Thứ Hai, tháng 11 28, 2011

NHÂN CHUYỆN "DÙNG LƯỚI BẮT XE"

    Nhà Buthoong ở gần tuyến đường hay có hội quái xế đua xe máy.


    Dân phố chửi chúng nó, nhưng tò mò ra xem cũng đông.

   Phải nói là cảnh dòng xe đủ loại, chở theo đám nửa người nửa ngợm, gầm rú gào thét trên phố khuya cũng rất ấn tượng.

    Nhưng nhiều khi bọn này rửng mỡ lạng lách giữa phố đông, làm người tham gia giao thông được phen hoảng loạn. Nếu ai đã chẳng may lạc vào đường đua của chúng, mới thấy mạng sống của mình chẳng là cái đinh. Đám quái ào qua rồi mà dân lành mặt mũi còn xanh lè, trẻ con khóc thét.

    Công an đuổi không xuể. Nên có lúc hàng phố bức xúc quăng cành cây, ghế nhựa...ra cản. Còn chuyện chúng nó tự đâm vào nhau, văng ra đường thì như cơm bữa. Những lúc ấy, ai nấy đều bảo: ”đáng đời, cho chúng nó chết”

    Nhưng nhìn chúng nó chết rồi, mặt mũi còn non choẹt, sàn sàn như con em mình, lại thấy tội. Sự này có lỗi của người lớn, chính quyền nhân dân và bao nhiêu bộ máy đoàn, hội…không nghĩ ra được một sân chơi đủ tầm cho bộ phận hiếu động nhất của lứa tuổi teen. Chỉ cần một góc sân golf thôi. 

    Công an cũng vất vả ngược xuôi lùng bắt, nhưng rồi như cóc bỏ đĩa. Mà cả một đàn cóc chứ đâu phải một hai chú.

     Nên nghe tin xứ Thanh có sáng kiến dùng “lưới đánh cá” để chặn đám đua xe, Buthoong thấy cũng có lý. 

    Nhưng rồi lại nhiều ý kiến ầm ĩ lên, lý do đưa ra là nó "phản cảm".

    Có nhẽ nghe đến "lưới" là người ta hốt, liên tưởng ngay đến: chụp, vây, chắn, vét…như đánh cá, rồi lo cho sự an toàn của…cá.

    Nhưng theo như Buthoong tìm hiểu, thì loại lưới chụp để bắt tội phạm người ta đã dùng mãi rồi, nó như thế này.


    Kể ra lưới ấy mà chụp vào xe đang chạy thì cũng không ổn.

   Cơ mà công an xứ Thanh không dùng thế. Mà như nêu trên báo chí thì các bác í chỉ quăng lưới vào bánh xe. Như thế này:


     Bị vướng lưới, xe đua sẽ phải xì-tốp ngay, chắc chắn là tay đua sẽ phải dừng cuộc chơi, nhưng không đột ngột đến mức phải bỏ mạng. Xem ra lưới này còn hơn chán những bàn chông, rào chắn tân kỳ như chúng mình vưỡn thấy trên phim Mỹ. Mà lại đơn giản, rẻ tiền.

   Vậy thì nó "phản cảm" ở đâu? Chắc là vì nó tầm thường quá, chẩng có tý huyện đội, à quên, hiện đại nào.

    Để tiếp tục được dùng, thì có một cách là các bác xứ Thanh nên thu hồi cái lưới đó về, nhuộm màu cho nó loang lổ khác kiểu đi, rồi thuê vài vị TS (tiến sĩ) viết báo cáo khoa học, phân tích khí động học này nọ, rồi đặt cho nó cái tên kiếu như: "Phương tiện hỗ trợ truy cản bằng po-ly ét-xờ-te dạng lưới " hay gì đó. Nếu có thể thì chữ lưới nên dùng tiếng Anh (Net) là tốt nhất. Tuyệt đối tránh chữ đánh cá.

    Được thế thì thiên hạ OK ngay, không chừng lại được đề cử giải Trí tuệ việt nam.

   Cái đó trong quản lý khoa học xứ ta gọi là "phép phức tạp hoá những vấn đề đơn giản". Mục đích là làm thỏa mãn giới sính chữ, ưa hình thức.

    Và đôi khi để bịt miệng những người ưa tìm tòi phản biện, nhưng "dân trí thấp". 

    Không chỉ trong khoa học, cả trong quản lý xã hội, người ta áp dụng mãi ra rồi. Các bác xứ Thanh thật thà quá. 
Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 11 25, 2011

Âm tính

    Cách nay cũng lâu lâu, Buthoong có nghe thiên hạ nhận xét: con trai đi giờ ẻo lả quá.


    Đúng thế thật. Mà hiện tượng này ngày càng nặng thêm. Nhất là ở thành thị.

   Không chỉ các nam văn nghệ xỉ khoái món giả gái, mà rất nhiều trai tráng bình dân cũng thế.


    Nếu do thể chất yếu đuối bẩm sinh thì đã một nhẽ. Đằng này nhiều nam tử to vật như King-kông, mà cứ thướt tha, yểu điệu, tóc tai da dẻ láng coóng. Trông ngứa hết cả cái lỗ mắt.

   Bề ngoài đã thế, đầu óc cũng chẩng có tý men-lỳ nào, suốt này bận bịu với xì-tai, đồ hiệu, nhạc não, phim Hàn. Nghe đến những chữ quyết đoán, chí hướng, mạo hiểm, cá tính…là vội thốt lên: em chã, em chã. Đến mức một nữ sĩ khoai tây đã phải than thở “Tại sao đàn ông Việt, đặc biệt là trai Hà Nội, lại không muốn, hoặc không thể làm rung động con tim phụ nữ phương Tây?”. 


    Tại sao thế nhể? Người ta giải thích, cũng là do giáo dục cả thôi.

    Này nhé. 

   Ở nhà, từ lúc mới đẻ ra thì mẹ với chị, các cô với các dì, bà nội với bà ngoại xúm vào săn sóc.

    Đi học mẫu giáo, tiểu học thì tuyền được các cô dạy dỗ.

    Lên đến trung học mới có vài thầy giáo. Nhưng lúc bấy thì nhớn mất rồi, biết yêu rồi, đắm đuối với đám hót-gơn rồi.

    Vậy thế bố chúng nó đâu? Thưa rằng, đàn ông thời đại còn bận đi kiếm ăn, bận bù khú nhậu nhẹt, bàn bạc chuyện đại sự với các ông, các bác, các chú. Chuyện con cái đã khoán hết cho giới nữ.

    Được vây bọc trong những vòng tay tình thương mến thương như thế, không âm tính mới lạ. 

   Thằng đàn ông âm tính không xấu, thường được khen là ngoan, nhưng rất chán. Xã hội âm tính không tệ lắm, có khi được coi là bình yên, nhưng cứ xìu xìu, dễ làm phái đẹp nổi khùng, như trường hợp nữ nhi khoai tây kể trên.


    Có điều, mấy tay âm tính, dù thế nào vẫn cứ hồn nhiên nhí nhảnh, chẳng bao giờ có nhu cầu thay đổi. 

    Không thế, họ đã không âm tính. 
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 11 13, 2011

TIẾP TỤC BẦU CHỌN.

    Cuối cùng thì Ha long Bay cũng lọt vào danh sách Niu sế-vần uân-đờ.


     May quá, tưởng là thua mấy thằng đông quân như Tàu, Ấn, Nga, Mỹ…

     Nhưng cuối cùng ta vưỡn thắng. Dân chúng nó làm sao yêu nước bằng dân chúng mình, lãnh đạo chúng nó làm sao khôn bằng lãnh đạo của mình. Cú bầu chọn tổng lực của “chính phủ và cả hệ thống chính trị” đã làm thế giới phải choáng váng. Hạ long, kỳ quan ngàn đời của chúng ta đã được trở thành kỳ quan…mới ! 

      Thắng lợi của chúng ta thật đáng kể.

      Nhưng, bọn Niu sế-vần uân-đờ lại phát động cuộc bầu chọn tiếp theo: bầu chọn bảy thành phố kỳ quan mới.

     Hanoi Capital của chúng ta nhất định sẽ lại vào danh sách bầu chọn. Dù chúng ta không muốn thì chúng nó cũng sẽ đưa vào, vì sau cú Ha long Bay, chúng ta đã trở thành mối ruột, không đời nào chúng nó lại bỏ qua. 

     Chúng ta phải chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.

     Trận chiến này sẽ gay go hơn nhiều, vì Hanoi capital của chúng ta tuy đất rộng và bề dày lịch sử. Cũng có nhiều điều kỳ …cục được thế giới công nhận như kẹt xe, nhà siêu mỏng…nhưng cũng chưa thật xuất sắc so với nhiều thành phố khác khắp năm châu. 

     Nhưng sức mạnh của chúng ta là ở số đông.

     “Chính phủ và cả hệ thống chính trị” lại phải sẵn sàng bớt chút thời gian vàng ngọc, gác lại vài việc gì đó để chỉ huy cuộc bầu chọn.

     Dân chúng lại phải sẵn sàng hy sinh một tý để hưởng ứng, trước nhắn một trăm tin, nay phải nhắn bằng hai, bằng ba. Trước đã bỏ ra bảy chai, thì nay nên bỏ ra mười lăm chai hay hơn nữa để bầu chọn. Trước huy động em bé năm tháng thì nay có thể huy động cả các em bé hai tháng tham gia. 

     Các cơ quan, đơn vị, trường học nên áp dụng một số biện pháp hành chính cứng rắn hơn nữa. Nếu cần có thể đề xuất Quốc hội thông qua “Luật bầu chọn”.

     Có như vậy chúng ta mới có thể tiếp tục đưa Hanoi ngàn năm trở thành kỳ quan mới.

    Cố lên. Vì kỳ quan, chúng ta quyết tâm thừa xống thăng lên, à quên, thừa thắng xông lên.
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 10 23, 2011

Cố lên, anh Thăng

    Chẳng cần phải điều tra dư luận này nọ, cũng có thể nói ngay: nỗi ám ảnh hàng đầu của cư dân đô thị xứ Đại việt bi giờ là nạn kẹt xe (ngoài bắc gọi là tắc đường).


    Chưa cần anh Thăng phải cấm, dân chúng từ lâu đã phải tính nát đầu xem nên đi đường nào? đi bằng xe gì? đi vào giờ nào? mỗi khi có việc vào trung tâm thành phố. Liu ý anh Thăng là dân chúng đi kiếm ăn, chứ không phải là đi chơi Gốp. 

    Các nhà kinh tế học, xã hội học và nhiều nhà…học khác, phân tích ở tầm vĩ mô, tìm ra những con số thiệt hại ghê gớm và công bố chúng, cho vui.

     Còn dân đen, chẩng cần đọc những con số đó, đã đủ khổ.

    Hồi trước, lúc kẹt xe còn sơ sơ, người ta than vãn.

    Lần lần, kẹt xe nặng thêm, người ta chửi đổng.

    Còn bi giờ, kẹt xe đã đến hồi vô vọng, người ta câm lặng.

    Đúng là không còn gì để nói. Kẹt xe không còn là chuyện lạ (không kẹt mới lạ). Kể chuyện bị kẹt xe là rất thường, bàn luận với nhau về kẹt xe là rất rỗi hơi, gây gổ với nhau khi bị kẹt xe là rất vô duyên.

    Những khối người lầm lũi trong các đám kẹt xe. Lầm lũi chờ đợi, lầm lũi nhúc nhích, lầm lũi hít khói bụi và hơi nóng. Lầm lũi chịu đựng những khi ông trời tưới mưa lên đầu hay xì nước triều cường dưới chân. Lầm lũi nuốt câu chửi thề vào bụng.

    Tệ hơn nữa là các quan trên cũng trở nên lầm lũi. Bác gì gì đấy, hồi mới lên cũng hứa hẹn đủ điều, nhưng cứ thấy êm dần, êm dần, rồi biến. để cho các quan bé hơn nghĩ ra nhiều trò vớ vẩn, cấm xe như, phân làn như, rào đường như…tự dưng làm, rồi tự dưng dỡ…cứ lầm lũi mà làm.

    Toàn trạng đại khái giống như con bệnh nặng đã nản, mà thầy thuốc lại buông xuôi. 

    Chán.

    Vậy cho nên thấy anh Thăng mới lên, hô hào biện pháp này nọ. Buthoong cũng phấn khởi lắm.

     Phấn khởi vì thái độ của anh thôi, chứ các biện pháp của anh, nói thật, nó cũng còn tù mù lắm.

     Nhưng cứ mạnh dạn mà phán, anh ạ. Đằng nào tất cả cũng bó tay rồi, anh cứ bốc thuốc ngay đi, cùng lắm thì lại như cũ thôi, chẩng có gì để mất, anh ạ. Nhất thì xách điếu cày ra dẹp loạn, người đời sẽ biết cái tâm của anh.

     Thiên hạ bẩu anh nổ, thì anh cứ nổ nữa đi, cho nó khiếp. Cho tới khi có nhiều người phải lên tiếng cãi (phản biện) lại anh, thì có khi mới ra được giải pháp.

     Chứ cứ để ù lỳ thế này, tội lắm.

     Cố lên, anh Thăng.
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 10 20, 2011

Mùa lá vàng 

Anh đi trên vỉa hè Hà nội
Cách em hàng ngàn cây số
Mùa thu trời trong lá đổ
Những khuôn mặt đăm chiêu
Những nụ cười vô hồn
Hàng tỷ cái mới và không mới
Không làm mùa thu khác đi
Anh muốn anh và em
Có một lần sám hối
Một lần ta đi trong lá vàng rơi
Và quên đi những gì đang nghĩ
Để thấy ta nhỏ bé
Và ngô nghê
Những ý nghĩ của ta không đáng giá một xu
Lòng kiêu ngạo có hàng ngàn áo khoác
Nhẫn nhịn là tích tụ
Sự lãng mạn như nước hoa không át được mồ hôi
Thời gian trôi
Ta tin vào điều kỳ diệu
Như tin vào hạt cây.





Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 10 09, 2011

Xe khủng


    Tuần tới lại ra Hà nội.

    Dù sinh ra ở đó, ra đến nơi chẳng thiếu gì chỗ để thăm, chẳng thiếu gì việc để làm, nhưng lính tráng như Buthoong mà một tháng đi Hà nội tới ba lần thì cũng hơi nhiều.


    Nói lính tráng để phân biệt, chứ mấy xếp của Buthoong đều là khách hàng kim cương của hãng tàu bay cả, có tuần xếp ra Hà nội tới bốn lần, cứ sáng đi chiều về như đi xe buýt. Vì công việc cả thôi, chứ chắc xếp cũng mệt lắm.

    Hai lần trước ra, xong việc là chuồn ngay, vì mưa bão. Lần này định ở lại chơi một hai hôm, nhưng nếu bão nữa, thì chắc lại phải chuồn. Giữa làn mưa thu lành lạnh, mà ngồi uống rượu với các chiến hữu thì cũng thú lắm, nhưng cứ nghĩ đến cảnh đường sá chen chúc, lầy lội, người ngợm ướt át thì lại nản, khổ thế. 

   Nói chuyện bão lụt, mới nhớ, năm ngoái Buthoong được xem con xe chỉ huy tìm kiếm cứu nạn. Con xe này được độ từ xe thiết giáp quân sự nên mưa gió siêu cấp chẩng là cái đinh. Bơi nước, vượt địa hình, chịu va đập (bom đạn còn chẩng sợ). Trên xe có hệ thống thông tin chỉ huy, trang bị cứu hộ, cả chỗ làm việc cho truyền thông, báo chí…Theo Buthoong thì ý tưởng độ con xe này quả là thiết thực. Cứ làm ra nhiều nhiều trang bị cho những nơi hay bị thiên tai để cứu giúp dân chúng, còn nữa rao bán cho các đại gia. Giá cả con xe cứu nạn này chắc cũng không hơn mấy con xe khủng của cậu C. chị D. gì đó, mà oách hơn nhiều, không lo đụng hàng. Có con xe này, các đại gia đi làm từ thiện cũng tiện.


    Hồi trước Buthoong hay đi tuyến bắc nam (chỉ đi tàu bò thôi, chưa được đi tàu bay như bi giờ), cũng vài lần bị mưa bão tắc đường, nằm lại những vùng lũ lụt, nên thấy con xe này là kết lắm, giới thiệu để bà con cùng xem.
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 9 11, 2011

Hà nội express 
     Có công việc đột xuất, được (phải) ra Hà nội, bốn ngày cả đi về. Giữa những ngày đầu thu, mà không kịp ghé thăm Bờ hồ, Văn miếu, Lăng Cụ, phố cổ, phố mới,…vươn vươn. Túm lại là không kịp lượn vào Hà nội 1, nhưng lại được ngược lên Hà nội 7, để về quê. Hà nội mình bi giờ là thủ đô đa dạng sinh học nhất thế giới, đi thăm hết có mà cả tháng. 

     Hồi mới mở rộng, để tiện phân biệt, ai đó có sáng kiến, cứ Tháp Rùa là tâm, quay vòng tròn, lấy bán kính 10 km làm đơn vị, trong vòng 10 km là Hà nội 1, cách 20 km là Hà nội 2…Cứ như thế, đến núi Ba vì là Hà nội 7. Quê vợ BT ở Phú thọ, tuy là tỉnh miền núi nhưng giáp ngay Hà nội 7, được thay thế Hà tây trở thành "cửa ngõ Thủ đô". Bác nhà văn T.N cũng quê Phú thọ, đận ấy ấm ức mãi, giá trên lấy thêm một tý, thì đất tổ cũng được về Hà nội, dẫu là Hà nội 8,9 hay 10, thì cũng vinh dự chán.

    Kỳ này lướt qua, thấy các vùng Hà nội X (X>2), đang được ra sức đô thị hoá, đường sá, nhà cửa xây lên nhộn nhịp, trang trí nhôm nhựa màu mè. Cứ thế này, thì chẳng bao lâu, các Hà nội X sẽ nhanh chóng hòa nhập. Ví như:

Cổng làng Đường lâm ngày trước

Bây giờ.

Vài năm nữa chắc sẽ là phố, hay khu đô thị Đường lâm? Như thế này


.
Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 7 17, 2011

Phút 89

    Buthoong vốn tính cầu an, dĩ hoà vi quý. Thấy tụ tập đông thì tránh. Chuyện đã qua thì thôi, không để ý đến nữa.



    Chẩng biết thế là tốt hay xấu, nhưng sống vậy đã quen. Mà xem ra cũng không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới.

    Chỉ có bà xã, đôi lúc cáu, mắng Buthoong là “cù lần”.

    Điều đó quá đúng, nên Buthoong không chấp. 

    Tuy nhiên, mấy đứa con của Buthoong, có vẻ cũng hơi cù lần, làm bố chúng nó thấy lo lo.

    Bởi thời thế bi giờ không như ngày xưa.

    Ngày xưa, Buthoong là con ngoan trong gia đình thành phần cơ bản. Ở lớp, Buthoong là trò ngoan dưới mái trường XHCN.

    Các thành viên trong gia đình Buthoong, đều có tem phiếu nhà nước, tháng tháng có gạo sổ. Sống ung dung, hạnh phúc giữa đồng bào, đồng chí. Ai cũng hạnh phúc như thế cả. 

    Ở trường, Buthoong được nghiên cứu truyện cổ tích. Truyện xưa, truyện nay, cả truyện cổ tích XHCN nữa. Các câu chuyện thì khác nhau, nhưng cuối cùng thì bao giờ cũng có Cô tiên hoặc Ông bụt. 

    Điều kiện để được gặp Ông bụt cũng rất dễ. Nếu là bụt thời xưa thì chỉ cần sống hiền lành, thật thà, chịu khó khóc lóc. Nếu là bụt XHCN, thì có thêm điều kiện là phải sống quên mình, tất cả vì tập thể. 

    Buthoong thành tâm tin vào chuyện cổ tích, nên sống thoải mái. Cho đến bi giờ, đầu đã hai thứ tóc, vưỡn tin tưởng sẽ có ngày gặp Ông bụt. 

   Niềm tin đó rất hồn nhiên, giống như dân chúng Đại việt tại Seagame, luôn chờ đợi đội bạn sẽ tự đá phản ba trái vào lưới nhà, ở phút thứ 89.

    Nhưng đối với lũ con, thì Buthoong không muốn thế. 

***
   Con gái Buthoong thi vào lớp 10, điểm văn hơi thấp.

   Nó chưa từng bị thế bao giờ, nên sốc lắm, buồn tiu ngỉu. Lại ấm ức nữa. 

   Tuổi chúng nó mà đã ấm ức, mất lòng tin vào Ông bụt thì rất không nên.

   Buthoong hỏi han đầu đuôi, xem đáp án, thấy cũng gần giống bài mẫu, bảo nó xin phúc khảo.

   Nó bảo: Ứ ừ, nhỡ không được thì nhục lắm.

   Vợ Buthoong nghe ai nói, cũng bàn: tìm chỗ nào mà chạy, chứ môn văn thì phúc cái giề.

   Tính cầu an nổi lên, Buthoong cũng bâng khuâng: Như toán hay Anh văn thì một nhẽ, có ba-rem rõ ràng. Chứ cái món văn chương này, họ nói sao là sao, bố ai cãi được. 

   Bàn bạc, chần chờ mãi, nộp đơn, rồi rút, rồi lại nộp. 

   Chuốc thêm một nỗi lo, vì hy vọng mong manh lắm.

   Nhưng cuối cùng thì cháu cũng được thêm một điểm, vừa đủ vào trường nó thích.

   Lần này Ông bụt đã chiếu cố, vào phút 89. 

   Buthoong phấn khởi, phần vì nó đỗ. Nhưng chính là cho nó (và bố nó) thấy là cũng có Bụt thật. Nhưng ông anh này bi giờ cũng bận rộn lắm, chẳng tự nhiên hiện ra như ngày xưa, phải chịu khó tìm một tý. 

-------
Nhân đây, Buthoong và gia đình xin chân thành cảm ơn nhà trường và các thầy, cô chấm phúc khảo môn văn vào lớp 10, TP.HCM năm 2011.
Đọc thêm!

Thứ Bảy, tháng 7 09, 2011

Ném đá ao bèo

    Mấy hôm nay, lướt qua phố Nét.


   Thấy một số Blog mặt tiền, vốn đông vui, náo nhiệt, nay treo biển đóng cửa. Một số thì chỉ còn chưng hàng mẫu. Như hiệu sách nhân dân thời trước. 

    Chẳng nhẽ khó khăn, lạm phát đã vào tận không gian số. 

    Hay là các chủ hàng đã chán.

*

(ảnh sưu tầm)

    Ngày bé, phía sau nhà Buthoong có một cái ao bèo.

    Đó là thứ bèo tấm cánh nhỏ li ti như vảy cá, màu xanh lục.

    Rất nhiều bèo, phủ hết cả mặt ao như tấm thảm, thậm chí chồng cả lên nhau thành lớp dày.

    Buổi chiều, sau giờ học, Buthoong hay mang rổ ra bờ ao vớt bèo về cho vịt ăn. Tiện thể nhặt đất, đá ném xuống ao để xả xì-trét.

    Hòn đá ném tũm, bèo dạt ra, thành một ô nước tròn xoe, sóng sánh.

    Nhưng rất mau, bèo từ bốn phía dồn về. Mặt ao liền như cũ. 

   Buthoong lại ném tũm, tũm, để xem các lỗ thay nhau hiện ra rồi biến mất, rất vui mắt. 

    Bao giờ chán thì về, chứ có ném cả ngày, cũng chẳng thủng được mặt ao.

    Giải trí của thiếu nhi thời bấy có vậy thôi.

    Nhưng mà cũng có lợi phết. Thứ nhất là xả xì-trét, như đã nói ở trên. Thứ nhì, để hiểu thế nào là "ném đá ao bèo".
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 7 07, 2011

Bà về...

    Ngày kia là giỗ má.


   Năm nay bận nhiều việc, nên chỉ làm một mâm cúng trong nhà. Không mời khách.

    Nhưng cố thu xếp chở bé Hà lên thăm mộ, thắp nhang cho bà. 

    Tối qua có con chuồn chuồn nâu bay la đà vào nhà, hồi lâu rồi đậu trên bàn thờ. Đến sáng lúc mình đi làm vẫn còn. Mấy đứa nhỏ nhà mình quen lệ bảo nhau ”Bà về, bà về”.

    Từ ngày má mất, thỉnh thoảng lại có con chuồn chuồn, hoặc con bướm nâu, bay vào đậu trên bàn thờ, hay ngoài sân, chỗ phòng má ngày xưa. Hồi tết năm đầu má mất, con bướm đậu ngay trên ảnh má, suốt ngày 30 tết, khách khứa đến thắp nhang, có động vào vẫn cứ đậu đấy. Sáng mùng một thì ra đậu ngoài hiên, hồi lâu rồi mới bay đi.

    Từ đó thỉnh thoảng lại về, lần nào cũng là màu nâu. Thời gian đầu thì thường xuyên, sang năm thứ hai, thứ ba thì ít hơn, Bây giờ thì hai, ba tháng lại gặp. Cả nhà đã quen, nhưng mỗi lần thế lại thấy trong lòng thật ấm áp.

    Mình tin chắc đó là tín hiệu của má về. Má đã sang cõi khác, nhưng chẳng bao giờ rời xa con cháu.

.
Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 7 05, 2011

CHẠY...

    Mấy hôm nay Buthoong lo việc thi cử của con.


    Lo đưa đi thi ,rồi lo chờ kết quả.

    Con bé nhà Buthoong học hành không đến nỗi, nhưng kỳ này làm bài sút hẳn, điểm thi không vượt lên, mà lại mấp mé điểm chuẩn năm trước, nên lại phát sinh thêm một cái lo.

  Bà xã Buthoong nghe ai nói, về bàn là phải tìm chỗ "chạy". Buthoong không chịu, bảo nếu trượt thì thôi, làm bà xã xị mặt.

   Nhưng nói vậy, chứ trong đầu cứ phải nghĩ xem có chỗ nào chạy không, mà chạy thế nào. Thiên hạ bây giờ chạy cả, mình cũng phải chạy một tý cho (vợ) yên tâm.

   Trong lúc chưa tìm ra đường chạy, Buthoong xách xe chạy vòng vòng qua mấy trường gần nhà xem bảng điểm chung thế nào.

   Dù đã có báo kết quả thi trên nét, nhưng vẫn đông người coi. Người cao điểm thì vui vẻ, người thấp thì lo âu. Tội nhất là mấy đứa chắc chắn trượt cả ba nguyện vọng, nhìn chúng nó mặt mũi ngơ ngác, thấy thương quá. Định an ủi chúng nó vài câu, nhưng chẳng biết nói thế nào. 

   Chẳng nhẽ lại bảo: cứ hy vọng đi các con ạ. 

   Bố mẹ còn đang "chạy".
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 6 30, 2011

Bận họp.

    Mấy hôm nay bận đi tập huấn nghiệp vụ.


    Tưởng cũng láo nháo như mấy lần trước, đến ngó nghiêng một tý rồi chuồn sớm, hay kéo ra căng-tin ngồi tán phét.

    Không ngờ lần này các bác trên làm long trọng quá. Hội trường mát mẻ, chỗ ngồi ghi tên từng người. Mấy em tiếp tân tha thướt trực ngoài sảnh từ đầu đến cuối, vừa thò mặt ra đã đon đả: dạ thưa anh cần chi ? Ờ ờ, ra nghe điện thoại tý. Lớ rớ rồi lại phải vào. Bố khỉ, nó canh thế, mặt mũi nào mà chuồn.

    Vậy là chết gí mất ba, bốn ngày.

    Bù lại, tài liệu phát đầy đủ, báo cáo viên cũng không đến nỗi. Giải lao có cà-phê. Khai mạc, bế mạc có nâng lên đặt xuống. Giữa đợt có tham quan, văn nghệ...giúp đại biểu bớt căng thẳng, học tập chất lượng hơn. 

    Công tác tổ chức hội họp của chúng ta tiến bộ thật.

    Nhưng phần cũng là do chỗ đăng cai có kinh doanh khách sạn lớn, đội ngũ nhân viên, rồi event Manager...chu đáo lắm. Làm cho các đại biểu, toàn anh Hai, anh Ba tứ xứ, muốn bỗ bã tý cũng ngại, giờ giấc y boong, vào lớp ngồi im phăng phắc. 

    Xong tập huấn, vừa về. Sếp kêu đi họp ngay. Họp ở nhà chán quá.

   Xem lịch ngày mai lại họp hai buổi. Tuần sau hứa hẹn vài buổi nữa.

    Nhớ chuyện vui ngày xưa: Vì sao Việt cộng đánh Mỹ lâu thế, mất hơn hai chục năm? Vì bận họp, nếu không họp, chỉ đánh năm năm là xong.
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 6 23, 2011

Con trai, con gái 


    Cụ Hồ có tặng tướng Nguyễn Sơn bài thơ:

Đảm dục đại
Tâm dục tế
Trí dục viên
Hạnh dục phương.

    Câu Trí dục viên, Buthoong hiểu nôm na là: đầu óc phải tròn như hòn bi, phải linh động, lăn qua lăn lại.

   Còn Hạnh dục phương là: đức hạnh thì phải vuông vắn, ngay ngắn, kiên định.

    Đại khái các cụ ta khuyên thế.

   Cơ mà ở xứ Đại việt ta, đến bi giờ vưỡn có khối người "Trí dục phương" - đầu óc đóng khung vuông chằn chặn.

   Buthoong không bàn dững chuyện triều chính đại sự. Chỉ nói chuyện đời thường bé tí của bản thân. Là chuyện đẻ con trai, con gái.

     Buthoong có hai đứa con gái. Đó là niềm vui rất lớn.

     Nhưng mà dất khó chia sẻ. 

   Mỗi khi Buthoong bày tỏ niềm vui của mình. Thiên hạ nhìn Buthoong đầy thông cảm và thận trọng.

     Dần dần chán chả buồn nói. 

     Cuộc bàn luận về đề tài này vô cùng phong phú, sôi nổi. Từ cấp vĩ đến cấp vi. Từ quốc gia đến các cơ quan, đoàn thể, dòng tộc, gia đình. Đủ các cung bậc nghiêm chỉnh và hài hước. Nhưng nhìn chung đều định hướng vào phe sinh con gái. Ngày xưa thì chê bai, chế nhạo, bi giờ là động viên an ủi.

    Trên ti-vi, báo chí, forum, blog…đầy những bài viết phân tích này nọ, rồi đưa lên tầm chính luận…loạn xà ngầu. 

    Có người hỏi, Buthoong bẩu, tôi chẩng có ý kiến gì. Tôi thích đẻ con gái. Vậy thôi, tôi thích, hết.

    Tại sao lại thích thế ? Tôi cũng chẩng biết.

   Chỉ có đầu vuông mới đi tranh cãi về sở thích. 

    Còn riêng về hai con gái Buthoong, bi giờ cũng hơi nhớn rồi. Có lúc chúng thỏ thẻ hỏi: Bố mẹ có đẻ em trai nữa không. Buthoong và bã xã giả nhời: Bố mẹ có hai con là quá mãn nguyện rồi, không muốn gì nữa.
Đọc thêm!
Viết để mà viết…

Hai hôm nay nghỉ việc để đưa con đi thi vào lớp 10.


    Quên cái máy ảnh ở cơ quan nên tiếc mãi, không chụp được cảnh đông đảo các bậc cha mẹ tụ tập tự phát trước cổng trường, để biểu thị sự quan tâm và lòng yêu thương con cái. 

    Những khuôn mặt đầy tâm trạng, chầu chực trong mưa nắng, bụi bặm phố phường. Tất thảy ca thán về sự vất vả và vô vọng của giáo dục thời nay.

    Ai đó tham vãn: mới vào lớp 10 mà đã vầy…

    Người khác nói: lớp 10 cực hơn lớp 12, lớp 12 đậu tốt nghiệp hết trọi trơn.

    Chợt nhớ năm nào thầy Thiện Nhơn mới lên, hô hào dữ lắm. Thầy quyết chặt một phát, con cháu rụng như sung. 

    Các bậc cha mẹ đau đứt ruột, nhưng cũng an ủi nhau, coi như chịu hy sinh vì một nền giáo dục đổi mới.

    Nhưng mấy năm sau đó, vẫn chỉ mình thầy hô hào. Chẳng thấy đổi cái gì. Rồi năm ngoái thầy đi (lên cao hơn).

    Năm nay mọi sự trở về như cũ, có nơi còn tệ hơn.

   Thiên hạ té ngửa, vậy ra lứa học sinh năm đó trở thành vật hiến tế.

    Phải kìm nén lắm mới không chửi đổng.

    Mất hết lòng tin vào các quan chức giáo dục. Tất cả vùng vẫy tìm đường thoát. Nhưng xem ra chẳng ai thoát được. 

    Vẫn phải lao theo vòng xoáy chạy trường, chạy lớp, chạy thầy, học thêm, luyện thi…và chầu chực trước cổng trường, và ca thán.

    Mới đây lại nghe có đề án cải cách. Chắc lại sắp có vật hiến tế. Lạy giời, đừng đúng vào con mình.
Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 5 18, 2011

Yêu căm chiến lạc... lao
(Báo Quân đội nhân dân)


     “ Lao" là thêm về sau, ban đầu chỉ có “yêu căm chiến lạc". Đấy là một trong những thần chú của môn văn, mà nếu là trò cấp ba thời phổ thông mới chỉ 10 năm ắt là bạn còn nhớ. Có vẻ thậm vô nghĩa nhưng rất thiêng. Làm luận kiểm tra, làm luận thi học kỳ, làm luận tốt nghiệp cứ có đủ “yêu căm chiến lạc" bốn chữ ấy là bạn không phải lo gì điểm kém. Tất nhiên để cho chắc ăn bạn cũng cần phải biết thêm một số thần chú dự phòng, chẳng hạn: “xót án tự bi" hay là “ tiểu ủy xa ru" ...
    
     Hồi đó môn văn tuy chưa gây lao lực, chưa làm chán ngán, chưa khiến học sinh nản lòng như bây giờ, nhưng cũng đã là một môn nặng, một môn khô khan, khổ nhọc gấp bội lần môn toán, môn lý. Hồi đó lại chưa có lớp học thêm, chưa có lò luyện thi, chưa có thầy phụ đạo giá cao, chưa có đủ thứ sách đắt tiền để “trau dồi kỹ năng" học văn như bây giờ. Tác phẩm được trích giảng trong sách giáo khoa thì học trò hầu hết chưa được đọc vì chẳng có ngoài hiệu sách. Cả sách Trích giảng văn học cũng chẳng đủ. Vì vậy để có thể qua được môn văn mà không phải mất toàn bộ sức lực và thời gian cho nó, các thế hệ học trò cấp ba thời ấy đã sáng tạo ra cái công thức “yêu căm chiến lạc" nổi tiếng đó. Nghe thì ngô nghê song công thức ấy rất hiệu nghiệm, vừa đáp ứng đầy đủ ba-rem chấm thi của các thầy vừa gọn gàng dễ nhớ.
     
     “ Yêu" - là yêu nước. “ Căm” là căm thù giặc. “Chiến” là chiến đấu dũng cảm. “ Lạc" là lạc quan yêu đời. Còn “Lao", chữ bổ sung về sau, là lao động quên mình. “Yêu căm chiến lạc lao" là ba-rem đủ ý nhất cho mọi bài luận liên quan đến chủ đề nhân sinh quan thời đại, một chủ đề chính yếu, có thể nói là cốt tử, một chủ đề thể nào cũng có khi làm tập làm văn lớp 10. Tất nhiên là cùng một chủ đề ấy người ta có nhiều cách ra đề: "Anh chị hãy bình giảng đoạn văn sau đây (...) trong tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải"; hay là: "Nhà văn Nguyễn Khải đã viết (...), bằng các tác phẩm văn học hiện thực cách mạng đã học, anh chị hãy phân tích ý kiến trên"; hoặc: "Con người mới trong xã hội ta có những phẩm chất như sau (...), thông qua những nhân vật điển hình con người mới do nhà văn Nguyễn Khải xây dựng, anh chị hãy phân tích cụ thể các phẩm chất cao quý ấy" v.v... Dù đề ra kiểu nào, bạn cứ vững tâm “yêu căm chiến lạc lao" mà viết là thể nào cũng thắng.
     
     Còn nếu như đề bài tập làm văn lại là về chủ đề văn chương hiện thực phê phán thì đã có cẩm nang “xót án tự bi" nghĩa là: Xót thương hoàn cảnh nhân dân lao động, lên án phong kiến thực dân, tác phẩm còn nặng phong cách tự nhiên chủ nghĩa, tư tưởng nhà văn còn nhiều bi quan. Trường hợp hy hữu thầy bắt làm luận về chủ đề thơ văn lãng mạn 30-45 thì đã có “tiểu ủy xa ru" để phán: Văn chương tiểu tư sản, ủy mị ướt át, xa rời hiện thực, ru ngủ quần chúng.
     
     Tuy rằng những công thức tập làm văn đó quá đỗi ngớ ngẩn và nực cười nhưng là nực cười một cách hữu ích, ngớ ngẩn một cách thiết thực. Những mánh làm văn đó được cánh học trò đúc rút ra từ thực tiễn của bao năm trời lao khổ nhai nhải gạo thuộc lòng văn chương học đường. Thực tiễn ấy là: Mặc dù dày cộp, nặng chịch, mặc dù tầng tầng lớp lớp trùng điệp bề bề, song chương trình văn học trong nhà trường thực chất là rất giản đơn, không đòi hỏi phải hiểu, không buộc phải ngẫm nghĩ, không cần có tư duy sáng tạo như là khi học toán, học lý. Dù phải làm văn về rất nhiều tác phẩm, rất nhiều tác giả nhưng xét cho cùng nào có khác gì nhau. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Đôi mắt của Nam Cao, Mẹ Tơm của Tố Hữu, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Cái sân gạch của Đào Vũ, Người mẹ của Goóc-ki... thì tất tật cũng chỉ nhất nhất một lối mòn: Chủ đề, đại ý, dàn ý, xuất xứ, tiểu sử trích ngang, đoạn văn phải đọc thuộc lòng v.v...
     
     Biết làm thế nào được, dù chán cũng phải học, cũng phải qua được môn văn. Nhưng trong chương trình đâu chỉ có môn văn. Phải biết cách đơn giản hóa nó bằng các công thức gọn nhẹ để còn dành sự minh mẫn cho việc học các môn khác. Cho nên “Yêu căm chiến lạc" thực sự là một phát minh văn học khôn ngoan nhất mực của cánh học trò. Tất nhiên là khôn ngoan cực chẳng đã, khôn ngoan đáng buồn.
     
     Ngẫm lại cái thời học văn ấy vừa thấy vui vui, tức cười, vừa thấy buồn. Cách học văn và làm văn ấy ít nhiều đều có để lại vết tích trong đời sống văn hóa của những người đã trải qua môn văn phổ thông. Nếu như khi ra trường lại còn trở thành người cầm bút viết lách nữa thì cái lối “yêu căm chiến lạc" càng gieo nhiều hậu quả. Hậu quả trong cách viết, cách đọc. Hậu quả trong khả năng thẩm định tác phẩm của mình và nhất là của người khác ...
     
     Tuy nhiên, đấy là dĩ vãng học văn thời trước cải cách giáo dục. Nghe nói là ngày nay sự học văn trong trường đã tân tiến lắm. Nhiều phương pháp hay mọi nhẽ đã được áp dụng. Có đúng thế không? Liệu thiên hạ đã có thể mừng thay cho cánh học trò thời nay được may mắn thoát khỏi cái lối học văn làm văn "yêu căm chiến lạc" kỳ khôi thuở xưa được chưa?


                                                                               Mã Pí Lèng
Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 5 16, 2011

CHIM HOANG

giữa rừng người
tôi là loài chim hoang
mệt mỏi
và xơ xác

bạn đã nghe về loài chim không chịu rét
quyết bay về phía mặt trời
về loài cá quyết bơi lên tới đầu nguồn
để chết
về loài dã tràng xe cát
về loài thiêu thân
về những bọt nước cứ quyết nổi lên
để mà tan vỡ
cả ngọn dây leo này cũng thế
cứ vươn tới, vươn tới tận cùng
tới khi đổ gục

quá nửa đời chợt thấy mình cơ cực
và xơ xác
như loài chim hoang.

 .
Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 4 22, 2011

HAPPY BIRTHDAY, BUTHOONG 


    Buthoong dòng dõi nông dân. Bé thì được giáo dục dưới mái trường mới XHCN. Nhớn thì sống và học tập theo tấm gương những con người mới XHCN. 

    Tháng nào, năm nào cũng hân hoan chào đón vô số là sinh nhật của các biểu tượng mới XHCN. Nối tiếp nhau, chồng lên nhau, từ tháng một đến tháng mười hai. Cái này Buthoong xin bảo đảm, không cần kiểm tra trên Gúc-gồ. 

    Buthoong không hề có khái niệm tổ chức sinh nhật của bản thân. 

    Tất nhiên là cũng nhớ, nhưng ngượng lắm, không dám phô với ai. Vì, chẳng hiểu sao, ngày sinh Buthoong lại trùng với sinh nhật của vĩ nhân Lý-Ninh. Vĩ nhân Lý-Ninh quê tận bên xứ Nga-ta-lư, nhưng đối với thế hệ Buthoong thì đã được mặc định là vĩ nhân của toàn nhân loại, của cả Đại việt ta.

Ông Lý-Ninh ở nước Nga
Mà sao em thấy rất là VN 
Tượng ông các bạn đến xem
Phải nên tôn trọng, không nên nói gì.



    Đó là bài thơ của một đội viên nhi đồng khuyên bạn bè khi đến thăm tượng ông. Sở dĩ phải khuyên thế, vì khi đặt tượng ông ở Hanoi Capital, có một số bọn phản động bố láo đặt chuyện bôi xấu. Ví dụ, chúng nó bảo hai tay ông phải giữ chặt túi áo, túi quần vì sợ mất cắp…

    Hồi bé, có lần, trong không khí cả nước vui tươi chào mừng sinh nhật ông Lý-Ninh, Buthoong tâm sự với Papa rằng, đó cũng là ngày sinh của Buthoong, Papa liền bảo: “vậy thì con càng phải phấn đấu theo tấm gương ông Lý-ninh !!!”. Từ đó, Buthoong không bao giờ dám nói, dám nghĩ đến điều phạm húy đó nữa.

    Thế là bao nhiêu năm qua, ngày sinh bé mọn của Buthoong vẫn hòa cùng sinh nhật hào hùng của vĩ nhân vĩ đại. Âu cũng là cái số. Nhiều lúc nghĩ lẩn thẩn: giá mà vĩ nhân đừng là vĩ nhân, hoặc giả, Buthoong đừng sinh vào ngày ấy. 

    Nhưng mấy năm gần đây thì khác. Hai con của Buthoong đã bước vào tuổi teen. Ngoài xã hội, chúng nó là new generation, dứt khoát coi đám sinh nhật là hơn đám giỗ. Trong gia đình, chúng là con của Buthoong, dứt khoát coi Buthoong là hơn vĩ nhân. Chúng nó bỏ ra cả tuần thì thầm bàn bạc để tổ chức Sinh nhật cho Buthoong. Một cái lễ sinh nhật vụng về, màu mè theo kiểu trẻ con nhưng làm Buthoong cảm động rơi nước mắt.


Đọc thêm!

Chủ Nhật, tháng 3 20, 2011

VỀ CẦN ĐƯỚC 
Cuộc đi đột xuất về Canduoc District, Longan Province.
Sáng chưa mở mắt, ông On gọi, rủ về nhà, đi với xếp T. Chần chừ mất hai giây rồi cũng nhận lời. Kể đi chơi lúc này là hơi miễn cưỡng.
Đang lu bu đủ thứ việc, toàn linh tinh nhưng tốn thời gian. Người lại hơi ôm ốm.
Chưa kể đi với xếp, phải ý tứ này nọ kia, không được sảng khoái lắm.
Nhưng rồi cũng đi.
Về Cần đước không xa lắm. Bình thường chạy một mạch, hơn tiếng. Nhưng hôm nay là du lịch, phải từ từ cho nó thong thả, nghỉ lại hưởng tí đặc sản Miền tây: Cà phê võng. 


Rẽ về Long định. Đường đất đỏ rải đá không được êm, bụi mù. Bù lại là khung cảnh đồng ruộng gợi nhớ quê hương.


Gởi xe ngoài lộ, đi bộ vào đường nhỏ. Gần hai chục năm mới trở lại, xếp nhớ ngày xưa đây là bờ ruộng. Bây giờ thì hai bên đã kín nhà


cảnh quê thanh bình

Chú Mười, cậu Bảy, cô Tám, cô Chín, anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm...chờ đón khách

Sau phút xã giao, cuộc hàn huyên chính thức bắt đầu trên bàn nhậu. Không thể thiếu được đế Gò đen

Không thể thiếu Vọng cổ cho các quý ông

Không thể thiếu một chỗ tâm sự (dù dưới bếp) cho các quý bà

Không thể thiếu một hội bài cho các quý cháu

Và không thể thiếu một chố ngả lưng cho các quý anh (khi quá chén)

Cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc. Giã bạn

Tiếp tục hành trình, thăm một số địa điểm khác. Dệt chiếu

Vàm Nhật tảo, nơi ghi dấu chiến công anh hùng Nguyễn Trung Trực: “Hoả hồng Nhật tảo oanh thiên địa”.


Chia tay sông nước Vàm cỏ đông. Trở về. Thành phố bụi bặm đã lù lù ở phía trước.

Tháng 3/2011
Đọc thêm!