Thứ Hai, tháng 9 02, 2019

Đi Trung Quốc 

 Lịch trình có 3 ngày nên tận dụng thời gian, đi chuyến sớm nhất lúc 5 giờ sáng và về chuyến muộn nhất lúc 11 giờ đêm, đặt vé của Southern China nên ngay lúc lên tàu bay coi như đã ở TQ.

 Nghe nói bên đó chặn mạng dữ lắm, cấm cửa hết cả Gúc, Phây, Zalo…dân chúng ít xài tiếng Anh, nên phải cài hai ba cái App hội thoại Hoa-Việt, cấp tốc ôn lại mớ chữ Hán đã học hồi trẻ, để lỡ có gì còn kiếm ăn và tìm đường về quê mẹ. 

 Mua gói roaming data ba ngày và đăng ký Wechat để liên lạc. Wechat là mạng xã hội phổ cập, đa tính năng của TQ, giống Zalo, nhưng chặt chẽ hơn, phải có một thành viên đang dùng Wechat xác nhận “bảo lãnh” mới đăng ký được. Gói roaming cũng khá hữu dụng để có mạng internet, nhưng chả hiểu sao mới hơn một ngày đã tịt, dù vẫn còn lưu lượng.

 Đến Thâm Quyến, nhưng vì thời tiết xấu nên được khuyến mãi thêm 3 tiếng delay ở Hải Khẩu (Hải Nam). Sân bay trên đảo vắng người nhưng tàu bay lên xuống khá tấp nập, có cả một em Jetstar lạc trôi từ bên nhà sang.

 Nhập cảnh hơi rườm rà, ghi tờ khai rồi chụp ảnh, quét vân tay, còn định hỏi gì nữa nhưng mình cứ kiên quyết “not English, not Chinese” nên cũng cho qua. Ra ngoài thấy sân bay rộng như cái quảng trường. Cô bé TQ đón dẫn ra xe, loại xe giống Grap nhưng tên là Didi. Hãng này nếu vào VN chắc đắt khách vì nghe giống như là “Đi đi”, hơn hẳn mấy ông “U U, Go go” gì đó.

 Từ sân bay Bảo An về Đông Quan mất hơn nửa tiếng, đường tốt nhưng có thu tiền, quên không chụp cái biển về tra xem họ ghi là phí hay giá. Lúc ra thấy báo 29 yuan, cỡ 100.000 đ cho khoảng 60 km, ngang như bên mình.

 Vào thành phố thì xe đông hơn nhưng vẫn đi tốt, trên đường chỉ có ô tô các loại và xe đạp điện, rất hiếm xe máy. Trời âm u nên trên các xe đạp điện đều có gắn một cái dù hình thoi để che mưa. Chưa thấy ai nhập loại dù này về mình để đồng bộ cho các mẹ Ninja Lead.

 Đông Quan là thành phố công nghiệp, như Biên Hòa, Bình Dương nhưng lớn hơn nhiều, dân số tra trên mạng là 7 triệu. Vùng ngoại ô có nhiều công xưởng, nhiều dãy phố bán đủ loại vật tư máy móc, tuy nhiên khách sạn mình ở lại nằm trong một khu dân cư cao cấp biệt lập. Không biết là vắng khách hay có ưu đãi nên tiêu chuẩn 5 sao nhưng giá cũng mềm, cỡ 3,5 sao. Bên trong và xung quanh khách sạn trồng rất nhiều cây lớn, thành cả một khu rừng nhân tạo, ban ngày ve kêu điếc tai còn ban đêm thì ếch nhái ồm ộp, chúng kêu nhiều đến mức đáng ngờ, không biết là loa hay thật. Điểm OK là wifi quốc tế, Zalo, FB được, nhưng thứ cần nhất cho dân phượt là cụ Google thì vẫn tịt.

 Hôm sau xong công việc thì đã xế chiều, tranh thủ ra ga đi Quảng Châu. Hố Môn là ga tỉnh lẻ nhưng cũng đồ sộ không kém nhà ga Tân Sơn Nhất. Bước vào phòng vé nhộn nhịp mới thấy sự khó khăn vì xung quanh toàn chữ TQ và hầu hết đều mua vé tự động bằng thẻ. Vận dụng tối đa vốn chữ Hán và mấy câu của các bạn TQ bày cho mới tìm được quầy vé đi “Quangzhau nản”, không có thẻ nên đưa passport để trả tiền mặt, lại tiếp tục tra cứu cái vé mà những thông tin quan trọng như cửa ra, số toa, số ghế đều bằng chữ vuông.

