Thứ Bảy, tháng 6 14, 2014

Đúng như dự đoán của mọi người, vấn đề Biển đông đã được đưa vào câu thứ nhất đề thi tú tài môn văn năm nay. 
    Và hơn cả dự đoán là vấn đề được nêu một cách trực tiếp bằng một đoạn chính luận rõ ràng, cụ thể, dân dã, không hề văn hoa xa xôi “nước lạ, nước quen, đại cục, tiểu cục”…
   Tất nhiên cuối cùng cũng có ý là cần “bình tĩnh, sáng suốt”…cho đúng chủ trương. Nhưng quả thật là các sĩ tử đã có mục tiêu quá sướng, cứ việc chém giấy thật lực, không sợ chệch, không sợ lạc, không phải băn khoăn về những tầng ý nghĩa nọ kia. Vừa làm bài, vừa xả xì-trét cho xã hội!
   Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa thấy hết được độ hay của đề thi năm nay.
   Mời xem tiếp câu hỏi thư hai. Câu này hỏi về những day dứt của nhân vật Hồn Trương Ba (trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Với những câu trích như: “Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong… Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”. “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”.
    Đoạn thoại này đã được phân tích nhiều, và ý nghĩa cũng đã được giải thích là nói về việc: con người cần được sống đúng là chính mình.
   Nếu đứng riêng ra thì như thế, nhưng khi ghép cùng câu hỏi đầu trong đề thi năm nay, thì nó tạo ra một sự liên tưởng mới mẻ hơn.          Đó là sự đấu tranh để vượt ra khỏi sự lệ thuộc.
   Đối với mỗi người, sự sống là đầu, nhưng chỉ xứng đáng khi không phải sống nhờ, sống gửi, dù là gửi vào anh hàng thịt để hưởng lạc.
     Đối với một quốc gia cũng thế thôi.
     Câu hỏi thứ nhất mới đặt vấn đề, câu thứ hai là giải quyết vấn đề. Đề văn năm nay hay là ở chỗ đó.
     Không biết các bé có nghĩ thế không? Nhưng bố chúng nó nghĩ thế.

Không có nhận xét nào: