Thứ Hai, tháng 9 02, 2019

ĐƯỜNG DƯƠNG QUẢNG HÀM. 

  Trước năm 1975, cả một vùng rộng lớn giáp sân bay Tân Sơn Nhất thuộc quận Gò Vấp bây giờ, là khu quân sự, gồm nhiều cơ sở và căn cứ của quân đội Sài Gòn đóng nối tiếp nhau. Ví dụ dọc đường Phan Văn Trị ngày nay, đi từ đường xe lửa về có Căn cứ 30 nhiên liệu, căn cứ 22 đạn dược, căn cứ 26 vật tư, Lục quân công xưởng. Dịch sang phía An Nhơn có Trường Quân cụ, cư xá Lam Sơn, Trại thiết giáp Phù Đổng, Trại pháo binh Cổ Loa...và nhiều trại nhỏ khác. Khu vực này còn có tuyến đường sắt riêng và đường ống dẫn dầu ra bến sông Bình Lợi.

 Thời gian dài sau 1975, khung cảnh cơ bản vẫn như vậy, mãi đầu những năm 90 mới bắt đầu thay đổi và sau đó là sự phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Cho tới nay thì những căn cứ nhà binh nêu trên đều đã không còn vết tích, thay vào đó là những Emart, Lotte, City Land, VinCom…sầm uất và hiện đại.

 Năm 1981, BT vào Gò Vấp, ở đơn vị của ba là “Căn cứ 30”, chỗ Emart bây giờ. Mỗi lần sang thăm bà con ở ngã tư Ga lại túc tắc đạp xe theo con đường tắt mé sông Vàm Thuật. Con đường đất đỏ không tên vòng sau căn cứ 26 ra chợ An Nhơn, một bên là tường bê tông, một bên là cánh đồng cói xen với ruộng hoang, rất ít bóng người qua lại.

 Năm sau BT vào học trường Vin-hem Pich, thỉnh thoảng lại có dịp đi xuống con đường này. Khi thì huấn luyện thực hành, khi thì lao động giúp dân đắp bờ bao ven sông. Buổi học môn địa hình là một kỷ niệm khi cả bọn không thể nào xác định được điểm đứng trên bản đồ vì không tìm được vật chuẩn giữa cánh đồng lúp xúp đâu cũng như đâu.

 Nhưng cũng nhờ xem trên bản đồ quân sự nên biết là con đường không tên này đã được mở từ lâu, cùng thời với những tuyến chính như Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Lượng (theo tên hiện tại)…nó là con đường vành đai bảo vệ của cả khu vực.

 Rồi BT ở lại trường công tác. Gò Vấp cũng đông đúc dần lên, những bãi đất trống quanh các “căn cứ” và cả một số “căn cứ” trở thành khu dân cư, các tuyến đường thành phố xá. Duy có con đường năm xưa, mặc dù đã có tên và được trải nhựa, nhưng vẫn vắng như ngày nào. Cái tên đầu tiên của đường này, chắc là 99% dân Gò Vấp ngày nay không nhớ. Đó là đường 26/3 B.

 BT thỉnh thoảng cũng lượn xuống con đường ấy để ngắm cảnh đồng quê.

 Cho đến một ngày, BT được chia một suất đất ở ngay đó. BT làm nhà và chuyển về ở. Tiếng là mặt tiền đường nhựa nhưng chập tối đã phải đóng cửa, làm bạn với tiếng ếnh nhái rộn rã gọi mưa.

 Được đôi ba năm thì đường đổi tên lần nữa và treo bảng công bố mở rộng thành đại lộ rộng tới 40 m. Sự kiện này làm cái tên đường Dương Quảng Hàm (tên mới) trở nên nổi tiếng khắp Gò Vấp, thậm chí ông anh ở quê viết thư gửi: BT, số nhà 26 đường Hàm Dương (!) mà thư cũng đến nơi.

 Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì, tấm bảng quy hoạch cũng phai nhạt dần theo thời gian rồi biến mất, chẳng mấy ai còn nhắc đến con đại lộ hoành tráng kia, chỉ có cư dân ven đường là nhớ vì nó vẫn uy nghi trấn trên sổ đỏ, “chém” khá nhiều vào nhà cửa đất đai. Năm năm, mười năm rồi hai mươi năm…, “đại lộ Hàm Dương” chính thức được xếp vào hạng “dự án treo”, từ chổ “treo bảng” thành “treo ngắn”, lên “treo dài” rồi “treo vô thời hạn”. BT từ cán bộ trẻ thành hưu trí, mấy nhóc nhà BT giờ sắp xong đại học. Ông chú của BT, cán bộ lão thành, từ năm 199x hào hứng về nhận một suất “đại lộ” của thành phố cấp, là người liên tục lên tiếng hỏi về dự án, tết năm ngoái cũng đã từ trần, thọ 91 tuổi.

 Người ta vẫn hay nói về phong thủy, có nhiều trường phái, nhưng chắc chưa có trường phái nào xét đến yếu tố “treo”. “Treo” là không ổn định. BT sống trên con đại lộ treo nên nhà cửa bao năm vẫn còn dang dở.

 Mãi tới những ngày tháng 4 lịch sử này, nhân dịp BT sắp nhận sổ hiu, chính quyền địa phương đã trân trọng thông báo quyết định của Thành phố về việc mở đường “Hàm Dương”, dù chỉ 32 m, không được 40 m như xưa, nhưng vẫn thuộc loại hoành.

 BT đã tiếp nhận thông báo và đề nghị BQL dự án thực hiện đúng tiến độ, sớm hoàn thành con đường xuyên thế kỷ để BT có điều kiện trở về Gò Vấp vui sống với bạn bè.




Không có nhận xét nào: