Thứ Hai, tháng 12 29, 2014

     Do có trục trặc về giấy tờ nên tôi vào trường nhập học trễ mất ba tuần.
    Lúc này sinh hoạt của học viên mới đã nề nếp, còn tôi lớ ngớ chưa biết gì, cũng chưa quen ai nên không dám hỏi. Buổi trưa đi ăn cơm, người ta xếp hàng hết tôi mới dám ra đứng vào hàng cuối cùng, không biết có đúng lớp của mình không.
    Vào nhà ăn tôi cũng chọn mâm cuối cùng, mâm này không có ghế, phải đứng. Lúc ăn cũng ngại, đến khi anh bạn bên cạnh nhắc, tôi mới gắp hai miếng thịt phần mình. Ngoài hai miếng thịt đó ra thì thức ăn chỉ còn rau muống. Cơm cứng và nhạt, rất khó nuốt.
    Nhưng sau này tôi mới biết mình may, vì nhà bếp bao giờ cũng chia dôi ra mấy suất đề phòng có thêm người. Bữa đó không thêm ai nên mâm cuối mới được hai miếng thịt/người. Các mâm khác thì chỉ một. Mâm cuối thường là nơi nhằm đến của nhiều đàn anh có kinh nghiệm.
     Đầu giờ chiều đang ngủ mê mệt thì có người gọi dậy đi học, chưa biết gì nên tôi lại vào đằng sau, tập bước theo hàng. Được một lúc thì anh lớp trưởng bỗng bắt nhịp“Vừng đông đã hừng sáng...” vậy là tất cả đồng thanh “Vừng đông đã hừng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa…”. Bài này tôi cũng biết nên hát dựa theo được, chỉ hơi buồn cười là giữa trưa sao lại hát “Vừng đông…”.
     Sau buổi đầu đó là ba năm học vất vả, chúng tôi còn hát “Vừng đông…” hàng ngàn lần. Sáng “Vừng đông…”, trưa đi học về đói gần chết cũng “Vừng đông…”, mười giờ đêm đi nhận gác cũng “Vừng đông…”. Thực ra còn nhiều bài hát nữa nhưng bài này được chọn nhiều vì nhịp nó dễ, vì anh lớp trưởng “tủ” nhất bài này, nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là nó hay:
    “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa. Tươi thắm bóng cờ ,vờn bay trên cao, muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa, lấp lánh sao bay trên quân kỳ…” Trong bài hát có núi non Tổ quốc, sóng lúa quê hương, có ánh sao bay trên quân kỳ… những hình ảnh gần gũi mà hào hùng.
    Bây giờ thì các bạn cùng lớp ngày đó giờ đều đã qua tuổi 5x, nhiều người đến gần 6x. Số còn tại ngũ, số đã trở về với đời thường từ lâu nhưng nói chung đều đã “Xế chiều”.
    Nhưng dù thế nào vẫn chúc các bạn luôn nhớ về thời “Vừng đông…”, luôn giữ tinh thần “Vừng đông…”, trong mọi thời tiết.                                                                    (Nhân ngày 22/12/2014)
Đọc thêm!
     Ngày nghỉ mà cứ thấy thiếu thiếu, một lúc mới nghĩ ra là vì không có cái thiệp mời nào.
       Suốt mấy tuần rồi, thứ bảy chủ nhật nào cũng vạ vật ở các đám cưới. Vạ vật vì phải chờ đợi thôi, chứ còn các thứ khác thì đã ở tầm “công nghệ” - cực kỳ chu đáo và hoành tráng.
      Hình như khắp cả nước, có khi cả thế giới, thì chỉ có đám cưới ở SG mới cho khách dùng món kẹo cao-su khai vị. Với kinh nghiệm ba chục năm đi ăn cưới (kể cả đám của bản thân) nên thường mình chỉ đến trước giờ khai tiệc chừng mươi phút, vậy mà lần nào cũng phải chờ, ít nhất là ba mươi phút, còn nhiều thì gấp bốn bằng ấy.         Cũng không rõ tại sao lại thế, nhưng sự chờ đợi đã thành lệ, thành văn hóa! Nấn ná đợi nhau cũng mệt thật, nhưng đến lúc đông đủ, cùng hô Zô! một tiếng vang trần (nhà) để chúc mừng đôi bạn, thì thấy cũng khí thế hơn nhiều nơi khác.
      Nhưng giá đừng cho món cao-su nhiều quá thì vẫn hơn. Có món đó nên hôm nào đính đám cưới là coi như hết ngày.
     Tuần này rỗi, có thời gian ngó xung quanh, mới thấy đất trời đang lệch pha với con người. Trong lúc hầu hết bà con đang bù đầu với đủ thứ việc cuối năm, kể cả cưới hỏi, hội hè như kể trên, thì thời tiết SG lại hết sức thong thả.
     Thong thả nắng, thong thả gió, cơn bão số 5 cũng thong thả lượn ngoài biển rồi tan. Đôi lúc lại thong thả mưa. Nhờ thế mà mọi sự cũng thong thả theo, nước thong thả ngập, đường thong thả kẹt…chỉ có sự bận rộn là không thèm thong thả.
     Những ngày đẹp trời đến không đúng lúc, cũng như người đẹp đến không đúng lúc, thích lắm, mà không biết làm sao. Chán thật.
Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 11 19, 2014

   Ra trường ba tháng, mình đã được đi dạy.
   Chẳng phải tài giỏi gì mà do thiếu giáo viên. Bộ môn có ba người thì một đi học, một đi phép dài hạn để chuẩn bị chuyển vùng. Còn mỗi mình rỗi nên Trưởng Khoa gọi sang hỏi: có dạy được không? Mình trả lời là được. 
   Sở dĩ mình dám nhận vì đã biết cái lớp đó. Hồi mình còn học viên, lớp đó ở dãy nhà đối diện, chung sân với lớp mình. Ra vào giáp mặt, cả năm trời. Tuy nhiên chỉ biết thôi chứ không quan hệ gì, vì đây là những người Cam-pu-chia, theo cách gọi chính thức là học viên Quốc tế. Họ có chế độ học tập, sinh hoạt riêng.
    Những buổi lên lớp đầu tiên cũng thuận lợi, học trò tuy biết mình mới toe nhưng cũng không ý kiến gì, có khi họ lại khoái, không sợ thầy phạt. Lớp có chín người, thì chỉ có tay lớp trưởng là rành tiếng Việt, hát cải lương được, còn lại thì bập bõm. Lúc đầu mình cũng y xì sách, nói một hồi, lúc quay xuống vẫn thấy cả lớp vẫn đồng loạt để giấy trắng, chưa viết được chữ nào. Sau thì đổi kiểu, học đến cái gì thì vác luôn nó ra, cho các trò thấy tận mắt, còn lý thuyết thì vừa nói vừa viết vẽ lên bảng. Hồi đó chưa có máy chiếu nên toàn chép tay, buổi nào cũng hết vài viên phấn.
   Dạy trực quan vậy có hiệu quả, nhưng khi hỏi bài thì các trò toàn giả nhời bằng bản ngữ (tiếng Khơ me), ông nào cũng hề hề: Hươu (hiểu) thì hươu nhưng không biết nói. Các ông ra đường tán gái như vẹt nhưng từ ngữ chuyên môn thì nhất định điếc. Mỗi lần kiểm tra là thầy trò toát mồ hôi để tìm tiếng nói chung, kết quả bất ngờ là trình tiếng Khơ me của thầy lại tiến bộ nhanh hơn trình tiếng Việt của trò. Sau này, qua vài khóa, mình đã có vốn từ chuyên môn “Cam ngữ” kha khá, nay không dùng nên quên hết.
   Đánh vật với nhau mấy tháng rồi mấy môn mình dạy cho lớp đó cũng ổn, thầy trò thân nhau hơn. Nhưng từ đó đến nay cũng chưa gặp lại “em” nào. Chữ em để trong ngoặc vì cả lớp đều hơn tuổi mình, từng là sĩ quan, lính chiến cả, tay nhiều tuổi nhất tên là Nhức-Hum đã có vợ, bốn con. Các “em” ra trường vào thời điểm đó, nếu còn trong quân đội chắc đã lên tá, lên tướng cả (ở bên đó cấp tướng xông xênh hơn mình nhiều, riêng đại tướng đã có đôi, ba trăm).
   Rồi nữa, không biết công việc thế nào, nếu có sang VN mời Hai Lúa về làm tàu bay, tàu bò thì ghé thăm thầy. Nói thật, riêng đoạn đối xử với Hai Lúa được như thế, thầy phục lắm. 
                         (Giáo viên Quốc tế BT, viết nhân ngày 20/11).


Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 11 14, 2014

Em ơi phố biển mùa này
Khách ta thì ít, khách tây thì nhiều
Hàng quán đã bớt dập dìu
Hàng dừa đôi lúc lại hiu hiu buồn
Một mình anh đứng bồn chồn
Trông ra chỉ thấy những hòn nhấp nhô… 
                                Nha trang 10.14

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 11 13, 2014

    Thời bao cấp nhà mình có hai xe đạp. Xét về số lượng là nhiều. Còn chất lượng thì nói sau.
    Tuy nhiên hai con xe đó là của các cụ đi làm, chỉ thi thoảng mình mới có dịp cưỡi.
   Đến lúc vào lớp tám thì cụ ông đi Cam-pu-chia, nên tự nhiên mình được tiếp quản con xe của cụ. Rất sướng.
   Đó là con xe Thống nhất nam, sản phẩm nổi tiếng của nền kỹ nghệ miền Bắc thời ấy.
    Nhưng xe Thống nhất cũng mấy loại. Loại một có nhiều phụ tùng ngoại, đặc biệt là các cụm chuyển động như moay-ơ, xích, líp, nồi trục giữa…loại hai, loại ba thì kém hơn. Con xe nhà mình chắc thuộc loại bét nên gần như nội địa 100%.
   Nó cũng đã cũ nên nhiều bệnh lắm. Mình hăng hái đạp đi học được vài bữa rồi thôi. Cưỡi nó giải quyết được mỗi khâu oai, mà lắm phiền toái. Xẹp lốp là chuyện thường, vừa đi vừa rải ốc vít là chuyện nhỏ, phanh thắng không ăn là chuyện đương nhiên. Mệt nhất là bộ xích líp, đi một chốc lại phải xuống sửa, tay chân mặt mũi dính dầu đen sì như thằng hề. Đĩa, líp đã mòn gần hết răng nên đạp mạnh cũng tuột, đạp nhẹ cũng tuột, đạp không cân hai bên cũng tuột, thậm chí không đạp mà xe xóc cũng vẫn tuột. Tuột nhiều đến nỗi mình luyện được độc chiêu, đang đi mà thấy sượng sượng dưới chân là biết, khẽ đạp trở ngược một tý là cặp đôi lại hoàn hảo, xích lại vào với líp.
    Nhưng tuột xích không ngại bằng việc lâu lâu nó lại nhai gấu quần, tức là cuốn xừ gấu quần vào răng đĩa. Trường hợp này nặng thì ngã ngay và luôn, nhẹ thì gỡ được, nhưng cũng xong cái quần dài. Các bà các chị hay dùng kẹp để túm gọn ống quần, nhưng mình thì không làm thế được, còn đếch gì là chuẩn men.
   Con xe xếp xó cả năm, cho đến khi thầy dạy thêm môn toán đến nhà thấy tiếc mới bày cho mình sửa. Theo chỉ dẫn của thầy, mình xin tiền các cụ rồi cùng mấy ông bạn lần lượt thực hiện. Khó nhất là bộ đĩa và líp thì đã có cách là mang lên phố hàn đắp rồi đột lại răng. Sợi xích cũng được tháo ra “lộn” lại, tức là lật ngược từng mắt xích để tận dụng phía chưa mòn.
    Hai vành xe đã mục phải bỏ thì dùng vành xe Liên xô cỡ 680 rồi cắt bớt, uốn lại đúng cỡ 650. Lốp xe cũng dùng lốp 680 cắt bớt rồi nối. Các ổ trục cũng hàn đắp rồi tiện lại, chỉ thay một số viên bi. Các chỗ khác cũng chắp nối tương tự như vậy, một số bộ phận “thừa” như phanh trước, booc-ba-ga…thì bỏ luôn.
     Cuối cùng thì con xe lại chạy vè vè, phục vụ mình hết cấp ba, kể cả hai chuyến đi chơi xa với lớp tận Sóc sơn, Đại lải. Nhưng quan trọng hơn là qua đợt phục chế nó trình độ xe đạp của mình được củng cố, làm cơ sở để mình tiếp tục học hỏi thêm nhiều kỹ thuật đẳng cấp. Ví dụ mình có thể làm măng-sông nối ba, bốn đoạn săm thành một cái săm hoàn chỉnh hay lồng hai cái lốp rách thành một cái lốp vẫn rách nhưng đi được. Sau này vào miền Nam mình có thể tự mua đồ dựng cả con xe mới trong đôi ba ngày (lưu ý là xe dựng hồi đó thường hợp chủng quốc với phụ tùng từ khắp thế giới, nguyên việc nhớ các món nào ráp được với nhau cũng đủ mệt).
    Bây giờ thì “đã xa lắm rồi, xe đạp ơi...”. Nghề tay trái của mình đã mai một, kỷ niệm về những con xe cũng xa theo.
    Nhân có thầy giáo ở Hà tĩnh khảo sát rồi công bố: học sinh bây giờ không biết xích, líp, không biết sửa xe đạp…lại nhớ chuyện ngày xưa. Không biết thầy khảo sát làm gì, rồi báo chí loan tin thế nào, để đây đó ồn ào về vấn đề kỹ năng sống của giới trẻ. Nghe hơi buồn cười, kỹ năng tùy thuộc hoàn cảnh. Thời này sao còn lấy chuẩn đo lớp trẻ bằng con “xế điếc”.
     Như bố chúng nó, ba bốn chục năm trước.

Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 11 11, 2014

    Dạo này nhà mình có nuôi hai bạn cóc.
    Đúng ra là hai bạn tự đến. Buổi tối cách nay khá lâu, một bạn, khi đó chỉ bằng ngón tay cái, nhảy lóc cóc từ cổng vào. 
    Lập tức bạn mèo xồ ra chộp, vật qua vật lại. Bạn cóc nằm quay lơ. Mình thấy tội nên xách cẳng thả ra đường. 
    Bữa sau lại thấy bạn cóc lò dò vào, bạn mèo lại xồ ra, sự việc lại giống như hôm trước.
    Vậy mà bạn cóc vẫn hay vào, nhiều lúc không gặp mèo nhưng người nhà qua lại cũng tiện chân gạt bạn cóc ra cổng cho khỏi vướng.
    Lâu lâu không còn để ý, chợt một hôm lại thấy bạn cóc. Không phải một mà là tận hai bạn, đang chơi với mèo. Bạn mèo nằm khều khều còn hai bạn cóc thì nhảy vòng quanh, rất vui vẻ (là mình đoán vậy, chứ bố ai biết sự vui buồn của loài cóc).
   Từ đó hai bạn cóc chính thức định cư ở đống gạch vỡ góc sân. Lúc đầu còn e lệ thập thò, sau thì tỉnh bơ. Xơi cơm, xơi nước chung với bạn mèo, no nê rồi ngồi sưởi nắng hay dẫn nhau dạo khắp xó xỉnh, tự nhiên có quyền lợi như những thú cưng thứ thiệt.
   Hai bạn cóc này chắc là một cặp, ít nhất thì cũng đồng tính (là mình đoán vậy, chứ bố ai biết giới tính các vị), vì lúc nào cũng cặp kè. Thường hai bạn hay ngồi trầm ngâm như hai cục đất nhưng lắm lúc phởn lên cũng bày trò đánh vật rồi đuổi nhau y như mấy bé teen teen (cũng là mình cũng đoán vậy, chứ bố ai biết tuổi các cụ cóc).      Có các bạn đâm quen, nhiều lúc đi làm về không thấy hai bạn ngồi chầu cũng thấy thiếu. Lắm lúc mệt vì công việc hay những chuyện vớ vẩn ngoài xã hội, ra ngó hai bạn cóc, lại bật cười, nhớ câu đúc kết dân gian: ôi giời, đời là cóc gì.



Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 10 30, 2014

  Đường Phạm Văn Đồng đã mở thông tới Gò dưa, sáng chạy xe máy một mạch lên chợ Thủ đức mất chưa tới mười lăm phút. Nhanh bất ngờ. 
  Đi ve ve trên đại lộ mới, nhìn sang lão lộ Kha Vạn Cân nhỏ bé, thấy ngậm ngùi thương cho lão. Mới hôm qua thôi, lão còn gồng mình chở hàng núi người và xe cộ ra vô thành phố. 
   Dân SG nghe đến tên lão là sợ phát khiếp. Lão có chiêu liên hoàn thủy công vào những giờ cao điểm. Trước hết là kẹt chặt hai đầu đường cho các loại phương tiện tham gia giao thông đứng yên tại chỗ, tiếp theo là dâng nước triều cường, tiếp nữa là mưa và cuối cùng là xe lửa chạy qua làm sóng nhân tạo. Đảm bảo không ướt như chuột không phải là Kha Vạn Cân. 
   Nhưng trừ những lúc đó ra thì lão cũng dễ thương, nhất là mấy chục năm trước, khi lão còn trẻ, còn là một con đường ngoại ô thong thả, rợp bóng dừa. Lão cặp kè chạy song song với đường sắt, đại diện cho thành phố đón người về và tiễn người đi. Nhìn qua cửa tàu thấy đèn đường Kha Vạn Cân tự nhiên xúc động.
   Rồi thì đô thị hóa bùng nổ, lão trở thành con đường huyết mạch, đông lên từng ngày. Bộ mặt lão cũng thay đổi từng ngày, lão được người ta nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn không kịp với lượng người đi qua. Lão trở nên nổi tiếng cả về tầm quan trọng và sự phiền toái.    Bây giờ thì lão đã hết thời. Người ta sẽ sửa chữa để lão trở về làm một con đường cấp phường, cấp quận. Lại thanh bình như xưa.        Không biết là lão buồn hay vui.

Đọc thêm!
  Năm ngoái báo TT có đăng chuyện tàu bay đáp xuống Tân sơn nhất làm vỡ mái ngói nhà dân. 
  BT thấy hơi lạ vì hơn ba chục năm nay toàn sống loanh quanh đầu đường băng TSN mà chưa hề nghe đến sự ấy. Tàu bay thì lên xuống cả ngày, bây giờ còn êm chứ ngày trước toàn những chiến đấu cơ hàng khủng rú ầm ầm, bay sát sàn sạt mà cũng chỉ ù tai chứ làm gì có tốc mái. 
  Rõ là báo chí dựng chuyện, nhưng chuyện này đâu có hot mấy, dựng làm gì ta? 
   Để ý mấy số tiếp theo thì thấy chuyện lớn dần, từ vài viên ngói vỡ vu vơ người ta điều tra, phân tích… dẫn dắt dư luận theo một trình tự không thể lô-gíc hơn: vỡ ngói vì bay sát nhà, sát nhà vì gần sân bay, nhà gần vì lấn chiếm, sân bay bị lấn chiếm nên còn rất nhỏ. Nói túm lại là Tân sơn nhất rất lạc hậu và nguy hiểm cho dân chúng, cần phải có giải pháp cấp bách... 
   Đọc cũng thấy xuôi xuôi, nhưng vẫn còn hơi bâng khuâng, không ngờ các bác trên trời (hàng không), lại yêu dân đến thế. 
   Cho tới gần đây thấy các bác đang chuẩn bị trình cái đại dự án sân bay Long thành thì mới nhớ ra chuyện năm ngoái. Không biết nói gì hơn, đành phải thốt lên như người xưa: Tài đến thế là cùng, ts anh Tào Tháo.
Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 10 16, 2014

Anh ở trong này chưa thấy mùa thu
Nước vẫn ngập và mưa thì chính vụ
Trời SG xanh xao như lá rũ
Thật kỳ kỳ là mùa thu phương nam... Đọc thêm!

Thứ Sáu, tháng 9 26, 2014


   Cách nay ba chục năm, con đường Nguyễn Oanh còn vắng. Hai bên toàn là tường rào nhà binh. Qua cư xá Lam sơn mới có nhà cửa, quán xá, nhưng thưa thớt, lụp xụp, xen với những bờ, những ruộng, hố to hố nhỏ…đúng như nhà thơ Cung Văn từng viết: “đến xứ Gò không khéo đi dễ Vấp”.
    Nhưng so với mặt bằng chung của vùng ngoại ô thời đó thì vẫn thuộc loại được. Ngoài tuyến xe buýt chạy về ngã tư Ga và nối dài tới tận quân trường Quang trung, ngã tư An sương (xe buýt chỉ nối dài khi có sự kiện như lễ tết, hội chợ), các loại xe khác cũng đông, kể cả đôi chiếc xe ngựa từ miệt Lái thiêu nhong nhong chạy lên. Loại này được gọi là “ô tô hí” hay “taxi có đuôi”, bây giờ nâng cấp thành đặc sản chở khách du lịch, chở cô dâu đám cưới.
   Học viên quân sự bị nhốt kỹ trong trường, cả ngày chỉ rảnh một lúc sau giờ cơm chiều. Tôi và đám bạn thường tìm ra chỗ kho đạn (khu Hội trường của ĐH Trần Đại Nghĩa hiện nay), leo lên nóc hầm đắp cao hơn bờ tường, ngồi nhìn ra ngoài. Chỉ ngồi nhìn vậy thôi. Chiều xuống, dưới bóng hàng cây đang sẫm dần, dòng người hối hả ngược xuôi, những chiếc xe đạp kẽo kẹt gánh cả gia đình về nhà.
    Vậy mà đầu óc nhẹ hẳn, lại thấy vui vui. Mỗi ngày mười lăm phút nhìn ra đường, sau này thành kỷ niệm, nhất là với những đứa ra trường về nơi xa. Có khi chúng nó đi bộ cả ngày đường mới thấy bóng người dân.
    Có điều, những cuộc ngồi như thế không biết gọi là gì? Lúc đầu muốn rủ thằng bạn đi cùng mà cứ ú ớ. Chẳng phải đi chơi, chẳng phải đi quán, cũng chẳng có công việc gì. Chỉ là nhìn, nhìn đời, nhìn xã hội bên ngoài.
    Đối diện, bên kia đường, có một quán cà phê mở nơi đầu hồi dãy nhà A cư xá Lam sơn. Chủ quán là ba chị em, nghe nói đều là tiểu thư con của một viên tướng chế độ cũ, đang đi cải tạo. Cũng như các quán cà phê vỉa hè khác, bàn ghế ở đây đều kê nhất loạt theo một hướng quay ra đường. Chiều tà quán vắng, mấy người khách và cả các cô chủ cũng ngả người trên ghế nhìn ra. Chẳng biết họ nghĩ gì, nhưng xem ra cũng chỉ nhìn đời, nhìn xã hội. Giống bọn tôi.
    Thời đó, rất nhiều người ngồi quán cà phê vì không biết ngồi đâu. Nhìn ra đường vì không biết nhìn đâu.
    Bây giờ thì những quán cà phê kiểu đó đã ít dần. Quán hiện đại có đủ thứ ăn uống, giải trí, rồi bật wifi, vào mạng.
   Giới trẻ không còn phải ngồi ngó suông ra đường, họ nhìn đời, nhìn xã hội bằng nhiều cách khác. Họ cuốn theo cả lũ sắp già như bọn tôi. 

Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 9 04, 2014

     Dù đã qua lập thu, sắp tới trung thu, nhưng với lứa bọn mình thì mùa thu bắt đầu vào tháng chín. 
     Lứa bọn mình hồi xưa, tháng chín mới phải đi học, còn trước đó là ba tháng hè, tháng tám vẫn hè. Không biết trời đất thế nào nhưng nhà nước quy định thế, học sinh cũng nghĩ thế.
      Chơi bời cho hết 2/9 mới vội vàng chuẩn bị sách vở, mùng 5/9 khai giảng, bụp phát học luôn. Chuyển trạng thái đột ngột thế nên mới thấy sự khác biệt. Đi học rồi, tự nhiên bị nhốt trong trường, lớp thì mới, bạn thì lạ…đâm ra tâm trạng, mới hay ngó ra cửa sổ, mới thấy…mùa thu.
       Còn bây giờ thì công việc cứ đều đều, bọn trẻ cũng đi học quanh năm, lại thêm cái vụ học cả tháng rồi mới khai giảng nên mùa nọ mùa kia ít còn ý nghĩa. Xã hội và thiên nhiên cứ như sống ly thân. Chỉ thiệt cho các bé. Thử hỏi thiếu nhi bây giờ, dám chắc là chín trên mười bé sẽ trả lời mùa thu là mùa…ăn bánh nướng.
       Nhưng công bằng mà nói thì không phải chỉ do người mà thiên nhiên bây giờ cũng hay “biến đổi khí hậu” thất thường quá. Một là quốc khánh, hai là trung thu, thế nào cũng dính mưa gió.
       Nhưng thôi, mùa thu còn dài, nói như bên dự báo thời tiết thì “ngoài những lúc mưa là những lúc nắng”. Xã hội, thiên nhiên, con người đều vận động, chẳng thể dừng được. Đành phải tự tìm niềm vui cho mình và bạn bè. 
      Tháng chín tới rồi, mùa thu đã về, trừ những lúc bận rộn và mưa gió, thì mùa thu rất đẹp.



Đọc thêm!

Thứ Năm, tháng 8 28, 2014

Quanh năm họp chợ trên phây 
Mà khi gặp thật vẫn hay đủ điều 
Sài gòn một trận mưa chiều
Để cho trời đất cùng phiêu với người
Xen trong ly rượu tiếng cười
Những câu chuyện của ba mươi năm dài
Đa đoan rồi cũng an bài
Dù trên màu tóc đà phai ít nhiều…
                   * 
Sài gòn đã tạnh mưa chiều
Để cho buổi tối bao nhiêu an lành
Để cho lá bớt xa cành
Để cho một thủa ngày xanh quay về.



Đọc thêm!
   Tháng bảy dương hết lại nối sang tháng bảy âm. 
  Tháng bảy âm là tháng “cô hồn”, người ta bảo không nên làm những việc quan trọng. Mà sơ sơ điểm lại, thì thấy việc quái gì mình định làm cũng quan trọng!! Nên có nhẽ phải nghỉ thêm tháng nữa.      Nói nghỉ nữa là bởi tháng trước đã nghỉ rồi. 
   Tháng bảy dương là mùa thi. Những ai đã có con cháu đi thi, chầu chực đưa đón, rồi ngóng điểm thi, điểm chuẩn…mới hiểu cái cảm giác “phiêu”. Chẳng riêng mình mà cả xã hội cùng “phiêu”. Vì thế tháng bảy dương tuy không “cô hồn” nhưng cũng “ngoài cõi”, không dành cho công việc.
   Chưa kể, dịp này đang nghỉ hè, bà con nô nức đi đó đây. Ngoài đời thì mất mặt nhưng lên “phây” thì thấy cả. Rất nhiều hội vui vẻ, người này không up nhưng người khác up, cuối cùng lộ cả đám.           Trong không khí ấy thì mình cũng phải tìm cách mà hưởng ứng.       Nghỉ ngơi, ngẫm nghĩ chợt thấy cái tháng “cô hồn” thật ra cũng rất hay, nhất là trong thời đại bi giờ. Quanh năm người ta quay cuồng với đủ thứ việc. Từ việc nhà tới việc nước, việc nào cũng cần, việc nào cũng quan trọng, rất quan trọng, tối quan trọng…Phải làm ngay, phải làm gấp, phải nỗ lực, phải cố gắng…Làm việc nhiều thế, tất nhiên thành quả cũng nhiều, nhưng cũng đầy những việc vô bổ, thậm chí vô lý. Nhất là khi người ta phải làm mà không kịp nghĩ.     Thế nên những dịp như tháng bảy này, tưởng chừng không được làm gì nhưng thực ra mọi người đang làm một việc rất cần thiết là tạm dừng tất cả lại để suy ngẫm về những câu chuyện của cuộc sống, không chỉ có “cô hồn” mà còn cả một mùa mưa ngâu, một mùa Vu lan báo hiếu.
Đọc thêm!

Thứ Ba, tháng 7 01, 2014

  Sắp già rồi nên đầu óc như cái máy tính cũ. Ép nó xử lý thông tin nhiều quá là đơ luôn. 
  Trong khi đó thì thông tin dạo này không những nhiều mà còn khó. Có những vấn đề quá khó, như Biển đông chẳng hạn, bao nhiêu bộ óc tinh hoa còn phải bốc khói. Vậy mà mình cứ phải cập nhật và xử lý!!! 
   Rồi vấn đề bóng đá nữa. Uân-cấp toàn lúc nửa đêm, buồn ngủ gần chết. Mà hình như đội ngũ bình luận viên của nhà đài cũng thế, lắm lúc lải nhải như mê sảng, tra tấn thính giả ghê quá. Báo chí cũng đã lên tiếng rồi, nhưng mình để ý thấy các hắn càng nói mạnh, không sợ mất người nghe, độc quyền mà. Đành chấp nhận sống chung với nhiễu, cơ mà ức lắm. 
  Rồi chuyện thi cử của lũ con. Rối rắm như ma trận. Nào là chuyện chọn ngành chọn nghề…trong điều kiện tầm nhìn của các trung tâm dự báo nhớn còn ở mức phương phưởng, thì quyết sách của ban lãnh đạo gia đình sẽ có được bao nhiêu tỷ lệ khả thi? Nào là chuyện tổ chức cho các bé đi thi: thời gian, địa điểm, phương tiện, công tác động viên an ủi…còn khó hơn đánh nhau. 
   Rồi công việc này nọ. 
   Đã thế trời còn mưa suốt. 
  Kinh nghiệm cho thấy là thời tiết mưa không những làm ẩm IC của máy móc mà còn làm chi phối tốc độ xử lý của não người!
  Túm lại là dạo này nhiều lúc cảm thấy đơ đơ. Mà nhìn quanh thấy nhiều người cũng thế.
  Vậy nên cuối tuần cần tắt máy tính, rủ bạn bè ra quán xá gì đó để chống đơ. Kinh nghiệm là như vậy.

Đọc thêm!

Thứ Tư, tháng 6 18, 2014

   Dù cũng có nhiều người không chơi hoặc không thích bóng đá, nhưng hầu hết đều công nhận đó là môn thể thao vua. Đã là vua thì hay mọi nhẽ, không cần phải nói thêm những nhời thừa. 
   Môn vua này chỉ có nhược điểm là quá ít bàn thắng. Mỗi trận đấu, giỏi lắm tổng cộng chỉ được vài ba trái 
   Đã có nhiều đề xuất - nghe đâu là của người Mỹ - nên mở rộng cầu môn thêm vài mét hay bỏ hẳn thủ môn, nhằm cải thiện tỷ số của các trận bóng đá cho gần hơn với các môn bóng khác, như bóng chuyền hay…bóng rổ.
   Tuy nhiên, các đề xuất đó vẫn chưa được nghiên cứu, nên dân nghiền bóng đá tới giờ vẫn luôn trong trạng thái khát khao bàn thắng mỗi khi dõi theo các trận đấu.
  Vậy mà vẫn có nhiều trận mà kết quả là 0-0 (như trận Iran - Nigeria sáng nay).
   Dù trận đấu quyết liệt, trình độ chuyên môn rất cao, cũng chiến thuật, kỹ thuật này nọ… nhưng nếu cóc có bàn thắng thì vẫn cứ được khán giả xếp vào hạng… thảm họa. Làm buồn lòng người.
   Đó là điều rất có lý, vì nói cho cùng, người ta tới sân (hay mở TV) là để xem bàn thắng, để cảm nhận sự thay đổi, để nhìn thấy kết quả khác con số 0. Không có những cái đó thì mọi sự diễn ra đều ít nhiều vô bổ. Nói như dân Nam bộ là “huề zốn”.
   Tạm dừng Uân-cấp, nói sang chuyện khác.
   Hôm nay báo chí đồng loạt đưa tin, tỷ lệ tốt nghiệp tú tài 2014 là trên 99%.  Vậy là sau bao nhiêu những tranh luận, cải tiến, hao tiền tốn sức, kể cả sự tự khen nhau rối rít của ngành GD, kết quả tốt nghiệp lại…y như cũ. Huề zốn!
   Lại cả chuyện giật gân: Chủ chó đánh nhau với người bắt chó, cuối cùng ba người chết. Chuyện này lâu lâu lại nóng, dư luận ồn ào, các Bộ ngành đều lên tiếng, ra cả Quốc hội. Cuối cùng vẩn chẳng đâu vào đâu. Chó chết, người cũng chết. Huề zốn!
   Thử nhìn quanh, còn đầy chuyện như thế. Dân mình sống chung với nó mãi, có khi cũng quen rồi. Nhiều khi còn tự bảo nhau: thôi thì dĩ hòa vi quý.
    Nhưng quý gì thì quý, những chuyện như cái dàn khoan của Tàu, dứt khoát là không được hòa. Nhé.
Đọc thêm!

Thứ Hai, tháng 6 16, 2014

     Nhà văn Sơn Nam từng viết: Gò vấp là xứ nửa tỉnh nửa quê, nhưng có bầu trời hiện đại bậc nhất Việt nam. 
     Bầu trời xứ Gò sôi động là do kế phi trường Tân sơn nhất, máy bay tứ xứ tấp nập vào ra. Cái to, cái nhỏ, đủ các màu sắc. Ban đêm ánh đèn lập loè như những chòm sao trên trời theo nhau sà xuống. Ngồi ở các Cà-phê sân thượng xem máy bay, cũng có thể coi là một đặc sản của xứ Gò.
     Nhưng Gò vấp còn một đặc điểm nữa, là dưới mặt đất cũng hào hoa không kém. Hào hoa không phải vì sự sầm uất mà vì những con đường mang tên văn nhân.
     Từ hồi tới Gò vấp, BT tự hào vì toàn được ở với các nhà văn, nhà thơ. Đầu tiên ở đường Phan Văn Trị, rồi chuyển sang Nguyên Hồng, rồi sang Nguyễn Du, còn bây giờ ở Dương Quảng Hàm. Nhưng rồi nhìn quanh thì thấy không riêng gì BT mà đông đảo bà con ở đây cũng được hưởng cái vinh hạnh ấy. Vì ngoài các vị nêu trên thì chỉ trong vòng vài km xung quanh chợ Gò vấp, còn có các đường Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Tuân, Phạm Huy Thông, Trương Minh Ký, Lê Quang Định, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm,Tú Mỡ…ít nơi nào có mật độ văn nghệ sĩ cao thế.
    Đáng khen cho xứ Gò còn nghèo, đường sá xập xệ, nhưng vẫn mạnh dạn thỉnh các văn nhân nổi tiếng về ngự - đúng hơn là treo, vì các con đường trên đều thuộc diện quy hoạch treo, có “cụ” treo đã mười mấy năm.
     Hẳn các vị đều là những bậc gần dân, nên cũng không lấy đó làm phiền. Vả lại, cũng phải nhìn về tương lai, trên đà đô thị hóa, Gò vấp ngày càng mở mang. Có khi sẽ có thêm nhiều cụ nữa nhập hộ khẩu về.
     Thật là vui vẻ.

Đọc thêm!

Thứ Bảy, tháng 6 14, 2014

“bé không đòi quà”. 
      Nếu không kể vụ dàn khoan của anh Tạp-Cạn-Bình, thì tháng sáu này khá bình lặng. Bởi vì mấy bé đã lớn ,“bé không đòi quà”.
      Hiện giờ thì một bé đang cắm cổ ôn thi ĐH. Bé kia cũng bận, hết “Hoa phượng đỏ” rồi “mùa hè xanh”…hội họp còn nhiều hơn cả bố. 
       Một thời rất gần thôi, chỉ năm kia năm kìa, dịp 1/6, rồi trung thu, rồi nô-en, sinh nhật, tổng kết năm học…chẳng thể nào thoát được quà. Quà cho con nhưng cũng khó phết. Tốt nhất cứ theo tiêu chí chọn quà cho sếp (hay bồ) là: độc, đẹp, đắt. Nhưng cải tiến tiêu chí ba thành: đừng đắt. Cũng còn phải chú ý sao cho độc nhưng không độc (hại).
     Tính là vậy nhưng rồi thì quà cho các bé cũng giản dị, quanh quanh mấy món: thú bông, quần áo. Lớn lên một chút thì sách vở, đồ lưu niệm, lớn nữa thì hàng công nghệ…nhiều khi là các đồ dùng bố mẹ phải sắm. Nhưng quan trọng là đúng dịp và bao gói cho đẹp. Thuê được ông già nô-en mang đến nữa thì càng ổn.
    Đến giờ thì những món quà ấy còn lại không nhiều, có thứ đã chén luôn, thứ đã mất, thứ hỏng dần theo thời gian…nhưng tất cả chúng vẫn luôn được nhớ đến.
   Mùa 1/6 này, đi qua công viên, qua những xe đồ chơi nhấp nháy…mà không còn bị đòi quà.
    Muốn mua một vé đi tuổi thơ.

Đọc thêm!
Đúng như dự đoán của mọi người, vấn đề Biển đông đã được đưa vào câu thứ nhất đề thi tú tài môn văn năm nay. 
    Và hơn cả dự đoán là vấn đề được nêu một cách trực tiếp bằng một đoạn chính luận rõ ràng, cụ thể, dân dã, không hề văn hoa xa xôi “nước lạ, nước quen, đại cục, tiểu cục”…
   Tất nhiên cuối cùng cũng có ý là cần “bình tĩnh, sáng suốt”…cho đúng chủ trương. Nhưng quả thật là các sĩ tử đã có mục tiêu quá sướng, cứ việc chém giấy thật lực, không sợ chệch, không sợ lạc, không phải băn khoăn về những tầng ý nghĩa nọ kia. Vừa làm bài, vừa xả xì-trét cho xã hội!
   Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa thấy hết được độ hay của đề thi năm nay.
   Mời xem tiếp câu hỏi thư hai. Câu này hỏi về những day dứt của nhân vật Hồn Trương Ba (trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Với những câu trích như: “Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong… Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”. “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”.
    Đoạn thoại này đã được phân tích nhiều, và ý nghĩa cũng đã được giải thích là nói về việc: con người cần được sống đúng là chính mình.
   Nếu đứng riêng ra thì như thế, nhưng khi ghép cùng câu hỏi đầu trong đề thi năm nay, thì nó tạo ra một sự liên tưởng mới mẻ hơn.          Đó là sự đấu tranh để vượt ra khỏi sự lệ thuộc.
   Đối với mỗi người, sự sống là đầu, nhưng chỉ xứng đáng khi không phải sống nhờ, sống gửi, dù là gửi vào anh hàng thịt để hưởng lạc.
     Đối với một quốc gia cũng thế thôi.
     Câu hỏi thứ nhất mới đặt vấn đề, câu thứ hai là giải quyết vấn đề. Đề văn năm nay hay là ở chỗ đó.
     Không biết các bé có nghĩ thế không? Nhưng bố chúng nó nghĩ thế.
Đọc thêm!


    Tháng năm mưa nắng chập chờn
Đằng đông tiếng sấm từng cơn dội về
Đốt lên cho cháy trưa hè
Gọi ngàn chính khí chở che cõi bờ.
Đọc thêm!
Triết lý giáo dục

     Hồi tháng trước, dư luận đang sôi nổi bàn luận về “Triết lý giáo dục VN”.
    Đùng phát, Trung quốc bò vào gây hấn ở Biển đông, nên vấn đề triết lý tạm lắng lại.
   Đến bi giờ, dù vẫn tập trung chiến với TQ, nhưng thiết nghĩ bà con cũng nên tiếp tục quan tâm đến giáo dục.
   Vì giáo dục là hướng tới tương lai. Mọi chuyện xảy ra hiện nay, kể cả cách thức ta “chơi” với TQ trên biển đông, đều là hệ quả của sự nghiệp giáo dục từ nhiều năm trước.
   Trong vấn đề này, dấu ấn của nền GD chính thống ra sao, BT không dám bàn tới. Nhưng để có được phong trào yêu nước như những ngày qua, công lao của nền “giáo dục nhân dân” cần phải được ghi nhận. Cho dù ai đó có thể “viển vông”, nhưng nhân dân thì luôn luôn tỉnh táo.
    Trở lại với triết lý giáo dục, theo cung cách xưa nay thì rất có thể các bác ở trên sẽ viện dẫn đủ mọi lý thuyết đông tây kim cổ, đưa ra một triết lý vô cùng đa nghĩa để thiên hạ vào thi nhau chém gió. Cho đến lúc ngã ngũ thì cũng còn ốm.
    Vì vậy, trong lúc chờ đợi thì dân chúng phải tự lo phần triết lý cho mình.
    Thực ra thì cũng không có nhiều lựa chọn. Ở thành thị thì triết lý “trường chuyên, lớp chọn”, nhà có điều kiện thì triết lý “du học”, ở nông thôn thì triết lý “thoát ly bằng mọi giá”, ở vùng sâu vùng xa thì triết lý “biết viết, biết đếm”. Nhìn chung lại là rất thực tế.
   Tuy nhiên, cũng như các trào lưu tự phát khác, hệ thống triết lý dân dã này đã đưa đến một một tổng thể rất trớ trêu. Ví dụ: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ có 12% học sinh chọn môn sử và 16% chọn môn ngoại ngữ, chiếm tỷ lệ ít nhất trong các môn thi.
    Hai hành trang quan trọng nhất trên con đường hội nhập đã bị giới trẻ bo-xì. Không thuộc sử, không biết ngoại ngữ, tức là không có khả năng “biết mình, hiểu người”, ra thế giới không bị thúc vào đít là may nói gì đến “hoá rồng, hoá hổ”, tranh đua với các cường quốc.
     Rồi nữa, cả một lớp quan chức chữ nghĩa đầy mình nhưng chân không chạm đất, đầu không tới trời. Lớp quan chức lơ lửng này mà không đẻ ra những ý tưởng “viển vông” thì mới là điều lạ.
   Từ thực tế đó, theo ngu ý của BT thì các bác bên GD có thể làm ngay một việc là làm sao (làm sao là do các bác phải nghĩ nhanh) để tới đây sẽ có 100% học sinh yêu môn sử, 100% giỏi ngoại ngữ, từ đó mà đào tạo ra những người trẻ có dũng khí, có hiểu biết, để đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đọc thêm!
“đầu 5” 
  Vậy là cũng tới “đầu 5”.
   “gió heo may đã về…”, đã thấy mùa thu trước mặt.
    Dù trên vai đã có năm mươi cái lá vàng rơi, năm mươi mùa thu trong cuộc đời…nhưng cũng thấy bâng khuâng, vì đây là mùa thu lớn.
    Mùa thu lớn? biết là thế nào. Chắc cũng giông giống như những mùa thu thuở ấy: 

 Mùa thu có cốm mới
 Có hương sen bay bay
 Làn mưa về làm ướt tóc mây
 Và ướt những trái tim đa cảm
 Chàng thi sĩ chợt thấy mình mười tám
 Đi trong mưa vu vơ…

    “Cứ theo quẻ ấy mà suy” thì các quý anh, quý chị “đầu 5”: Có lộc ăn (cốm mới) Có lộc đi chơi (bay bay) Tóc bạc (tóc mây) Sức khỏe không còn như xưa (ướt tim) Nhưng vẫn còn xung (thấy mình mười tám) Đề phòng bị vợ đuổi hay chồng giận (đi vu vơ)
    Nói chung là có tốt, có xấu. Nhưng cơ bản là tốt.
    Vui vẻ nhé, các bạn “đầu 5”.

Đọc thêm!
Tháng tư về 

  Nhoằng phát đã tháng tư.
 Không như nhiều tháng khác mở đầu hoành tráng, nào là quốc tế lao động, quốc tế thiếu nhi...thì tháng tư lại mở đầu bằng ngày nói dối.
 Làm ám luôn cả tháng.
 Trời đất ỡm ờ, oi oi, dở dở. Mưa nắng chập chờn. Thiên hạ đâm ra cũng không được thư thái, dễ buồn bực, bất an. Nhăn nhăn nhó nhó, qua 1/4 rồi mà nhìn ai cũng thấy…gian gian.
 Văn nghệ sỹ chắc vì thế mà mất hứng. Tác phẩm vô cùng ít ỏi. Đâu như chỉ có bài hát “Tháng tư về”:

Tháng tư về
 gió hát mùa hè
 Có những chân trời xanh thế
 Mây xa vời, nắng xa vời
 Con sông xa lững lờ trôi
 Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng
 Hát giấc mơ nào xa lắm
 Em mong chờ, mãi mong chờ …

 Công nhận là du dương thật, nhưng nghe rồi thì lại thấy sao sao. Ngoài câu mở đầu khe khẽ “Tháng tư về” thì còn lại toàn là những xa xôi, mong chờ. Rõ ràng là tháng tư về chỉ là cái cớ để người ta tơ tưởng đến những điều sau nữa.
 Trong trường hợp này, nói theo kiểu văn học, thì tháng tư chỉ là một thoáng cầu vồng bắc vào mùa hạ. Còn nói dân dã thì tháng tư giống như một anh bưu tá vụng về tới đập cửa để chuyển những bức thư hẹn hò tới cho người đẹp.
 Tháng tư, học trò chờ đợi mùa thi. Công chức (mấy năm trước) chờ tăng lương cơ bản. Nông dân chờ mưa, dân thành thị chờ đi nghỉ lễ…Bao giờ cho hết tháng tư ?
 Vậy mà BT lại sinh vào tháng tư.
Đọc thêm!
Tin các báo: Dư luận đang hết sức bất bình sau khi được xem tấm pano kỷ niệm 39 năm thống nhất đất nước (ở tỉnh Trà vinh) in hình chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập là một xe tăng đời mới của… Mỹ. 

    Nói thì ghê thật, nhưng xem ra báo chí chỉ giật tít cho hot, chứ dư luận cũng ít ai quan tâm. Vẽ chuyện, tăng nào chẳng là tăng. Chẳng qua là các cháu bên dì-zai nó không biết, nó add cái hình xe tăng Mỹ vào cho nó nổi. Sơ suất thật, nhưng cũng là công tác tuyên truyền cả mà.
  Mà nghĩ lại, chẳng riêng gì các cháu nó, mà chính các bác ngày xưa cũng thế. Rành rành tuyên bố xe tăng húc dinh Độc lập là loại tăng T59, mà trên sách, trên phim cứ trưng cái hình cái xe tăng lội nước PT85. Đúng là con xe đó có vào dinh, nhưng không phải là con đầu tiên. Các bác nhỉ.
  Rồi nữa, các bác cứ bảo cái xe tăng đầu tiên mang số 843, nhưng bao nhiêu năm sau, từ tấm ảnh của nhà báo ngoại quốc, các bác mới nói lại là xe đó là số 390. Thế rồi bây giờ, ở dinh Độc lập, các bác trưng bày cả hai chiếc.
   Hai chiếc xe đó đều oanh liệt, đều xứng đáng được tôn vinh, nhưng chiếc đầu tiên thì chỉ có một thôi. Các bác nhỉ.
   Không chỉ xe tăng đâu, kể cả súng ống, trang bị, máy bay máy bò…trên phim ảnh hay trong bảo tàng…nhiều khi các bác vô tư quá, cứ trưng lên cho có.
  Các bác cứ đơn giản, súng nào chẳng là súng, tăng nào chẳng là tăng… để đến bây giờ, tăng Mỹ lên Pano, thì cũng đâu có gì là lạ.




Đọc thêm!
ngày giỗ Tổ 
  
   10/3, đối với cả nước là ngày giỗ Tổ, nhưng đối với đồng hương Phú thọ thì là ngày tết. 
  Có khi còn hơn tết.
  Rất nhiều cuộc họp mặt của các hội khác nhau. Hội dọc theo kiểu địa phương từ cấp tỉnh cho tới cấp xóm. Hội ngang của bà con Phú thọ trong cùng cơ quan…Những hội này đều đồng loạt tổ chức nên rất khó cho các thành viên. Đi chỗ này thì lỗi chỗ khác? Một số đồng chí hăng hái quyết chạy sô thì chỉ trụ được qua buổi trưa là đã phải thăng về đất Tổ. 
  Tuy nhiên, hầu hết số này buổi tối lại thấy xuất hiện trong trạng thái chưa hoàn toàn tiếp đất. Nói là Phú thọ nhưng hầu hết là hội mở. Con cháu Vua Hùng cả. Những ai từng ở Phú thọ, từng qua Phú thọ, từng thấy Phú thọ…trên TV. Tất cả đều tự nguyện và đều được đón tiếp, quan trọng là ở cái Tâm.
  Tiếc là chỉ có một ngày. Nếu có quyền thì BT sẽ cho tăng thêm. Nhà nước không nên sợ thiệt, vì ngày 10/3 không phải là ngày nghỉ, đó là ngày cả nước LÀM giỗ Tổ.
   Một ngày làm việc đặc biệt hiệu quả, nhất là khi giới trẻ đồng loạt quay lưng với môn sử (BT nói môn sử chính thống hiện tại chứ không nói là Lịch sử). 
  Nếu có thể thì cứ cho dân chúng nghỉ nữa để LÀM thêm những ngày tưởng niệm các vị Hiền Thần, các bậc Anh hùng dân tộc.
   Số thất thu của nhà nước thì chỉ cần bớt đi vài lễ hội linh tinh, vài cái tượng đài là đủ. Mà lợi ích thì vô giá.
   Vì thế, nhân danh rể Phú thọ, BT đề nghị thời gian giỗ Tổ nên ít nhất là ba ngày.
Đọc thêm!
cái váy quây 
    SG bắt đầu nắng gắt gao. Ban ngày ra khỏi nhà là bà con ai nấy chạy cắm cổ, đồng loạt một kiểu trang phục Nin-ja chống nắng. Từ năm ngoái, chị em mình đi đường có thêm tấm vải quây khúc dưới, hình như cũng gọi là váy. Cái váy này cộng với áo khoác, mũ, kính, khẩu trang, zớ tay, zớ chân…làm cho ông trời phải chịu nhưng cũng làm cho cánh nam giới hoàn toàn không còn biết để sự tơ tưởng vào đâu. 
      May mà mấy cái váy quây còn có màu sắc khác nhau. Nhiều cái hoa văn kiểu cách phết, nhìn kỹ thì cũng…đẹp. 
     Nhưng rồi có tý băn khoăn. Cứ như BT, tuổi đã sồn sồn, ít nhiều đã có cái nhìn sâu xa (!?) thì việc chấp nhận vẻ đẹp qua tầng tầng lớp lớp những tấm váy quây, cũng còn được. Chứ như lớp trẻ bi giờ, không nhẽ cũng vậy a? 
     Nhưng rồi nghĩ tý nữa, thì thấy đúng là chúng nó thiệt thòi thật, làm gì có cơ hội nào đâu. Ra đường thì váy quây, mở TV thì toàn sao tây, sao Hàn, lên mạng thì Avata với photoshop. Vẻ đẹp tự nhiên của phái đẹp, nghe nói, đang được đề nghị đưa vào sách đỏ.         Rất có thể nay mai, các chàng trai chân thật sẽ tỏ tình là: anh rất yêu màu son môi của em, hay màu tóc của em, hay cái váy quây của em…đại loại thế. 
     Mà nếu thế thật thì cũng có sao đâu. Thị hiếu mỗi thời một khác. Chưa kể, có khi phải vậy mới sinh ra được các nhà thơ, tầm cỡ như ông Nguyễn Bính.
Đọc thêm!
cái ách thời gian. Dù còn lưu luyến giao mùa giao mung…nhưng theo phân định rành mạch của ông Người, thì ông Trời cần phải chuyển sang hè. Cũng là cái nắng ấy, hôm qua là cuối xuân, hôm nay là chớm hạ. Bước qua một thời khắc, tự nhiên có sự khác nhau. Ông Người đặt ra mùa nọ mùa kia, nghĩ ra đủ loại lịch âm, lịch dương, đủ loại đồng hồ hiện đại…quả là tiện cho công việc, nhưng cũng tự làm Người rối bời trong cái vòng khắc nghiệt. Thời gian nó đuổi Người, nó vây Người, nó đè Người, nó cướp hết của Người bao niềm vui sống. Giá như Người không nghĩ ra năm, tháng…Người sẽ không có tuổi, Người chẳng bao giờ già, chẳng bao giờ buồn. Người cứ sống chán, rồi chết. Như gió mây cây cỏ vậy thôi. Nhưng bi giờ thì làm sao mà thoát được. Đã sinh ra là ông Người thì phải đeo cái ách thời gian. Thôi thì thỉnh thoảng tạm quên nó đi. OK?
Đọc thêm!
Tết thời đại số 
SG năm nay trời mát. Cây mai ông anh tặng đến mùng bốn mới chịu nở hoa đều khắp, vàng rực. May mà nghỉ dài, cây mai nở muộn vẫn kịp hâm lại một chút không khí tết.

Hôm qua chú em bên vận tải nói chuyện là tàu xe vẫn chạy đều, ngày ba mươi vẫn đông. Mùng hai, mùng ba đông hơn vì người ta rời thành phố đi chơi. Nhiều công ty phải thay nhau trực. Giữa chừng xuân thì giao ca, một số thì hết tết, số khác lại bắt đầu.

Nhiều người than bi giờ tết nhạt, tết loãng. Thì cả chục ngày làm gì mà không loãng. Những năm trước, chuẩn bị tết phải lên lịch như đánh trận. Xăng cộ thực phẩm phải dự trữ, ba ngày tết là thiên hạ đồng loạt nghỉ cả, có sự gì ngồi đó mà khóc. Đi chúc tết thì như chạy sô. Ai cũng cắm cổ ngoài đường, mặt mũi đỏ phừng, vào nhà hớp vội lon bia, làm miếng đặc sản, chúc đôi câu, phát lì-xì cho các cháu nhanh nhanh rồi còn đi chỗ khác. Đã thế vẫn phải tranh thủ đi chơi, đi xem…Sự kiện đậm đặc, vô cùng là bận rộn.

Giờ thì đã khác, thời gian dài, phương tiện sẵn, tết có nhiều lựa chọn. Kẻ về quê, người đi du lịch, số ở lại thì chương trình cũng lung tung cả, mỗi người một ý, không khớp được. Chưa kể những người bận công việc. Sự hào hứng nghe chừng sa sút thật.

Nhưng xã hội là vậy thôi. Cứ luôn luôn biến đổi. Tết thời đại số không còn như  xưa, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra những điều mới lạ.

Có thể sẽ là những kết nối, những chia sẻ vượt không gian.

Có thể  sẽ là những khám phá, những trải nghiệm vượt thời gian.   

Biết đâu chúng sẽ giúp bớt đi những màu mè rườm rà, đưa tết trở về với gia đình, với tình thân, với những niềm vui chân thực.
Đọc thêm!
Nắng đầu mùa

Nắng đầu mùa gay gắt. Buổi trưa đi ngoài đường hai cánh tay rát như phải bỏng, nhưng nhìn sắc nắng chói chang cũng thấy khí thế hơn.

Chợt nhớ đến cái nắng “mới lên” trong thơ Hàn Mặc Tử.

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gần đây có nhiều bài phân tích chỉ ra hình ảnh “mặt chữ điền” của HMT đơn giản chỉ là mặt tấm bình phong phía trước các ngôi nhà xứ Huế xưa, trên đó có khắc chữ “điền”, chứ chẩng phải mặt người.

Nghe có lý phết, nhưng dù có thêm một tỷ bài phân tích thế, thì chín chục phần trăm những thằng đọc thơ vẫn cứ nghĩ đó là khuôn mặt của giai nhân.

Cùng lắm, nếu “ép cung” quá thì chúng cũng công nhận đó là bình phong, nhưng phía sau bình phong phải là người đẹp. 

Ông trời không sinh ra nhà thơ chỉ để tả một cái bình phong vô hồn, nhé.

Đó là “cái lý của người Mèo”, là tiên đề xây dựng nên mọi nền lý luận thi ca đích thực.

Thế giới tư duy và cũng như thế giới vật chất là vô cùng. Nhiều khi khoa học chính xác không cần (hoặc không thể)  giải thích cho Điều-đó có vẻ hợp lý. Điều-đó vẫn tồn tại và có tiếng nói.

Nhân vụ các nhà “ngoại cảm” rởm, mấy hôm nay đài, báo và dư luận phê phán lĩnh vực này ghê quá. BT không ở phía nào, nhưng đoán chắc là mọi việc sẽ qua nhanh vì “ngoại cảm”, dù tên gọi khác nhau, đã có từ ngàn năm. Nhiều nỗ lực ghê gớm hơn còn không xoá được Điều-đó, thì mấy bài báo vừa rồi, chỉ là cái đinh.

Có những việc gần gũi hơn, như việc anh Thanh Chấn tù oan ở Bắc giang. Nói thẳng ra là quá ít hy vọng để những kẻ bỏ tù anh Chấn sẽ bị kết tội đánh đập, ép cung…công cụ pháp luật hiện hành chắc không chứng minh được Điều-đó. Nhưng mọi người đều hiểu Điều-đó đã xảy ra và lên án Điều-đó.

Nhiều lúc những cái “sương khói mờ nhân ảnh” làm khổ chúng ta, nhưng cũng chính nó tạo nên sự hấp dẫn của văn chương, của cuộc sống.


Đọc thêm!
Cuối năm đời sống lên cao
Nhà hàng, khách sạn tuần nào cũng đi
Một ngày ba đám có khi
Thiệp hồng phơi phới, phong bì bay bay…  
Đọc thêm!
Ngày trước, phương tiện truyền thông chưa nhiều như bi giờ, khi có bão cán bộ phải vác loa đi gọi: “a lô, a lô, nhà ông Kèo, nhà bà Cột sao không chịu chằng chống cho kỹ, tối bão vào thì đổ ngay bây giờ”. 

Khiếp chưa, tối mới bão mà nhà thì đổ “ngay bây giờ”. Đối với bà con miền ngoài phải kêu vậy mới ép-phê, vì ngoài đó thường có bão.

Còn dân SG thì ít dính nên hôm rồi mới được một phen nháo nhác. BT cũng hay lên mạng, buổi trưa còn thấy bão ở ngoài biển Ninh thuận, vậy mà nửa buổi chiều đã nghe nhà trường gọi tới rước con gấp vì sắp bão. Hoảng hồn kiểm tra lại thì bão vẫn đó, nhưng có tới mấy cái thông báo cho nghỉ học, rồi tin tức cập nhật chỗ nọ sơ tán, chỗ kia đóng cửa…nên cũng hãi, bỏ về sớm.

Ngoài đường trời vẫn quang đãng, mát mẻ nhưng ai nấy đều hớt hải. Người đi đón con, người chạy về nhà, không ít người tranh thủ ghé mua mì tôm, đèn cầy, người nọ hỏi thăm người kia. Không khí cứ như …sắp bão.      

Nhưng rồi cả buổi tối yên ổn, đêm cũng không bão. May mà gần sáng được trận mưa to, đỡ phí công hồi hộp.

Rồi ông thời tiết lại lên TV giải thích việc bão không vào như dự báo là rất chính xác! Nói chung ngành Gia-cát-dự  xứ mình thường có hai việc tuần tự, đầu tiên là phân tích cho thấy NÓ sẽ xảy ra, tiếp theo là phân tích cho thấy tại sao NÓ không xảy ra. Cả hai lần đều có lý, có tiền…sorry, có tình.     

Quay lại chuyện bão, dù bão không tới nhưng cũng để lại dư âm nhất định. Bà con có dịp bàn luận, coi như là một lúc tạm dừng công việc thường nhật để nhớ về những miền quê gian khó, lớp trẻ thì có thêm trải nghiệm.
Đọc thêm!