Mình với xứ Nghệ chắc cũng có chút duyên nợ, mà nợ nhiều hơn duyên, vì những lần mình ở lại đó đều đột xuất, ngoài ý muốn.
Hè 77, đi tàu bắc nam về thăm quê. Hành trình Hà Nội - Đà Nẵng dự kiến hai đêm một ngày, nhưng mới hết một đêm, tới ga Quán Hành cách Vinh hơn chục cây thì dừng lại, tưởng một lúc ai ngờ dừng luôn hai ngày vì một sự cố tận trong Quảng Bình. Đường tàu hồi đó mới khôi phục sau chiến tranh nên thường bị ách tắc như vậy.
Hai ngày nằm lại quá đủ cho mình tìm hiểu khu vực xung quanh vì ga Quán Hành hồi đó chỉ là một dãy nhà cấp bốn xập xệ nằm dọc khu đất giữa quốc lộ 1 và đường sắt, còn lại hoàn toàn là bãi hoang, chẳng có công trình gì ngoài vài cây cột điện bằng thanh ray đứng xiêu vẹo. Dãy hố bom cạnh đường tàu thành nơi cấp nước sinh hoạt cho mấy trăm hành khách giữa mùa hè nóng bỏng. Gần đối diện ga có con đường đất, đi vào rất xa mới có vài nóc nhà nhưng chẳng ai dám vào đó vì sợ nhỡ tàu, mà cũng không thấy bà con địa phương tranh thủ ra làm dịch vụ “đổi nác” như về sau này.
Vừa rồi đi qua thấy Quán Hành đã thành khu buôn bán sầm uất, nhưng vẫn nhận ra con đường ngày xưa, nay là dãy phố.
Năm 81, anh em mình được gửi theo xe vào Sài Gòn. Vì mấy chú trên xe đều quê Nghệ Tĩnh, đều tranh thủ ghé qua nhà, nên mình mất gần một tuần để đi qua xứ Nghệ. Mấy ngày ở Đô Lương thực sự là một trải nghiệm khi chú tài xế dừng xe bên đường, giao cho anh em mình trông coi, rồi đi về nhà ở mãi “trong rú”. Nơi đỗ xe là một ngã ba rợp bóng phi lao cạnh con đường đá vắng vẻ gần phà Đô Lương, đến bữa có người mang cơm ra, còn lại suốt ngày bọn mình ngồi ngắm phong cảnh miền quê và xem bà con qua lại, bữa có phiên chợ thì liều bỏ xe theo dòng người ra tới chợ. Không hiểu sao chợ không họp dưới đường mà lại ở trên lưng chừng đồi cây, có lẽ là do nếp quen từ thời chiến. Chợ rất đơn sơ, nhiều nhất là hàng chè xanh và củi bó.
Từ Đô Lương bọn mình ra Vinh ở một ngày, ghé mấy chỗ nhưng không ở lại nhà ai mà nghỉ tại một bãi xe đường dài, không rõ đoạn nào nhưng nhớ là ở ngoại ô, ven đường, cạnh sông. Chiều tối, mình cùng một chú bộ đội được phân công nấu cơm, một nồi cơm to nồng nàn mùi khói do được nấu bằng mớ củi ướt trên bãi sông lộng gió.
Điểm nhấn của thành Vinh năm đó là đại lộ trung tâm rộng rãi với những dãy nhà năm tầng hiện đại, còn rẽ vào bên trong vẫn là những con đường đá bụi mù, nhà cửa đơn sơ, cây cối cằn cỗi, nhiều dãy nhà tập thể thấp nhỏ giống nhau.
Năm 85 mình ra Hà Nội, trên đường trở vào lại bất ngờ bị “Stop” ở Vinh vì trận đổi tiền “lịch sử”. Những thế hệ sau chắc không hình dung được sự xáo trộn của đời sống do những cuộc “đổi tiền”, đổi ở nhà đã rối, trong khi mình lại đang trên tàu. Nói túm lại là mình đã có gần hai ngày đầy căng thẳng khi ở xa nhà mà tất cả tiền bạc trong ví bỗng biến thành giấy lộn. Hai ngày đó, được ra ngoài ga, nhưng mình cũng không dám đi đâu, chỉ chầu chực ở điểm đổi tiền để chờ kê khai rồi chờ lấy tiền. Tranh thủ nhìn bao quát thì thấy phố xá ở Vinh cũng có khá lên, nhưng không được bao nhiêu.
Gần đây nhất, năm 2016, lúc đưa đoàn Robocon đi thi, hôm từ Quy Nhơn ra, định nghỉ lại Huế thì được lệnh sếp chạy tiếp ra cửa Hội vì chỗ Đoàn 40 hẹn đón. Đến cửa Hội đã 9 giờ tối, quán xá đóng cửa gần hết, quân mình tới hai chục mống phải chia ra mấy nơi, có gì ăn nấy, sáng hôm sau lại đi ngay, vậy là thêm một lần đến Vinh không hẹn trước.
Năm nay ra công tác ở Vinh, đã có kế hoạch, nên dự kiến phải “đòi nợ” cho những lần bị thành Vinh giữ lại, nhưng rồi công việc cũng bận, không đi được nhiều, nên xem ra nợ cũ không đòi được, mà lại gánh thêm nợ mới.
Nợ thời tiết xứ Nghệ mấy ngày đẹp, mưa vừa, nắng nhẹ.
Nợ đất trời xứ Nghệ một buổi trưa làng quê Nam Đàn lắng đọng, một sắc màu non nước Thanh Chương.
Nợ bàn bè xứ Nghệ những ly rượu hội ngộ, những câu chuyện kỷ niệm của mấy mươi năm chưa kịp nói hết.
Nợ nhiều thế thì lại phải về thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét