Thứ Hai, tháng 12 31, 2018

TÀU THỜI GIAN

Đà Nẵng là thành phố được nhiều người biết và nhớ.

Có nhiều lý do, vì nó đẹp, nó đáng sống…và cũng có lý do là nó nằm khoảng giữa chặng đường xuyên Việt.

Phần lớn các hành trình Bắc Nam trên bộ đều có điểm dừng chính ở Đà Nẵng, kể cả đường hàng không thời tàu bay bà già, lộ trình Hà Nội - Sài Gòn tới 4-5 tiếng, bà già cũng phải “ghé dzô” Đà thành để đổ xăng và bắt khách.     

Còn đường sắt thì khỏi nói, đến Đà Nẵng chắc chắn phải dừng kha khá. Nhà tàu thì đổi ban, kiểm tra, thay đầu máy, tiếp tế…Khách thì xuống mua bán, tắm rửa, nghỉ ngơi, ăn uống…nhộn nhịp như cái chợ. Thời trước lịch trình giờ giấc còn thoáng, tàu vào tàu ra xen kẽ đỗ cả tiếng, sân ga ĐN thành nơi hội ngộ bất ngờ của nhiều anh em bạn bè trên đường Nam Bắc. Nếu mùa đông thì còn tiết mục bỏ đồ rét (nếu đi vào) hoặc khoác thêm (nếu đi ra). Qua ĐN thấy đất trời thay đổi, ĐN như điểm chuyển tiếp hai miền một cách tự nhiên, ít nhiều làm bâng khuâng  lữ khách. 

Đặc biệt, khi rời ga ĐN, đoàn tàu đảo chiều, toa đầu thành toa cuối, hành khách thấy mình di chuyển theo hướng ngược lại, nếu đi lần đầu chắc cũng giật mình, tưởng lái tàu “đậu phộng”.

Việc đảo chiều giữa đường như vậy - không biết có cố ý hay không - đã tạo ra sự công bằng nào đó cho khách đi tàu, vốn ngồi đối diện nhau. Người ngồi thuận hướng tàu chạy hôm trước giờ ngồi ngược, người ngồi ngược giờ ngồi thuận chiều. Tàu ngày đó chật chội, nóng bức nên được ngồi thuận là điều tốt, thoáng mát hơn, ngắm cảnh cũng đã hơn và dù vẫn yên vị như nhau, nhưng cảm giác thấy mình đang “tiến” nó cũng yo-most hơn là đang bị “lùi”.
 
Giờ thì đã lâu không đi tàu hỏa, hành trình Bắc Nam chủ yếu là tàu bay phản lực. Từ trên trời nhìn xuống ĐN chỉ là vùng sáng nhấp nháy bằng bàn tay trôi qua rất nhanh, thậm chí những khi trời mù còn không thấy gì, chỉ xem trên bản đồ, nhưng đôi lúc vẫn có cái cảm giác bâng khuâng như ngày xưa, khi đã đi qua một nửa chặng đường.

Mà có đi tàu thì tàu hỏa bây giờ cũng máy lạnh kín mít, ngồi xuôi ngồi ngược đều mát như nhau. Tàu cũng chỉ đỗ lại chốc lát, ĐN bình thường như mọi ga khác, chắc chẳng ai còn quan tâm đến sự “đảo đầu”.

Ôn lại chút kỷ niệm cũ nhân dịp 2018 sắp qua, 2019 sắp tới. Thời gian trôi mãi không ngừng, nhưng vạn vật thì tuần hoàn, chuyến tàu thiên nhiên cũng có bao nhiêu những điểm “đảo đầu”.

Chúc mọi người năm mới gặp nhiều may mắn, công việc thuận buồm xuôi gió, và dù ngồi đâu hay hướng về phía nào thì vẫn có niềm tin ở sự công bằng và cuối cùng sẽ đến được nơi cần đến.

                                                                                          29/12/2018.


Đọc thêm!

Thứ Bảy, tháng 11 17, 2018


Đã hưu được sáu tháng.

Lúc đi làm cứ tính năm tính tháng đến ngày nghỉ. Giờ nghỉ rồi còn tính làm gì? Không biết do thói quen hay đã quán triệt lời khuyên của mấy tiền bối hôm trước là cần tiếp tục phấn đấu để lên “hưu vừa”.

Mình đang “hưu dự bị”, con đường phấn đấu còn dài, mà đó lại là một quá trình tự diễn…à quên, tự học, không được đào tạo. 

Mới sáu tháng nên cũng chưa có thay đổi nhiều. Đáng kể là tạm thời chuyển chỗ ở, nơi mới hơi xa bạn bè nhưng được cái ít người biết nên mình có thể tiến thẳng lên “hưu vừa” thậm chí “hưu già”, cho oách. 

Cũng đã có một công việc mới, điều ngược lại là ở chỗ làm mới mình kiên quyết không tăng level, mãi mãi là “hưu trẻ”. 

“Thôi làm lính thì lại về làm thợ
Áo khác màu công việc vẫn như xưa
Đồng nghiệp mới cũng xinh như nơi cũ
Chợt giật mình chẳng biết đã hưu chưa”.

Cũng đã được thêm một ông sao trên ve áo. Mình mất mười bảy năm để từ U2 lên T3 và cũng bằng ấy năm để nhận ông sao cuối này, mười mấy năm không lên, không xuống, giống như truyện ngắn của một nhà văn quân đội “Người đi ngang sườn đồi”. Ừ thì đi ngang cũng là một cách đi.

Trong một diễn biến khác, sáu tháng qua, Sài Gòn đã chuyển từ hè sang thu. Thu phương nam không quá đậm đà nhưng vẫn có, dẫu chỉ thoáng qua trong chút sương, chút lạnh, chút bâng khuâng trên sắc màu hoa lá. 

Dự kiến là qua mùa thu sẽ tới mùa đông, rồi mùa xuân, mùa hạ. Bốn mùa tuần tự, vì ông trời không có mùa hưu.


Đọc thêm!
Bàn phím laptop của mình tự nhiên liệt mất chữ X, cũng hơi lạ vì mình thường chỉ gõ tiếng Việt, tần suất chữ X là không nhiều, cũng ít khi bàn luận về đồng chí X hay vấn đề X. Có thể là do phím X còn dùng để gõ dấu “ngã” kiểu Telex, nhưng dấu “~” này hình như cũng ít được dùng so với các dấu khác.
Vậy nguyên nhân phím chữ X tự nhiên lăn ra hỏng là không xác định, thích thì hỏng thôi, nó có quyền vì nó là ẩn số.
Tính thay cái bàn phím mới nhưng còn chần chừ, vì nghe nói đang có công nghệ chữ nghĩa gì đó, biết đâu người ta sẽ bỏ chữ X và dấu “~”.
Hơn nữa là mình cũng bực, không nhẽ lại chịu một chữ X, nó có quyền hỏng thì mình có quyền dùng chữ khác, kể cả nghĩ ra chữ mới, đã mang danh anh hùng bàn phím thì không gì là không thể.
Cụ thể có hai phương án, một là dùng chữ S, chữ này gọi là “sờ nặng” hay “sờ sâu” (vì cong queo giống con sâu) vốn cùng cặp với X tức “sờ nhẹ” hay “sờ bướm” (vì xòe ra như con bướm). Theo quy tắc thì “sờ sâu” phải đọc “nặng” hơn “sờ bướm” nhưng trên thực tế thì rất nhiều bà con kể cả “Hà Nội chuẩn” đều đọc như nhau tất.
Thử một câu xem sao: “Em xinh làm anh xốn xang” thành “Em sinh làm anh sốn sang”.
Nhìn sai sai, nhưng đọc lên có vẻ được, nhất là đọc theo “chuẩn”, còn nếu đọc đúng quy tắc “nặng nhẹ” thì ngữ nghĩa cũng không quá sai lệch, mà độ ép-phê có khi còn cao hơn.
Vậy phương án này khả thi, nhưng ngoài đời người ta dùng lẫn lộn thế mãi rồi, nên thường, ít trí tuệ.
Phương án hai là dùng bộ chữ cải cách của PGS Bùi. Trong bộ chữ này X đọc là “khờ”, vậy mình sẽ dùng chữ “Kh” thay cho X.
“Em xinh làm anh xốn xang” thành “Em khinh làm anh khốn khang”.
Cách này viết sai sai mà đọc lên lại càng sai, nhưng mức độ sáng tạo rất cao, rất trí tuệ, không phải dân cải cách hoặc công nghệ thì không thể hiểu được.
Mỗi phương án đều có ưu nhược điểm!! Vậy dùng phương án nào đây, hiện mình còn chưa quyết được. Có nhẽ phải đưa ra thực nghiệm chừng 30 năm.
Trong lúc chờ đợi đành dùng tạm cái bàn phím ảo có sẵn trên máy, hơi phiền phức nhưng gõ ra chữ thật, còn hơn ba cái bàn phím thật mà chập cheng, toàn gõ ra chữ ảo. Loại ấy chỉ mang bỏ sọt rác.

Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 8 27, 2018

NHỮNG NGÀY GIAN KHỔ 

   Má tôi sinh năm con trai nhưng ba người đã mất từ khi còn nhỏ. Hai anh tôi là Nguyễn Anh Quang, sinh năm 1960, mất lúc mấy tháng tuổi do sự cố phản ứng thuốc kháng sinh khi chữa bệnh đường ruột ở viện 108 và Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1962, mất lúc chưa đầy năm vì bị viêm màng não, cũng ở viện 108. Em kế tôi là Nguyễn Anh Minh sinh năm 1966, mất năm 1968 khi đi sơ tán tránh bom Mỹ.
    Hai người anh mất sớm tôi chỉ nghe kể lại, còn em Minh thì tôi biết. Thời kỳ đó má tôi làm quản lý bệnh xá nhà máy dệt 8/3. Bệnh xá sơ tán về làng Yên Mỹ, một vùng đất bãi ven sông Hồng, cách nội thành khoảng hai chục km đường đê. Khu bệnh xá gồm bốn dãy nhà tranh dựng thành hình vuông trên một khoảng ruộng ngoài làng, một dãy nhà bếp nhà ăn, một dãy nhà làm việc, một dãy nhà bệnh nhân và dãy nhà tập thể. Gia đình tôi ở gian đầu hồi của dãy tập thể, phía ngoài cùng, cạnh con đường của dân đi lại. Gần bệnh xá có một gò đất lớn, khá cao. Trên gò có ngôi chùa nhỏ, cây cối um tùm.
    Hàng ngày tôi ở nhà với ông Thủy. Ông Thủy là em ông nội tôi. Năm 1954 ông Thủy từ Quảng Ngãi tập kết ra Bắc công tác ở ngành thủy lợi, thời kỳ này ông đã được nghỉ mất sức về ở với ông nội tôi tại Thường Tín (Hà Tây), rồi ông sang Yên Mỹ với má con tôi. Theo mọi người kể lại, ông Thủy làm nội trợ khéo mà chăm cháu cũng rất kỹ, không mấy khi để tôi xuống đất. Tôi cũng còn nhớ là mình thường được ngồi trên lưng ông nhong nhong đi chơi khắp nơi, ra chợ, vào làng, có khi sẩm tối mới về, con đường đất vắng vẻ băng ngang cánh đồng làm tôi sợ chết khiếp. Được ông chiều nên tôi hay quấy, có lần dỗ mãi mà tôi không chịu ăn, ông nổi nóng quăng luôn bát cơm xuống con mương cạn trước nhà, tối về tôi mách má: ông vứt cơm xuống mương, ông bắt con chết nhịn - làm mọi người cười bò.
    Em Minh lúc đó hơn một tuổi, mập mạp, trắng trẻo, nhưng bị chấn động não từ khi mới sinh nên chỉ nằm một chỗ, không có nhận thức gì. Vì thế nên má luôn phải mang em theo, lúc làm việc, họp hành cũng để gần đó, hết giờ mới ôm em về.
   Ngoài quản lý, má còn làm bên công đoàn nên thường phải về nhà máy họp, má đặt em Minh vào một cái rổ lớn buộc sau xe đạp để chở đi. Để tránh máy bay đánh phá nên nhiều việc phải làm buổi tối, có khi tám, chín giờ mới xong, má lại chở em Minh về Yên Mỹ. Đường đi trên con đê cao ban đêm không một bóng người, hai bên là bãi ngô trải dài mờ mịt, má kể là có khi em Minh đói mệt khóc oe oe suốt dọc đường khuya làm má vừa thương, vừa sợ. Lúc lên đê, má phải tháo rổ, đặt em Minh dưới chân dốc, đẩy xe tới mặt đê rồi quay xuống mang em lên, buộc rổ vào xe, đi tiếp. Lúc xuống đê, lại phải đặt em trên đỉnh dốc, dắt xe xuống rồi mới trở lên mang em xuống. Không biết bao nhiêu chuyến đi như thế. Có lần gặp con rắn lớn nằm ngang đường, má chờ lâu sốt ruột, tìm cục đá ném chết nó, mang về. Đó là một con rắn sọc dưa, loại hay đi bắt chuột.
   Khoảng giữa năm 1968 ông Thủy về Thường Tín, tôi lên bốn tuổi nên đã biết trông nhà, tự chơi bời với đám bạn trong khu bệnh xá. Thời kỳ này má có mang em Thái nên cũng ít đi lại. Hai má con vẫn ở gian nhà đầu hồi, cách biệt với những gia đình khác. Ba tôi là bộ đội, thời chiến ít khi ở nhà. Một buổi tối đã muộn, ba má con nằm trên giường nhưng chưa ngủ, chợt có người xách đèn bão, giật toang cửa nói to: vỡ đê rồi, sao còn ở đây ? Má con tôi chạy ra ngoài, thấy nước đang tràn vào sân. Má bảo tôi cầm cái đèn dầu, soi cho má thu dọn đồ đạc, quần áo rồi ôm em Minh chạy lên ngôi chùa trên gò cao. Lên đến nơi, gửi các thứ đấy, chúng tôi lại quay về nhà chuyến nữa. Không biết được mấy chuyến nhưng nước lên rất nhanh, chuyến cuối cùng, nước đã ngập tới bụng, tôi vẫn cầm đèn soi đường nhưng còn kịp phát hiện và kêu: má kìa, nước vào chuồng gà rồi. Mấy con gà kẹt trong chuồng đang nhảy loạn xạ nhưng chúng tôi không kịp cứu chúng. Đợt đó chỉ kịp chạy mấy thứ thiết yếu, còn tất cả đồ đạc phải bỏ lại, chiếc giường mới của mẹ con tôi sau lần ấy nhuộm màu phù sa, hằn rõ từng ngấn nước, nhiều năm sau vẫn còn thấy.
     Lên chùa chắc mệt quá nên tôi ngủ say, không nhớ chuyện gì nữa. Sáng hôm sau dậy muộn, không thấy má nhưng thấy ông Thủy đến từ lúc nào, bảo tôi sang ở với ông. Hai ông cháu ra cổng chùa, lên một con thuyền nhỏ, người đàn ông chèo thuyền luồn lách qua các ngọn cây, mái nhà, băng qua cánh đồng ngập nước đỏ ngầu tới bờ đê. Hai ông cháu leo lên một cái chợ nhỏ, họp dã chiến ngay trên con đường đá, thuê người chở xe đạp về Thường Tín.
    Tiếp đó là một thời gian dài tôi ở với hai ông, ông nội tôi là Nguyễn Trung Phu, khi đó công tác tại Bệnh viện tâm thần trung ương và ông Thủy. Cũng như những bạn bè cùng trang lứa thời ấy, đã quen với cuộc sống xa ba mẹ ở những nơi xa lạ, nên tôi cũng không thắc mắc khi lâu không được gặp má, nhưng tôi rất nhớ người. Đồng ruộng ngày đó còn trống trải, từ nhà ông nội có thể nhìn ra tận ga Thường Tín, buổi chiều xuống, tôi ngồi trên cái võng trước mái hiên, nhìn về phía những đoàn tàu nhả khói, tưởng tượng như mình đang trên đường về Hà Nội.
    Tôi không biết lý do má không đến thăm tôi.
    Đêm ấy chạy lụt, lúc lên chùa má tôi để em Minh nằm lên thềm đá cao, nhờ một chú tiểu trông hộ rồi quay xuống chuyển đồ, lúc xong việc quay lại thì thấy em Minh đã được đặt chỗ khác và đã tắt thở, đầu có vết bầm lớn, nghi là bị ngã xuống nền nhà chùa. Chú tiếu cũng bỏ trốn không gặp lại nữa. Trong đêm, má tôi tìm cách báo tin cho ba, may là dịp đó ba đang ở Hà Nội nên sáng hôm sau nhờ xe của đơn vị cùng một người bạn về Yên Mỹ, trên đường ghé qua Thường Tín đón ông Thủy.
    Má tôi kể là đang lúc lụt lội nên đến quá trưa mới tìm được người của địa phương để làm chứng tử cho em Minh rồi đưa em sang nghĩa trang Văn Điển. Chỉ có ba má tôi, bạn của ba và chú lái xe, không kịp báo cho anh em, bà con. Đi được một đoạn thì xe hỏng, sửa mãi không được, cứ nổ máy một chút rồi tắt. Xế chiều tới chập tối, mọi người đã hết cách thì có một bác lớn tuổi từ trong làng đi ra, nói là thợ máy, thấy xe bộ đội bị hỏng nên tới xem giúp. Một lúc sau thì sửa được xe, lại tiếp tục đi, nhưng sang đến Văn Điển thì đã chín giờ tối, nghĩa trang không làm việc. Ba má tôi phải gửi em Minh lại nhà xác rồi về Hà Nội. Sáng hôm sau ba má tôi đạp xe lên nghĩa trang, làm thủ tục, mua áo quan, rồi thuê người chôn cất em Minh. Má tôi nói, tối hôm trước người ta để em Minh không cẩn thận, nên em bị con gì đó cắn nát một bên cổ.
    Chiến tranh phá hoại còn tiếp tục thêm vài tháng nữa rồi tạm lắng, nhưng cuộc sống gia đình tôi tiếp tục biến động, tôi sang ở với ông, má tôi về Hà Nội ít bữa thì sinh em Thái, ba tôi vẫn đi công tác liên tục. Giai đoạn sau này, tới dịp Bác Hồ mất, tôi mới theo ba về đơn vị ở dốc Bưởi, rồi sang Hồ Tây, rồi về một khu nhà trên phố Nguyễn Thượng Hiền gần hồ Ha-le. Má tôi xin nghỉ hưu sớm, trả căn buồng tập thể của nhà máy dệt rồi cũng đi ở nhờ một số nơi. Mãi đến lúc ba má tôi muợn được một gian nhà gỗ lụp xụp trong ngõ chợ Khâm Thiên, nhà tôi mới sum họp, lúc này đã có thêm em Thái. Những lúc ba tôi đi vắng, lại có ông Thủy lên giúp, ông mang theo đậu xanh, gạo nếp, có khi cả mấy con gà, là những thứ hai ông tăng gia được.
    Đến nay thì thời gian đã cách xa tròn nửa thế kỷ, hai ông và ba má tôi cũng đã qua đời, những gì tôi nhớ được là sự pha trộn giữa ký ức thơ ấu và những câu chuyện được nghe kể lại, cũng từ lâu lắm rồi. Còn nhiều điều tôi muốn biết về những ngày tháng gian khổ đó, về những người ruột thịt của mình, nhưng giờ thì không thể, chúng thuộc về những người đã mãi mãi đi xa.
   (Vu lan 2018).

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 8 21, 2018

Đầy vơi cuộc sống. 
   
     Năm 1982 mình vào học sĩ quan, đời sống khi đó đã qua đỉnh điểm khó khăn (77-80) nhưng vẫn còn đói kém. Trường mình ở ngay Sài Gòn nên việc ăn uống không tệ đến mức “ác liệt” như nhiều đơn vị khác nhưng định lượng thì vẫn theo tiêu chuẩn chung nên nhìn chung là vẫn…đói.
     Nói riêng về cơm (chuyện thức ăn có dịp kể sau), thì ngày thường ba bữa, sáng một bát lưng lưng chan với nước giống nước mắm, bữa chính thì sáu người một xoong lưng lưng. Cơm ít lại để chung nên việc chia cho đều là rất khó, thế nào cũng có sự chênh lệch ít nhiều do vô tình hay cố ý, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tình đoàn kết của bộ đội (!). Vì vậy trên tinh thần đồng chí đồng đội và căn cứ vào tình hình thực tế, tại nhà ăn đã dần hình thành một định mức ngầm hiểu là: cơm mỗi người ba lần xới.
    Tuy nhiên định mức mỗi lần xới là bao nhiêu thì luật không kiểm soát, do đó có thể vận dụng được. Vì tự xới nên mỗi người vận dụng theo một cách sao cho hiệu quả nhất, nhưng rồi cũng trên tinh thần đồng chí đồng đội và căn cứ vào tình hình thực tế, dần dần có hai cách vận dụng phổ biến là: “Vơi đầy vơi” và “Đầy vơi đầy”.
    “Vơi đầy vơi” là: bát thứ nhất lấy vơi vơi, ăn nhanh rồi lấy bát thứ hai thật đầy (đây là bát chủ lực) ăn hết bát này hơi lâu nên bát thứ ba do anh em để lại cho đủ số lượng đương nhiên là cũng vơi. Nếu xét về tốc độ thì cách này gọi là “Nhanh chậm nhanh”.
    Còn “Đầy vơi đầy” thì ngược lại: Bát thứ nhất đầy, bát thứ hai vơi, ăn thật nhanh để kịp lấy bát thứ ba lúc cơm còn nhiều, có thể lấy đầy đầy một chút. Cách này còn gọi là “Chậm nhanh chậm”.
     Hai trường phái tác chiến ẩm thực này về mặt lý luận thì đều khoa học và hợp lý như nhau nhưng về mặt thực tiễn thì chưa có ai đứng ra điều tra, kết luận nên luôn là đề tài tranh cãi quyết liệt của nhiều thế hệ học viên thời ấy, cho đến tận bây giờ khi gặp nhau, đôi khi vẫn còn tiếp diễn. Một phần vì bản chất đó là một chuyện vui đời lính, “vơi đầy” hay “đầy vơi” ở những ngày gian khổ ấy túm lại là vẫn đói như nhau. Những năm sau này khi đời sống bộ đội khá dần lên, đến lúc cơm đã đủ no, chuyện ăn uống không còn là ám ảnh thì lý luận “vơi đầy” nói trên lỗi thời, không còn được nhắc đến.
    Mấy hôm gần đây, bắt đầu từ lời khuyên của một doanh nhân, trên báo chí đang có thảo luận: người trẻ có nên cố mua nhà không? Với hai luồng ý kiến trái chiều tranh cãi nhau gay gắt: Hoặc là vay mượn mua nhà để ổn định cuộc sống rồi kiếm tiền trả nợ hoặc đầu tư cho học hành, công việc, kiếm tiền rồi mua nhà…làm mình tự nhiên nhớ lại ngày xưa. Mừng vì lớp trẻ bây giờ có điều kiện quan tâm đến những vấn đề to tát hơn nhiều, không chỉ là đôi bát cơm gạo mốc, nhưng câu chuyện thì thấy cũng như nhau, cũng vẫn là vấn đề “đầy vơi” trong cuộc sống.
    Nhà cửa hay công việc, gia đình hay sự nghiệp, thay đổi hay an phận…chẳng thể trọn vẹn cho mỗi người, mà cũng chẳng có công thức chung cho mọi người, đầy lúc này thì vơi lúc khác, đầy chỗ này thì vơi chỗ khác, rồi cuối cùng thì mỗi người cũng “một bát” mà thôi. Đầy vơi thế nào do mỗi người chọn, bình tĩnh mà chọn, lỡ phải bát vơi thì bụp cho nhanh để còn bát khác, được bát đầy có khi phải cảnh giác, chén xong rồi, cơm cháo còn lại chẳng bao nhiêu.
     Mà có thế mới là đời, con người, thiên nhiên, đầy vơi vận động - Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi (Hoàng Hữu).
    Vầng trăng tròn trịa, mặt nước phẳng lặng chắc chỉ có trong tranh thủy mặc.

 Hình: Đón tết 1984 - Lớp 1611 SQKT Vin-Hem Pich.

Đọc thêm!
     Từ hồi vào Nam mình chuyển nhà tới năm, sáu lần nhưng vẫn loanh quanh xóm Gò Vấp. Nhà cũ của mình ở giáp ranh nên có thời gian được nhích sang Bình Thạnh, nhưng rồi lại nhanh chóng trở về Gò Vấp, âu cũng là cái số! 
     Gò vấp là vùng đất lịch sử, cái tên Gò Vấp có từ lâu đời, được cho là bắt nguồn từ khu gò có nhiều cây Vắp (sau đọc chệch thành Vấp). Nếu đúng như thế thì đây là một cái tên quá hay, đủ các yếu tố văn-sử-địa lại dân dã, thuần Việt và thân thiện với môi trường! 
    Có điều mới nghe thấy nó quê quê (Gò), lại ghê ghê (Vấp), như nhà thơ Cung Văn viết “Đã là gò không khéo đi dễ vấp”, còn bà con mình thì gọi vui là Gò Té. Hồi trước có nhiều công ty, sản phẩm có thương hiệu GoVa như thuốc lá GoVa của nhà máy Bến Thành, rẻ tiền nhưng hút rất được (nghe nói là dùng sợi vụn của dây chuyền sản xuất thuốc Craven A), GoVa là Gò Vấp viết kiểu cải cách!
   Theo nhà văn Sơn Nam, Gò Vấp là vùng ngoại ô, địa bàn sinh sống lâu đời của tầng lớp lao động, công chức cấp thấp và dân nhập cư từ miền ngoài, xét về khía cạnh này cái tên Gò Vấp có vẻ hợp với tính chất bấp bênh của cuộc sống ở đây, nhưng mặt khác nó cũng thể hiện sự vận động, trong khi nhiều địa danh khác của Sài Gòn hoa lệ lại mang vẻ bình bình an phận như Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Thủ Đức…
    Mình đến GoVa lần đầu năm 1979, khi đường Nguyễn Oanh còn là con đường đá lầy lội, lóc cóc vó xe thổ mộ chạy tuyến chợ Gò - Ba Thôn - Lái Thiêu, sau đó thì vào học, sinh sống, làm việc tới khi về hươu. Gắn bó với xứ Gò ngót bốn mươi năm, so với lớp GoVa trà sữa thì cũng thuộc loại kỳ cựu.
   Mình thấy cái ít thay đổi nhất ở GoVa những năm qua là tuyến tàu bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Theo thời gian, dù kiểu loại khác nhau, mật độ khi nhiều khi ít, quang cảnh dưới mặt đất cũng thay đổi từng ngày, nhưng những chiếc tàu bay vẫn đều đều hiện ra từ phía Bình Lợi, Thủ Đức, ầm ì lướt qua sông Vàm Thuật, Căn cứ 26, Ngã năm chuồng chó, rồi ào ào đáp xuống đường băng theo một lộ trình bất biến. Nhìn từ xa, như những cánh chim về tổ.
   Giờ phải tạm xa GoVa về quận 10 vài năm. Dù gần trung tâm hơn nhưng chung cư nơi mình ở lại khá yên tĩnh, một phần vì trên trời không có tàu bay.


Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 8 02, 2018

Mấy hôm rồi mệt với hai ông đầu gối.
Theo đúng lộ trình “hưu từng phần”, thì hai ông đầu gối thuộc diện chưa được nghỉ đợt này. Lý do là cống hiến cho nhà nước chưa nhiều!
Hơn ba chục năm công tác, hai ông đầu gối chưa hề làm ra một công văn, báo cáo nào, cũng chưa từng tham gia phát biểu ý kiến này nọ, cũng chẳng bao giờ xuất hiện chào đón thủ trưởng cấp trên. Hiệu quả làm việc của hai ông, xét theo tiêu chí công chức văn phòng, là rất thấp.
Vì vậy theo dự kiến của trung ương (!), hai ông sẽ tiếp tục làm việc bình thường, phát huy sở trường, đưa các bộ phận khác đi chơi đó đây. Hưu rồi, quần short thay cho quần dài, cũng là dịp để hai ông mở mặt với đời.    
Vậy mà mới được mấy bữa thì hai ông kêu đau, bài tập đi bộ hàng ngày phải tạm dừng, đi khám được báo là “thoái hóa khớp”.
Hơi giật mình, thời củi lửa bi giờ, “thoái hóa” là vấn đề nhạy cảm, nhỡ thiên hạ nghe không rõ, chưa biết mình thoái cái gì, đem xếp luôn vào bộ phận không nhỏ thì bỏ mẹ. May mà vị bác sỹ BV 175 cũng tâm lý, nhanh chóng vận dụng sự vi diệu của tiếng Việt để giải thích cho mình đó là “dấu ấn thời gian trên khớp gối”. Bố khỉ, văn đến thế là cùng, chỉ vài mỹ từ đã chuyển căn bệnh khó ưa từ phạm trù y khoa sang phạm trù văn hóa!
Để xử lý vấn đề văn hóa này lại phải dùng biện pháp khoa học công nghệ, hai ông đầu gối được vật lý trị liệu, hàng ngày vào viện một tiếng để làm mấy món điện xung, vi sóng, hồng ngoại. Chữa bệnh kiểu này hợp với dân kỹ thuật như mình, cảm thấy sóng với điện chạy vào người rất là ép-phê, qua một tuần đã thấy đỡ hẳn.
Nhưng về lâu dài vẫn phải tiếp tục nhiều biện pháp khác như luyện tập, thuốc men, không loại trừ cả việc kiểm điểm, phê và tự phê theo nghị quyết cho chắc cú.
Rồi cũng phải xem lại vấn đề chế độ của hai ông đầu gối. Có nên cho hai ông nghỉ chưa? Có lẽ là chưa thể cho nghỉ (hai ông mà nghỉ thì ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận khác), mà nên luân chuyển hai ông làm lãnh đạo, được làm lãnh đạo có khi hai ông lại khỏe ra, lại cứng cáp như xưa!
Chỉ hơi ngại là các bộ phận không tín nhiệm, nhưng mà hưu rồi, nhường nhau một tý, thằng lãnh đạo chẳng thế.
Mà nhìn ra xã hội bi giờ, đầu gối làm lãnh đạo thiếu gì. 


Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 5 28, 2018


Mát trời đánh một giấc dài
Sáng ra phấn khởi mở đài lên nghe
Đêm qua nước Tụ tứ bề
Mà đường thông thoáng người xe chỉ Ùn
Nhưng cũng cho bỏ Phí luôn
Chỉ còn thu Giá bà con vui lòng
Cọng giá thì nó phải cong
Cứ đòi thẳng thắn thì tong cả à
“Nâng đỡ” còn tối kia mà
Tiếng Việt trong sáng gọi là diễm xưa
“Quà trên tình cảm” bao vừa
“Tàu quen tàu lạ” còn chưa tỏ tường
Giật mình nhảy vội lên giường
Trùm chăn tiếp tục đoạn trường chiêm bao
Tiếng mình hay tiếng nước nào ?
Nó là tiếng nước đông-lào đó anh./.

Đọc thêm!
Đồng hồ sinh học chưa kịp lên dây cót lại, buổi sáng cứ thấy thiêu thiếu, tiện tay mở TV, đúng lúc đang Live một phiên họp.

Có đại biểu nào đang nói (đọc): Kính thưa… tôi hoàn toàn nhất trí (abc), sau đây tôi xin có thêm ý kiến (xyz). Tự nhiên đầu óc tỉnh hẳn, hơ hơ, nghe quen quen.

Hôm nay thứ sáu, nếu còn đi làm, chắc chắn là đang giao ban hay họp cái gì đó. Hóa ra là thiếu cái món này, hay quá, ngồi dự luôn.

Lại một đại biểu nữa tiếp tục: Tôi hoàn toàn nhất trí …., sau đây tôi xin có thêm ý kiến….Rồi một vị khác nữa: Tôi hoàn toàn nhất trí …., sau đây tôi xin có thêm ý kiến ….

Bắt đầu khoái à nha! Không hẳn là vì nội dung, vì cơ bản cũng như trên báo, mà là khoái cái không khí hội họp thân thuộc bao năm.

Thế là mình cứ mê mải ngồi “họp” gần hết buổi sáng, có lúc suýt giơ tay phát biểu mới bỏ mẹ. Ờ, mà giả sử có cho mình phát biểu thì có khi mình cũng chơi được chứ: Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí …., sau đây tôi xin có thêm một số ý kiến…hơ hơ.    
    
Phiên họp sáng kết thúc, mình cũng tạm nghỉ.

Trước khi nghỉ xin kể thêm câu chuyện: Có ông em được mời lên phát biểu mở màn. Ổng nói: tôi xin nhất trí với báo cáo và các ý kiến trước. Hội nghị cười ồ vì trước đó đã có ai nói đâu. Cười vui thôi vì biết ổng lỡ lời theo thói quen. Nghe nói còn có ông phát biểu vầy mới hay: Tôi xin nhất trí với các ý kiến phát biểu trước và phát biểu sau.

Nghe nói vẫn được vỗ tay. 

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 5 24, 2018


      Tiếp tục quá trình hội nhập, hôm qua đi đổi cái bằng lái xe. Thủ tục cũng dễ, lệ giá…à quên…lệ phí trăm ba lăm ngàn. Hẹn mười ngày có bằng mới.
     Vậy là sắp chia tay với cái bằng quân sự. Chợt nhớ hồi học lái xe năm 1984, lúc còn học viên. Thầy trò kéo nhau lên Long Bình, ở nhờ tiểu đoàn vận tải. Khu Tổng kho Long Bình phía ngoài lúc đó gần như bỏ hoang, bãi tập, đường sá rộng rãi nhưng khá nguy hiểm vì bị đào bới tan nát để lấy phế liệu. Khắp nơi chằng chịt hào rãnh, hố to hố nhỏ. Giai đoạn bọn mình lên, người ta đã lấy đến cả đường nhựa! đúng hơn là những mảng bê tông nhựa trải đường của Mỹ, dày cả gang tay, mà chất lượng theo mô tả là “đời đời bền vững”.  
      Học lái trên loại xe Zin-ba-cầu to vật, tay lái không trợ lực nặng như cùm, mà thầy lại không cho đề, mỗi lần mở máy là phải leo xuống giật ma-ni-ven vẹo sườn. Khổ thế nhưng đứa nào cũng háo hức vì nghề bẻ cổ ô tô trong xã hội lúc đó là vô cùng có phí…à quên…có giá.
      Được vài bữa thầy đã bắt đánh xe ra đường, ngồi lọt thỏm trong ca bin của con xe kềnh càng, bơi trên xa lộ Biên Hòa tấp nập, đứa nào cũng hoảng hồn, mặt tái mét. Về đến nhà rồi mới sướng, khoe ầm lên: mẹ, tao đạp hết ga. Biết đâu là thầy đã buộc cần kéo ga rồi, đạp hết mức cũng chẳng quá được 40 km/h.    
    Cái bằng quân sự gắn với kỷ niệm quân ngũ. Bây giờ bằng mới thì vẫn vi vu trên những cung đường cũ, rồi sẽ thêm những cung đường mới, miễn là bánh xe vẫn quay đều.
   Một diễn biến khác, đã mua một ổ đĩa di động để chuyển hết những thư mục liên quan đến công việc trong máy tính ra. Kết quả những năm công tác được “số hóa” thành mấy chục GB vô hình. Cứ lưu lại đó, chẳng biết còn giá trị gì không, nhưng cũng là dấu tích buồn vui một thời.


Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 5 22, 2018

Để đáp lại buổi họp mặt nhân ngày thành lập Trường tuần trước, tối qua các “cụ” hưu trí của Khoa có bữa “rượu nhạt” mời anh em còn đương chức. Tuy nhiên cuộc gặp này do các cụ “hưu vừa” tổ chức, các cụ “hưu già” và “hưu trẻ” (như mình) được mời dự mà không cho góp-ba-chốp.
Xem ra cái xã hội hưu cũng phức tạp phết, mới một đội nhỏ mà đã chia đẳng cấp thế, lại còn được động viên là: cứ bình tĩnh nghỉ hưu cho tốt rồi dần dần sẽ được lên nhóm “hưu vừa”, “hưu già”, mà nghe đâu còn có cả “siêu hưu”.
Biết làm sao được, tưởng hưu là ngon rồi, bi giờ lại phấn đấu tiếp.
Mà nghỉ hưu tốt là thế nào ha? Chưa có cụ hưu cấp trên nào giải thích cho mình. Chẳng nhẽ cứ lấy cái tiêu chí “công tác tốt” ngày xưa, chỗ nào có chữ “công tác”, “làm việc”…thì thay chữ “nghỉ” vô. Đại loại: luôn luôn ra sức nghỉ, nhận và hoàn thành mọi sự nghỉ ngơi, nghiên cứu cải tiến, nâng cao hiệu quả nghỉ ngơi, sẵn sàng tương trợ nghỉ thay cho các đ/c khác…
Có vẻ không ổn lắm. Đã nghỉ lại còn ra sức!
Thôi để từ từ nghiên cứu.



Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 5 16, 2018

Hình này chụp để đăng kỷ yếu 25 năm ngày truyền thống trường Vin (CĐKT Vin-hem Pich) 1978-2003, cách nay đúng 15 năm.
Ngày đó mình mới về Ban Khoa học công nghệ - Môi trường được mấy tháng, còn bỡ ngỡ. Tên của Ban viết tắt “KHCN-MT” được ông anh cấp trên giải thích là Ka Hát Cả Ngày Mỏi Tay, mình thấy cũng đúng. Nhiệm vụ thì khá “phiêu” toàn những vấn đề sách vở trên trời dưới đất, có vẻ gần với nghệ thuật! Mà cũng mỏi tay thật vì suốt ngày gõ máy tính, xếp công văn, kể ra thì còn mỏi cả chân và một số bộ phận khác, vì họp hành và chạy loăng quăng khá nhiều.
Quân số thì khiêm tốn như trên hình, mấy bữa sau thì Mr Điệp đi học tiến sĩ. Vậy là còn lại tám, hai nam, sáu nữ, mất cân đối nghiêm trọng về giới.
Công việc thì phần ai nấy làm, còn những việc khác hầu hết do phía chị em chốt hạ. Hai anh em thì vui vẻ chấp hành vì xác định dù có biểu quyết, cãi nhau hay đánh tay bo thì đều không có phần trăm nào cơ hội. Đại ca Khuể Trưởng Ban, theo chức trách thì có quyền ra lệnh. Nhưng như các cụ đã nói: Lệnh ông không bằng cồng bà, đằng này có tận sáu cái cồng.
Cơ bản thì cũng sướng, đang giờ làm việc mà nghe điện thoại nội bộ reng reng thì biết là có chén, trái cây hay quà bánh. Chị em cứ thích thì mua, rồi khách thăm thư viện ít khi đến tay không. Buổi trưa cũng hay tổ chức thể hiện tay nghề ẩm thực, đặc sắc nhất là ốc luộc đúng chuẩn Hà Nội, bao gồm cả gai bưởi để khêu (ốc) và rượu nút lá chuối. Các sếp Ban Giám hiệu thường order món này, đến bây giờ gặp vẫn còn nhắc. Cứ đều đều vậy nên chỉ sau mấy tháng mà đại ca Khuể lên được bốn, năm ký, mình thì không lên nhưng khỏe hẳn!
Ngày 8/3 chị em chuẩn bị bánh kẹo chu đáo, chuẩn bị cả bao thơ (tiền lì xì), hai anh em chỉ mỗi lẵng hoa xách xuống (mà tiền mua hoa cũng của chị em đưa), thế mới ngượng. Bao nhiêu năm như thế, bây giờ về hưu mới dám kể.
Nhà đông nữ nên cũng có những thiệt thòi, ví dụ khi đi hàng quán thì không được “bốc” (ý là bốc về khoản rượu bia), có hai anh em chém qua chém lại mãi mà không trúng được gió. Những khi có khách ngoài thì lại phải ra sức chiến đấu để giữ uy tín cho chị em! không để người ta nói “âm thịnh, dương suy” này nọ...
Thời gian như chuột chạy, thoáng chốc đã mười mấy năm, chín người trong hình thì sáu đã nghỉ hưu, hai chuyển đơn vị khác, còn mỗi Mrs Gấm, em út ngày nào, còn ở lại Ban.

Đọc thêm!
Hôm nay vẫn nghỉ, ngày Quốc tế lao động. Được nghỉ để mừng ngày lao động, nghe có gì sai sai. Nhưng bà con ai cũng hưởng ứng.
Nhiều năm trước, cũng vào dịp này, mình nhớ có ngày Lao động cộng sản, là ngày cha con kéo nhau đi làm công ích. Hiệu quả vật chất chắc chẳng ai tính, nhưng hiệu quả tinh thần được cho là rất to lớn vì làm vào ngày nghỉ.
Nghỉ vào ngày làm, làm vào ngày nghỉ, nghỉ và làm, xem ra rất tương đối, nhất là ở xứ mình.
Hai ông anh đã về hưu. Một ông nói: Mẹ, hưu rồi, quát chó nó còn không thèm nghe. Nhà mình không có chó, mà cũng chưa quát ai, nên không kiểm chứng được.
Ông kia nói: nhậu ngày hai cữ, họp hành nhiều hơn ngày xưa. Mình nghe cũng khiếp, nhậu còn cố được, chứ họp hành hơn xưa thì toi. Vậy là “làm hưu” chứ nghỉ cái giề.
Chưa biết thế nào, nhưng ngày hưu đầu tiên, ơn giời, cũng được.

Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 1 15, 2018

Họp mặt QKNĐ phía Nam - Lần 2  (1/2018)

Nhà Rồng từ buổi chia tay
Thời gian thấm thoắt đã đầy ba niên
Chợ ảo dù gặp thường xuyên
Vẫn mong có dịp hàn huyên dãi dề
Chốn xưa ai đó đi về
Nỗi niềm xa xứ bộn bề lắm thay…

Tin vui chợt báo trên Phây
Ban Liên lạc đã định ngày họp Khu
Sài Gòn trở lại mùa thu
Trung, Nam, Hà Nội, EU…hướng vào

Hotel Tân Sơn Nhất  ba sao
Người Nam Đồng đến thêm vào một ngôi
Sao Quân khu đẹp rạng ngời
Thắm màu truyền thống năm mươi năm trường
Tóc xanh bên những tóc sương
Hào hùng giọng hát, thân thương nghĩa tình
Bồi hồi hai tiếng “khu mình”
Không mờ danh tiếng oai linh một thời…

Phương nam sáng ấy tuyệt vời  
Những người con lính cuối trời gặp nhau.







Đọc thêm!