 Vào phòng chờ phải soi hành lý như lên máy bay. Những chuyến tàu chỉ dừng vài phút, bảng thông tin xanh đỏ, thông báo đọc liên tục nhưng cũng chỉ tiếng Trung, chẳng biết đường nào mà lần nên cứ căn đúng giờ để ra tàu, lúc cho vé vào cửa tự động cũng hơi run nhưng may là đúng. Tàu cao tốc 300 km/h chạy 60 km tới Quảng Châu hết 15 phút, tiện nghi như máy bay nhưng sạch sẽ, êm ái hơn. Giá vé 34.5 yuan = 121.000 đ, cũng ngang vé máy bay.

 Ga Quảng Châu Nam rộng mênh mông, có 3 tầng nổi và tầng metro phía dưới. Thời gian mấy tiếng chỉ kịp đi vòng trong nhà ga và ra mấy đường phố lân cận. Đủ các loại phương tiện giao thông mặt đất hội tụ ở đây từ tàu cao tốc, metro, bus, taxi và cả xe ôm truyền thống.

 9 giờ khuya trở lại Đông Quan, về khách sạn bằng “chuzu sua” tức là taxi thông thường. Đưa địa chỉ nhưng gặp bác tài lớn tuổi, mắt kém phải ghé nhờ bảo vệ đọc hộ. Trời có mưa nhưng bác này không thèm gạt nước, cứ để kính lái lòe nhòe mà chạy, cũng may đường đi trật tự, làn nào đúng làn ấy, nếu như ở mình thì đã chết với mấy ông xe máy tạt đầu. Taxi TQ có song sắt ngăn giữa khách và tài xế, trả tiền bằng wechat quét mã QR. Trả tiền mặt thì 240.000 đ cho 22 km, rẻ hơn Sài Gòn.

 Sáng trả phòng rồi đi Thâm Quyến, lần này đi bằng Metro, 90 km mất khoảng tiếng rưỡi, vé 9 yuan = 31.500 đ. Lại xếp hàng soi hành lý để vào ga, có máy bán vé tự động dùng tiền mặt, nhưng cũng hơi chập chờn, nhất là tiền giấy cũ, có chị nhân viên già đứng đó giúp khách xếp tiền phẳng phiu cho vào máy. Vé tàu là đồng xu nhựa dùng để đi qua các cửa tự động. Tàu buổi trưa vắng người, mát mẻ, sạch sẽ, nhưng vào giờ cao điểm thì cũng đông, chật chội. Hệ thống Metro Thẩm Quyến có nhiều tuyến kết nối, thông báo rõ ràng, cứ theo sơ đồ đi khắp thành phố. Đường phố trên mặt đất cũng sạch đẹp, trật tự. Người đi bộ nhiều nên lề đường rộng rãi, có nhiều ghế công cộng, các giao lộ có đèn và chuông báo hoặc người cầm cờ hướng dẫn để sang đường. Xe đạp điện chạy khắp các ngõ ngách, lên cả vỉa hè, còi kêu khá to, ở đây chúng là loại phương tiện giao thông ồn ào nhất.

 Trung tâm Thâm Quyến hiện đại và đồ sộ đẳng cấp quốc tế. Lướt qua mấy khu thương mại, chợ mua sắm, chợ ẩm thực thấy cung cách cũng như trong Chợ Lớn nhưng phong phú, quy mô hơn nhiều. Chợ điện tử SEG-E gồm cả một đại lộ lớn như phố đi bộ Nguyễn Huệ với các siêu thị và cửa hàng điện máy dày đặc, các mặt hàng cũng như bên mình nhưng không kịp xem kỹ giá cả thế nào. Đang có “chiến tranh” nên mấy trung tâm Huawei có trưng nhiều bảng thông báo gì đó, chắc là phản đối Mỹ.

 Lang thang đến tối rồi lại đi Metro ra sân bay. Tàu chạy tới tận nơi, bước xuống là vào cửa, mất hai lần soi chiếu, lại viết tờ khai xuất cảnh. Sảnh check-in sân bay Bảo An lại là một sự khổng lồ, như cái sân bóng đá, ô tô công vụ chạy luôn vào đỗ bên trong. Có trang trí nhiều khối biểu tượng lớn hình chữ Y, không rõ ý nghĩa thế nào.

 Chuyến bay đêm về VN ít khách, còn trống nhiều chỗ, có anh bạn bắt chuyện, nói “em mới sang họp lúc sáng, giờ quay về”, đúng là như đi chợ. Cô bé ngồi một mình phía sau chắc ở bên này đã lâu nên có vẻ xúc động, cứ lẩm nhẩm hát tiếng Việt, cả bài Quốc ca, lúc máy bay đáp xuống thì reo ầm lên “về nhà rồi, về nhà rồi”. Ừ thì về nhà.

 Đi ít đi nhiều cũng đều là về.  


































Không có nhận xét nào: