Thứ Hai, tháng 9 02, 2019

Đi Bangkok. 

Nhà mình sang Thailand lần đầu, nhưng có 4 ngày, nên chỉ ở Bangkok, không đi thêm nơi khác. Cũng hơi băn khoăn vì nghe nói BK giống Sài Gòn, không nhẽ lại mất tiền từ quận 10 bay sang quận 3 du lịch?

 Nhưng đi về rồi thấy BK cũng thú vị, vừa giống lại vừa khác. Về quang cảnh thì như SG nhưng hoàng tráng, hiện đại hơn, về đường phố thì quy củ, trật tự như Đà Nẵng nhưng rõ nét hơn, về con người thì hiền lành như xứ Huế nhưng cởi mở hơn, vì vậy nếu từ VN sang thì thấy BK không có gì lạ, chỉ lạ ở chỗ làm sao họ lại gom được tất cả những điều “đáng sống” ở mấy nơi về cùng một chỗ và làm cho nó “đáng sống” hơn.

 Giao thông công cộng ở BK đang phát triển, trong lúc các sếp nhà mình còn loay hoay với hai cục bê tông Cát Linh và Suối Tiên thì họ đã kịp xong ba bốn tuyến tàu điện ngầm và tàu trên cao hoạt động tốt, kết nối vận chuyển lượng khách rất lớn, nhanh chóng và thuận tiện. Mấy ngày ở BK, mấy nhóc nhà mình ưu tiên thưởng thức hai món “lạ mông” này, dù tiền vé bốn người cộng lại có khi còn đắt hơn taxi.

 Bus đường sông cũng vậy, ngoài các bến tàu ngoài sông lớn, còn có tuyến xuồng chạy vào kênh nhỏ. Loại bus xuồng này bình dân, bến bãi khá xập xệ, nhưng vào giờ cao điểm rất đông khách vì tránh được kẹt xe. Đi bus xuồng vui vì chen lẫn với dân địa phương và hưởng cảm giác mạnh từ những pha bẻ lái tung nước của “tài xuồng”. Nước sông cũng không sạch lắm nhưng không có mùi hôi. Tiếng Thái nghe êm tai, nhất là phụ nữ, khi nói có âm “kha” cuối câu kéo dài như hát.

 Đi trên đường phố BK chỉ nghe tiếng động cơ và tiếng bánh xe rào rào, không hề có tiếng còi. Lần duy nhất mình nghe còi là khi cậu tài xế chở khách đến nhà hát trễ giờ, lại bị xe bus đỗ chắn lối vào. Mình hiến kế, nếu dân chúng ở ta có thắc mắc về giá xe đắt rẻ, các sếp cứ giải thích đó là do thuế còi, xe ở Thailand không lắp còi nên rẻ, xe về mình có còi nên đắt, thế thôi, khỏi vẽ ra ba thứ thuế lằng nhằng, mang tiếng.

 Tuy nhiên xe không còi cũng có cái dở là nó cứ rì rì đến sát chân mới biết, nhiều lúc giật mình. Được cái ô tô ở Thái chạy từ tốn, nhường đường cho người đi bộ. Giờ cao điểm, kẹt xe nặng vẫn chờ ngay ngắn, không lấn, không còi, nên đỡ ức chế. Phương tiện nhắng nhít, ồn ào nhất trên đường phố là xe Tuk Tuk. Có vẻ như chúng được xếp vào loại “đặc sản Thailand” nên có sự ưu ái, cho độ ống bô, độ đèn, tô vẽ sặc sỡ, có xe độ cả dàn loa khủng. Về lâu dài thì cũng nên bảo tồn mấy bé Tuk Tuk này, vì vắng chúng, đường phố Bangkok sẽ rất buồn tẻ.

 Ở BK, các loại đường trên cao, cầu vượt, cầu bộ hành rất nhiều, có chỗ rộng như quảng trường, giúp tận dụng không gian. Ở mình cũng đã từng có những dự án như vậy, ví dụ như dự án đường trên cao dọc Nam Ký Khởi Nghĩa từ sân bay về trung tâm TP, không hiểu sao người ta không làm, mà chi rất nhiều tiền giải tỏa mở rộng ra hai bên, để đến bây giờ vẫn ùn tắc bởi mấy chục cái giao lộ. Điểm cộng nữa cho đường phố BK là trật tự, ít xe máy, hàng rong, rất ít ăn xin, cò mồi chèo kéo. Điểm này như trên mình đã nói, giống Đà Nẵng mấy năm trước, biết đến giờ có còn giữ được không?

 Thời gian không nhiều, nên nhà mình chọn mấy điểm tham quan bao quát. Khu du lịch Ancient City cách trung tâm hơn 30 km được xây dựng như một nước Thái thu nhỏ với những đặc trưng kiến trúc, văn hóa, lịch sử khác nhau. Khu này đẹp nhưng rất rộng, đạp xe cả buổi cũng chỉ đủ lướt qua. Show biểu diễn của nhà hát Siam Niramit cũng lớn, sân khấu quá đẹp và hiện đại, dàn dựng công phu, mô phỏng tiến trình lịch sử, văn hóa của đất nước Thailand. Có điều, chắc là do tính chất ôn hòa nên ít những cao trào sôi động, chủ yếu là khung cảnh sinh hoạt và thần tiên, tươi vui, nhẹ nhàng.

 Những điểm khác như trung tâm mua sắm, giải trí, ăn uống, chợ đêm…cũng như ở SG nhưng quy mô, trật tự hơn. Chợ bán quần áo rất lớn, thấy bà xã mình khen đồ nhiều, rẻ, mua bán dễ chịu.

 Khách sạn mini, nơi nhà mình ở, có một phòng tiếp tân kiêm cà phê dễ thương trông ra con phố nhỏ ngay trung tâm BK. Lúc ăn sáng hay cà phê có thể ngắm xe cộ và người qua lại. Xe cộ thì trật tự như đã nói ở trên còn người đi bộ cũng từ tốn, lịch sự. Mấy ngày ở đây không có tiếng loa kẹo kéo, tiếng rao hàng, tiếng người đi bộ, tiếng còi xe nên sáng nào cũng ngủ quên tới 8-9 giờ.

 Xung quanh là những tòa nhà lớn, còn lọt cái khách sạn cũ này. Không biết vì dính quy hoạch treo hay chủ nhà cố tình giữ lại cho du khách một không gian sống chậm. Trang bị khách sạn, từ cửa rả, cầu thang, đến cái TV đèn hình, bàn, ghế, giường, tủ…đều thuộc dạng “đồ cổ” cách nay trên hai chục năm, hơi bất tiện nhưng tạo sự thân mật. Phong cách đơn giản, cùng với thái độ thân thiện của nhân viên và vị trí thuận tiện giúp khách sạn cổ lỗ sĩ này có điểm review khá cao trên các trang mạng. 
  Từ khách sạn đi bộ ít phút ra trung tâm Siam Center và các bến tàu điện, bến bus sông. Ngay bến bus sông là chợ vỉa hè bán đồ ăn, thấy dân Thái hay mua thức ăn chế biến sẵn như thịt, cá nướng và các món xào nấu. Buổi tối chợ bán cơm, mì, đồ nhậu…ngon và rẻ, giá cả tương đương SG, có bia là đắt, chai bia Thái bình dân Leo hay Chang 330 ml giá siêu thị là 40 Baht = 30.000 VND, giá tại quán thì gấp đôi. Chắc vì thế nên thấy dân Thái ngồi nhậu cũng kém khí thế, người một chai, không zô zô liên hồi được. Quán đông nhưng chu đáo, có mấy con tôm bỏ vào gỏi mà chị chủ ra tận bàn hỏi xem để tái hay chín, nói khách không hiểu lại vào mang cả con tôm ra diễn tả, lỡ cho ớt hơi cay lại ra tận nơi xin lỗi. 

 Mấy ngày ở BK qua nhanh, trở về nhà lúc không khí chuẩn bị cho trận đấu vòng loại World Cup VN-TL đang nóng dần lên. Với tình hình hiện nay, rất khó dự đoán đội nào sẽ thắng. Nhưng nói cho cùng thì vui hay buồn, thắng hay thua rồi cũng sẽ qua nhanh, người Thái hay người Việt đều còn nhiều việc phải làm, nhiều điều để nhớ đến nhau, ngoài bóng đá.















Đọc thêm!
Mình với xứ Nghệ chắc cũng có chút duyên nợ, mà nợ nhiều hơn duyên, vì những lần mình ở lại đó đều đột xuất, ngoài ý muốn.

Hè 77, đi tàu bắc nam về thăm quê. Hành trình Hà Nội - Đà Nẵng dự kiến hai đêm một ngày, nhưng mới hết một đêm, tới ga Quán Hành cách Vinh hơn chục cây thì dừng lại, tưởng một lúc ai ngờ dừng luôn hai ngày vì một sự cố tận trong Quảng Bình. Đường tàu hồi đó mới khôi phục sau chiến tranh nên thường bị ách tắc như vậy.

 Hai ngày nằm lại quá đủ cho mình tìm hiểu khu vực xung quanh vì ga Quán Hành hồi đó chỉ là một dãy nhà cấp bốn xập xệ nằm dọc khu đất giữa quốc lộ 1 và đường sắt, còn lại hoàn toàn là bãi hoang, chẳng có công trình gì ngoài vài cây cột điện bằng thanh ray đứng xiêu vẹo. Dãy hố bom cạnh đường tàu thành nơi cấp nước sinh hoạt cho mấy trăm hành khách giữa mùa hè nóng bỏng. Gần đối diện ga có con đường đất, đi vào rất xa mới có vài nóc nhà nhưng chẳng ai dám vào đó vì sợ nhỡ tàu, mà cũng không thấy bà con địa phương tranh thủ ra làm dịch vụ “đổi nác” như về sau này.

 Vừa rồi đi qua thấy Quán Hành đã thành khu buôn bán sầm uất, nhưng vẫn nhận ra con đường ngày xưa, nay là dãy phố.

 Năm 81, anh em mình được gửi theo xe vào Sài Gòn. Vì mấy chú trên xe đều quê Nghệ Tĩnh, đều tranh thủ ghé qua nhà, nên mình mất gần một tuần để đi qua xứ Nghệ. Mấy ngày ở Đô Lương thực sự là một trải nghiệm khi chú tài xế dừng xe bên đường, giao cho anh em mình trông coi, rồi đi về nhà ở mãi “trong rú”. Nơi đỗ xe là một ngã ba rợp bóng phi lao cạnh con đường đá vắng vẻ gần phà Đô Lương, đến bữa có người mang cơm ra, còn lại suốt ngày bọn mình ngồi ngắm phong cảnh miền quê và xem bà con qua lại, bữa có phiên chợ thì liều bỏ xe theo dòng người ra tới chợ. Không hiểu sao chợ không họp dưới đường mà lại ở trên lưng chừng đồi cây, có lẽ là do nếp quen từ thời chiến. Chợ rất đơn sơ, nhiều nhất là hàng chè xanh và củi bó.

 Từ Đô Lương bọn mình ra Vinh ở một ngày, ghé mấy chỗ nhưng không ở lại nhà ai mà nghỉ tại một bãi xe đường dài, không rõ đoạn nào nhưng nhớ là ở ngoại ô, ven đường, cạnh sông. Chiều tối, mình cùng một chú bộ đội được phân công nấu cơm, một nồi cơm to nồng nàn mùi khói do được nấu bằng mớ củi ướt trên bãi sông lộng gió.

 Điểm nhấn của thành Vinh năm đó là đại lộ trung tâm rộng rãi với những dãy nhà năm tầng hiện đại, còn rẽ vào bên trong vẫn là những con đường đá bụi mù, nhà cửa đơn sơ, cây cối cằn cỗi, nhiều dãy nhà tập thể thấp nhỏ giống nhau.

 Năm 85 mình ra Hà Nội, trên đường trở vào lại bất ngờ bị “Stop” ở Vinh vì trận đổi tiền “lịch sử”. Những thế hệ sau chắc không hình dung được sự xáo trộn của đời sống do những cuộc “đổi tiền”, đổi ở nhà đã rối, trong khi mình lại đang trên tàu. Nói túm lại là mình đã có gần hai ngày đầy căng thẳng khi ở xa nhà mà tất cả tiền bạc trong ví bỗng biến thành giấy lộn. Hai ngày đó, được ra ngoài ga, nhưng mình cũng không dám đi đâu, chỉ chầu chực ở điểm đổi tiền để chờ kê khai rồi chờ lấy tiền. Tranh thủ nhìn bao quát thì thấy phố xá ở Vinh cũng có khá lên, nhưng không được bao nhiêu.

 Gần đây nhất, năm 2016, lúc đưa đoàn Robocon đi thi, hôm từ Quy Nhơn ra, định nghỉ lại Huế thì được lệnh sếp chạy tiếp ra cửa Hội vì chỗ Đoàn 40 hẹn đón. Đến cửa Hội đã 9 giờ tối, quán xá đóng cửa gần hết, quân mình tới hai chục mống phải chia ra mấy nơi, có gì ăn nấy, sáng hôm sau lại đi ngay, vậy là thêm một lần đến Vinh không hẹn trước.

 Năm nay ra công tác ở Vinh, đã có kế hoạch, nên dự kiến phải “đòi nợ” cho những lần bị thành Vinh giữ lại, nhưng rồi công việc cũng bận, không đi được nhiều, nên xem ra nợ cũ không đòi được, mà lại gánh thêm nợ mới.

 Nợ thời tiết xứ Nghệ mấy ngày đẹp, mưa vừa, nắng nhẹ.

 Nợ đất trời xứ Nghệ một buổi trưa làng quê Nam Đàn lắng đọng, một sắc màu non nước Thanh Chương.

 Nợ bàn bè xứ Nghệ những ly rượu hội ngộ, những câu chuyện kỷ niệm của mấy mươi năm chưa kịp nói hết.

 Nợ nhiều thế thì lại phải về thôi.











Đọc thêm!
Long Hải có gì vui. 
 Long Hải có lẽ là khu du lịch ít thay đổi nhất. Dù đường sá đi lại, quy mô thị trấn và nhất là cơ sở của Đoàn 298 đã được nâng cấp rất nhiều, nhưng khung cảnh nơi đây vẫn cứ tà tà như hai chục năm trước.

 Hồi đó Long Hải giống một bãi ngang “tận cùng của thế giới” với những dãy nhà nghỉ cấp 4 đơn sơ, bước xuống thềm nhà là cát trắng, nối liền ra tới biển.

 Về sau này mới có trang bị hiện đại là con máy lạnh “một cục” gắn trên tường, dàn lạnh hướng vào phòng ngủ còn dàn nóng thì quay ra phòng tắm! vì vậy du khách sau giấc ngủ mát mẻ sẽ được hưởng luôn dịch vụ tắm hơi, rất tiện dụng.

 Bãi biển Long Hải không trong xanh như Vũng Tàu nhưng sạch sẽ và yên tĩnh. Phong cảnh hữu tình, một đầu là Dinh Cô uy nghi trên mỏm núi cao, đầu kia là Mộ Cô khiêm tốn ẩn sau gềnh đá, khoảng giữa là bờ cát trải dài với rạng phi lao xanh thẫm, từ ngoài nhìn vào thấy giống như một con rồng Picachu đang nằm phơi nắng.

 Hải sản tươi sống không rẻ đến mức bất ngờ nhưng cũng ổn. Riêng khoản giải trí thì cả khu an dưỡng cũng như ngoài phố hầu như không có gì, chương trình du lịch chỉ có tắm biển, ăn uống và vui chơi tự túc. Buổi tối đoàn nào chịu khó thì tổ chức lửa trại ngoài bãi biển, đoàn nào lười thì “nhất thể hóa” văn nghệ và ăn uống tại bàn, cũng nổi lửa nhưng là để hấp cua ghẹ.

 Vậy mà vui, thoải mái, quay ra quay vào, quân ta lại gặp quân mình, rượu bia tiêu thụ rất mạnh, ở Long Hải hai ngày mà có chuyện nói cả tháng, dù vẫn chỉ có chuyện tắm biển, nghỉ ngơi và ăn uống.

 Nhà mình đã đi Long Hải nhiều lần. Đi cùng đơn vị hàng năm có nhiều kỷ niệm, như đã nói ở trên. Bây giờ thì nhà khách đã xây mới, hiện đại. Những chỗ tham quan cũng mở rộng hơn, về Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu hay sang Vũng Tàu, đường đi đều thông suốt. Tối lại về Long Hải tụ tập nghe gió biển, ôn lại chuyện xưa, thời máy lạnh “một cục” và chúng mình cũng còn “quê một cục”.

 Tự đi cũng thuận tiện, cả tắm biển và chợ búa, một ngày là thoải mái. Chợ Long Hải ngày thường dễ bán, dễ mua, đảm bảo ngon, bổ, rẻ. Các bãi tắm bình dân ở Long Hải cũng đơn sơ, dễ chịu. Vùng này vốn là địa bàn của bà con xứ Quảng di cư, đông nhất là Quảng Ngãi. Hàng rong, xe ôm và sau này nâng cấp, “lồm” chủ nhà hàng, bãi tắm. Tính dân Quảng hiền lành, an phận, có lẽ cũng góp phần tạo nên phong thủy của xứ rồng biển Picachu bình lặng này.

 Có điều là gần đây, trên các bãi biển, loa kẹo kéo hơi nhiều, đủ các thể loại ca hát ồn ào chỏi vào nhau, không còn nghe tiếng sóng. Lại sắp đi Long Hải cùng đơn vị cũ, không biết là lần thứ mấy trong năm nay nhưng vẫn sẵn sàng.

 Long Hải như người bạn rất quen, gặp là vui, vui thế thôi, đâu có cần vui quá.


Đọc thêm!
25 năm trước
(1994-2019).


Đọc thêm!
Đi Trung Quốc 

 Lịch trình có 3 ngày nên tận dụng thời gian, đi chuyến sớm nhất lúc 5 giờ sáng và về chuyến muộn nhất lúc 11 giờ đêm, đặt vé của Southern China nên ngay lúc lên tàu bay coi như đã ở TQ.

 Nghe nói bên đó chặn mạng dữ lắm, cấm cửa hết cả Gúc, Phây, Zalo…dân chúng ít xài tiếng Anh, nên phải cài hai ba cái App hội thoại Hoa-Việt, cấp tốc ôn lại mớ chữ Hán đã học hồi trẻ, để lỡ có gì còn kiếm ăn và tìm đường về quê mẹ. 

 Mua gói roaming data ba ngày và đăng ký Wechat để liên lạc. Wechat là mạng xã hội phổ cập, đa tính năng của TQ, giống Zalo, nhưng chặt chẽ hơn, phải có một thành viên đang dùng Wechat xác nhận “bảo lãnh” mới đăng ký được. Gói roaming cũng khá hữu dụng để có mạng internet, nhưng chả hiểu sao mới hơn một ngày đã tịt, dù vẫn còn lưu lượng.

 Đến Thâm Quyến, nhưng vì thời tiết xấu nên được khuyến mãi thêm 3 tiếng delay ở Hải Khẩu (Hải Nam). Sân bay trên đảo vắng người nhưng tàu bay lên xuống khá tấp nập, có cả một em Jetstar lạc trôi từ bên nhà sang.

 Nhập cảnh hơi rườm rà, ghi tờ khai rồi chụp ảnh, quét vân tay, còn định hỏi gì nữa nhưng mình cứ kiên quyết “not English, not Chinese” nên cũng cho qua. Ra ngoài thấy sân bay rộng như cái quảng trường. Cô bé TQ đón dẫn ra xe, loại xe giống Grap nhưng tên là Didi. Hãng này nếu vào VN chắc đắt khách vì nghe giống như là “Đi đi”, hơn hẳn mấy ông “U U, Go go” gì đó.

 Từ sân bay Bảo An về Đông Quan mất hơn nửa tiếng, đường tốt nhưng có thu tiền, quên không chụp cái biển về tra xem họ ghi là phí hay giá. Lúc ra thấy báo 29 yuan, cỡ 100.000 đ cho khoảng 60 km, ngang như bên mình.

 Vào thành phố thì xe đông hơn nhưng vẫn đi tốt, trên đường chỉ có ô tô các loại và xe đạp điện, rất hiếm xe máy. Trời âm u nên trên các xe đạp điện đều có gắn một cái dù hình thoi để che mưa. Chưa thấy ai nhập loại dù này về mình để đồng bộ cho các mẹ Ninja Lead.

 Đông Quan là thành phố công nghiệp, như Biên Hòa, Bình Dương nhưng lớn hơn nhiều, dân số tra trên mạng là 7 triệu. Vùng ngoại ô có nhiều công xưởng, nhiều dãy phố bán đủ loại vật tư máy móc, tuy nhiên khách sạn mình ở lại nằm trong một khu dân cư cao cấp biệt lập. Không biết là vắng khách hay có ưu đãi nên tiêu chuẩn 5 sao nhưng giá cũng mềm, cỡ 3,5 sao. Bên trong và xung quanh khách sạn trồng rất nhiều cây lớn, thành cả một khu rừng nhân tạo, ban ngày ve kêu điếc tai còn ban đêm thì ếch nhái ồm ộp, chúng kêu nhiều đến mức đáng ngờ, không biết là loa hay thật. Điểm OK là wifi quốc tế, Zalo, FB được, nhưng thứ cần nhất cho dân phượt là cụ Google thì vẫn tịt.

 Hôm sau xong công việc thì đã xế chiều, tranh thủ ra ga đi Quảng Châu. Hố Môn là ga tỉnh lẻ nhưng cũng đồ sộ không kém nhà ga Tân Sơn Nhất. Bước vào phòng vé nhộn nhịp mới thấy sự khó khăn vì xung quanh toàn chữ TQ và hầu hết đều mua vé tự động bằng thẻ. Vận dụng tối đa vốn chữ Hán và mấy câu của các bạn TQ bày cho mới tìm được quầy vé đi “Quangzhau nản”, không có thẻ nên đưa passport để trả tiền mặt, lại tiếp tục tra cứu cái vé mà những thông tin quan trọng như cửa ra, số toa, số ghế đều bằng chữ vuông.

 Vào phòng chờ phải soi hành lý như lên máy bay. Những chuyến tàu chỉ dừng vài phút, bảng thông tin xanh đỏ, thông báo đọc liên tục nhưng cũng chỉ tiếng Trung, chẳng biết đường nào mà lần nên cứ căn đúng giờ để ra tàu, lúc cho vé vào cửa tự động cũng hơi run nhưng may là đúng. Tàu cao tốc 300 km/h chạy 60 km tới Quảng Châu hết 15 phút, tiện nghi như máy bay nhưng sạch sẽ, êm ái hơn. Giá vé 34.5 yuan = 121.000 đ, cũng ngang vé máy bay.

 Ga Quảng Châu Nam rộng mênh mông, có 3 tầng nổi và tầng metro phía dưới. Thời gian mấy tiếng chỉ kịp đi vòng trong nhà ga và ra mấy đường phố lân cận. Đủ các loại phương tiện giao thông mặt đất hội tụ ở đây từ tàu cao tốc, metro, bus, taxi và cả xe ôm truyền thống.

 9 giờ khuya trở lại Đông Quan, về khách sạn bằng “chuzu sua” tức là taxi thông thường. Đưa địa chỉ nhưng gặp bác tài lớn tuổi, mắt kém phải ghé nhờ bảo vệ đọc hộ. Trời có mưa nhưng bác này không thèm gạt nước, cứ để kính lái lòe nhòe mà chạy, cũng may đường đi trật tự, làn nào đúng làn ấy, nếu như ở mình thì đã chết với mấy ông xe máy tạt đầu. Taxi TQ có song sắt ngăn giữa khách và tài xế, trả tiền bằng wechat quét mã QR. Trả tiền mặt thì 240.000 đ cho 22 km, rẻ hơn Sài Gòn.

 Sáng trả phòng rồi đi Thâm Quyến, lần này đi bằng Metro, 90 km mất khoảng tiếng rưỡi, vé 9 yuan = 31.500 đ. Lại xếp hàng soi hành lý để vào ga, có máy bán vé tự động dùng tiền mặt, nhưng cũng hơi chập chờn, nhất là tiền giấy cũ, có chị nhân viên già đứng đó giúp khách xếp tiền phẳng phiu cho vào máy. Vé tàu là đồng xu nhựa dùng để đi qua các cửa tự động. Tàu buổi trưa vắng người, mát mẻ, sạch sẽ, nhưng vào giờ cao điểm thì cũng đông, chật chội. Hệ thống Metro Thẩm Quyến có nhiều tuyến kết nối, thông báo rõ ràng, cứ theo sơ đồ đi khắp thành phố. Đường phố trên mặt đất cũng sạch đẹp, trật tự. Người đi bộ nhiều nên lề đường rộng rãi, có nhiều ghế công cộng, các giao lộ có đèn và chuông báo hoặc người cầm cờ hướng dẫn để sang đường. Xe đạp điện chạy khắp các ngõ ngách, lên cả vỉa hè, còi kêu khá to, ở đây chúng là loại phương tiện giao thông ồn ào nhất.

 Trung tâm Thâm Quyến hiện đại và đồ sộ đẳng cấp quốc tế. Lướt qua mấy khu thương mại, chợ mua sắm, chợ ẩm thực thấy cung cách cũng như trong Chợ Lớn nhưng phong phú, quy mô hơn nhiều. Chợ điện tử SEG-E gồm cả một đại lộ lớn như phố đi bộ Nguyễn Huệ với các siêu thị và cửa hàng điện máy dày đặc, các mặt hàng cũng như bên mình nhưng không kịp xem kỹ giá cả thế nào. Đang có “chiến tranh” nên mấy trung tâm Huawei có trưng nhiều bảng thông báo gì đó, chắc là phản đối Mỹ.

 Lang thang đến tối rồi lại đi Metro ra sân bay. Tàu chạy tới tận nơi, bước xuống là vào cửa, mất hai lần soi chiếu, lại viết tờ khai xuất cảnh. Sảnh check-in sân bay Bảo An lại là một sự khổng lồ, như cái sân bóng đá, ô tô công vụ chạy luôn vào đỗ bên trong. Có trang trí nhiều khối biểu tượng lớn hình chữ Y, không rõ ý nghĩa thế nào.

 Chuyến bay đêm về VN ít khách, còn trống nhiều chỗ, có anh bạn bắt chuyện, nói “em mới sang họp lúc sáng, giờ quay về”, đúng là như đi chợ. Cô bé ngồi một mình phía sau chắc ở bên này đã lâu nên có vẻ xúc động, cứ lẩm nhẩm hát tiếng Việt, cả bài Quốc ca, lúc máy bay đáp xuống thì reo ầm lên “về nhà rồi, về nhà rồi”. Ừ thì về nhà.

 Đi ít đi nhiều cũng đều là về.  


































Đọc thêm!