Đi dự một đám cưới ở Sài Gòn bây giờ cũng tốn khá thời gian.
Đến nơi ngồi chờ khoảng một tiếng, nghi lễ nửa tiếng, tiệc chiêu đãi khoảng tiếng rưỡi nữa, tổng cộng là ba tiếng. Nếu tính cả thời gian chuẩn bị, đi lại thì coi như mất nguyên một buổi.
Vì thế nên trong phát biểu của đại diện hai họ, câu: cám ơn quan khách đã bớt chút thời gian vàng ngọc…có lẽ nên sửa thành: nhiều thời gian vàng ngọc.
Kể ra thì quan khách luôn hào phóng, không hẹp hòi gì, nhưng tiếc là số vàng ngọc vô hình này có giới hạn, ai cũng như ai, muốn thêm cũng không được.
Đã có nhiều ý kiến và nghiên cứu (!) để hợp lý hóa quy trình đám cưới, tiết giảm thời gian không cần thiết, tập trung vào chuyên môn, nhưng xem ra đến nay mọi sự vẫn còn đang rất khó.
Trong ba khâu của tiệc cưới như đã nêu trên, khâu chờ đợi rất khó điều tiết vì phụ thuộc nhiều vào khách quan, đã đến giờ nhưng chưa thể khai tiệc vì phải chờ khách (nhất là khách VIP), chờ MC, chờ vũ đoàn…Khâu nghi lễ cũng không thể bớt giảm mục nào, vậy chỉ có thể hợp lý hóa ở khâu thứ ba là đãi tiệc.
Đã có nhiều nhà hàng công nghệ tiệc cưới ở SG đạt trình độ cao đã rất chủ động ở khâu này: Bố trí phục vụ trực tiếp từng bàn. Đội phục vụ chuyên nghiệp và lạnh lùng như cận vệ của Un chủ tịch, món ăn đưa tới lập tức được chia đều vào đĩa của khách, không để cho khách có thời gian mời mọc, gắp bỏ cho nhau và đôi khi cũng tước luôn của khách quyền lựa chọn, nhìn miếng mình ưng nằm vào đĩa người khác. Sau thời gian ấn định, món kế được đưa ra và lại nhanh chóng được chia vào đĩa mới, đĩa cũ được dọn đi cùng với lượng thức ăn còn lại. Tất nhiên là phục vụ cũng có hỏi, nhưng ít quan khách nào (dù yếu răng hay mải nói chuyện) dám giữ đĩa lại nếu muốn theo kịp với quá trình công nghệ chặt chẽ.
Còn lại đa số nhà hàng vẫn theo công nghệ truyền thống hoặc nửa truyền thống, để cho khách tự do mời mọc, chúc tụng. Công nghệ này vui nhưng kéo dài, dẫn đến tình trạng là khách không chờ được để dùng hết món vì quá muộn. Theo quan sát thì một bộ phận không nhỏ quan khách, tập trung vào số có sử dụng rượu bia, chỉ xơi tới món thứ 2 hoặc thứ 3 trên thực đơn là hết giờ phải về ăn mỳ tôm.
Tuy nhiên dù tiến hành theo công nghệ nào thì mỗi đám cưới đều có một góc cuối cùng của đám tiệc, là “góc lắng đọng” của những bạn bè, anh em thân quen nhất, không vướng bận với thời gian vàng ngọc, ở lại muộn hơn cả cô dâu, chú rể, cùng gom chung bàn để tiếp tục chúc mừng, tiếp tục những câu chuyện nối dài và niềm vui hội ngộ.
Trên hình: Góc lắng đọng của đám báo hỷ ngày hôm qua. Hy vọng còn nhiều dịp như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét