ĐI THEO CHIỀU NGƯỢC.
Hồi còn học ngoài Bắc, những khi nghỉ tết chúng tôi đi về khá thong thả. Cũng chẳng cần mua vé, xuống tới Hà Nội là vào thẳng sân ga, tìm đoàn tàu chuẩn bị khởi hành vào Sài Gòn để “đi nhờ”. “Đi nhờ” như thế rẻ mà tiện, hành lý gửi luôn vào buồng nhân viên không sợ mất, tới SG chúng tôi còn được tạo điều kiện để “nhảy dù” xuống ngay gần nhà khi tàu chạy chậm qua dốc cầu Bình Lợi.
Những chuyến tàu từ Bắc vào rất vắng. Tết 1993 tôi về chuyến 28 tháng chạp, đến SG đúng trưa 30. Dọc đường, cả khách và nhân viên nhà tàu rủ nhau gom về một chỗ cho vui, có đồ ăn và đánh bài giải trí, nhưng cũng chưa đầy nửa toa. Nhân viên mang theo một mớ pháo cây Trung Quốc, đi qua ga nào lại chĩa ra cửa sổ bắn ì xèo, dưới ga cũng bắn đáp lại hoặc nổ một dây pháo giòn giã.
Những chuyến tàu ra Bắc thì đông nghẹt nên không có sự thảnh thơi như thế. Thực tế này đã bao nhiêu năm, đến bây giờ vẫn vậy.
Thầy giáo dạy môn nhiệt của bọn tôi là người vui tính, ông nói: vật chất trong tự nhiên có xu hướng di chuyển từ nơi có mật độ cao sang nơi có mật độ thấp để đạt tới sự cân bằng, nhưng vật chất trong xã hội hình như lại dịch chuyển theo chiều ngược lại.
Buổi sáng đi làm từ quận 10 ra Hóc Môn, chặng đường 17 km qua nhiều điểm kẹt xe, tôi chạy xe máy hết 40 phút, bình quân 25 km/h, một tốc độ lý tưởng ở SG vào giờ cao điểm “phương tiện đông, di chuyển chậm”. Sở dĩ đạt được tốc độ cao như thế, ngoài sự cầm lái tài tình của bản thân, thì lý do chính là tôi đi theo chiều ngược. Sáng ngược với dòng người đổ vào nội thành, buổi chiều ngược với dòng người trở ra. Nhờ ngược thế nên đường khá thông thoáng, nhất là những đoạn có dải phân cách. Bên thì kẹt cứng, bên thì trống trơn. Thực tế này đã bao nhiêu năm, đến bây giờ còn trầm trọng hơn, và ai cũng biết.
Ai cũng biết nhưng vẫn chấp nhận vì không có sự lựa chọn. Nếu nhà ở ngoại thành mà đi làm ở nội thành, sống ở Sài Gòn mà bố mẹ ở miền Bắc thì tôi cũng xác cmn định là phải kiên trì hòa nhập vào “dòng chảy lớn của thời đại”, dù tốc độ là 2,5 km/h. Nếu là công chức nghỉ lễ theo lịch cố định của nhà nước thì cũng xác cmn định là lại cứ theo “dòng lớn” chảy về các trung tâm du lịch để được vui chơi bầm dập.
Nhưng có một điều là đôi khi cứ mải đi theo những “dòng chảy lớn”, đến lúc có thể lựa chọn, thì vẫn cứ mặc định phải là “dòng lớn”, vì thế mà đường vào các trường chuyên, ngành hot, công việc “màu mỡ” ngày càng đông nghẹt, ngay cả khi đến các chốn đền chùa cầu an thì tiêu chí đầu tiên cũng cứ phải là “đông khách”.
Nhưng rồi nói cho cùng thì cũng chẳng có “dòng” nào hơn, quan trọng là đích đến. Nhà mình đường nào thì đi đường đó, vắng thì đỡ, đông thì hơi cực, quan ngại nhất là lạc cmn đường, gian khổ mãi mà chẳng đến nơi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét