Thứ Tư, tháng 6 18, 2014

   Dù cũng có nhiều người không chơi hoặc không thích bóng đá, nhưng hầu hết đều công nhận đó là môn thể thao vua. Đã là vua thì hay mọi nhẽ, không cần phải nói thêm những nhời thừa. 
   Môn vua này chỉ có nhược điểm là quá ít bàn thắng. Mỗi trận đấu, giỏi lắm tổng cộng chỉ được vài ba trái 
   Đã có nhiều đề xuất - nghe đâu là của người Mỹ - nên mở rộng cầu môn thêm vài mét hay bỏ hẳn thủ môn, nhằm cải thiện tỷ số của các trận bóng đá cho gần hơn với các môn bóng khác, như bóng chuyền hay…bóng rổ.
   Tuy nhiên, các đề xuất đó vẫn chưa được nghiên cứu, nên dân nghiền bóng đá tới giờ vẫn luôn trong trạng thái khát khao bàn thắng mỗi khi dõi theo các trận đấu.
  Vậy mà vẫn có nhiều trận mà kết quả là 0-0 (như trận Iran - Nigeria sáng nay).
   Dù trận đấu quyết liệt, trình độ chuyên môn rất cao, cũng chiến thuật, kỹ thuật này nọ… nhưng nếu cóc có bàn thắng thì vẫn cứ được khán giả xếp vào hạng… thảm họa. Làm buồn lòng người.
   Đó là điều rất có lý, vì nói cho cùng, người ta tới sân (hay mở TV) là để xem bàn thắng, để cảm nhận sự thay đổi, để nhìn thấy kết quả khác con số 0. Không có những cái đó thì mọi sự diễn ra đều ít nhiều vô bổ. Nói như dân Nam bộ là “huề zốn”.
   Tạm dừng Uân-cấp, nói sang chuyện khác.
   Hôm nay báo chí đồng loạt đưa tin, tỷ lệ tốt nghiệp tú tài 2014 là trên 99%.  Vậy là sau bao nhiêu những tranh luận, cải tiến, hao tiền tốn sức, kể cả sự tự khen nhau rối rít của ngành GD, kết quả tốt nghiệp lại…y như cũ. Huề zốn!
   Lại cả chuyện giật gân: Chủ chó đánh nhau với người bắt chó, cuối cùng ba người chết. Chuyện này lâu lâu lại nóng, dư luận ồn ào, các Bộ ngành đều lên tiếng, ra cả Quốc hội. Cuối cùng vẩn chẳng đâu vào đâu. Chó chết, người cũng chết. Huề zốn!
   Thử nhìn quanh, còn đầy chuyện như thế. Dân mình sống chung với nó mãi, có khi cũng quen rồi. Nhiều khi còn tự bảo nhau: thôi thì dĩ hòa vi quý.
    Nhưng quý gì thì quý, những chuyện như cái dàn khoan của Tàu, dứt khoát là không được hòa. Nhé.
Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 6 16, 2014

     Nhà văn Sơn Nam từng viết: Gò vấp là xứ nửa tỉnh nửa quê, nhưng có bầu trời hiện đại bậc nhất Việt nam. 
     Bầu trời xứ Gò sôi động là do kế phi trường Tân sơn nhất, máy bay tứ xứ tấp nập vào ra. Cái to, cái nhỏ, đủ các màu sắc. Ban đêm ánh đèn lập loè như những chòm sao trên trời theo nhau sà xuống. Ngồi ở các Cà-phê sân thượng xem máy bay, cũng có thể coi là một đặc sản của xứ Gò.
     Nhưng Gò vấp còn một đặc điểm nữa, là dưới mặt đất cũng hào hoa không kém. Hào hoa không phải vì sự sầm uất mà vì những con đường mang tên văn nhân.
     Từ hồi tới Gò vấp, BT tự hào vì toàn được ở với các nhà văn, nhà thơ. Đầu tiên ở đường Phan Văn Trị, rồi chuyển sang Nguyên Hồng, rồi sang Nguyễn Du, còn bây giờ ở Dương Quảng Hàm. Nhưng rồi nhìn quanh thì thấy không riêng gì BT mà đông đảo bà con ở đây cũng được hưởng cái vinh hạnh ấy. Vì ngoài các vị nêu trên thì chỉ trong vòng vài km xung quanh chợ Gò vấp, còn có các đường Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Tuân, Phạm Huy Thông, Trương Minh Ký, Lê Quang Định, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm,Tú Mỡ…ít nơi nào có mật độ văn nghệ sĩ cao thế.
    Đáng khen cho xứ Gò còn nghèo, đường sá xập xệ, nhưng vẫn mạnh dạn thỉnh các văn nhân nổi tiếng về ngự - đúng hơn là treo, vì các con đường trên đều thuộc diện quy hoạch treo, có “cụ” treo đã mười mấy năm.
     Hẳn các vị đều là những bậc gần dân, nên cũng không lấy đó làm phiền. Vả lại, cũng phải nhìn về tương lai, trên đà đô thị hóa, Gò vấp ngày càng mở mang. Có khi sẽ có thêm nhiều cụ nữa nhập hộ khẩu về.
     Thật là vui vẻ.

Đọc thêm!

Thứ Bảy, tháng 6 14, 2014

“bé không đòi quà”. 
      Nếu không kể vụ dàn khoan của anh Tạp-Cạn-Bình, thì tháng sáu này khá bình lặng. Bởi vì mấy bé đã lớn ,“bé không đòi quà”.
      Hiện giờ thì một bé đang cắm cổ ôn thi ĐH. Bé kia cũng bận, hết “Hoa phượng đỏ” rồi “mùa hè xanh”…hội họp còn nhiều hơn cả bố. 
       Một thời rất gần thôi, chỉ năm kia năm kìa, dịp 1/6, rồi trung thu, rồi nô-en, sinh nhật, tổng kết năm học…chẳng thể nào thoát được quà. Quà cho con nhưng cũng khó phết. Tốt nhất cứ theo tiêu chí chọn quà cho sếp (hay bồ) là: độc, đẹp, đắt. Nhưng cải tiến tiêu chí ba thành: đừng đắt. Cũng còn phải chú ý sao cho độc nhưng không độc (hại).
     Tính là vậy nhưng rồi thì quà cho các bé cũng giản dị, quanh quanh mấy món: thú bông, quần áo. Lớn lên một chút thì sách vở, đồ lưu niệm, lớn nữa thì hàng công nghệ…nhiều khi là các đồ dùng bố mẹ phải sắm. Nhưng quan trọng là đúng dịp và bao gói cho đẹp. Thuê được ông già nô-en mang đến nữa thì càng ổn.
    Đến giờ thì những món quà ấy còn lại không nhiều, có thứ đã chén luôn, thứ đã mất, thứ hỏng dần theo thời gian…nhưng tất cả chúng vẫn luôn được nhớ đến.
   Mùa 1/6 này, đi qua công viên, qua những xe đồ chơi nhấp nháy…mà không còn bị đòi quà.
    Muốn mua một vé đi tuổi thơ.

Đọc thêm!
Đúng như dự đoán của mọi người, vấn đề Biển đông đã được đưa vào câu thứ nhất đề thi tú tài môn văn năm nay. 
    Và hơn cả dự đoán là vấn đề được nêu một cách trực tiếp bằng một đoạn chính luận rõ ràng, cụ thể, dân dã, không hề văn hoa xa xôi “nước lạ, nước quen, đại cục, tiểu cục”…
   Tất nhiên cuối cùng cũng có ý là cần “bình tĩnh, sáng suốt”…cho đúng chủ trương. Nhưng quả thật là các sĩ tử đã có mục tiêu quá sướng, cứ việc chém giấy thật lực, không sợ chệch, không sợ lạc, không phải băn khoăn về những tầng ý nghĩa nọ kia. Vừa làm bài, vừa xả xì-trét cho xã hội!
   Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa thấy hết được độ hay của đề thi năm nay.
   Mời xem tiếp câu hỏi thư hai. Câu này hỏi về những day dứt của nhân vật Hồn Trương Ba (trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Với những câu trích như: “Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong… Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”. “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”.
    Đoạn thoại này đã được phân tích nhiều, và ý nghĩa cũng đã được giải thích là nói về việc: con người cần được sống đúng là chính mình.
   Nếu đứng riêng ra thì như thế, nhưng khi ghép cùng câu hỏi đầu trong đề thi năm nay, thì nó tạo ra một sự liên tưởng mới mẻ hơn.          Đó là sự đấu tranh để vượt ra khỏi sự lệ thuộc.
   Đối với mỗi người, sự sống là đầu, nhưng chỉ xứng đáng khi không phải sống nhờ, sống gửi, dù là gửi vào anh hàng thịt để hưởng lạc.
     Đối với một quốc gia cũng thế thôi.
     Câu hỏi thứ nhất mới đặt vấn đề, câu thứ hai là giải quyết vấn đề. Đề văn năm nay hay là ở chỗ đó.
     Không biết các bé có nghĩ thế không? Nhưng bố chúng nó nghĩ thế.
Đọc thêm!


    Tháng năm mưa nắng chập chờn
Đằng đông tiếng sấm từng cơn dội về
Đốt lên cho cháy trưa hè
Gọi ngàn chính khí chở che cõi bờ.
Đọc thêm!
Triết lý giáo dục

     Hồi tháng trước, dư luận đang sôi nổi bàn luận về “Triết lý giáo dục VN”.
    Đùng phát, Trung quốc bò vào gây hấn ở Biển đông, nên vấn đề triết lý tạm lắng lại.
   Đến bi giờ, dù vẫn tập trung chiến với TQ, nhưng thiết nghĩ bà con cũng nên tiếp tục quan tâm đến giáo dục.
   Vì giáo dục là hướng tới tương lai. Mọi chuyện xảy ra hiện nay, kể cả cách thức ta “chơi” với TQ trên biển đông, đều là hệ quả của sự nghiệp giáo dục từ nhiều năm trước.
   Trong vấn đề này, dấu ấn của nền GD chính thống ra sao, BT không dám bàn tới. Nhưng để có được phong trào yêu nước như những ngày qua, công lao của nền “giáo dục nhân dân” cần phải được ghi nhận. Cho dù ai đó có thể “viển vông”, nhưng nhân dân thì luôn luôn tỉnh táo.
    Trở lại với triết lý giáo dục, theo cung cách xưa nay thì rất có thể các bác ở trên sẽ viện dẫn đủ mọi lý thuyết đông tây kim cổ, đưa ra một triết lý vô cùng đa nghĩa để thiên hạ vào thi nhau chém gió. Cho đến lúc ngã ngũ thì cũng còn ốm.
    Vì vậy, trong lúc chờ đợi thì dân chúng phải tự lo phần triết lý cho mình.
    Thực ra thì cũng không có nhiều lựa chọn. Ở thành thị thì triết lý “trường chuyên, lớp chọn”, nhà có điều kiện thì triết lý “du học”, ở nông thôn thì triết lý “thoát ly bằng mọi giá”, ở vùng sâu vùng xa thì triết lý “biết viết, biết đếm”. Nhìn chung lại là rất thực tế.
   Tuy nhiên, cũng như các trào lưu tự phát khác, hệ thống triết lý dân dã này đã đưa đến một một tổng thể rất trớ trêu. Ví dụ: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ có 12% học sinh chọn môn sử và 16% chọn môn ngoại ngữ, chiếm tỷ lệ ít nhất trong các môn thi.
    Hai hành trang quan trọng nhất trên con đường hội nhập đã bị giới trẻ bo-xì. Không thuộc sử, không biết ngoại ngữ, tức là không có khả năng “biết mình, hiểu người”, ra thế giới không bị thúc vào đít là may nói gì đến “hoá rồng, hoá hổ”, tranh đua với các cường quốc.
     Rồi nữa, cả một lớp quan chức chữ nghĩa đầy mình nhưng chân không chạm đất, đầu không tới trời. Lớp quan chức lơ lửng này mà không đẻ ra những ý tưởng “viển vông” thì mới là điều lạ.
   Từ thực tế đó, theo ngu ý của BT thì các bác bên GD có thể làm ngay một việc là làm sao (làm sao là do các bác phải nghĩ nhanh) để tới đây sẽ có 100% học sinh yêu môn sử, 100% giỏi ngoại ngữ, từ đó mà đào tạo ra những người trẻ có dũng khí, có hiểu biết, để đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đọc thêm!
“đầu 5” 
  Vậy là cũng tới “đầu 5”.
   “gió heo may đã về…”, đã thấy mùa thu trước mặt.
    Dù trên vai đã có năm mươi cái lá vàng rơi, năm mươi mùa thu trong cuộc đời…nhưng cũng thấy bâng khuâng, vì đây là mùa thu lớn.
    Mùa thu lớn? biết là thế nào. Chắc cũng giông giống như những mùa thu thuở ấy: 

 Mùa thu có cốm mới
 Có hương sen bay bay
 Làn mưa về làm ướt tóc mây
 Và ướt những trái tim đa cảm
 Chàng thi sĩ chợt thấy mình mười tám
 Đi trong mưa vu vơ…

    “Cứ theo quẻ ấy mà suy” thì các quý anh, quý chị “đầu 5”: Có lộc ăn (cốm mới) Có lộc đi chơi (bay bay) Tóc bạc (tóc mây) Sức khỏe không còn như xưa (ướt tim) Nhưng vẫn còn xung (thấy mình mười tám) Đề phòng bị vợ đuổi hay chồng giận (đi vu vơ)
    Nói chung là có tốt, có xấu. Nhưng cơ bản là tốt.
    Vui vẻ nhé, các bạn “đầu 5”.

Đọc thêm!
Tháng tư về 

  Nhoằng phát đã tháng tư.
 Không như nhiều tháng khác mở đầu hoành tráng, nào là quốc tế lao động, quốc tế thiếu nhi...thì tháng tư lại mở đầu bằng ngày nói dối.
 Làm ám luôn cả tháng.
 Trời đất ỡm ờ, oi oi, dở dở. Mưa nắng chập chờn. Thiên hạ đâm ra cũng không được thư thái, dễ buồn bực, bất an. Nhăn nhăn nhó nhó, qua 1/4 rồi mà nhìn ai cũng thấy…gian gian.
 Văn nghệ sỹ chắc vì thế mà mất hứng. Tác phẩm vô cùng ít ỏi. Đâu như chỉ có bài hát “Tháng tư về”:

Tháng tư về
 gió hát mùa hè
 Có những chân trời xanh thế
 Mây xa vời, nắng xa vời
 Con sông xa lững lờ trôi
 Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng
 Hát giấc mơ nào xa lắm
 Em mong chờ, mãi mong chờ …

 Công nhận là du dương thật, nhưng nghe rồi thì lại thấy sao sao. Ngoài câu mở đầu khe khẽ “Tháng tư về” thì còn lại toàn là những xa xôi, mong chờ. Rõ ràng là tháng tư về chỉ là cái cớ để người ta tơ tưởng đến những điều sau nữa.
 Trong trường hợp này, nói theo kiểu văn học, thì tháng tư chỉ là một thoáng cầu vồng bắc vào mùa hạ. Còn nói dân dã thì tháng tư giống như một anh bưu tá vụng về tới đập cửa để chuyển những bức thư hẹn hò tới cho người đẹp.
 Tháng tư, học trò chờ đợi mùa thi. Công chức (mấy năm trước) chờ tăng lương cơ bản. Nông dân chờ mưa, dân thành thị chờ đi nghỉ lễ…Bao giờ cho hết tháng tư ?
 Vậy mà BT lại sinh vào tháng tư.
Đọc thêm!
Tin các báo: Dư luận đang hết sức bất bình sau khi được xem tấm pano kỷ niệm 39 năm thống nhất đất nước (ở tỉnh Trà vinh) in hình chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập là một xe tăng đời mới của… Mỹ. 

    Nói thì ghê thật, nhưng xem ra báo chí chỉ giật tít cho hot, chứ dư luận cũng ít ai quan tâm. Vẽ chuyện, tăng nào chẳng là tăng. Chẳng qua là các cháu bên dì-zai nó không biết, nó add cái hình xe tăng Mỹ vào cho nó nổi. Sơ suất thật, nhưng cũng là công tác tuyên truyền cả mà.
  Mà nghĩ lại, chẳng riêng gì các cháu nó, mà chính các bác ngày xưa cũng thế. Rành rành tuyên bố xe tăng húc dinh Độc lập là loại tăng T59, mà trên sách, trên phim cứ trưng cái hình cái xe tăng lội nước PT85. Đúng là con xe đó có vào dinh, nhưng không phải là con đầu tiên. Các bác nhỉ.
  Rồi nữa, các bác cứ bảo cái xe tăng đầu tiên mang số 843, nhưng bao nhiêu năm sau, từ tấm ảnh của nhà báo ngoại quốc, các bác mới nói lại là xe đó là số 390. Thế rồi bây giờ, ở dinh Độc lập, các bác trưng bày cả hai chiếc.
   Hai chiếc xe đó đều oanh liệt, đều xứng đáng được tôn vinh, nhưng chiếc đầu tiên thì chỉ có một thôi. Các bác nhỉ.
   Không chỉ xe tăng đâu, kể cả súng ống, trang bị, máy bay máy bò…trên phim ảnh hay trong bảo tàng…nhiều khi các bác vô tư quá, cứ trưng lên cho có.
  Các bác cứ đơn giản, súng nào chẳng là súng, tăng nào chẳng là tăng… để đến bây giờ, tăng Mỹ lên Pano, thì cũng đâu có gì là lạ.




Đọc thêm!
ngày giỗ Tổ 
  
   10/3, đối với cả nước là ngày giỗ Tổ, nhưng đối với đồng hương Phú thọ thì là ngày tết. 
  Có khi còn hơn tết.
  Rất nhiều cuộc họp mặt của các hội khác nhau. Hội dọc theo kiểu địa phương từ cấp tỉnh cho tới cấp xóm. Hội ngang của bà con Phú thọ trong cùng cơ quan…Những hội này đều đồng loạt tổ chức nên rất khó cho các thành viên. Đi chỗ này thì lỗi chỗ khác? Một số đồng chí hăng hái quyết chạy sô thì chỉ trụ được qua buổi trưa là đã phải thăng về đất Tổ. 
  Tuy nhiên, hầu hết số này buổi tối lại thấy xuất hiện trong trạng thái chưa hoàn toàn tiếp đất. Nói là Phú thọ nhưng hầu hết là hội mở. Con cháu Vua Hùng cả. Những ai từng ở Phú thọ, từng qua Phú thọ, từng thấy Phú thọ…trên TV. Tất cả đều tự nguyện và đều được đón tiếp, quan trọng là ở cái Tâm.
  Tiếc là chỉ có một ngày. Nếu có quyền thì BT sẽ cho tăng thêm. Nhà nước không nên sợ thiệt, vì ngày 10/3 không phải là ngày nghỉ, đó là ngày cả nước LÀM giỗ Tổ.
   Một ngày làm việc đặc biệt hiệu quả, nhất là khi giới trẻ đồng loạt quay lưng với môn sử (BT nói môn sử chính thống hiện tại chứ không nói là Lịch sử). 
  Nếu có thể thì cứ cho dân chúng nghỉ nữa để LÀM thêm những ngày tưởng niệm các vị Hiền Thần, các bậc Anh hùng dân tộc.
   Số thất thu của nhà nước thì chỉ cần bớt đi vài lễ hội linh tinh, vài cái tượng đài là đủ. Mà lợi ích thì vô giá.
   Vì thế, nhân danh rể Phú thọ, BT đề nghị thời gian giỗ Tổ nên ít nhất là ba ngày.
Đọc thêm!
cái váy quây 
    SG bắt đầu nắng gắt gao. Ban ngày ra khỏi nhà là bà con ai nấy chạy cắm cổ, đồng loạt một kiểu trang phục Nin-ja chống nắng. Từ năm ngoái, chị em mình đi đường có thêm tấm vải quây khúc dưới, hình như cũng gọi là váy. Cái váy này cộng với áo khoác, mũ, kính, khẩu trang, zớ tay, zớ chân…làm cho ông trời phải chịu nhưng cũng làm cho cánh nam giới hoàn toàn không còn biết để sự tơ tưởng vào đâu. 
      May mà mấy cái váy quây còn có màu sắc khác nhau. Nhiều cái hoa văn kiểu cách phết, nhìn kỹ thì cũng…đẹp. 
     Nhưng rồi có tý băn khoăn. Cứ như BT, tuổi đã sồn sồn, ít nhiều đã có cái nhìn sâu xa (!?) thì việc chấp nhận vẻ đẹp qua tầng tầng lớp lớp những tấm váy quây, cũng còn được. Chứ như lớp trẻ bi giờ, không nhẽ cũng vậy a? 
     Nhưng rồi nghĩ tý nữa, thì thấy đúng là chúng nó thiệt thòi thật, làm gì có cơ hội nào đâu. Ra đường thì váy quây, mở TV thì toàn sao tây, sao Hàn, lên mạng thì Avata với photoshop. Vẻ đẹp tự nhiên của phái đẹp, nghe nói, đang được đề nghị đưa vào sách đỏ.         Rất có thể nay mai, các chàng trai chân thật sẽ tỏ tình là: anh rất yêu màu son môi của em, hay màu tóc của em, hay cái váy quây của em…đại loại thế. 
     Mà nếu thế thật thì cũng có sao đâu. Thị hiếu mỗi thời một khác. Chưa kể, có khi phải vậy mới sinh ra được các nhà thơ, tầm cỡ như ông Nguyễn Bính.
Đọc thêm!
cái ách thời gian. Dù còn lưu luyến giao mùa giao mung…nhưng theo phân định rành mạch của ông Người, thì ông Trời cần phải chuyển sang hè. Cũng là cái nắng ấy, hôm qua là cuối xuân, hôm nay là chớm hạ. Bước qua một thời khắc, tự nhiên có sự khác nhau. Ông Người đặt ra mùa nọ mùa kia, nghĩ ra đủ loại lịch âm, lịch dương, đủ loại đồng hồ hiện đại…quả là tiện cho công việc, nhưng cũng tự làm Người rối bời trong cái vòng khắc nghiệt. Thời gian nó đuổi Người, nó vây Người, nó đè Người, nó cướp hết của Người bao niềm vui sống. Giá như Người không nghĩ ra năm, tháng…Người sẽ không có tuổi, Người chẳng bao giờ già, chẳng bao giờ buồn. Người cứ sống chán, rồi chết. Như gió mây cây cỏ vậy thôi. Nhưng bi giờ thì làm sao mà thoát được. Đã sinh ra là ông Người thì phải đeo cái ách thời gian. Thôi thì thỉnh thoảng tạm quên nó đi. OK?
Đọc thêm!
Tết thời đại số 
SG năm nay trời mát. Cây mai ông anh tặng đến mùng bốn mới chịu nở hoa đều khắp, vàng rực. May mà nghỉ dài, cây mai nở muộn vẫn kịp hâm lại một chút không khí tết.

Hôm qua chú em bên vận tải nói chuyện là tàu xe vẫn chạy đều, ngày ba mươi vẫn đông. Mùng hai, mùng ba đông hơn vì người ta rời thành phố đi chơi. Nhiều công ty phải thay nhau trực. Giữa chừng xuân thì giao ca, một số thì hết tết, số khác lại bắt đầu.

Nhiều người than bi giờ tết nhạt, tết loãng. Thì cả chục ngày làm gì mà không loãng. Những năm trước, chuẩn bị tết phải lên lịch như đánh trận. Xăng cộ thực phẩm phải dự trữ, ba ngày tết là thiên hạ đồng loạt nghỉ cả, có sự gì ngồi đó mà khóc. Đi chúc tết thì như chạy sô. Ai cũng cắm cổ ngoài đường, mặt mũi đỏ phừng, vào nhà hớp vội lon bia, làm miếng đặc sản, chúc đôi câu, phát lì-xì cho các cháu nhanh nhanh rồi còn đi chỗ khác. Đã thế vẫn phải tranh thủ đi chơi, đi xem…Sự kiện đậm đặc, vô cùng là bận rộn.

Giờ thì đã khác, thời gian dài, phương tiện sẵn, tết có nhiều lựa chọn. Kẻ về quê, người đi du lịch, số ở lại thì chương trình cũng lung tung cả, mỗi người một ý, không khớp được. Chưa kể những người bận công việc. Sự hào hứng nghe chừng sa sút thật.

Nhưng xã hội là vậy thôi. Cứ luôn luôn biến đổi. Tết thời đại số không còn như  xưa, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra những điều mới lạ.

Có thể sẽ là những kết nối, những chia sẻ vượt không gian.

Có thể  sẽ là những khám phá, những trải nghiệm vượt thời gian.   

Biết đâu chúng sẽ giúp bớt đi những màu mè rườm rà, đưa tết trở về với gia đình, với tình thân, với những niềm vui chân thực.
Đọc thêm!
Nắng đầu mùa

Nắng đầu mùa gay gắt. Buổi trưa đi ngoài đường hai cánh tay rát như phải bỏng, nhưng nhìn sắc nắng chói chang cũng thấy khí thế hơn.

Chợt nhớ đến cái nắng “mới lên” trong thơ Hàn Mặc Tử.

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gần đây có nhiều bài phân tích chỉ ra hình ảnh “mặt chữ điền” của HMT đơn giản chỉ là mặt tấm bình phong phía trước các ngôi nhà xứ Huế xưa, trên đó có khắc chữ “điền”, chứ chẩng phải mặt người.

Nghe có lý phết, nhưng dù có thêm một tỷ bài phân tích thế, thì chín chục phần trăm những thằng đọc thơ vẫn cứ nghĩ đó là khuôn mặt của giai nhân.

Cùng lắm, nếu “ép cung” quá thì chúng cũng công nhận đó là bình phong, nhưng phía sau bình phong phải là người đẹp. 

Ông trời không sinh ra nhà thơ chỉ để tả một cái bình phong vô hồn, nhé.

Đó là “cái lý của người Mèo”, là tiên đề xây dựng nên mọi nền lý luận thi ca đích thực.

Thế giới tư duy và cũng như thế giới vật chất là vô cùng. Nhiều khi khoa học chính xác không cần (hoặc không thể)  giải thích cho Điều-đó có vẻ hợp lý. Điều-đó vẫn tồn tại và có tiếng nói.

Nhân vụ các nhà “ngoại cảm” rởm, mấy hôm nay đài, báo và dư luận phê phán lĩnh vực này ghê quá. BT không ở phía nào, nhưng đoán chắc là mọi việc sẽ qua nhanh vì “ngoại cảm”, dù tên gọi khác nhau, đã có từ ngàn năm. Nhiều nỗ lực ghê gớm hơn còn không xoá được Điều-đó, thì mấy bài báo vừa rồi, chỉ là cái đinh.

Có những việc gần gũi hơn, như việc anh Thanh Chấn tù oan ở Bắc giang. Nói thẳng ra là quá ít hy vọng để những kẻ bỏ tù anh Chấn sẽ bị kết tội đánh đập, ép cung…công cụ pháp luật hiện hành chắc không chứng minh được Điều-đó. Nhưng mọi người đều hiểu Điều-đó đã xảy ra và lên án Điều-đó.

Nhiều lúc những cái “sương khói mờ nhân ảnh” làm khổ chúng ta, nhưng cũng chính nó tạo nên sự hấp dẫn của văn chương, của cuộc sống.


Đọc thêm!
Cuối năm đời sống lên cao
Nhà hàng, khách sạn tuần nào cũng đi
Một ngày ba đám có khi
Thiệp hồng phơi phới, phong bì bay bay…  
Đọc thêm!
Ngày trước, phương tiện truyền thông chưa nhiều như bi giờ, khi có bão cán bộ phải vác loa đi gọi: “a lô, a lô, nhà ông Kèo, nhà bà Cột sao không chịu chằng chống cho kỹ, tối bão vào thì đổ ngay bây giờ”. 

Khiếp chưa, tối mới bão mà nhà thì đổ “ngay bây giờ”. Đối với bà con miền ngoài phải kêu vậy mới ép-phê, vì ngoài đó thường có bão.

Còn dân SG thì ít dính nên hôm rồi mới được một phen nháo nhác. BT cũng hay lên mạng, buổi trưa còn thấy bão ở ngoài biển Ninh thuận, vậy mà nửa buổi chiều đã nghe nhà trường gọi tới rước con gấp vì sắp bão. Hoảng hồn kiểm tra lại thì bão vẫn đó, nhưng có tới mấy cái thông báo cho nghỉ học, rồi tin tức cập nhật chỗ nọ sơ tán, chỗ kia đóng cửa…nên cũng hãi, bỏ về sớm.

Ngoài đường trời vẫn quang đãng, mát mẻ nhưng ai nấy đều hớt hải. Người đi đón con, người chạy về nhà, không ít người tranh thủ ghé mua mì tôm, đèn cầy, người nọ hỏi thăm người kia. Không khí cứ như …sắp bão.      

Nhưng rồi cả buổi tối yên ổn, đêm cũng không bão. May mà gần sáng được trận mưa to, đỡ phí công hồi hộp.

Rồi ông thời tiết lại lên TV giải thích việc bão không vào như dự báo là rất chính xác! Nói chung ngành Gia-cát-dự  xứ mình thường có hai việc tuần tự, đầu tiên là phân tích cho thấy NÓ sẽ xảy ra, tiếp theo là phân tích cho thấy tại sao NÓ không xảy ra. Cả hai lần đều có lý, có tiền…sorry, có tình.     

Quay lại chuyện bão, dù bão không tới nhưng cũng để lại dư âm nhất định. Bà con có dịp bàn luận, coi như là một lúc tạm dừng công việc thường nhật để nhớ về những miền quê gian khó, lớp trẻ thì có thêm trải nghiệm.
Đọc thêm!