòng (quê ngoại mình), nên mới biết mặt nó, con Rồng Cún PicaLong huyền thoại. Không đến nỗi nào, tuy chẳng hoành tráng, oai phong như người ta nhưng dễ thương mà, phải không ạ. 

Đọc thêm!